II. Phản ứng đối với giả thuyết

Các giả thuyết mới lạ thường gặp chống đối. Tuy nhiên, phản ứng đối với giả thuyết của Jaubert khi vừa xuất hiện không hẳn thù nghịch. Cha Vogt, Viện Trưởng Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh đã ghi nhận giả thuyết này với sự thích thú của một nhà chuyên môn bằng một bài báo ngắn trên tờ Biblica, và sau đó là một bài nhận định dài trong tập san Christus. Cha Joseph Gelineau, nổi danh trong lãnh vực thánh vịnh, đã rất hào hứng về nó trong tập san Maison-Dieu, chuyên bàn về phụng vụ (1).

Tuy nhiên, các chống đối cũng không ít. Fray Perez de Urbel, một sử gia Tây Ban Nha, đã lập tức xuất kích dữ dội. Và mặc dù tác giả không có tham vọng tiến vào lãnh vực thần học thánh, sử gia này cũng gần như lên án tuyệt thông cho giả thuyết này, coi nó như “ẩu tả, không nhất quán và hoàn toàn sai lạc” (2).

Đối với những khen chê như trên, tưởng cần bình thản xem sét chính ý hướng của tác giả. Trước nhất ai cũng nhận rằng đây chỉ là một giả thuyết. Chính Jaubert cũng phải nhận rằng giả thuyết này có những khó khăn riêng của nó. Nhưng không ai chối cãi cố gắng của cô trong việc giảng hòa các thời biểu của Nhất Lãm và Gioan. Thực ra, không lý thuyết nào được mọi người tán đồng cả. Mặt khác, đã gọi là giả thuyết thì thế nào cũng phải chứa một vài yếu tố giả định.

Cũng nên nhớ: lực biện chứng của Jaubert được triển khai theo ba phần riêng biệt nhau nhưng có liên hệ với nhau: lịch, truyền thống phụng vụ và chú giải của 3 thế kỷ đầu, thời biểu trong trình thuật Phúc Âm. Thành thử muốn lượng định đầy đủ quan điểm của tác giả, người ta cần đến nhiều chuyên môn hơn bình thường. Chúng ta hãy lần lượt duyệt lại các lời phê bình dựa vào hai phần đầu xem sao.

Lịch

Về sự hiện hữu của lịch mà Jaubert áp dụng vào trình thuật Khổ Nạn trong các Phúc Âm, thì không có chi là giả định cả. Quả thực có một lịch như thế, và cô không phải là người đầu tiên khám phá ra nó. Nhưng cô thành công trong việc chứng tỏ rằng thời Chúa Giêsu, nó thực sự được sử dụng nơi phái Essenes của Qumran (3).

Tuy nhiên, nó có phải là lịch cổ truyền, xưa hơn chính cộng đoàn sử dụng nó hay không? Xin thưa là có. Ta có thể an tâm chấp nhận phán quyết của Đức Ông Patrick Skehan của Đại Học Công Giáo, Washington: “Không còn hoài nghi gì nữa việc thứ lịch đang bàn là thứ lịch làm nền tảng cho việc định ngày tháng có đánh số trong Ngũ Kinh và (nhiều bản văn từng được trích dẫn trước đây)” (4).

Nghĩa là: lịch này ít ra cũng xưa như chính trường phái tư tế từng hiệu đính Ngũ Kinh sau thời Lưu Đày. Các thất thường trong lịch sử của nó không nên giữ chân chúng ta, chúng không đến nỗi bác bỏ những gì đã được xác quyết từ trước đến nay (5).

Vấn đề chính ở đây là với thời gian, người theo lịch tư tế 364 ngày thế nào rồi cũng phải sai nhịp, không phải chỉ đối với lịch chính thức 354 ngày, mà còn cả đối với các mùa và ngày lễ tùy thuộc các lịch này. Các ngày lễ phụng vụ mỗi năm có thể vẫn cứ rơi vào cùng một ngày trong tuần, nhưng việc dâng bó lúa đầu mùa, vào Chúa Nhật ngày thứ 26 của tháng đầu tiên trong lịch Qumran vẫn rơi vào ngày ấy trong khi không có bó lúa nào để dâng. Thử hỏi có cách nào để giải quyết sự sai biệt ấy không? Nếu không, thì quả là họa hiếm mới có việc Lễ Vượt Qua chính thức và Lễ Vượt Qua tư tế rơi vào cùng một tuần lễ (6).

