BẢN ĐÚC KẾT CUỘC XƯỚNG HỌA

TÔN VINH MẸ MARIA VÀ CỔ VÕ ĐOAN HỨA KHIẾT TỊNH


Cuộc xướng họa được phát động từ lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 08-12-2009, và kết thúc vào lễ Truyền Tin, 25-3-2010. Kết quả ngoài dự phóng của người khởi xướng. Ở đây chúng tôi xin đúc kết một số nét mang tính phân tích. Phần nhận định tổng hợp, xin đọc bài đính kèm của nhà thơ Cao Huy Hoàng.

1. ƠN CHÚA VÀ SỰ THAO THỨC CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA

Anh Cao Huy Hoàng đã dựa trên các bản tin theo dõi mà ai cũng biết để đúc kết cho thấy cuộc xướng họa là một công cuộc của ơn Chúa. Từ góc độ người nhận bài và giới thiệu, chúng tôi còn thấy được sự quan tâm và thao thức lớn lao của tập thể Dân Chúa, cụ thể hóa nơi sự giúp đỡ nhiệt tình của truyền thông Công giáo. Thay vì gởi đến mỗi Ban Biên Tập một email, chúng tôi gởi theo một danh sách undisclosed, nhưng vẫn được đón nhận cách ưu ái và giới thiệu nhanh chóng. Các vị đã coi như việc của mình. Một số websites không trực tiếp nhận được bản tin của chúng tôi nhưng đã đều đặn trích lại từ các trang khác.

Ngày 22-3-2010, hộp thư gopnhattho@yahoo.com nhận được một bài họa mới kèm với lá thư sau đây:

Kính Quý Cha

Con vẫn theo dõi cuộc thi xướng hoạ thơ Đường luật tôn vinh Mẹ Maria, từ bài xướng đầu tiên của Cha Thi sĩ Trăng Thập Tự cho đến ngót ngét 500 bài hoạ, và rất đồng cảm đồng tình với cuộc chơi rất văn hoá và thánh thiện này. Xin chúc mừng Quý Cha về sáng kiến và sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhiều người. Kính chúc Quý Cha luôn kiên nhẫn và hăng say để tiếp tục dùng khả năng Chúa ban mà phục vụ Hội Thánh Chúa trong lãnh vực đặc biệt này, với những sáng kiến mới trong tương lai, đặc biệt hướng về Giới Trẻ.

Sắp đến Lễ Truyền Tin, và cũng là thời điểm kết thúc cuộc chơi, con xin mạo muội góp vào sân chơi một bài hoạ, và mong là bài hoạ cuối cùng, để hoà giọng cùng anh chị em mình tôn vinh Đức Nữ Đồng Trinh nhân ngày Lễ Truyền Tin. Xin Quý Cha đón nhận. Cám ơn Quý Cha.

SEN THÁNH

Trần gian tội lỗi ngập bùn đen,
Thiếu nữ Sion, một đoá sen.
Đẹp lòng Thiên Chúa, câu trinh khiết,
Thoả dạ nhân trần, lời chúc khen.
Trịnh trọng “Kính Chào”, ngôi thiên sứ,
Khiêm tốn “Xin Vâng”, phận tớ hèn.
Cõi lòng vẹn sạch nên Cung Thánh,
Duyên Đất, Tình Trời đã đan chen.


+ Giuse Châu Ngọc Tri
Giám mục Đà Nẵng.


Không riêng ban tổ chức, chắc hẳn độc giả bốn phương ai cũng ngạc nhiên thích thú khi thấy có một Giám mục tham gia xướng họa, mà thơ lại rất hay. Qua thư riêng, điện thoại và những lần gặp gỡ, nhiều vị giám mục đã ưu ái khích lệ cuộc thi. Bài thơ và lá thư của Đức Giám Mục Đà Nẵng có thể coi như gói ghém tâm tình ưu ái chung của các mục tử đối với giới trẻ.

Sau bài thơ của Đức Cha Đà Nẵng, cho đến khuya 25-3 còn thêm 20 bài của 12 tác giả, trong đó có 6 tác giả mới.

