Việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội

Giáo Hội là khung cảnh đệ nhất của khoa chú giải Thánh Kinh

Một chủ đề chính nữa phát sinh trong Thượng Hội Đồng mà giờ đây tôi muốn lưu ý là việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sợi dây liên kết nội tại giữa lời và đức tin cho ta thấy rõ:khoa chú giải Thánh Kinh chân chính chỉ có thể có bên trong đức tin của Giáo Hội, một đức tin có khuôn mẫu nơi lời ‘xin vâng’ của Đức Maria. Thánh Bonaventura nói rằng không có đức tin, sẽ không có chìa khóa để mở tung bản văn thánh: “Đây là kiến thức về Chúa Giêsu Kitô, từ Người, như từ một nguồn suối, chẩy ra sự chắc chắn và sự hiểu biết toàn bộ Thánh Kinh. Do đó, không ai có thể đạt được kiến thức về chân lý ấy nếu không trước nhất có đức tin dấn thân vào Chúa Kitô, vốn là ngọn đèn, là cửa và là nền tảng của mọi Sách Thánh” (84). Còn Thánh Tôma Aquinô, khi trích dẫn Thánh Augustinô, đã nhấn mạnh rằng “chữ nghĩa, dù là chữ nghĩa của Tin Mừng, cũng chỉ sát hại, nếu không có ơn thánh bên trong của đức tin chữa lành” (85).

Ở đây, ta có thể chỉ ra tiêu chuẩn căn bản của khoa chú giải Thánh Kinh: khung cảnh đệ nhất để giải thích Thánh Kinh là đời sống Giáo Hội. Điều này không có nghĩa coi ngữ cảnh Giáo Hội như qui luật ngoại tại mà nhà chú giải phải tuân phục, nhưng đúng hơn nó là một điều được chính bản chất của Thánh Kinh cũng như phương thức dần dần thành hình của nó đòi hỏi. “Các truyền thống đức tin hình thành ra ngữ cảnh sống động cho sinh hoạt văn chương của các tác giả Sách Thánh. Việc các truyền thống trên được lồng vào ngữ cảnh này cũng bao hàm việc chia sẻ cả đời sống phụng vụ và đời sống bên ngoài của các cộng đoàn, lẫn thế giới trí thức, thế giới văn hóa và những thăng trầm trong lịch sử các định chế này. Cũng một cách tương tự như thế, việc giải thích Thánh Kinh đòi các nhà chú giải phải tham gia vào đời sống và đức tin của cộng đoàn tín hữu thời họ” (86).

Thành thử, “vì Sách Thánh phải được đọc và giải thích dưới sự soi sáng của cùng một Thần Khí nhờ đó nó đã được viết ra” (87), nên các nhà chú giải, các thần học gia và toàn bộ dân Chúa phải tiếp cận nó trong bản chất thực sự của nó, tức lời Thiên Chúa được chuyển tải tới ta bằng ngôn ngữ con người (xem 1 Tx 2:13). Đó là dữ kiện thường hằng hàm chứa trong chính Thánh Kinh: “Không ai được tự tiện giải thích một lời tiên tri nào trong Sách Thánh, vì lời tiên tri không bao giờ do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1:20-21). Hơn nữa, chính đức tin của Giáo Hội nhận ra lời Chúa trong Thánh Kinh; như Thánh Augustinô đã nói câu đáng nhớ: “Tôi sẽ không tin Tin Mừng, nếu thẩm quyền Giáo Hội Công Giáo không hướng dẫn tôi làm như thế” (88). Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho Giáo Hội, đã giúp ta khả năng giải thích Thánh Kinh một cách có thế giá. Thánh Kinh là sách của Giáo Hội, và vị trí chủ yếu của nó trong đời sống Giáo Hội phát sinh ra việc giải thích nó một cách chân chính.