Do đó, quả là lý thú khi tìm ra một nhóm mảng tài liệu tìm được ở hang số 4 của Qumran (7) cho thấy phái Essenes đã tìm cách giải quyết vấn đề trên, và kiếm cách giữ cho lịch của họ ăn nhịp với lịch chính thức 354 ngày nhờ chêm một tháng nhuận khi cần. Cha Vogt đã cho thấy ở điểm nào trong chu kỳ của năm trong mảng tài liệu ấy, Lễ Vượt Qua chính thức sẽ rơi vào Thứ Bẩy với Lễ Vượt Qua của phái Essenes rơi vào Thứ Tư như thường lệ, một việc được giả thuyết của Jaubert rất thích. Xem ra Lễ Vượt Qua của lịch chính thức không bao giờ trùng ngày với Lễ Vượt Qua của lịch tư tế, có lẽ vì sự chống đối minh nhiên của những nhà làm lịch chính thức đối với lịch tư tế có trước đó.

Lịch tư tế này đã chiếm được hay đúng hơn đã duy trì được tính hiện dụng đến mức nào ở bên ngoài đan viện Essene? Điều này không ai biết chắc. Và nếu phái Essene cảm thấy nhu cầu phải đồng bộ hóa nó bao nhiêu có thể với các ngày lễ tính theo một lịch khác, thì chắc chắn nhiều người khác, dù gắn bó sâu xa bao nhiêu với lịch tư tế, hẳn cũng cố gắng theo cách của mình mà duy trì những phần hay nhất của cả hai lịch ấy. Các hệ thống dị biệt của họ vì thế đã đem lại nhiều mù mờ. Và trong trường hợp Chúa Kitô và các môn đệ của Người khi theo lịch tư tế, thì tại sao các vị lại không theo lịch ấy dưới một hình thức khác với lịch của Qumran?

Ở đây, ta chỉ có thể gợi nhớ sự gần gũi giữa cộng đoàn các môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô và các giới Qumran. Không nói quá về các điểm tương đồng giữa hai nhóm, một cám dỗ mà người ta rất hay phạm phải như kinh nghiệm rõ ràng đã chứng tỏ (8), nhưng hình như các tương đồng này đã tới độ đem lại cho giả thuyết cái tính cái nhiên hợp lý (reasonable probability) của nó. Tuy nhiên, bao lâu ta còn mù mờ như hiện nay về phạm vi và phương cách lịch này được sử dụng ở bên ngoài Qumran, ta không bao giờ có khả năng quả quyết là Chúa Giêsu đã thực sự sử dụng nó, chỉ có thể coi điều này không hơn không kém như một giả thuyết.

Hỗ trợ của Thánh Truyền

Ta phải nghĩ gì về các dấu mốc trong Didascalia, cũng như các phát biểu của Epiphanius và Victorinus thành Pettau? Liệu chúng có đủ chất lượng để ta tin tưởng? Chúng có chứng minh rằng lịch tư tế thực sự đã được giáo hội tiên khởi ở Palestine sử dụng hay không? Liệu chúng có phải là những cột mốc trên đường dẫn ta tìm về các thực hành của Chúa Kitô và các Tông Đồ hay không?

