Tin từ hãng CNA (22/08/2010) - Ngày mai Thứ Hai, 23 Tháng Tám năm 2010, Liên Minh Âu Châu sẽ đánh dấu năm thứ hai tổ chức "Ngày Tưởng Niệm Các Nạn nhân của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Phátxít”, nhằm tôn vinh những người bị mất mạng sống mình dưới các chế độ toàn trị.

Hàng triệu người Công giáo, Chính Thống giáo Đông Phương và Tin Lành nằm trong số những nạn nhân được tưởng nhớ. Đã có hàng chục nạn nhân của cả hai chế độ Phátxít và Stalin đã được phong chân phước hoặc phong thánh bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, vì cả hai vị giáo hoàng này đều có kinh nghiệm sống dưới thể chế độc tài toàn trị.

Một Hồng Y Tổng Giám Mục của giáo hội Ba Lan, Đức Augustine Hlond, mô tả hậu quả của cuộc xâm lược mà Đức quốc xã tiến hành với Ba Lan năm 1939 rằng: "Giáo Hội đã biến thành một cái garage tại Pelplin; Tòa Giám Mục thì thành một nhà hàng, các nhà nguyện thì thành phòng khiêu vũ. Hàng trăm nhà thờ bị đóng cửa, hầu hết các di sản của Giáo Hội bị tịch thu, và những người Công giáo xuất sắc bị hành hình".

Terese Schwartz, một nhà nghiên cứu người Do Thái ước tính rằng, có khoảng ba triệu người Công giáo Ba Lan đã chết trong tay chế độ Đức Quốc xã. Tên Heinrich Himmler, giám sát của Nazi SS (còn gọi là Schutzstaffel - một lực lượng tay sai của Đức Quốc xã - người dịch) trong Đệ Nhị Thế Chiến đã hô hào đòi xoá sổ "mọi người dân Ba Lan". Mục tiêu chiến lược của hắn rõ ràng là nhắm vào các nhà lãnh đạo của đất nước và các tổ chức trung ương, trong đó có Giáo hội Công giáo.

Ông Thomas Craughwell, một tác giả và cũng là nhà xuất bản, trong một bài viết năm 1998 về các nạn nhân ngoài Do Thái giáo của chủ nghĩa phátxít có tiêu đề "The Holocaust Gentile", đã mô tả các trại tập trung tại Dachau là "đồi Can-vê của ít nhất 2.600 linh mục Công giáo từ 24 quốc gia". Ông nói, nếu thống kê đầy đủ thì con số người Công Giáo chịu đau khổ tại Dachau "sẽ phải kể đến các linh mục, cách riêng, đã bị bỏ đói và lao động cho đến chết, và là nạn nhân của các thí nghiệm y tế”.

Theo hãng AFT, vào năm ngoái, ngày lễ vừa được công nhận này của Âu Châu ngầm ám chỉ đến Liên bang Xô Viết cùng với Đế chế Thứ Ba đã gây tranh cãi ở nước Nga đương đại. Tuy nhiên, theo Bách khoa Brittanica, 20 triệu người Nga và công dân khác của đế quốc Liên Xô đã chết trong trại giam của chính phủ hoặc bị bỏ đói và hành quyết theo cơ chế của Joseph Stalin. Trong thời gian ông ta lãnh đạo Liên Xô, 14 triệu người đã bị giới hạn trong hệ thống các cơ sở lao động được gọi là Gulag.

Người Công giáo sống trong vùng lãnh thổ của Liên Xô đã bị chính quyền loại trừ hoặc bị khủng bố vì đức tin của họ, và lập trường nhất quán của Giáo Hội là chống lại chủ nghĩa cộng sản vô thần. Cha Christopher Zugger, một linh mục Công giáo Byzantine đã từng viết rất nhiều về hoàn cảnh của người Công giáo dưới chủ nghĩa cộng sản, họ được mô tả như thế này trong nhà tù Gulag: "bị thẩm vấn, tra tấn, đưa vào biệt giam, làm vật thí nghiệm và đi làm việc khổ sai tại các nhà máy."

Theo các thành viên của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina thì vào năm 1999, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng, các vị tử đạo của thế kỷ 20 "biết sự thật, và sự thật đã cho họ tự do”. "Kitô hữu ở Âu Châu và trên toàn thế giới," ngài nói tiếp, "phải tạm ngưng cầu nguyện trước các trại tập trung và nhà tù, nhưng họ tạ ơn vì ánh sáng họ nhận được: đó là ánh sáng của Chúa Kitô, khiến họ được chiếu tỏa ngay trong bóng tối. Trong nhiều năm dài, dường như phổ biến một loại bóng tối bao quanh con mắt của thế giới, nhưng nó đã không thể dập tắt ánh sáng đó, ánh sáng của Thiên Chúa và ánh sáng của con người, tuy bị xúc phạm nhưng không chịu khuất phục".