Thánh Giêrôm nhắc ta rằng ta không bao giờ được đọc Sách Thánh theo ý riêng mình. Làm như thế, ta sẽ gặp rất nhiều chiếc cửa khép kín và chắc chắn sẽ dễ dàng rơi vào lầm lạc. Thánh Kinh được Dân Chúa viết cho Dân Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong sự hiệp thông ấy với Dân Chúa, ta mới có thể thực sự, như một “chúng tôi”, bước vào tâm điểm sự thật mà Thiên Chúa muốn chuyển tải cho ta (89). Thánh Giêrôm, người từng nói rằng “không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (90), đã quả quyết rằng chiều kích Giáo Hội trong việc giải thích Thánh Kinh không phải là một đòi hỏi được áp đặt từ bên ngoài: Sách ấy là chính tiếng nói của Dân lữ hành Thiên Chúa, và chỉ bên trong đức tin của Dân này, ta mới có cùng một cung điệu để hiểu Sách Thánh, có thể nói như thế. Vì thế, một giải thích chân chính về Thánh Kinh luôn luôn phải hoà điệu với đức tin của Giáo Hội Công Giáo. Chính vì thế, ngài đã viết cho một linh mục: “Hãy bám chặt lấy học lý truyền thống mà cha đã được giảng dạy, để cha có thể giảng giải người ta theo học lý lành mạnh và đánh bại những kẻ nói ngược lại nó” (91).

Tách khỏi đức tin, bất cứ cách tiếp cận bản văn thánh nào cũng chỉ có thể gợi ý cho ta một số yếu tố đáng lưu tâm về bình diện cấu trúc và hình thức bản văn, nhưng người ta đã chứng minh một cách chắc chắn rằng các yếu tố này chỉ là những cố gắng bất toàn về phương diện cấu trúc. Như Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, khi lặp lại nguyên tắc đã được khoa giải thích thánh kinh hiện đại chấp nhận, đã quả quyết rằng: “việc đạt tới sự hiểu biết thích đáng các bản văn thánh chỉ dành cho ai biết lưu tâm đến điều Thánh Kinh nói trên căn bản kinh nghiệm sống” (92). Tất cả những điều này giúp làm rõ mối liên hệ giữa đời sống thiêng liêng và khoa giải thích Thánh Kinh. “Như độc giả trưởng thành trong sự sống Chúa Thánh Thần thế nào, thì khả năng hiểu các thực tại được Thánh Kinh nói tới của họ cũng tăng trưởng như thế” (93). Cường độ trong kinh nghiệm chân chính của Giáo Hội chỉ có thể dẫn tới sự tăng trưởng trong hiểu biết đức tin; ngược lại, đọc Thánh Kinh bằng đức tin cũng sẽ dẫn tới việc tăng trưởng trong chính đời sống Giáo Hội. Ở đây, một lần nữa, ta có thể nhận ra sự thật của câu nói thời danh của Thánh Grêgôriô Cả: “Lời Chúa tăng trưởng cùng với người đọc chúng” (94). Việc lắng nghe lời này dẫn nhập và gia tăng sự hiệp thông giáo hội với tất cả những người đang tiến bước trong đức tin.

"Linh hồn của thần học thánh"

"Việc nghiên cứu Sách Thánh phải là chính linh hồn của thần học, có thể nói như thế” (95). Câu trích dẫn từ Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa" này, với thời gian, càng ngày càng trở nên thân quen hơn. Trong thời kỳ sau Công Đồng Vatican II, khoa nghiên cứu thần học và chú giải hay nhắc tới kiểu nói trên như một biểu tượng cho việc lưu tâm mới mẻ đối với Sách Thánh. Cuộc Họp Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng hay nhắc tới câu nói thời danh này để diễn tả mối liên hệ giữa việc tìm tòi lịch sử và việc giải thích đức tin liên quan tới bản văn thánh. Các Nghị Phụ vui mừng nhìn nhận rằng việc nghiên cứu lời Chúa trong Giáo Hội đã lớn mạnh trong mấy thập niên qua, và các ngài tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với nhiều nhà chú giải và thần học gia đã tận tụy, dấn thân và đầy khả năng tiếp tục đóng góp đáng kể vào việc hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của Thánh Kinh, khi đề cập tới những vấn đề phức tạp mà khoa nghiên cứu Thánh Kinh gặp phải trong thời đại ta (96). Lời cám ơn chân thành cũng đã được ngỏ với các thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, cả quá khứ lẫn hiện tại, trong hợp tác gần gũi với Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã tiếp tục cung hiến khả năng chuyên môn của mình để khảo sát nhiều vấn nạn đặc thù do khoa nghiên cứu Thánh Kinh nêu ra. Tương tự như thế, Thượng Hội Đồng cũng cảm thấy có nhu cầu phải nhìn vào tình trạng nghiên cứu Thánh Kinh hiện nay và thế đứng của nó trong lãnh vực thần học. Sự hữu hiệu về mục vụ trong sinh hoạt của Giáo Hội cũng như đời sống thiêng liêng của tín hữu tùy thuộc phần lớn vào thành quả của mối tương quan giữa ngành chú giải và thần học. Vì thế, tôi thấy trình bày ra đây một số suy niệm từng phát sinh ra từ cuộc thảo luận về chủ đề này tại các phiên họp của Thượng Hội Đồng là điều quan trọng.