2. CUỘC GẶP GỠ LÝ THÚ

Những con số:

- 541 tác phẩm: 502 bài họa thơ (cả những bài không đánh số), 19 bài văn xuôi (8 bài bình thơ, 8 bài chia sẻ, 1 truyện ngắn, 2 bài khảo cứu), 3 bài nhạc, 15 họa phẩm, 1 pps. Tổng cộng 379 trang giấy A5.

- 124 tác giả: có cả giáo dân, chủng sinh, tu sĩ, nữ tu, linh mục và giám mục, từ những bạn trẻ ở độ tuổi 20 (Lê Miên Ca, Trì Thanh Phong và có thể một số bạn khác) đến những vị rất cao niên 86, 90 và 92 tuổi (cụ Mai Xuân Trình, cụ Vân Uyên và cụ Thế Kiên Dominic).

Có 52 vị chỉ tham gia 1 bài; 16 vị 2 bài; 8 vị 3 bài; 9 vị 4 bài; 10 vị 5 bài; 6 vị 6 bài; 4 vị 7 bài; 4 vị 8 bài; 4 vị 9 bài; 1 vị 11 bài; 2 vị 12 bài; 1 vị 16 bài; 1 vị 23 bài; 1 vị 27 bài; 1 vị 35 bài và 1 vị 39 bài.

3. GIÚP NHAU HỌC HỎI VÀ THĂNG TIẾN

Cha Lê Quang Uy sợ sẽ ít có ai họa đúng luật thơ Đường cho nên ngay từ đầu đã đổi hai chữ cuộc thi thành cuộc chơi. Theo yêu cầu của cha Uy, một bản tóm tắt luật thơ thất ngôn bát cú và mấy ví dụ về xướng họa đã được đính kèm. Nhờ đó, dù nhiều người cho biết đây là lần đầu làm thất ngôn bát cú, từ bài 7, ít còn bài nào lạc vận.

Sau đó, Ban tổ chức còn gởi thêm hai bài viết của Đoàn Xuân Dũng và Bùi Nghiệp, đồng thời quy định rằng các tác giả được quyền sửa bài và gởi lại trước khi hết hạn gởi bài vào cuối ngày 25-3. Từ khái niệm ban đầu chỉ đòi đúng 5 vần, dần dần thêm sát luật bằng trắc, đối chỉnh, rồi đến những thủ pháp cao cấp của Đường thi như thận nghịch độc… những vị tham dự nhiều bài cho thấy ngày càng thêm cao tay nghề,

Đáp ứng nhu cầu thăng tiến của những cây bút mới làm quen với thơ Đường, ban tổ chức đã nhờ nhà thơ Cao Huy Hoàng góp ý cho những ai muốn và giúp sửa cho mỗi vị một bài. Có 17 tác giả đã viết thư nhờ CHH giúp. CHH không những giúp tập làm chủ luật bằng trắc mà còn gợi ý cách viết cái mới trên nền cũ. Tinh thần khiêm nhường và cầu tiến của các tham dự viên thật đáng mến phục.

Sau khi phát hành bản tin áp chót, tác giả Martin Vũ đã khiếu nại vì đã gởi bài mà không thấy giới thiệu. Lm TTT trích lại bài thơ anh đã gởi và giải thích: “Tôi có nhận được bài sau đây của anh. Nguyên tắc tối thiểu của việc họa bài thất ngôn bát cú là phải dùng lại đúng năm vần theo thứ tự: đen, sen, khen, hèn, chen. Chúng tôi đã lưu ý điều này ngay từ những thông báo đầu. Những bài không đạt yêu cầu sơ khởi ấy chúng tôi đều gởi lại xin tác giả chỉnh sửa cho đạt yêu cầu rồi mới giới thiệu. Nếu không lầm thì chúng tôi cũng đã hồi âm cho anh với yêu cầu như thế nhưng cho đến nay chưa nhận được bài sửa. Nếu anh đã gởi thì có thể thư bị lạc, xin vui lòng gửi lại.” Sau vài ngày, tác giả đã gởi bài mới sửa với những dòng thư như sau: “Con xin gửi bài Con đã sừa xin Cha thương chỉ dẫn con thêm, Con xin chân thành cám ơn Cha. Martin Vũ.”

Khác với thành kiến xưa nay rằng các văn nghệ sĩ đều phóng túng, qua phong cách dự thi, nói chung các tác giả của chúng ta đều chấp hành luật chơi rất tốt.