Một số nhà phê bình thấy rằng các dấu mốc và phát biểu ấy “quá nhị đẳng và không có sức thuyết phục”, và cho rằng chứng cớ của Didascalia là “mù mờ và chậm trễ” (9). Ít nhất, các nhận xét này nghe có vẻ chung chung. Dù gốc gác các nguồn riêng rẽ tạo ra Didascalia có như thế nào đi chăng nữa, Jaubert cũng đã cho thấy một cách rõ ràng rằng đã có cả một truyền thống minh nhiên từ nguồn Kitô Giáo gốc Do Thái ủng hộ Bữa Tiệc Ly vào tối Thứ Ba, một truyền thống vốn sống động trong môi trường của Epiphanius và Victorinus (10). Mặt khác, không hề có một truyền thống ủng hộ Bữa Tiệc Ly vào tối Thứ Năm trong cùng một thời điểm ấy. Khi Thánh Irenaeus nói rằng Chúa Kitô “ăn Bữa Vượt Qua và chịu thống khổ vào ngày hôm sau”, thì dù ngài không nói tới cái chết của Chúa, nhưng rõ ràng ngài đã phát biều điều mà ngài coi như một giải thích tự nhiên đối với bản văn, nghĩa là không đọc nó dưới ánh sáng một lịch khác nhận được từ truyền thống.

Điều làm ta lấy làm lạ là truyền thống trong Didascalia xem ra không được ai biết đến trong số những người hiểu các bản văn Phúc Âm như tự nhiên nói tới một bữa tối vào ngày vọng Chúa Giêsu qua đời. Điều này rất có thể có nghĩa: truyền thống trong Didascalia chỉ được duy trì trong các giới tương đối ít ỏi (11).

Jaubert đề nghị lấy sự dị biệt tương tự về lịch làm giải pháp cho cuộc tranh cãi thời danh về Lễ Vượt Qua cuối thế kỷ thứ hai. Các giám mục Tiểu Á bênh vực truyền thống đáng kính vốn qui định rằng tập tục của họ được thừa hưởng từ Thánh Polycarp, Tông Đồ Philip, và cả Thánh Gioan nữa (12). Dựa theo truyền thống tông đồ này, họ cử hành Lễ Vượt Qua vào một ngày thay đổi trong tuần. Nếu chúng ta giả thuyết rằng đây là Lễ Vượt Qua “chính thức”, Lễ Vượt Qua duy nhất mà Phúc Âm thứ tư nói tới, và các giáo hội tại Rôma, tại Palestine, tại Alexandria v.v… khi theo lịch xưa, mà cử hành Lễ Phục Sinh của họ vào một ngày nhất định, mà từ nay là ngày Chúa Nhật, thì chúng ta quả đang đương đầu với một chống đối y hệt như trong Do Thái Giáo, tức một ngày thay đổi trong tháng mặt trăng chống lại một ngày cố định trong tuần. Việc mỗi nhóm bênh vực quan điểm của mình, cho là nó dựa trên truyền thống tông đồ, là điều dễ hiểu, đến nỗi, nếu chỉ xét về truyền thống tông đồ liên quan đến ngày giờ của Lễ Phục Sinh, thì Rôma rất có thể đúng trong khi các giáo hội tại Tiểu Á không nhất thiết gì đã sai.

Cho đến nay, một yếu tố chắc nịch khá nổi bật so với một số có tính cái nhiên, đó là sự hiện hữu của lịch “tư tế”, vốn để lại dấu tích trong Cựu Ước. Cũng có chứng cớ chắc chắn là lịch này, như đã được lưu giữ tại Qumran, đã được giữ cho khá ăn nhịp với lịch chính thức. Bên ngoài cộng đồng Qumran, ta không chắc chắn chi cả, chỉ dám nghĩ đến giả thuyết là Chúa Giêsu và các Tông Đồ có sử dụng lịch này. Chứ ta không đủ tài liệu vào thời ấy để đảm bảo rằng đó chính là lịch Chúa Giêsu đã sử dụng.