Khai triển việc nghiên cứu Thánh Kinh và huấn quyền của Giáo Hội

Trước hết, ta cần nhìn nhận các lợi ích mà ngành chú giải phê bình lịch sử và một số phương pháp phân tích bản văn mới được khai triển gần đây từng đem lại cho đời sống Giáo Hội (97). Muốn có cái hiểu Công Giáo về Thánh Kinh, việc lưu tâm tới các phương pháp như thế là điều nhất thiết, vì việc này vốn có liên hệ đến chủ nghĩa hiện thực về Nhập Thể: “Việc nhất thiết này là hậu quả của nguyên lý Kitô Giáo từng được phát biểu trong Tin Mừng Thánh Gioan 1:14: Ngôi Lời đã thành xác phàm. Sự kiện lịch sử này chính là chiều kích ‘hiến định’ của đức tin Kitô Giáo. Lịch sử cứu rỗi không phải là thần thoại học, mà là lịch sử đích thực, và do đó, phải được nghiên cứu bằng các phương pháp tìm tòi có tính lịch sử nghiêm túc” (98). Việc nghiên cứu Thánh Kinh đòi hỏi ta phải biết các phương pháp tìm tòi này và các áp dụng thực tiễn của chúng. Đã đành, trong thời hiện đại, người ta đã đánh giá cao hơn nhiều các phương pháp tìm tòi đó, dù không phải nơi nào cũng cùng một mức độ như nhau, song truyền thống lành mạnh của Giáo Hội vẫn luôn tỏ ra quí mến việc nghiên cứu “chữ nghĩa” loại này. Ở đây, ta chỉ cần nhắc tới nền văn hóa đan viện vốn tạo nền tảng tối hậu cho văn hóa Âu Châu; ở gốc rễ nền văn hóa đó, ta thấy có mối quan tâm tới lời. Lòng khao khát Chúa hàm chứa lòng yêu mến đối với lời trong mọi chiều kích của nó: “vì trong lời Thánh Kinh, Thiên Chúa đến với chúng ta và chúng ta đến với Người, nên ta phải học cách đào sâu bí ẩn của ngôn ngữ, cách hiểu cấu trúc của nó và phương thức phát biểu của nó. Do đó, vì cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, khoa học thế tục nào dẫn tới việc hiểu ngôn ngữ nhiều hơn đều trở thành quan trọng” (99).