4. THƠ ĐƯỜNG VÀ THƠ MỚI

Lê Miên Ca, một trong hai tác giả trẻ nhất, viết:

“Con chưa bao giờ viết thể loại thơ này cả Cha ạ. Con học luật của nó, rồi tập tành viết, mãi hai tháng trời mới hoàn thành hai bài này trong tâm tình cầu nguyện và yêu mến biết chừng nào. Đến ngày cuối con mới dám gửi, Cha đọc và cho con ý kiến nhé.”

Lê Miên Ca đã gởi tổng cộng 4 bài.

Hoặc như Nguyễn Vũ Minh Phúc: “Cha ơi cho con gửi lại bài thơ này thay cho lần gửi trước, dù vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức, nhưng con cố gắng giảm thiểu thiếu sót và biết mình vẫn bị giới hạn trong văn thơ. Vì con là kỹ sư Tin học, không phải nhà văn nhà thơ. Xin Cha thông cảm.” Bài Minh Phúc gởi không phải là bài họa nhưng đã theo luật thất ngôn bát cú khá chuẩn:

BƯỚC THEO MẸ

Hôm nay mồng tám tháng mười hai
Mừng Mẹ đầy phúc như Ngôi Hai
Quyết theo chân Mẹ con tiến bước
Dù bao cay đắng lắm chống gai
Xin Mẹ dìu con để con bước
Tình Mẹ thương con với tình Ngài
Cùng Mẹ yêu người con khấn nguyện
Quốc thái dân an đến ngày mai.

Cùng với những người mới làm quen với Đường luật, kinh nghiệm của Ca và của Minh Phúc cho thấy việc ép mình vào những khuôn khổ không phải là bất khả. Năm vần cố định với nhịp nhạc bằng trắc cũng gần như cố định, mà họ vẫn làm được. Kinh nghiệm này có lẽ rất đáng cho những nhạc sĩ có giai điệu hay mà ca từ quá yếu. Việc dùng luật thơ thất ngôn bát cú để diễn tả những tình ý mới có thể giúp người viết ca từ nắm vững việc chọn lọc ý tưởng, hình ảnh, từ ngữ và cách đặt câu…

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong những bài thơ Đường tham gia cuộc chơi xướng họa ngồn ngộn biết bao ngôn từ nhà Đạo. Mỗi bài mỗi vẻ. Như một dàn hợp xướng, đồng thanh cao rao danh Chúa, đồng thanh ca tụng Mẹ Maria, đồng thanh nêu cao nhơn đức khiết tịnh.

Dù vậy, vẫn có một số tác giả không chịu nổi sự gò bó của luật tám câu bảy chữ. Như Phạm Huyền Đan: “Con quyết định sẽ tiếp tục làm.. thơ, nhưng không để dự thi nữa, vì luật chơi của Cha quá "ép" hứng thơ đấy !!!” Cũng như Minh Phúc, bài “Thơm Sen” của Phạm Huyền Đan cũng rất Đường luật, dù chưa đáp ứng được việc họa đúng năm vần:

Qua cầu dừng bước ngắm hoa sen,
Sắc hương ngào ngạt giữa bùn đen.
Yêu hoa trinh tuyết như ánh sáng,
Thương người đức hạnh tựa muối men.
Không nghĩa phu thê, không trao phận,
Chưa nên vợ chồng, chưa gối chăn.
Em gái, anh trai, cùng cảnh giác,
Trái cấm chết người thuở Ê-đen !

Con số tác giả tham gia họa thơ Đường đợt này đã hơn 120 vị. Biết bao vị khác có thể làm thất ngôn bát cú mà không tham gia xướng họa. Số những người chỉ quen làm thơ mới chắc hẳn còn đông hơn tổng số hai nhóm trên…, rồi số người thưởng thức thơ, càng đông hơn gấp bội… Cùng lúc, sự kiện chỉ có 19 bài văn xuôi tham dự cũng phản ảnh một thực trạng đáng lo: số người viết văn xuôi nơi Dân Chúa nay rất hiếm.

Những thư từ trao đổi trong cuộc xướng họa cho thấy những người sáng tác thơ văn Công giáo có một nhu cầu rất lớn cần đổi trao gặp gỡ.

