NGÀY GIỚI TRẺ HƯƠNG PHÚ - THỪA THIÊN-HUẾ

25/04/2003 CN II PS

Tuổi trẻ chúng ta luôn có Mẹ đồng hành

Lắng nghe Vị Cha Chung trong tinh thần hiệp thông của Ngày QTGT 18

Khởi đi từ lời trăn trối của Chúa Giêsu trên Thánh Giá: "Này là Mẹ con" (Ga 19,27), Đức Thánh Cha GP II mời gọi chúng ta xác tín rằng đường đời nhiều gian truân của tuổi trẻ chúng ta luôn có Mẹ đồng hành, dẫn dắt và nâng đỡ. Trong Sứ Điệp ngày QTGT lần thứ 18 năm nay, được tổ chức đồng thời tại tất cả các Giáo Phận trên thế giới, ĐTC nhắc nhỡ: "Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu tặng cho Tông đồ Gioan bảo vật quý giá nhất là Đức Maria, Mẹ Ngài. Đó là những lời cuối cùng của Đấng Cứu Thế, vì thế những lời này có tính chất long trọng như một chúc thư tinh thần của Ngài."

Và ĐTC phân tích: "Trên Thánh Giá, Chúa Con đã có thể san sẻ những đau khổ của Người nơi trái tim của Mẹ...Từng là con, ai đau khổ cũng đều cảm thấy nhu cầu có Mẹ." Để rồi dựa trên kinh nghiệm của bản thân, ĐTC bảo đảm với tuổi trẻ chúng ta hôm nay: "Hởi các bạn trẻ, cả các con nữa, các con cũng gặp những đau khổ của cô đơn, thất bại, của thất vọng trong cuộc sống bản thân, của những khó khăn trong hội nhập vào thế giới người lớn hay trong đời sống nghề nghiệp, của những chia ly và tang tóc trong gia đình các con, của bạo lực chiến tranh. ..Nhưng trong những giờ phút khó khăn mà mỗi người phải trải qua đo, các con hãy biết rằng các con không đơn độc. Bởi vì, từ dưới chân Thánh Giá, Chúa Giêsu đã trối Mẹ Maria, Mẹ Ngài cho chúng ta, để an ủi và nâng đỡ chúng ta."

Ở tuổi thượng thọ của ngài với nhiều lần mỗ trên thân thể ngay cả với một lần bị ám sát nơi công trường Thánh Phêrô - cũng có thể sánh ví với đĩnh cao thập tự của đời ngài - những gì mà vị cha chung Giáo Hội đang nói với chúng cũng mang giá trị như một di chúc sống. Trong giờ gặp gỡ này, chúng ta sẽ chia sẻ cho nhau Ba điểm:

1 - Mẹ Maria trong cuộc đời của ĐTC Gioan Phaolô II

2 - Đời lắm truân chuyên nhưng luôn có Mẹ đồng hành

3 - Noi gương vị Cha chung, hãy học biết yêu mến tôn sùng Mẹ Maria

1 - Mẹ Maria trong sự nghiệp của ĐTC Gioan Phaolô II

Dịp mừng tuổi "thất thập cổ lai hy", ĐTC Gioan Phaolô II đã thân tình cho biết: Ngày ngài chào đời, Emilia mẹ ngài cảm thấy không đau đớn gì. Mẹ Ngài đã xin bà đỡ đến mở các cửa sổ hướng về phía Nhà Thờ Đức Bà - nhà ngài ở ngay phía trước tiền đường của Nhà Thờ -, để tiếng khóc của đứa con bà sắp sinh ra trở thành lời ca ngợi dâng lên Mẹ Maria, Mẹ của Chúa, hoà chung với những lời ca trong Tháng Hoa dâng kính Mẹ. Ngày đó là ngày 18-05-1920.