Huấn quyền sống động của Giáo Hội, một huấn quyền vốn có nhiệm vụ “cung cấp việc giải thích chân chính lời Chúa, bất kể dưới hình thức chữ viết hay hình thức truyền khẩu” (100), từng can thiệp một cách khôn ngoan và quân bình liên quan tới đáp ứng đúng đắn đối với việc dẫn nhập các phương pháp mới của ngành phân tích lịch sử. Tôi nghĩ cách riêng tới các thông điệp Providentissimus Deus của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và Divino Afflante Spiritu của Đức Giáo Hoàng Piô XII. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Gioan Phaolô II có nhắc lại tầm quan trọng của các văn kiện này nhân kỷ niệm 100 năm và 50 năm ngày chúng được lần lượt công bố (101). Sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã có công bảo vệ việc giải thích Thánh Kinh của Công Giáo khỏi rơi vào các tấn kích của chủ nghĩa duy lý, tuy nhiên, không khỏi rơi vào việc đi tìm an ổn nơi ý nghĩa thiêng liêng nhưng xa rời lịch sử. Không hề né tránh phương pháp phê bình khoa học, Giáo Hội chỉ lo ngại trước “những định kiến tự cho là có căn bản khoa học, nhưng thực tế đã lén lút làm cho khoa học đi ra ngoài lãnh vực của nó” (102). Về phần ngài, Đức Giáo Hoàng Piô XII phải đương đầu với nhiều tấn kích từ phía những người chủ trương một lối chú giải tự gọi là huyền nhiệm, một lối chú giải bác bỏ bất cứ hình thức tiếp cận có tính khoa học nào. Thông điệp Divino Afflante Spiritu rất thận trọng tránh né bất cứ gợi ý nào về một lưỡng phân giữa “chú giải khoa học” dùng cho khoa hộ giáo và “chú giải thiêng liêng dùng cho nội bộ”; đúng hơn, thông điệp này khẳng định cả “ý nghĩa thần học của nghĩa đen, được định nghĩa một cách có phương pháp” lẫn sự kiện “chính việc xác định nghĩa thiêng liêng… cũng thuộc phạm vi chú giải khoa học” (103). Bằng cách đó, cả hai văn kiện cùng bác bỏ “sự chia cắt giữa nhân bản và thần linh, giữa tìm tòi khoa học và việc tôn kính đức tin, giữa nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng” (104). Sự quân bình này sau đó được tài liệu năm 1993 của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh tiếp tục duy trì: “trong công trình giải thích của họ, các nhà chú giải Công Giáo không bao giờ được quên rằng điều họ đang giải thích chính là lời Thiên Chúa. Trách vụ chung của họ sẽ không chu toàn nếu họ mới chỉ xác định được các nguồn, định nghĩa được các hình thức hay giải thích được các thủ tục văn chương. Họ chỉ đạt tới mục tiêu thực sự trong công việc của mình khi giải thích được ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh như là lời Thiên Chúa nhắn gửi thời đại ngày nay” (105).

Việc giải thích Thánh Kinh theo Công Đồng: một chỉ thị cần lãnh nhận

Trong bối cảnh trên, người ta có thể đánh giá tốt hơn các nguyên tắc lớn trong việc giải thích đúng đắn dành cho ngành chú giải Công Giáo do Công Đồng Vatican II đưa ra, nhất là trong Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa”: “Xét vì trong Sách Thánh, Thiên Chúa nói qua những con người nhân bản theo lối con người, nên các nhà giải thích Sách Thánh, nếu muốn quả quyết điều Thiên Chúa có ý định thông đạt cho ta, nên cẩn thận tìm cho ra ý nghĩa mà các soạn giả thánh thực sự có trong đầu, tức ý nghĩa mà Thiên Chúa có ý định mạc khải qua việc dùng các lời nói của họ” (106). Một đàng, Công Đồng muốn nhấn mạnh tới việc nghiên cứu các văn thể (literary genres) và ngữ cảnh lịch sử như các yếu tố căn bản để hiểu ý nghĩa thực sự của tác giả thánh. Đàng khác, vì Thánh Kinh phải được giải thích trong cùng một Thánh Thần mà trong Người nó đã được viết ra, nên Hiến Chế Tín Lý đưa ra 3 tiêu chuẩn nền tảng để lượng giá chiều kích thần linh của Sách Thánh: 1) bản văn phải được giải thích bằng cách chú ý tới tính thống nhất của toàn bộ Sách Thánh; ngày nay, người ta gọi tiêu chuẩn này là giải thích theo qui điển (canonical exegesis); 2) trình thuật phải lấy từ Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội; và cuối cùng, 3) phải tỏ ra tôn trọng nguyên tắc loại suy của đức tin. “Chỉ khi nào biết tôn trọng cả bình diện phương pháp phê bình lịch sử lẫn bình diện thần học, người ta mới có thể nói tới một chú giải thần học, tức một chú giải xứng đáng với Sách này” (107).