5. CÂU LẠC BỘ GẶP GỠ TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Mấy năm qua, Mạng Lưới Dũng Lạc đã tạo thêm sân chơi cho các tác giả, cách riêng là các tác giả trẻ, trao đổi tác phẩm. Chuyên san Đồng Xanh Thơ cho các bạn thơ đến nay đã phát hành số 46. Chuyên san Vườn Ôliu dành cho truyện ngắn và văn xuôi phát triển chậm hơn. Trong thời gian cuộc xướng họa, đã có cuộc họp mặt các tác giả Đồng Xanh Thơ và Vườn Ôliu lần thứ hai tại Tòa Giám Mục Phan Thiết, ngày 20-01-2010. Ghi nhận từ khắp nơi cho thấy lớp trẻ Công giáo cầm bút hiện nay rất hiếm. Trong số khoảng 100 tác giả ĐXT và VOL, chỉ có khoảng 10 người dưới 35 tuổi. Các tham dự viên cuộc họp mặt đã hạ quyết tâm thành lập những câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo ở cấp giáo phận và cả đến các giáo hạt để quy tụ và nâng đỡ các tài năng trẻ. Ngày Nguyên Tiêu Canh Dần, Câu Lạc Bộ Sáng Tác Thơ Văn Công Giáo ĐXT Sài Gòn đã ra mắt. Một số nơi khác như Nha Trang, Phan Thiết, Xuân Lộc, Đà Lạt và Qui Nhơn đang chuẩn bị…

Để tạo thuận lợi cho việc hình thành các câu lạc bộ, Ban tổ chức cuộc xướng họa sẽ gởi quà tặng đến quý tham dự viên theo khu vực. Các vị ở cùng khu vực sẽ được mời đến nhận quà vào cùng một ngày giờ tại một địa điểm thuận lợi để có thể cùng gặp gỡ tọa đàm. Chúng tôi ước mong sẽ có thêm những ân nhân tặng tác phẩm làm quà cho các tham dự viên. Mỗi lần nhận quà tặng mới sẽ là một dịp để các tác giả ở gần nhau gặp gỡ nhau.

Theo hướng ấy, xin quý tham dự viên chưa cho chúng tôi địa chỉ nhà và số điện thoại, xin vui lòng bổ sung.

6. LÒNG YÊU MẾN ĐỨC MẸ

“Về Mẹ Maria, nói mãi không hết”. Nhà thơ Hàn Mạc Tử đã lưu danh với bài ngợi ca bất hủ Thánh Nữ Đồng Trinh Maria. Các tác giả tham gia cuộc xướng họa cũng cho thấy Mẹ Maria là một nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca. Cuộc xướng họa đã là một “cơ hội tập suy tư về Mẹ Maria” (thư tác giả Bạch Vân).

Nhiều thơ kèm theo thư chia sẻ tâm tình được gói ghém trong hai câu của tác giả Michel Le:

Chẳng dám đua tranh cùng bằng hữu
Xin dâng lên Mẹ chút tình con.

Khi ca tụng đức khiết tịnh, các tác giả không chỉ nói đến Mẹ Maria, mà còn ca tụng thánh cả Giuse, một số vị thánh khác và nhắc đến đủ các mầu nhiệm trong Đạo, các lễ phụng vụ, cuộc thương khó của Chúa Kitô và của Dân Ngài. Điều đó cho thấy cuộc phấn đấu để sống Đức Khiết Tịnh không thể là một cuộc chiến lẻ loi nhưng cần đặt trong toàn cảnh Nhiệm cục cứu rỗi và toàn bộ đời sống Kitô hữu.

