Vụ lôn xộn tại Cồn Dầu xảy ra hồi tháng 5-2010


Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) nói đã nhận được đơn xin tỵ nạn của 34 người từ Giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng, trốn khỏi Việt Nam sau vụ lộn xộn hồi tháng Năm.

Vụ lộn xộn xảy ra ngày 04/05 tại khối phố Cồn Dầu, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, trong lễ tang bà Maria Đặng Thị Tân, sinh năm 1918.

Gia đình bà Tân muốn chôn cất bà tại nghĩa trang Cồn Dầu, nhưng chính quyền địa phương nói đã thông báo đây là "khu vực giải toả thuộc Dự án Khu đô thị sinh thái Hoà Xuân, không được chôn cất, nhằm đảm bảo tiến độ của dự án".

Trong vụ này, sáu giáo dân bị khởi tố tội Gây rối trật tự công cộng và Chống người thi hành công vụ. Một giáo dân khác, ông Nguyễn Thành Năm, chết sau khi bị công an bắt.

Sau vụ này, hàng chục người đã trốn khỏi Việt Nam sang Thái Lan xin tỵ nạn chính trị.

Người phát ngôn của UNHCR tại Geneve, ông Andre Mahecic, nói với BBC:

Ông Mahecic: Tôi được biết là vào tháng Sáu năm nay, chúng tôi được thông báo về việc một nhóm người từ Giáo xứ Cồn Dầu tới Thái Lan. Chúng tôi đã đăng ký họ trong hai đợt ngày mùng ba và 21 tháng Sáu.

Tổng cộng chúng tôi tiếp nhận 20 trường hợp, với 34 người. Đó là vì trường hợp xin tỵ nạn có thể là người trong gia đình đi cùng nhau.

Chúng tôi sẽ tổ chức phỏng vấn đợt đầu để xác định tư cách tỵ nạn, xem họ có cần bảo vệ của quốc tế hay không, vào tháng 10 và tháng 11 tới.

Chúng tôi đang phải giải quyết nhiều trường hợp nên phải sắp xếp lịch dựa trên sự cấp thiết của các trường hợp xin tỵ nạn.

BBC: Chúng tôi được tin rằng họ đang lẩn trốn ở một số nơi và không thể xuất đầu lộ diện do quan ngại gặp rắc rối với nhà chức trách sở tại.

Ông Mahecic: Điều đó cũng không lạ, vì theo luật xuất nhập cảnh của Thái Lan, những người xin tỵ nạn ở các thành phố có thể bị bắt giữ vô thời hạn. Bởi vậy cũng dễ hiểu nếu họ muốn lẩn trốn và tránh né sự chú ý trong quá trình tìm kiếm trợ giúp của UNHCR.

Con số của chúng tôi là khoảng 14% những người đang chờ xin quy chế tỵ nạn, kể cả trẻ em, đang bị cảnh sát Thái Lan giam giữ.

Chúng tôi đang hợp tác với nhà chức trách Thái Lan về chủ đề này nhưng những gì là luật pháp của nước sở tại thì chúng ta buộc phải tuân thủ.

BBC: Thưa ông, những người Việt Nam này đã tới Thái Lan từ tháng Sáu, mà tới tận tháng 10 họ mới được phỏng vấn. Liệu thời gian chờ đợi như vậy có quá dài không, khi mà họ gặp nguy cơ bị bắt và phải lẩn trốn.

Ông Mahecic: Hiện ở các thành phố của Thái Lan có khoảng 2.100 người đang chờ để xin tỵ nạn. Thông thường họ trông đợi được đi định cư ở một nước thứ ba.

Quá trình thẩm vấn, điều tra quy chế tỵ nạn kéo dài chừng nào chúng tôi thấy cần thiết. Mục tiêu là để xác định xem người xin tỵ nạn có đúng là cần được quốc tế bảo vệ hay không.

Có đầy đủ quy định về quá trình này, cũng như các tiêu chuẩn cần thiết. Tôi xin khẳng định rằng quá trình xem xét rất nghiêm túc có chuẩn mực và do vậy không thể nhanh chóng được.

BBC: Năm ngoái có một số trường hợp người Thượng ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam khiếu nại với chúng tôi rằng UNHCR đã "không giúp đỡ" họ, thậm chí gạt bỏ hay không công nhận những bằng chứng mà họ đưa ra. Ông nói thế nào về cáo buộc này ạ?

Ông Mahecic: Tôi không thể bình luận về các trường hợp cụ thể, nhưng điều mà tôi có thể khẳng định một lần nữa là mọi việc của chúng tôi đều theo thủ tục và quy định rõ ràng.

Không phải tất cả các đơn xin tỵ nạn đều có lý do chính đáng và đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là xác định xem ai thực sự cần được sự bảo trợ của quốc tế.

Tôi cũng xin bảo đảm rằng tất cả các trường hợp đều được xem xét kỹ càng và ngay cả khi đơn xin tỵ nạn bị bác thì người làm đơn cũng có thể khiếu nại xem xét lại.

BBC: Riêng với số giáo dân Cồn Dầu, chúng tôi được biết đã có các vận động từ chính giới Hoa Kỳ ủng hộ cho họ, và họ cũng là các tín đồ Công giáo. Các yếu tố đó ảnh hưởng thế nào tới quá trình xem xét đơn xin quy chế tỵ nạn của họ, thưa ông?

Ông Mahecic: Tôi không nghĩ việc vận động hành lang có ảnh hưởng.

Nhiệm vụ của chúng tôi là nhận dạng những ai đang bị nguy cơ truy bức, hãm hại, cần được che chở vì chính kiến, vì chủng tộc, hay vì thuộc vào một nhóm tôn giáo nào đó... dựa trên những nguyên tắc của Công ước Quốc tế về tỵ nạn năm 1951. Trong đó có những tiêu chí rất rõ ràng.

Thông qua quy trình các cuộc thẩm vấn, điều tra kỹ lưỡng để xem xét tất cả các bằng chứng có thể, chúng tôi ra quyết định về quy chế tỵ nạn cho người làm đơn hoặc bác đơn của người đó.

Quy trình này nhằm tránh sai phạm trong việc xét đơn.