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng rất đúng khi tuyên bố rằng hoa trái tích cực phát sinh từ việc sử dụng phương pháp tìm tòi có tính phê bình lịch sử là điều không thể chối cãi được. Nhưng dù ngành giải thích bác học hiện nay, trong đó có các học giả Công Giáo, rất có khả năng trong lãnh vực phương pháp phê bình lịch sử, nhưng ta vẫn phải nói rằng một chú tâm tương tự cần phải được dành cho chiều kích thần học trong các bản văn thánh, để chúng được hiểu sâu sắc hơn, phù hợp với 3 yếu tố đã được Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” nêu ra (108).

Sự nguy hiểm của chủ nghĩa nhị nguyên và khoa chú giải bị thế tục hóa

Về phương diện này, ta nên nhắc tới nguy cơ trầm trọng hiện nay của cách tiếp cận duy nhị nguyên đối với Sách Thánh. Phân biệt hai bình diện tiếp cận Sách Thánh không hề có nghĩa tách biệt chúng hay đặt chúng thành đối lập, cũng không đơn thuần đặt chúng bên cạnh nhau. Chúng chỉ hiện hữu trong hỗ tương mà thôi. Chẳng may, đôi khi người ta dã tách biệt chúng một cách vô bổ, và do đó, đã tạo ra các hàng rào phân rẽ giữa chú giải và thần học, và điều này “diễn ra cả ở bình diện cao nhất của học thuật” (109). Ở đây, tôi muốn nhắc tới các hậu quả đáng lo ngại nhất cần phải tránh. Trước nhất và trên hết, nếu công trình chú giải chỉ giới hạn ở bình diện thứ nhất mà thôi, thì kết cục Thánh Kinh chỉ là một bản văn thuộc quá khứ: “Người ta có thể rút ra được các hệ luận luân lý từ đó, họ có thể học biết lịch sử, nhưng một Sách như thế chỉ nói về quá khứ, và chú giải không còn tính cách thần học thực sự nữa, mà trở thành lịch sử học thuần túy hay lịch sử văn chương” (110). Rõ ràng, lối tiếp cận có tính giản lược ấy không bao giờ có khả năng làm ta hiểu được biến cố mạc khải của Thiên Chúa bằng lời của Người, sự mạc khải đã được truyền lại cho ta trong Truyền Thống sống động và trong Thánh Kinh.

Việc thiếu một nền chú giải đức tin liên quan tới Thánh Kinh không phải chỉ kéo theo một sự trống vắng; thay vào chỗ của nó nhất thiết sẽ có một lối giải thích khác, tức lối giải thích duy nghiệm (positivistic) và thế tục hóa, một lối giải thích xét cho cùng đã dựa trên xác tín cho rằng Đấng Thần Linh không hề can thiệp vào lịch sử con người. Theo lối giải thích này, bất cứ chỗ nào xem ra có sự hiện diện của thần linh, thì đều phải giải thích cách khác, phải giản lược mọi sự thành yếu tố nhân bản. Điều này dẫn tới một lối giải thích hoàn toàn bác bỏ tính lịch sử của yếu tố thần linh (111).

Người ta đã chứng minh được rằng một chủ trương như thế chỉ có hại cho đời sống Giáo Hội, vì nó khiến người ta hoài nghi mọi mầu nhiệm nền tảng của Kitô Giáo và lịch sử tính của chúng, thí dụ như việc thiết lập Phép Thánh Thể và việc phục sinh của Chúa Kitô. Như thế, người ta đã áp đặt một lối giải thích triết học, tức lối giải thích bác bỏ khả thể Đấng Thần Linh có thể bước vào và hiện diện trong lịch sử. Chấp nhận lối giải thích này trong các nghiên cứu thần học nhất thiết sẽ phát sinh ra một lưỡng phân rõ nét giữa một khoa chú giải chỉ giới hạn ở bình diện thứ nhất và nền thần học chỉ nhằm thiêng liêng hóa ý nghĩa của Sách Thánh, một việc khiến người ta không còn tôn trọng đặc điểm lịch sử của mạc khải nữa.

