LẮNG NGHE ĐỂ NHẬN RA THÁNH Ý CHÚA

Đức Giêsu vào nhà Betania. Ở nơi đó có những người thân là Matta, Maria và Lazaro. Những con người thiện chí luôn hết mình cho việc truyền giáo và nhất là hết lòng thể hiện lòng kính mến với Thầy chí thánh là Đức Giêsu.

Hai chị em Matta và Maria bày tỏ lòng kính mến Đức Giêsu. Matta bày tỏ lòng kính mến trong cung cách của một chủ nhà hiếu khách đón Thầy với tất cả sự bận rộn và nhiệt tình mà mình có thể biểu lộ được. Còn Maria thì lại ngồi dưới chân lắng nghe Thầy chia sẻ. Đức Giêsu không bảo “Người này tốt” hay “Người kia xấu” nhưng Ngài so sánh hai thái độ mà Ngài rất hiểu lòng kính mến của họ và Đức Giêsu đã đưa ra nhận xét về thái độ tốt nhất. Đó là cách thức của Maria. Chúng ta tìm hiểu điều tốt nhất của Maria đó là điều gì? Chính là lắng nghe lời Chúa. Nếu Matta là biểu trưng về cung cách hoạt động cho các chương trình Công Giáo tiến hành của Giáo Hội thì Maria biểu trưng cho đời sống chiêm niệm chiều sâu. Giáo Hội vẫn có cả hai hoạt động: Hoạt động tông đồ và chiêm niệm chiều sâu. Nhưng tại sao Đức Giêsu đề cao việc lắng nghe, việc chiêm niệm? Là bởi vì tìm hiểu thánh ý Chúa là một điều hết sức quan trọng trong đời sống Đức Tin. Khi sứ thần của Thiên Chúa đến báo tin cho Abraham: “Bằng giờ này sang năm bà nhà ông sẽ sinh cho ông một người con trai” thì Sara đã bật cười. Bà bật cười vì bà suy nghĩ rất nhanh và rất loài người rằng: “Tôi đã già và ông nhà tôi đã lão mà tôi còn tìm lạc thú nữa sao?” (x.St 18, 6-10). Phải một năm sau bà mới thấy lời của thiên sứ báo cho bà là hiện thực. Như vậy là bà Sara đã không chịu lắng nghe nên mất một năm qua đi bà mới nhận ra ý Chúa.

Việc lắng nghe để nhận ra thánh ý Chúa không phải là dễ. Louis Gonzaga khi còn nhỏ đã được các giáo sư đưa ra một câu hỏi trắc nghiệm: “Nếu các con biết là còn 5 phút nữa tận thế thì các con sẽ làm gì?” Câu hỏi đưa ra bất ngờ vào lúc giờ ra chơi. Có em trả lời: “Con sẽ chạy vào nhà thờ cầu nguyện”; có em thưa rằng: “Con sẽ đi xưng tội”; Em khác trả lời: “Con sẽ chạy về nhà vì có ba má con ở nhà cho con đỡ sợ hãi”… Còn Louis Gonzaga trả lời: “Con vẫn cứ chơi”. Các giáo sư ngạc nhiên hỏi lại: “Tại sao con cứ chơi được?”. Louis thưa: “Vì giờ này ý Chúa muốn con chơi, con cứ làm việc theo thánh ý Chúa”. Câu trả lời được coi là hay nhất!.

Việc lắng nghe để nhận ra thánh ý Chúa nhiều khi đòi hỏi người ta phải biết cầu nguyện, phải giữ một tâm hồn thanh tĩnh và phải biết tập trung cao độ để nhận ra được thánh ý Chúa. Đức cố Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, khi ngài bị bắt giữa lúc đang tiến hành những công việc của giáo phận như mở Đại Chủng Viện, các dòng tu, các khoá huấn luyện… Toàn là những công việc quan trọng để đánh dấu cho một sự phát triển của một giáo phận. Ngài bị bắt. Ai sẽ là người kế nhiệm cho ngài? Và người ta sẽ hoạt động thế nào đây? Ngài lo lắng ngày này qua ngày khác. Nhưng rồi cũng chính ngài tâm sự: “Cho đến một ngày tôi nhận ra rằng: Tất cả những gì tôi đang lo lắng là việc của Chúa. Còn lúc này đây Chúa muốn cho tôi tìm chính ý Chúa. Tôi đang làm việc cho Chúa, thì tại sao lại lo lắng những công việc của Chúa. Nếu đã đạt được ý Chúa thì công việc của Chúa khắc có người lo”. Và từ lúc ấy Đức cố Hồng y Thuận được bình an. Ngài chỉ tìm ý Chúa, còn công việc của Chúa thì người này lo, người khác lo và Chúa quan phòng luôn tiếp tục.

Việc lắng nghe và tìm thánh ý Chúa cũng là một vất vả, một khám phá chiều sâu. Đúng như Đức cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn văn Thuận đã nhận định “Không phải Maria ngồi yên dưới chân Chúa vì làm biếng. Phúc Âm không phong thánh cho người làm biếng. Maria chọn phần tốt nhất: nghe Chúa nói, để Lời Chúa thấm tận tâm can, lay chuyển mình, làm việc trong mình. Có gì hoạt động bằng sự lột xác, sự biến đổi ấy?” (ĐHV 147).