Và thật tình cờ, cũng chính trong ngày 18-05-1920 này tại Vacxava đã rộn vang tiếng reo mừng chào đón Thống chế Josef Pilsudski, vị anh hùng chiến thắng từ Ucraina trở về. Do sự trùng lặp này, đứa trẻ được đặt tên là Josef Karol. Josef là tên của vị Thống chế. Karol là tên của người cha đẻ. Và không ai ngỡ rằng, 59 năm sau, nước Balan cũng đã có được một ngày tưng bừng chan chứa hy vọng như vậy trong niềm vui đón tiếp đứa bé sinh ra hôm nay vinh quang trở về Vacxava với tư cách Giáo Hoàng G.Phaolô II!

Như vậy đó, dấu ấn đầu đời của người mẹ dưới đất cũng đã đồng thời in sâu nơi tâm khảm của Josef Karol Wojtyla dấu ấn của Người Mẹ trên trời cao. Nhiều người muốn gọi tên ĐTC Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng của Đức Mẹ. Và phải chăng chính bản thân ngài cũng đã công khai xác nhận điều này ngay từ phút đầu tiên khi được chọn vào chức vụ tối cao của Giáo Hội: Vào lúc 17:30, trong cuộc bỏ phiếu lần thứ sáu, chiều ngày 16 tháng 10 năm 1978. Sau khi kiểm xong các lá phiếu, Vị Hồng Y nhiếp chính lại gần Vị được chọn, chào kính, đặt câu hỏi theo lễ nghi: "Ngài có chấp nhận việc lựa chọn Ngài hay không?". Trong cầu nguyện và yên lặng suy tư, Đức Karol Wojtyla chưa trả lời ngay. Mọi người chờ đợi và thấy Ngài cảm động, nước mắt chảy trên gò má. Sau cùng, với giọng rõ ràng và nghiêm nghị, ngài trả lời: "Vì Chúa Kitô của tôi, vì Đức Trinh Nữ, Mẹ của tôi, vì tôn trọng Tông Hiến của Đức Phaolô VI mời gọi, tôi xin chấp nhận."

Chúng ta cũng đã nhận ra thật rõ lòng yêu mến và tin tưởng mãnh liệt vào Mẹ Maria của ĐTC trong biến cố ngài bị ám sát hụt tại công trường Thánh Phêrô ngày 13-10-1981. Ngài đã khẳng định rằng chính Mẹ Maria đã cứu sống ngài và ngài đã đích thân hành hương đến Fatima để gắn lên triều thiên của Đức Mẹ đầu viên đạn đã được giải phẫu lấy ra từ ngực của ngài.

Và hôm nay, qua Tông Thư Kinh Mân Côi Rosarium Virginis Mariae, ngài lại muốn tái xác nhận niềm xác tín sâu xa ấy của ngài: "Anh chị em thân mến, với những lời này, tôi đã đặt những năm đầu của triều Giáo Hoàng trong nhịp sống hằng ngày của Kinh Mân Côi. Hôm nay, khi bắt đầu năm thứ 25 phục vụ trong tư cách người kế vị thánh Phêrô, tôi muốn làm lại cùng một điều đó. Biết bao nhiêu ơn lành tôi đã lãnh nhận được trong những năm tháng này từ Đức Thánh Trinh Nữ qua Kinh Mân Côi: Linh Hồn tôi tán dương Thiên Chúa! Tôi muốn dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa bằng những lời kinh của Mẹ Rất Thánh của Người, dưới sự che chở của Mẹ, tôi đã đặt công việc phục vụ giáo hoàng của tôi: Totus tuus! Con hoàn toàn là của Mẹ! "

2 - Đời lắm truân chuyên nhưng luôn có Mẹ đồng hành

Ngày 13-04-1929, Josef Karol, 9 tuổi, từ trường học trở về. Zofia Bernhardt, cô giáo làng sống cạnh nhà, ra đón em trước sân và báo tin: "Mẹ cháu đã chết rồi!" Mặc dù mồ côi mẹ từ tấm bé, ĐTC Gioan Phaolô II đã vẫn có những ghi nhận sâu sắc về mẹ ngài. Theo lời kể của ĐTC, "mẹ ngài là linh hồn của gia đình", "là người đã tạo ra cuộc sống tôn giáo kỳ diệu cho gia đình Wojtyla". Bà là người mẹ của nhiều ước mơ. Bà thường nói với mọi người: "Lolek của tôi sẽ trở thành một người vĩ đại!"