Tất cả những điều ấy nhất thiết cũng sẽ có một tác động tiêu cực trên đời sống thiêng liêng và trên sinh hoạt mục vụ; “như một hậu quả của việc thiếu vắng bình diện thứ hai về phương pháp, một hố phân cách sâu thẳm sẽ mở ra giữa việc chú giải có tính khoa học và việc đọc lời Chúa (lectio divina). Việc ấy sẽ phát sinh ra sự thiếu trong sáng trong việc soạn bài giảng lễ (112). Cũng cần phải nói rằng sự lưỡng phân này có thể tạo ra mơ hồ lẫn lộn và thiếu ổn định trong việc đào luyện trí thức cho các ứng viên đảm nhiệm các thừa tác vụ trong Giáo Hội (113). Tóm lại, “nơi nào chú giải không phải là thần học, Thánh Kinh không thể là linh hồn của thần học, và ngược lại, nơi nào thần học không chủ yếu giải thích Thánh Kinh của Giáo Hội, thần học ấy sẽ không còn căn bản nữa” (114). Bởi thế, ta cần xem sét cẩn thận hơn nữa các định chuẩn mà Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã cung cấp về phương diện này.

Đức tin và lý trí trong việc tiếp cận Thánh Kinh

Tôi tin rằng điều Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết về vấn đề này trong thông điệp Fides et Ratio của ngài có thể dẫn ta tới một hiểu biết đầy đủ hơn về chú giải và mối tương quan của nó với toàn bộ thần học. Ngài viết rằng ta không nên đánh giá thấp “sự nguy hiểm cố hữu trong việc cố gắng rút tỉa chân lý Thánh Kinh bằng cách chỉ sử dụng một phương pháp, mà bỏ qua nhu cầu cần một lối giải thích có tính toàn bộ hơn, là lối giúp nhà chú giải, cùng với toàn thể Giáo Hội, đạt được một nghĩa đầy đủ hơn về bản văn. Những ai tận tụy với việc nghiên cứu Sách Thánh luôn nên nhớ rằng các phương thức giải thích khác nhau đều có cơ sở triết học riêng của chúng, những cơ sở mà ta cần phải lượng giá cẩn thận trước khi đem áp dụng vào các bản văn thánh” (115).

Suy tư sâu rộng ấy giúp ta thấy rõ một phương thức giải thích Thánh Kinh nhất thiết sẽ đụng đến mối tương quan thích đáng giữa đức tin và lý trí ra sao. Thực vậy, lối giải thích Thánh Kinh bị thế tục hóa chính là sản phẩm của một lý trí toan tính có hệ thống nhằm loại bỏ bất luận khả thể nào cho rằng Thiên Chúa có thể bước vào cuộc sống ta và nói với ta bằng ngôn ngữ con người. Cả ở đây, ta cũng cần phải nhấn mạnh tới việc mở rộng phạm vi của lý trí (116). Khi áp dụng các phương pháp phân tích lịch sử, ta không được chọn bất cứ tiêu chuẩn nào tiên thiên loại bỏ việc Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong lịch sử con người. Tóm lại, tính thống nhất của hai bình diện đang dùng để giải thích Sách Thánh giả thiết phải có sự hoà điệu giữa đức tin và lý trí. Một đàng, tính thống nhất đó đòi phải có một đức tin, một đức tin mà để duy trì được mối tương quan đúng đắn với lý trí đúng đắn, không bao giờ được thoái hóa trở thành duy tín (fideism), một thứ chủ nghĩa mà trong lãnh vực Thánh Kinh sẽ kết cục trở thành chủ nghĩa cực đoan. Đàng khác, tính thống nhất ấy còn đòi một lý trí, khi tìm tòi các yếu tố lịch sử có trong Thánh Kinh, biết cởi mở và không tiên thiên bác bỏ bất cứ điều gì không thuộc tham chiếu của mình. Trong bất cứ trường hợp nào, tôn giáo của Lời nhập thể cũng tỏ ra hợp lý một cách sâu sắc đối với bất cứ ai thành thực đi tìm chân lý và ý nghĩa tối hậu của đời mình và lịch sử của mình.