Hai cách thể hiện khác nhau giữa Matta và Maria. Với Matta là tất bật, vội vã và hiếu khách, một việc không thể thiếu được trong hoạt động của Giáo Hội nhưng nếu so sánh việc Maria đi tìm thánh ý Chúa thì Maria vất vả hơn nhiều, có chiều sâu hơn nhiều và cả việc mất thời gian nhiều hơn cả những hoạt động rầm rộ bên ngoài. Cho nên Đức Giêsu không bảo Matta xấu, Maria tốt. Nhưng trong hai cái tốt thì Maria chọn phần tốt hơn vì đã nhận ra thánh ý Chúa trong lắng nghe và trong chiều sâu. Có nhiều thái độ lắng nghe:

- Đức Maria lắng nghe sứ thần Gabriel truyền tin và thắc mắc với một câu hỏi “Việc ấy xảy ra như thế nào được?”.

- Ông Dacaria, cha của Gioan Tẩy Giả, cũng đặt câu hỏi “Việc ấy xảy đến thế nào được?” xem ra giống câu hỏi Đức Trinh nữ Maria đã hỏi sứ thần. Nhưng hai thái độ khác nhau dẫn đến hai kết quả khác nhau:

- Đức Maria, ngay sau đó đã vội vã lên miền núi gặp bà Elizabeth để thốt lên lời kinh Manificat, hoà vang khúc cảm tạ với những ai đang mang trong mình ơn cứu độ như chính Đức Maria đã cảm nhận trong lúc lắng nghe;

- Ông Dacaria ra ngoài Đền thờ thì bị câm cho đến khi bà Elizabeth sinh Gioan Tẩy Giả, lưỡi của ông mới được thoát lên và ông chúc tụng Thiên Chúa.

Việc lắng nghe để nhận ra thánh ý Chúa là việc quan trọng mà mỗi ngày người Kitô hữu chúng ta đang được mời gọi. Mỗi sáng thức dậy, chúng ta được mời gọi tới bàn tiệc Lời Chúa để lắng nghe “Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chân con, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105). Cho nên, đến với bàn tiệc Lời Chúa là đón nhận ánh sáng soi đường cho chúng ta đi, định hướng cho cuộc đời của chúng ta. Nếu ngày nào chúng ta cũng đến được với bàn tiệc Lời Chúa, cũng lắng nghe, đón nhận và thực hành, thì Lời Chúa là sự khôn ngoan, là ánh sáng soi đường cho chúng ta không sợ bị sai lạc. Mỗi một ngày người Kitô hữu được mời gọi lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam. Trong những lúc ta gặp những người mà ta căm phẫn, ta trút hận thì ta hãy nhớ lời Chúa: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bắt bớ các con”(Mt 5,44). Khi chúng ta gặp những cảnh bắt bớ, mất mát, chúng ta nhớ lời Chúa dạy “Hãy tìm sự công chính và Nước Đức Chúa Trời trước, mọi sự khác Chúa sẽ thêm cho”(Mt 6,33). Chúa không bớt nhưng Chúa sẽ thêm cho.

Lời Chúa là kim chỉ nam. Chúa hướng dẫn cho chúng ta khi chúng ta biết lắng nghe và đón nhận thánh ý Chúa. Với tất cả những gì mà thế giới hôm nay thể hiện, chúng ta nhận thức ra rằng thế giới đang quay cuồng, thế giới mắc phải Stress, thế giới không biết lắng nghe. Thế giới hôm nay có nhiều những việc có thể nói là sự điên rồ. Như thánh Phaolô đã cảnh báo: “Tai họ ngứa ngáy không chịu lắng nghe lời chân lý” (2Tm 4,4). Đó là nguyên nhẫn dẫn đến những việc làm, những căn bệnh của thời đại. Phải chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người. Đúng là chúng ta phải lặp lại lời Kinh Thánh: “Phải chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Người. Các ngươi đừng cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.”(Tv 95, 7-9). Phải chi thế giới hôm nay cũng biết nghe tiếng Người và sẽ không có những hành động điên rồ, không có những bệnh của thời đại, không có sự thất thoát và không có nền văn minh của sự chết.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho chúng con thấy rằng:
Lắng nghe Lời Chúa là phần tốt nhất và không ai lấy mất được
Giữa một thế giới sa đoạ và cuồng loạn này,
chúng con nhận ra Lời Chúa
là ánh sáng soi đường cho chúng con đi.
Giữa những âm thanh hỗn độn, quay cuồng,
chúng con nhận ra tiếng của tình yêu,
tiếng của ơn cứu độ vẫn đến với chúng con
và đem lại cho chúng con niềm hạnh phúc.
Giữa một thế giới đảo lộn,
chúng con cân bằng cuộc sống của chính mình
Giữa một thế giới chiến tranh và bạo lực
Chúng con bình an trong tâm hồn và trong cuộc sống
Giữa những nền văn minh của sự chết
khiến cho con người luôn phải sống nơm nớp trong lo âu
Chúng con hạnh phúc trong bình an của ơn Chúa ban.
Tất cả là nhờ chúng con lắng nghe và nhận ra ý Chúa.
Xin cho chúng con biết nhìn vào Đức Maria
để chúng con học được ý Chúa trong lắng nghe,
ý Chúa trong khiêm nhường và ý Chúa của ơn cứu độ. Amen.