7. TÁN DƯƠNG ĐỨC KHIẾT TỊNH

“Không phải ai trong số những người tham gia cuộc thi này, cách riêng những người trẻ (con là 1 ví dụ) cũng là những người quen với việc cầm bút, chứ chưa nói đến sử dụng nó như là sự nghiệp cuộc đời. Mỗi người một hoàn cảnh, một sự nghiệp với bao trách nhiệm công việc. Con thiển nghĩ quý tác giả đến với sân chơi này không đơn giản chỉ vì thích thơ ca, hay thử sức với thơ Đường luật để đoạt giải, nhưng vì thao thức băn trước thực trạng của cuộc đời, làm sao để có thể đưa phong trào “ĐOAN HỨA GIỮ GÌN KHIẾT TỊNH TRƯỚC HÔN NHÂN” đi vào lòng người, cách riêng tâm hồn giới trẻ.” (Thư của tác giả Đình Chẩn)

Cuộc xướng họa kết thúc vào một thời điểm đầy kịch tính. Năm Phụng vụ đã tới những ngày chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, người ta vu khống Chúa Giêsu và âm mưu đủ cách để ám hại và loại trừ Ngài. Đang khi đó tại Mỹ, để hỗ trợ kiếm phiếu cho đạo luật y tế phò phá thai đang bị các Giám mục Công giáo phản đối, người ta tìm cách bôi nhọ và triệt hạ uy tín của Giáo Hội Công Giáo bằng một chiến dịch vu khống điên cuồng về chuyện lạm dụng tình dục của một số các giáo sĩ. Bản tin CNA ngày 24-3-2010 viết:

“Trên tờ Politics Daily, một nhà văn Công Giáo nổi tiếng, Bà Elizabeth Lev, tố cáo trước công luận rằng: tuy những lạm dụng là có thật, nhưng những hình thức chống giới tu sĩ ngày nay phản ảnh những vụ vu khống trước thời Cách mạng Pháp. Đã đành là có những sai trái và tai hại gây ra bởi một thiểu số nhỏ các linh mục, nhưng hành vi sai trái của họ đã được sử dụng để làm giảm danh tiếng của đại đa số các giáo sĩ, là những người đang sống một cuộc sống thánh thiện âm thầm trong giáo xứ của họ.

"Những lỗi phạm lẻ tẻ của một số giáo sĩ đã được phóng đại lên như thể sự đồi bại ấy là đặc thù của toàn thể các linh mục… Bà Lev tố cáo rằng những báo cáo về lạm dụng tình dục được trình bày như thể là tội phạm ấy chỉ giới hạn trong hàng giáo sĩ Công giáo. Họ đã thổi phồng lớn hơn cả những vụ thảm sát các Kitô hữu tại Ấn Độ và Iraq.

Theo bà Lev, ước tính có 39 triệu trẻ em ở Mỹ là nạn nhân bị lạm dụng tình dục, khoảng gần 60 phần trăm bị lạm dụng bởi một thành viên trong gia đình, năm phần trăm do giáo viên trường học, và ít hơn hai phần trăm đã bị lạm dụng bởi các linh mục Công giáo. Thế nhưng báo chí lại làm như thể là chỉ có các giáo sĩ Công giáo lạm dụng tình dục trẻ em".

Bà Lev cho rằng lý do đằng sau các vụ tấn công vào các linh mục Công giáo là nỗ lực để "tiêu diệt mức độ tin cậy của một tiếng nói đạo đức mạnh mẽ trong cuộc tranh luận công khai”.

Xin xem toàn văn bản tin tại

http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=78352

Việc bôi nhọ Giáo Hội về lỗi phạm tình dục ở thời nào vẫn là một tin tức hấp dẫn ăn khách bởi lẽ Giáo Hội hằng lớn tiếng rao giảng đức khiết tịnh. Bà Lev lưu ý rằng những hình thức chống giới tu sĩ ngày nay phản ánh những vụ vu khống trước thời Cách mạng Pháp. Các chiến dịch chống giáo sĩ hồi ấy chỉ là một chuẩn bị cho mưu đồ tiêu diệt Kitô giáo bằng cách tạo ra sự khinh rẻ hàng giáo sĩ. Bà Lev nhắc lại việc hàng trăm linh mục đã bị đưa lên đọan đầu đài trong thời kỳ Reign of Terror. Điều bà Lev ngụ ý về cuộc bách hại sắp xảy đến là một cảnh báo nghiêm túc nhưng cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì chính Chúa Giêsu đã báo trước:

24“Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. 25Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà. (Mt 10,24-25; x. Mt 5,11; Ga 15,18-21; 16,1-4)