Nghĩa chiểu tự và nghĩa thiêng liêng

Như Thượng Hội Đồng đã quả quyết, đóng góp có ý nghĩa đối với việc phục hồi lối giải thích Thánh Kinh cách thỏa đáng cũng có thể phát sinh từ một chú tâm đổi mới đối với các Giáo Phụ và phương thức giải thích của các ngài (117). Các Giáo Phụ trình bày với ta một nền thần học vẫn còn giá trị với ta ngày nay vì ở tâm điểm nền thần học này, ta thấy có viêc nghiên cứu Sách Thánh như là một toàn bộ. Thực vậy, chủ yếu và trong yếu tính, các Giáo Phụ chính là “những nhà chú giải Sách Thánh” (118). Gương sáng của các ngài có thể “dạy các nhà chú giải hiện đại một lối tiếp cận thực sự có tính tôn giáo đối với Thánh Kinh, và cũng thế, một lối giải thích luôn luôn hoà điệu với tiêu chuẩn hiệp thông vào cảm nghiệm của Giáo Hội, là định chế đang lữ hành qua lịch sử dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” (119).

Dù hiển nhiên không có được các tài nguyên triết học và lịch sử mà các nhà chú giải hiện đại đang sử dụng, nhưng truyền thống giáo phụ và trung cổ vẫn có thể nhận ra những nghĩa khác nhau của Sách Thánh, bắt đầu là nghĩa đen, nghĩa chiểu tự, tức “nghĩa do chính lời Sách Thánh chuyển tải và khoa chú giải khám phá ra, theo các qui luật của khoa giải thích lành mạnh” (120). Thánh Tôma Aquinô, chẳng hạn, viết rằng “mọi nghĩa của Sách Thánh đều đặt căn bản trên nghĩa chiểu tự” (121). Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng thời các giáo phụ và thời trung cổ, mọi hình thức chú giải, kể cả hình thức chiểu tự, cũng đều được tiến hành trên căn bản đức tin, mà không nhất thiết phải phân biệt giữa nghĩa chiểu tự và nghĩa thiêng liêng. Về phương diện này, người ta có thể nhắc tới 2 câu thơ trung cổ diễn tả mối tương quan giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh:

"Littera gesta docet, quid credas allegoria,

Moralis quid agas, quo tendas anagogia".

(Chữ đen nói tới việc làm; ẩn dụ nói về đức tin;

Luân lý nói tới hành động; loại suy nói về số phận ta) (122).

Ở đây, ta ghi nhận sự thống nhất và mối tương quan qua lại giữa nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng, mà ta có thể tái phân thành 3 nghĩa, tức nghĩa nói tới nội dung đức tin, nghĩa nói tới đời sống luân lý và nghĩa nói tới hoài mong cánh chung của ta.

Tóm lại, dù vẫn nhìn nhận giá trị và sự cần thiết, cũng như các giới hạn, của phương pháp phê bình lịch sử, ta vẫn học được từ các Giáo Phụ điều này: việc chú giải chỉ “thực sự trung thành với ý định của chính các bản văn thánh khi nó không những đi vào trái tim của câu nói để tìm ra thực tại đức tin được diễn tả ở đó, mà còn tìm cách nối kết thực tại này với kinh nghiệm đức tin trong thế giới ngày nay của ta” (123). Chỉ trong viễn tượng này, ta mới có thể nhận ra lời Chúa đang sống động và đang nói với mỗi người chúng ta ngay tại đây và lúc này trong đời sống ta. Theo nghĩa này, định nghĩa của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh dành cho nghĩa thiêng liêng, theo cái hiểu của đức tin Kitô Giáo, vẫn còn hoàn toàn giá trị: nó là “nghĩa được bản văn thánh phát biểu khi đọc, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, trong ngữ cảnh mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô và sự sống mới phát sinh từ ngữ cảnh kia. Ngữ cảnh này thực sự hiện hữu. Trong đó, Tân Ước nhìn nhận sự nên trọn của Sách Thánh. Bởi thế, ta được phép đọc lại Thánh Kinh dưới ánh sáng của ngữ cảnh mới này, một ngữ cảnh của sự sống trong Chúa Thánh Thần” (124).