Nếu ta ráng dùng truyền thống phụng vụ mà trở lui về tập tục của Giáo Hội sơ khai và của chính Chúa Kitô, ta vẫn không sao trám được khoảng cách giữa truyền thống Didascalia và thời của Chúa Giêsu. Đã đành, hình như đó là truyền thống duy nhất hiện có lúc đó, theo nghĩa một tập tục được tiếp diễn vì đã được lưu truyền (13), nhưng chỉ là trong một phạm vi giới hạn mà thôi, vì đâu dễ gì xóa bỏ được tập tục của các giáo hội khác vốn dựa vào thời biểu của các Phúc Âm. Đó là điều khiến ta buộc phải kết luận rằng truyền thống của Didascalia chỉ là một cái nhiên, một dấu mốc chỉ đường từ xa. Vấn đề tranh cãi về Bữa Vượt Qua chỉ là ngọn đèn bên lề, không thêm được chút chắc chắn nào cho ta. Mà chính nó cũng có những khó khăn riêng, dù các cố gắng của Jaubert, ở một mức độ nào đó, hứa hẹn sẽ rọi sáng cho một số vấn đề có liên hệ với nhau (14).

Ghi chú

(1) Biblica, 36 (1955), 408-413; Christus, II (1956), 413-421; Maison-Dieu, 43 (1955), 165-167; Theology Digest, trong số Mùa Xuân 1958 (Vol.VI, No.2), đã trình bày các quan điểm khác nhau của các nhà phê bình. Giả thuyết đã được George W. McRae, S.J. phác họa trong The American Ecclesiastical Review, Tháng Năm, 1958 tr.294-302 và sau đó cùng ngòi bút này đã có một bài duyệt sách ngắn trong Theological Studies, 19 (1958), tr. 418 trở đi. Cuốn sách cũng được duyệt bằng một bài báo dài của Đức Ông P.W. Skehan trên tờ Catholic Biblical Quarterly, XX, (1958), 192-199. Giả thuyết còn gây sóng nhỏ trên tờ Jewish Quarterly Review XVLII (1957), 293-295, và là đầu đề cho nhiều bài báo trên các tạp chí Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Ái Nhĩ Lan, Anh, Mỹ và Đức. Có lẽ bài phê bình có nhiều tìm tòi nhất chính là bài của J. Delorme trong L’Ami du Clergé, 67 (1957) 218-223; 229-234.

(2) trích trong Theology Digest, 121.

(3) Như thế là sửa lại khẳng định của H.M.J. Loewe trong Encyclopedia Britannica, “”Lịch (của Sách Năm Thánh) đã được Môsen viết ra như một phản ứng chống lại chủ nghĩa Hy Lạp”. Việc nó đã có bao giờ được sử dụng hay chưa thì là điều khá hoài nghi”. Mục “Calendar” 12 ed.1944, Vol 4, 581.

(4) Bài báo đã trích dẫn, tr. 194

(5) Delorme coi việc kể ra 24 giai cấp tư tế trong I Par. 24, 7-18 là để ủng hộ lịch mặt trăng. Sách Huấn Ca nữa (43:6-8) rất có thể cũng ám chỉ lịch mặt trăng. Xem bài báo đã dẫn, tr. 221.

(6) Một khó khăn được nhiều người viết nêu lên. Xem J. Johnston, Scripture, 9 (1957), 108-115

(7) E. Vogt, Kalendarfragmente aus Qumran, Biblica, 39 (1958), 72-77. Lịch này ấn định các ngày phục vụ về phụng vụ của các gia đình tư tế và ngày của các lễ phụng vụ. Các mảnh tài liệu này nói đến một “năm thứ nhất”. Trong năm này, Thứ Sáu trong phiên phục vụ của phẩm cấp Yehezkel, tức ngày thứ 22 của tháng thứ 11, rơi vào ngày 29 tháng 11 của lịch chính thức. Cái điểm trùng hợp giữa lịch chính thức và lịch Qumran này đã giúp Cha Vogt tính được một số bảng để đồng bộ hóa hai lịch này. Tuy nhiên nhiều điểm vẫn chưa được chắc chắn. Mà năm này là năm thứ nhất của bao nhiêu năm trong một chu kỳ? Ngài nghĩ có thể là 6 hay là 3.

(8) Edmund Wilson, The Scrolls From The Dead Sea, New York and London, 1955, đã đưa ra nhiều quan điểm ủng hộ quan điểm này. Cuốn sách bán rất chạy. Cha de Vaux, Dòng Đa Minh, đã nhiệt liệt hoan hô cuốn sách trên tập san Revue Biblique, LXIII (1956) 477ff. Nhưng Geoffrey Graystone, S.M., đã đưa ra nhiều tu chính cần thiết liên quan đến Chúa Kitô, trong The Dead Sea Scrolls And the Originality of Christ, London, Sheed and Ward, 1956.

(9) Urbel, T.A. Burkill trong Numen 3 (1956), 161-177, được trích dẫn trong Theology Digest.

(10) Epiphanius, sau cùng là giám mục Salamina bên Đảo Cypre, sinh tại Giuđêa năm 315 và sau đó trở lại Palestine một thời gian. Liên hệ của Victorinus với Palestine, nếu có, không được định rõ.

(11) Xem Delorme, bài báo đã dẫn, 222.

(12) Có thể đọc cuộc tranh cãi này, các phe chống và thẩm quyền của họ trong Esebius, Ecclesiatical History, V, 23-25 do Roy J. Defferari dịch sang tiếng Anh, Vol. 10 trong The Fathers of the Church, New York, 1953.

(13) Đến khoảng năm 150 A.D., các giáo hội đã có thể đặt căn bản các thực hành của mình trên truyền thống truyền khẩu, mà không cần nại tới Phúc Âm bằng chữ viết, là thứ Phúc Âm rất cần thiết cho các năm sau này.

(14) Bài này của Cha Jerome Crowe này được viết trước khi một bài phê bình quan trọng khác về vấn đề này được đăng tải trên Revue Biblique, số 65, năm 1958. Trong bài phê bình này, cha P. Benoit, Dòng Đa Minh, giáo sư chú giải Tân Ước tại École Biblique, khảo sát bản chất của truyền thống Didascalia liên quan tới Bữa Tiệc Ly vào tối Thứ Ba. Cha cho rằng một thực hành phụng vụ có trước đó của Do Thái đã ấn định ra việc Didascalia cho rằng đầu ngày Thứ Tư là ngày khởi đầu Cuộc Khổ Nạn. Trong lịch tư tế, Thứ Tư cùng với Thứ Sáu và Thứ Bẩy đã được kể riêng như ngày lễ. Điều này được dùng để biện minh cho Thứ Tư ăn chay của người Do Thái xưa, được các Kitô hữu gốc Do Thái tiếp tục. “Trong đoạn này (chương XXI), ý định của Didascalia cũng rõ ràng như chính văn thể của nó. Đây không phải là việc thuật lại lịch sử, mà chỉ là việc dùng lịch sử để biện minh cho một tập tục thuộc nghi thức, tức việc ăn chay ngày Thứ Tư và ngày Thứ Sáu” (tr.591). Việc truyền thống này hiện dụng trong các giới Kitô hữu gốc Do Thái cho thấy “một cộng đoàn tính nào đó với các giới Do Thái Giáo là các giới vốn theo lịch tư tế xưa” như nhóm Essenes của Qumran, nhưng nó cũng nhắc ta nhớ rằng ta không thể đồng hóa một nhóm Kitô hữu gốc Do Thái đặc thù nào đó với Kitô Giáo tiên khởi nói chung hay với thực hành của chính Chúa Kitô. Muốn làm được điều đó, ta phải có khả năng chứng minh được rằng một Lễ Vượt Qua vào ngày Thứ Tư theo cách của nhóm Essene là điều không có gì gây bỡ ngỡ nơi Chúa Kitô, nhưng phù hợp với tác phong hằng ngày của Người, và chứng minh được rằng các Phúc Âm Nhất Lãm đã quên hết các vết tích về nó. Cả hai điều này sẽ được bàn tới ở phần kết của bài này.

Viết theo Jerome Crowe C.P., The Australasian Catholic Record, Vol.XXXVI, April 1959, no.2

(Còn tiếp)