Người ta cũng đọc thấy một đoạn thơ Josef Karol viết tặng mẹ, lúc 19 tuổi:

Trên ngôi mộ trắng của mẹ,

Nở bừng hoa trắng cuộc đời

Ôi bao năm đã qua,

Vắng mẹ - đã bao năm rồi?

Trên ngôi mộ trắng của mẹ,

Ôi mẹ, tình yêu câm lặng của con


Ngày 4-4-1995, năm 17 trên cương vị Giáo Hoàng, phải chăng chính cảm nghiệm sâu sắc về tình mẫu tử này đã thôi thúc ĐTC Gioan Phaolô II chọn phong chân phước cho hai người mẹ Ý và ca ngợi họ là "mẫu mực cho sự hoàn hảo của Thiên Chúa": Bà Gianna Berretta Molla, một bác sĩ khoa nhi, chết vì bịnh ung thư năm 1962, vì đã chọn mang thai đứa con thứ 4 cho đến lúc chào đời để cứu sống con, chứ không chấp nhận nạo thai. Người kia là bà Elisabeth Mora, vẫn trung thành chung thuỷ với người chồng, dù ông ta xử sự vũ phu và thiếu thủy chung - sau cùng thì ông ta cũng đã bỏ rơi vợ con. ĐTC Gioan Phaolô II đã ghi nhận "lòng trung thành hoàn toàn đối với lời thề hôn nhân giữa vô số những khó khăn của đời sống vợ chồng." Và những lời tôn vinh dành cho những phụ nữ thánh thiện dám hy sinh mạng sống và hạnh phúc riêng tư cho con cái cũng được ĐTC Gioan Phaolô II gửi gắm cho chính bà Emilia, Thân mẫu kính yêu của Ngài? Người mẹ đã giúp cho Josef Karol thấu hiểu được tình từ mẫu của người Mẹ trên trời cao trong từng nỗi đau thương chồng chất của đời mình.

ĐTC Gioan Phaolô II đã tâm sự với nhà văn André Frossard: "Ở tuổi hai mươi, tôi đã mất tất cả những người thân mà tôi yêu quý; thậm chí cả những người mà tôi có thể đã yêu quý như người chị gái vô danh mà tôi nghe là đã chết 6 năm trước ngày tôi chào đời!"

Thật vậy, nổi đau chồng chất nổi đau trên tuổi trẻ của Josef Karol Wojtyla. Chỉ 3 năm sau ngày mẹ qua đời, cậu bé mồ côi mẹ đã phải lịm người khóc cho cái chết của người anh trai, vừa thi đỗ bác sĩ, do lây bệnh sốt xuất huyết từ một bệnh nhân mà anh cố tình cứu chữa. Bà Helena Szczepanska, người hàng xóm tốt bụng, kể lại: "Trong khoảnh khắc xúc động, tôi đã ôm lấy cậu bé trong vòng tay mình và thì thầm "Lolek tội nghiệp. Cháu đã mất anh rồi!" Hôm đó là ngày 5-12-1932. Josef Karol vừa qua tuổi 12. ĐTC Gioan Phaolô II sau này đã ghi nhận: "Cái chết của anh tôi có thể đã tác động tới tôi sâu sắc hơn cái chết của mẹ, do những hoàn cảnh riêng biệt, tất nhiên là đau thương và do tôi đã lớn hơn."

Và nổi đau đã phải bật thành tiếng vô cùng xót xa trong ngày 18-02-1941 trên môi của chàng thanh niên gầy gò nhưng đầy ý chí của tuổi hai mươi, Josef Karol. Hôm ấy, tiết trời lạnh giá khiến cho cụ thiếu tá về hưu Karol Wojtyla bị liệt giừơng. Josef Karol cùng em gái là Maria đi đến trạm y tế kiếm ít thuốc về cho cha đồng thời ghé lại nhà bà Kydrynskis nhận hộp đồ ăn nấu sẵn. Như thường ngày, Maria vào bếp hâm lại thức ăn. Josef Karol vào phòng để chăm sóc cha. Nhưng rồi, anh chợt quay ra ôm chầm lấy em gái bật khóc tức tưởi: "Anh đã không có mặt khi mẹ chết. Anh đã không có mặt khi anh mất. Và bây giờ, anh cũng không có mặt khi cha vĩnh viễn ra đi!"...Còn nổi đau nào lớn hơn đối với nổi lòng của một thanh niên có hiếu và hiểu biết như Josef Karol? Trước đó không lâu, khi chuyển câu chuyện Yob thành kịch, Josef Karol đã viết:

"Tôi biết mình bé nhỏ

Nhưng còn có những người nhỏ hơn tôi

Chúa chọn tôi, Chúa ném tôi vào tro bụi

Chúa có thể làm vậy - Nhưng tại sao ?

Tại sao lại làm vậy với tôi? Hỡi Đấng cầm cân nảy mực
?

Vì thế, hôm nay, khi kêu gọi chúng ta tin tưởng nơi Mẹ Maria, người Mẹ đầy yêu thương và quyền năng luôn đồng hành với chúng ta trong mọi nổi Vui Thương Mừng, ĐTC Gioan Phaolô II không chỉ đưa ra một bài học suông trên lý thuyết, nhưng Ngài đang muốn chia sẻ kinh nghiệm sống của cuộc đời ngài cho chúng ta. Những kinh nghiệm mà ngài đã có từ thuở ấu thơ. Thật vậy, ngay sau cái tang của người mẹ, Josef Karol và người anh trai và cô em gái đã được người cha đạo đức đưa đi hành hương Thánh Địa Marian ở Kalwaria Zebrzydowska, nơi hành hương sám hối thiêng liêng nhất tại Balan chỉ sau Tượng Thánh Mẫu Đen của Đền Czestochowa. Từ đó về sau, Josef Karol thường đến nơi này để cầu nguyện trong những giờ phút khó khăn và quan trọng của cuộc sống.

3 - Noi gương vị Cha chung, hãy học biết yêu mến tôn sùng Mẹ Maria

Trước hết chúng ta đừng hiểu lầm rằng những lời chúng ta đang chia sẻ là của một cụ già đã hết sức sống. Người đang gửi gắm cho chúng ta những tâm tư này luôn có một tâm hồn rất trẻ. Ai đã có dịp gặp ngài, quỳ xuống hôn nhẫn, nắm lấy bàn tay ngài và được ngài nhìn thẳng vào mắt mình, đều cảm nghiệm như được chuyển thông một nguồn sức mạnh trẻ trung, đầy nhiệt tình và tin tưởng.

Mặc dù gặp nhiều nổi đau lớn trong đời như vậy, Josef Karol vẫn sống kiên cường và nuôi nhiều ước mộng. Những tâm sự của bạn bè thuở ấy là một minh chứng hùng hồn: "Karol thật là ngoan. Cậu ấy là một học sinh giỏi, chăm chỉ. Cậu ấy không phải là một thằng hèn!" Một người lớn cũng nhận xét: " Xuất thân bình thường, ông Karol hoàn toàn là một người lịch thiệp trong cách nói năng và ứng xử của mình."

Có bản chất chân tu từ thuở nhỏ tới mức ngài có thể khẳng định với một người viết tiểu sử về ngài rằng ngài đã luôn giữ được tuổi thanh xuân trong sáng. Nhưng lăn lộn và từng trải giữa đời, ngài đã sống trọn vẹn tuổi trẻ của mình một cách phong phú để sau này trở thành người rao giảng cho Tình Yêu và Trách nhiệm . Mê sân khấu và kịch nghệ từ lúc 14 tuổi. Karol có trí nhớ đã trở thành huyền thoại. Một hôm, trên đường xem kịch về nhà, Karol đã hát lớn một trích đoạn của vỡ kịch: "Barbara, em thấy đó. Em là người duy nhất của anh. Barbara, em thấy đó. Tất cả đám trai trẻ đều nháy mắt với em. Bởi vì, không có ai giống như em cả!" Thích khiêu vũ. Mỗi tháng hai lần, tKarol đều chuyên cần đến tham dự lớp dạy khiêu vũ những điệu vũ di sản thời đế quốc Áo-Hung, lành mạnh và lịch thiệp của văn hoá cổ điển. Và Vị Giáo Hoàng tương lai này cũng đã một lần thủ vai trong vỡ kịch thơ "Giáo Hoàng người Slavơ" và đã hát lên một đoạn thơ mang tính biểu tượng và tiên tri như sau:

"Giữa những bất hoà,

Chúa rung cái chuông lớn

Gọi một giáo hoàng Slavơ

Tới chiếc ngai để ngỏ

Giáo Hoàng này sẽ không tránh lưỡi gươm

Như vị người Ý kia,

Giống như Đức Chúa, Người sẽ dũng cảm trước gươm đao.

Với người, thế gian chỉ là đất bụi

Hãy nhìn. Giáo hoàng Slavơ đã tới

Một người anh em của nhân dân
."

Bởi vậy, không lạ gì khi thấy hàng triệu người trẻ ở khắp nơi trên thế giới hôm nay vẫn tìm tới với vị giáo hoàng đã trên 80 tuổi này. Và nếu hôm nay, ĐTC Gioan Phaolô II kêu gọi hãy yêu mến chuổi Mân Côi, ngài không chỉ nói với người cao tuổi, nhưng ngài muốn đặc biệt hướng tới giới trẻ nhiều gian truân của chúng ta hôm nay.

"Các bạn trẻ thân mến, - Ngài nói với chúng ta qua sứ điệp ngày QTGT lần 18 năm 2003 này -, các con biết rằng Kitô Giáo không phải là một ý tưởng và cũng không hệ tại vào những lời nói suông. Kitô Giáo là Đức Kitô, là một Con Người, là Đấng hằng sống. Gặp gỡ Chúa Giêsu, yêu mến Ngài và làm cho Ngài được yêu mến: đó chính là ơn gọi Kitô Giáo. Mẹ Maria được ban cho các con để giúp các con có một quan hệ chân thật, thân mật hơn với Chúa Giêsu. Bằng gương lành, Mẹ Maria dạy các con yêu thương ngắm nhìn Chúa là Đấng yêu thương chúng ta trước. Bằng lời chuyển cầu, Mẹ uốn nắn trong các con một tâm hồn môn đệ có khả năng lắng nghe Chúa Con, Đấng tỏ lộ tôn nhan đích thật của Chúa Cha và phẩm giá thật của con người."

Và Ngài gửi gắm: "Hỡi các bạn trẻ quý mến, ngày hôm nay trong tinh thần, cha trao cho các con chuổi Mân Côi. Ước gì qua việc cầu nguyện và suy niệm các Mầu nhiệm, Mẹ Maria hướng dẫn các con một cách chắc chắn tiến về với Chúa Con. Các con đừng xấu hổ khi đọc kinh Mân Côi...Hãy tập thói quen đọc kinh Mân Côi giữa các con với nhau... Thật vậy, đọc kinh Mân côi có nghĩa là học cách nhìn Chúa Giêsu với đôi mắt của Mẹ Maria, yêu mến Chúa Giêsu với tâm hồn của Mẹ Ngài."

Người ta kể rằng: Trên một chuyến tàu lửa từ Pari s về Lộ đức, một sinh viên chợt hỏi một cụ già ngồi bên cạnh đang lâm râm lần chuổi Mân Côi.

- Thưa cụ, chắc cụ biết Pascal chứ?

- Biết chứ.

- Đã đến thời đại duy lý của Pascal rồi mà cụ còn lần hạt nữa sao?

- Thế anh đã gặp Pascal lần nào chưa?

- Dạ thưa cụ, chưa ạ.

- Là người đang nói chuyện với anh đó...