Nếu các Kitô hữu chúng ta đã không nỗ lực sống khiết tịnh, cả nơi những người tận hiến và những người sống đời đôi bạn, thì chúng ta đã không bị tấn công đến thế (x. Ga 15,18-19). Cả tập thể nỗ lực và một số nhỏ vấp váp thì có gì là ghê gớm? Cuộc tấn công bôi nhọ không làm chúng ta nao núng. Ngược lại, nó càng hung hăng càng khiến chúng ta xác tín chính nghĩa của con đường thập giá. Dù cuộc bách hại có điên cuồng gấp triệu lần và dù xung quanh có bao nhiêu thành viên vấp ngã đi nữa, Dân Chúa vẫn động viên nhau và giúp đỡ nhau bước theo dấu chân Chiên Con tinh tuyền, hướng con mắt, miệng lưỡi và trí lòng về Đấng mình yêu mến (x. Kh 7,9-17; 14,1-5). “Số sót” của Dân Chúa dù có ít ỏi thế nào đi nữa vẫn được ủy thác sứ mệnh làm men khiết tịnh cho nhân loại mới. “Bài thơ xướng “Sen Giữa Lầy” của Linh Mục nhà thơ Trăng Thập Tự đã trở nên một hạt cải gieo vào mảnh đất trù phú của giới văn nghệ Công giáo. Qua tâm tình ca ngợi Mẹ Maria trong bài thơ, Chúa Thánh Thần đã tác động thi hứng nơi nhiều tâm hồn thơ ca ở khắp nơi, đã biến từ hạt cải “Sen Giữa Lầy” trở thành một vườn hoa ca tụng Mẹ, khen ngợi và cổ vũ đời sống khiết tịnh trong ơn gọi Tu trì cũng như ơn gọi bậc sống hôn nhân” (chia sẻ của nhạc sĩ Lê Đăng Ngôn).

8. NGÀY TRAO GIẢI VÀ TUYỂN TẬP

Trong bản thể lệ phát hành ngày 08-12-2009, Ban tổ chức dự kiến sẽ công bố kết quả trên mạng ngày 22-4-2010 và trao giải tại chương trình ĐIỂM HẸN GIÊSU, lúc 19g ngày Thứ Năm 6-5-2010. Thế nhưng với khối lượng trên 500 bài tham gia, việc tuyển đọc đòi nhiều thời gian. Thêm vào đó còn phải chờ kịp thực hiện tuyển tập, xin giấy phép xuất bản rồi in ấn. Do đó, ngày công bố kết quả sẽ muộn hơn và ngày trao giải được lùi lại vào Thứ Năm 29-7-2010. Mong quí bạn thơ và độc giả bốn phương thông cảm.

Tuyển tập Sen Giữa Lầy sẽ gồm tất cả các tác phẩm đoạt giải, các bản nhạc, một số họa phẩm, những bài họa có chất lượng và các bài viết tổng hợp. Hy vọng đây sẽ là một món quà đầy ý nghĩa cho bạn trẻ các giáo xứ. Quí vị nào muốn đặt số lượng nhiều, xin đăng ký tại điện chỉ gopnhattho@yahoo.com.

9. HƯỚNG VỀ ĐẠI HỘI DÂN CHÚA

Cuộc xướng họa thoạt đầu chỉ là một sinh hoạt trên góc “Đoan hứa khiết tịnh” của trang web www.huongvedaihoidanchua.net. Cuộc động viên này là một sáng kiến rất hay cần được đào sâu và nhân rộng. Đại Hội Dân Chúa 2010 chưa khai mạc nhưng chỉ mười hai tháng nữa là đã lùi vào quá khứ. Cần phải làm gì để Năm Thánh 2010 không chỉ là những lời hô hào suông? Lẽ nào chúng ta để cơ hội ân sủng này đương nhiên trôi mất theo thời gian như bao nhiêu phong trào và chiến dịch rầm rộ khác! Góc “Đoan hứa khiết tịnh” ôm theo ước mơ một lớp tín hữu trẻ tích cực dấn thân cho đại cuộc loan báo Tin Mừng, khởi đi từ tâm tình triệt để sống các giá trị Tin Mừng: yêu thương, khiêm nhường và từ bỏ, được cụ thể hóa nơi quyết tâm sống khiết tịnh, để cho ơn Chúa thấm nhuần từ các giác quan bên ngoài cho đến tư tưởng, tâm tình và ý chí bên trong.

Cuộc động viên nhắc ta nhớ rằng Đại Hội Dân Chúa không là một sự kiện thời sự nhưng là một khái niệm thần học bắt nguồn từ Kinh Thánh, và hơn nữa, là một thực tại sống động của lịch sử Dân thánh, cần được tái thể hiện ở mọi mức độ của sinh hoạt Dân Chúa hiện nay.

Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa
cho anh em tất cả được hay,
và trong đại hội dân Ngài,
con xin dâng tiến một bài tán dương.

(Tv 20/21,23; x. Tv 21/22,26; Tv 25/26,12; Tv 34/35,18; Tv 39/40,10; Tv 108/109,30)

Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Phát Diệm, đã khởi đầu sứ vụ tại giáo phận Phát Diệm với bài viết về Giáo Hội theo cái nhìn của Công Đồng Vaticanô II. Dù Công đồng này đã kết thúc cách đây hơn bốn mươi năm, bận tâm của vị tân giám mục hết sức chính xác. Không riêng các giáo xứ của ngài mà cả các nơi khác, ở cả những cấp độ cao hơn, trách nhiệm về Giáo Hội không thể chỉ trút hết lên một nhóm nhỏ lãnh đạo để rồi rơi vào chỗ tê liệt. Tất cả mọi người đã được rửa tội, dù là chỉ mới sáng nay, đều có quyền và có bổn phận lên tiếng loan truyền và ca ngợi giữa lòng Đại Hội. Giáo Hội của mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ, Giáo Hội thực sự công giáo là Giáo Hội muôn màu muôn vẻ và “hằng có ở khắp thế này”. Giáo Hội ấy cần phải được sống động bằng sự tham gia của mọi thành phần Dân Chúa.

Chương trình “Đoan hứa khiết tịnh” gợi ra một định hướng mãnh liệt và hữu hiệu: muốn tiến mạnh, Giáo Hội cần đầu tư để biến mỗi tín hữu thành một tông đồ lỗi lạc, một nhà truyền giáo. “Tình cờ, con may mắn thấy được bài thơ “ Sen Giữa Lầy ” rất hay của Cha trong mạng. Qua đó con thấy, nếu hoạ bài thơ, có thể nói lên được rất nhiều điều, đặc biệt là những cảm xúc rất sâu đậm của con, đặc biệt trong những ngày tham dự khai mạc năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam tại Nhà Thờ Giáo xứ Sở Kiện - Hà Nam (Đồng thời cũng là quê của nhà con), nên con mạo muội gửi mấy bài này vừa dự thi, vừa mong được chia sẻ tâm đồng cảm với quý Cha, quý Ban Biên Tập các website, và với mọi người dân nước Việt với nhau không phân biệt lương giáo, chính kiến, địa vị xã hội, trong Mầu nhiệm, trong sự Hiệp thông và sứ vụ của Giáo hội Công giáo Việt nam” (Trích thư tác giả Phạm Vũ Hiệp).

“Chắc chắn quý cha khởi xướng phong trào không muốn cuộc chơi này khép lại ngày 25.03.2010, nhưng từ đó mở ra cánh cửa cho “vần thơ dâng Mẹ” đi vào cuộc đời. Con nghĩ rằng ngay khi khởi xướng, “Sen giữa lầy” đã khởi sự thấm vào lòng người rồi. Thế nhưng ước mong sao nhờ Chúa Thánh Thần tác động, nó cứ lan truyền từ ban tổ chức đến thành phần tham dự, rồi từ những thành phần tham dự, đến những người thân quen và cứ như vậy kéo dài mãi trong cuộc đời. Vấn đề là làm sao để đạt được mục đích chính đã đề ra lúc đầu: sống theo gương Đức Mẹ” (Thư của tác giả Đình Chẩn).

Một lần nữa xin chân thành cám ơn quý tác giả đã hưởng ứng cuộc vận động đoan hứa khiết tịnh, quý Ban Biên tập đã nhiệt tình giới thiệu và mọi người đã theo dõi và cầu nguyện. Nguyện xin Mẹ Maria an ủi và nâng đỡ chúng ta trên đường bước theo Người Con yêu dấu của Mẹ.