Hôm nay, trên chuyến tàu lửa vòng quanh thế giới, phải chăng chúng ta cũng được vinh dự ngồi bên cạnh cụ Gioan Phaolô II. Có ai trong chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng khi gặp thấy một người uyên bác như ngài, nhiều việc như ngài, vẫn ngày ngày 8 giờ cầu nguyện. Đức Hồng Y Phanxicô xavie Nguyễn VănThuận, trong một buổi gặp gỡ anh chi em liên tu sĩ Roma, đã cho biết ĐTC Gioan Phaolô II có uy tín trên trường quốc tế không phải vì ngài làm việc nhiều, mà vì ngài cầu nguyện nhiều. Trong một chuyến công du tại một nước ở Nam Mỹ, sau một ngày làm việc bận rộn, Đức Ông tháp tùng chào ĐTC để đi nghĩ qua đêm. Sáng sớm ngày hôm sau, Đức Ông đến tìm ĐTC thì thấy lính cận vệ đã đứng sẵn trước cửa Nhà nguyện. Hỏi ra mới biết là ĐTC đã ở lại đó và cầu nguyện suốt đêm...

Và hôm nay, thưa các bạn trẻ, chính Ngài đang muốn chuyển thông niềm xác tín sâu xa của ngài cho mỗi người trong chúng ta. Năm nay, cũng như trong tất cả các thông điệp gửi cho giới trẻ, ngài cũng nhắc nhỡ về chân lý duy nhất có thể tìm thấy nơi Kitô Giáo: "Các bạn trẻ thân mến, chỉ một mình Chúa Giêsu thấu hiểu tâm hồn các con, những ước muốn sâu thẳm nhất của các con. Chỉ một mình Chúa, Đấng đã yêu thương các con đến chết có khả năng làm viên mãn các ước vọng của các con. Những lời của Chúa là những lời mang đến sự sống đời đời, những lời mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Không ai ngoài Chúa Kitô có thể mang lại hạnh phúc cho các con..."

Trước đó, trong Tông Thư Kinh Mân Côi, ĐTC viết: "Nhiều dấu chỉ cho thấy rằng cả ngày hôm nay nữa, Đức Nữ Trinh muốn thể hiện qua Lời Kinh Mân Côi này mối quan tâm từ mẫu. Người mẹ mà Đấng Cứu Chuộc đang hấp hối đã giao phó qua con người của môn đệ yêu dấu mọi người con cái nam nữ của Giáo Hội: "Hỡi Bà! Này là Con Bà." Và phải chăng suốt hai thế kỷ 19-20 vừa qua, Mẹ Maria đã cho thấy sự hiện diện đầy yêu thương và quyền năng của Ngài tại nhiều linh địa trên khắp thế giới: Lộ Đức; Fatima .." Và chúng ta có quyền thêm Lavang nơi mà chính ĐTC đã nhiều lần nhắc đến.

Vâng. Các bạn trẻ thân mến. Chúng ta hãy nhiệt liệt đón nhận sứ điệp mà Vị Cha Chung Giáo Hội đang trao gửi cho mỗi một người. Lệnh "cùng Mẹ ra khơi" của ĐTC cũng đã được Đức Tổng Giám Mục Têphanô công bố trên toàn giáo phận Huế. Sứ mạng thật cao cả đáng cho chúng ta tham gia với tất cả nhiệt tình của tuổi trẻ. Chúng ta hãy để lời kêu gọi tâm huyết của vị Cha Chung thấm sâu vào tâm trí của chúng ta:

"Giờ đây, hơn bao giờ hết, các con cần cấp thiết trở thành 'những tuần canh của rạng đông', những ngôi sao loan báo ánh bình minh và mùa Xuân mới của Tin Mừng, một mùa Xuân đã ló dạng những mầm mống. Hiện nay, nhân loại rất cần chứng tá của những người trẻ tự do và can đảm đi ngược dòng đời và mạnh mẽ nhiệt thành công bố niềm tin của mình lên Thiên Chúa, là Chúa và là Đấng Cứu Thế."

Và để kết thúc, chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện với ĐTC, những lời đã bộc phát tự đáy lòng ngài khi ngài quỳ ngước mắt nhìm lên Dung Nhan Mẹ Guadalupe trong chuyến công du Mexxicô:

"Lạy Đức Mẹ Maria, với tình yêu bao la và lòng kính mến sâu sắc, con xin cất lời ngợi ca Mẹ cùng các thần thánh. Con xin nhắc lại lời mà triệu triệu trái tim hằng ấp ủ, lời mà triệu triệu đôi môi hằng tung hô hằng ngày trên khắp thế giới: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen."