Căn cứ vào một loạt nghiên cứu dựa trên văn chương ngoại thư, tài liệu Biển Chết, các giáo phụ và phụng vụ tiên khởi, trình thuật Khổ Nạn trong Phúc Âm, Sách Năm Thánh và được hỗ trợ bởi tư liệu Qumran, người ta đã chứng minh được sự hiện hữu của một lịch phụng vụ khác với lịch tư tế “chính thức”.

Chúa Kitô, khi theo lịch này, đã ăn Bữa Tiệc Ly vào tối Thứ Ba. Giả thuyết này được hỗ trợ phần nào nhờ trình thuật của Phúc Âm, nếu ta muốn giảng hòa giữa thời biểu Gioan và thời biểu Nhất Lãm, nhờ thế ta có được thì giờ hợp lý cho một diễn tiến hoàn hảo của các biến cố.

Trước nhất ta có công trình nghiên cứu của Cô Annie Jaubert. Cô là người phụ nữ duy nhất thuộc Trường Thánh Kinh Giêrusalem và là một Phụ Tá tại Đại Học Sorbonne. Tư cách ấy khiến người ta lưu ý đến các ý kiến của cô vào lúc (thập niên 1960) ngành nghiên cứu Thánh Kinh gần như là độc quyền của nam giới. Cuốn sách của cô về Ngày của Bữa Tiệc Ly (1) đã lôi cuốn chú ý của nhiều học giả lúc đó. Phản ứng của họ đi từ hân hoan đón nhận các kết luận của cô tới gần như bác bỏ hoàn toàn và đầy xúc động. Tuy nhiên, không ai có thể bác bỏ rằng cuốn sách của cô, đúng như lời cô nói, là “một lời mời nghiên cứu”. Và quả nó đã dẫn nhiều nhà chuyên môn tiếp nhận lời mời của cô, hay chấp nhận lời thách thức của cô, để “thử nghiệm, trong lãnh vực của mình, tính vững chắc của giả thuyết, và trả lời cho những dấu hỏi mới xuất hiện trên mỗi bước nghiên cứu”.

Lãnh vực nghiên cứu thì khá nhiều, vì cô khởi đầu với ngoại thư Năm Thánh (Jubilees) và tư liệu Qumran, sau đó đi vào giai đoạn thích thú nhất trong trình thuật Phúc Âm về Cuộc Khổ Nạn và sau đó xem sét chi tiết các nền phụng vụ tiên khởi và các giáo phụ. Cuốn sách thực ra chủ yếu in lại ba bài báo đã đăng tải trước đó (2). Có ba phụ lục và ba tờ giấy gấp, mà hai trong số ấy dành trình bày theo lối dẫn đắc (concordance) các đoạn Phúc Âm nói về Cuộc Khổ Nạn dưới ánh sáng giả thuyết của cô.

Lịch của Sách Năm Thánh và tài liệu Qumran

Phần đầu tiên và là phần dài nhất của sách nói đến sự hiện hữu và việc sử dụng một lịch Do Thái xưa. Sách ngoại thư Năm Thánh (book of Jubilees), có từ thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên (BC), cho thấy tự nó cũng đủ nói lên sự hiện hữu của lịch này. Tuy nhiên, sở dĩ phải nghiên cứu về nó vì tác giả hiểu ra tầm quan trọng rất lớn của sách này đối với cộng đoàn Qumran. Nhiều phần của ít nhất chín bản chép Sách Năm Thánh bằng tiếng Hebrew đã được tìm thấy tại đây. Thủ Bản Môn Đệ (Manual of Disciples) cho thấy lịch ấy là lịch của cộng đoàn này.

Lịch chia năm 364 ngày thành bốn phần tư (quí) đều nhau, mỗi phần 13 tuần lễ, mỗi tuần lễ 7 ngày. Hai tháng đầu của mỗi quí có 30 ngày, tháng thứ ba có 31 ngày. Không có bằng chứng nào cho thấy sự khác biệt gần như 1 1/4 ngày giữa lịch này và lịch mặt trời đã được giải quyết ra sao. Jaubert cho rằng cứ 28 năm lại chêm vào một tháng 35 ngày.

Một lịch như thế đem lại tính đều đặn rất đáng kể cho bất cứ chu kỳ phụng vụ nào trong đó các ngày lễ được tính theo ngày trong tháng. Mỗi quí sẽ bắt đầu vào cùng một ngày trong tuần, và một khi ngày đầu năm đã được xác định, thì ngày trong tuần trong đó ngày lễ rơi vào sẽ được tính dễ dàng. Linh mục Barthelemy O.P. (3) cho thấy rằng ngày đầu năm rơi vào Thứ Tư. Thì, theo lịch này, ngày Lễ Vượt Qua, tức ngày thứ 15 của tháng thứ nhất (4) cũng sẽ rơi vào ngày Thứ Tư, và Bữa Ăn Vượt Qua phải được ăn vào tối Thứ Ba.

Đâu là nguồn gốc của lịch này?

Sách Năm Thánh và cộng đoàn Qumran coi việc họ giữ lịch này là biện pháp họ trung thành với luật Môsen, vì lịch này do Môsen áp đặt, nên nếu không theo nó là ‘bước đi theo đường lối Dân Ngoại’ (5), một điều cũng xấu như ‘ăn máu’ vậy. Đâu là lý do khiến họ có thái độ hoàn toàn không chịu thỏa hiệp này?

Jaubert chứng minh rằng đây là một lịch truyền thống có nguồn gốc trong các giới tư tế ít nhất từ thời Lưu Đày. Sau cùng, một nhóm tư tế, vì muốn trung thành với lịch của Sách Năm Thánh, buộc phải tách rời khỏi việc thờ phượng ở Đền Thờ là nền phụng vụ từng bỏ lịch này để thoả hiệp với lịch Hy Lạp dựa trên cách tính mặt trăng. Đó là động lực khiến cộng đoàn Qumran ly khai khỏi Do Thái Giáo chính thức.

Nếu lịch này thực sự là một truyền thống tư tế cổ xưa, thì người ta có quyền trông mong tìm được một vài dấu chỉ của nó trong các phần Cựu Ước mà nền phê bình chữ nghĩa thường gán cho truyền thống tư tế. Khi khảo sát các phần này, Jaubert đạt được một vài kết luận đáng chú ý. Đổi các ngày có đánh số của các tháng có đánh số trong Ngũ Kinh (6) sang ngày trong tuần, ta sẽ thấy rằng ngày đến phải là ngày Thứ Sáu, không ai du hành vào ngày Sabát, ngày lên đường bắt đầu vào Chúa Nhật, ngày sau ngày Sabát (7). Các kết quả tương tự cũng có được nhờ khảo sát Sách Paralipomena, Étra, Nơkhemia và Êdêkien. Đây là một thủ nghiệm tiêu cực, nhưng lịch sách Năm Thánh và Qumran rất tương đắc với các đoạn văn này.

Ta biết rằng lịch này được tuân giữ nghiêm nhặt tại cộng đoàn Qumran. Ta không biết nó được tuân giữ ra sao trong các giới khác. Có thể có những người khác theo đường trung dung bằng cách thích nghi với các giai đoạn của mặt trăng, nhưng vẫn cử hành các ngày lễ hàng năm vào cùng một ngày trong tuần. Dù sao, ta biết chắc bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất, đã có sự hiện diện của hai lịch phụng vụ. Trong một lịch, các ngày lễ được cử hành vào ngày của tháng mặt trăng. Đó là lịch chính thức mà ta biết được là nhờ Do Thái Giáo của các thầy Rabbi sau này (8). Trong lịch kia, các ngày lễ rơi vào ngày nhất định trong tuần. Các tín liệu của chúng ta liên quan đến lịch này là rút tỉa từ các tài liệu của Qumran, Thủ Bản Môn Đệ, Tài Liệu Đa-mát, Sách Năm Thánh.

Giả thuyết mới về ngày của Bữa Tiệc Ly

(a) Giả thuyết

Giả thuyết của Jaubert như sau: Chúa Kitô ăn Bữa Tiệc Ly vào tối Thứ Ba. Khi làm thế, Người đã theo một lịch xưa, ngược với lịch ‘chính thức’ là lịch cử hành Lễ Vượt Qua vào một ngày trong tuần và ngày này thay đổi hàng năm và năm Chúa Kitô chịu chết, nó rơi vào ngày Thứ Bẩy. Lịch ‘chính thức’ được các tư tế tuân giữ, họ là những người xếp đặt cái chết của Người và họ ăn Bữa Vượt Qua vào đêm Thứ Sáu.

(b) Hỗ trợ cho giả thuyết này trong truyền thống Kitô Giáo

Tài liệu nào có thể biện minh cho giả thuyết trên? Dù có chấp nhận sự hiện hữu của hai thứ lịch, liệu ta có lý do gì để tin rằng Chúa Kitô theo một lịch nhất định nào đó? Thực ra, có nhiều tài liệu tiên khởi của Kitô Giáo cho thấy họ duy trì truyền thống cho rằng Chúa Kitô ăn Bữa Tiệc Ly vào tối Thứ Ba. Tài liệu Didascalia Apostolorum, một tuyển tập Kitô Giáo của thế kỷ thứ ba hay thế kỷ thứ hai, quả quyết trong ba ngữ cảnh khác nhau việc Chúa Kitô ăn Bữa Vượt Qua vào tối Thứ Ba, bị trao nộp hôm Thứ Tư và chịu đóng đinh hôm Thứ Sáu (9). Chứng cớ tương tự như thế cũng tìm thấy trong Epiphanius (10). Dù biết Didascalia, nhưng Epiphanius xem ra không lệ thuộc nó để biết truyền thống này. Hơn nữa, ông còn biết truyền thống đêm Thứ Năm và phản đối không chấp nhận truyền thống này (11). Victorinus thành Pettau, Syria (Pannonia), qua đời năm 304, mà chứng cớ cho thấy không hề chịu ảnh hưởng của Didascalia, cũng biết và nhìn nhận truyền thống cho rằng Chúa Giêsu bị bắt hôm Thứ Tư (12).

Truyền thống chung của Victorinus và Didascalia hẳn phải có trước họ. Nếu ta định niên biểu cho Didascalia ở đầu thế kỷ thứ 3, thì truyền thống này hẳn phải có từ thế kỷ thứ 2. Các dấu chỉ trong nó cho thấy nó có nguồn gốc Do Thái và Kitô Giáo.

(c) Nguồn gốc của Truyền Thống Thứ Năm

Truyền thống coi Bữa Tiệc Ly diễn ra vào hôm vọng ngày Chúa Kitô chịu chết đã có từ lúc nào?

Nhắc tới Bữa Tiệc Ly lần đầu chính là Thánh Phaolô. Thánh nhân nói rằng: “vào đêm bị phản bội” (13). Đó là những lời thuộc truyền thống lâu đời nhất ta hiện có, nhưng chúng đâu có nói tới hôm trước ngày (eve) Chúa Chết. Trên thực tế, cũng những lời ấy đã được sử dụng trong các nền phụng vụ lâu đời nhất, trong Truyền Thống Tông Đồ của Hippolytus, trong Ước Thư Chúa Giêsu Kitô Chúa Chúng ta và trong Hiến Chương Tông Đồ (14). Phụng vụ Rôma dùng thuật ngữ “pridie quam pateretur” (15). Ấy thế nhưng, trước hạ bán thế kỷ thứ tư, lại không có việc tưởng niệm Bữa Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh (16).

Nhưng nếu các nguồn phụng vụ chậm trễ trong việc chứng nghiệm truyền thống Thứ Năm thì một số giáo phụ đã nhắc đến nó từ hạ bán thế kỷ thứ nhất (17). Và kể từ năm 165, điều ấy đã được coi như hậu quả tự nhiên của khoa giải thích về việc Chúa Kitô chịu chết hôm Thứ Sáu. Xem ra đó là một diễn dịch từ văn bản Phúc Âm hơn là một truyền thống có từ thời trước.

Thời Biểu Trong Trình Thuật Khổ Nạn Của Phúc Âm

Có thể nào giảng hòa Bữa Tiệc Ly đêm Thứ Ba với bản văn Phúc Âm được chăng? Đây là câu hỏi được bàn tới trong phần thứ ba và là phần đáng lưu ý nhất của sách.

(a) Thời biểu Gioan và Nhất Lãm?

Từ giữa thế kỷ thứ hai, các nhà chú giải đã phải vật lộn với vấn đề thời biểu phát sinh từ các chi tiết khác nhau giữa trình thuật Gioan và trình thuật Nhất Lãm về Cuộc Khổ Nạn. Cả hai truyền thống Gioan và Nhất Lãm đều nhất trí rằng Chúa qua đời ngày Thứ Sáu (18). Nhưng đối với Gioan, Chúa Kitô bị nộp cho người Do Thái vào hôm vọng Lễ Vượt Qua (19). Mà lễ Vượt Qua là ngày Thứ Bẩy. Trong trình thuật Nhất Lãm, Chúa Kitô bị nộp vào tay kẻ thù của Người vào đêm Người dùng bữa mà bề ngoài đúng là Bữa Tối Vượt Qua (20). Như thế, rõ ràng Lễ Vượt Qua xẩy ra vào ngày Thứ Sáu. Thế nhưng, các phúc âm Nhất Lãm lại nhắc tới những biến cố cho thấy sinh hoạt ấy, ít nhất theo Mishna, hoàn toàn bị cấm trong ngày lễ (21).

Các giải đáp được các nhà chú giải đưa ra thì đa dạng (22). Có thể phân chia thành ba loại tùy theo họ chấp nhận Bữa Vượt Qua vào Thứ Sáu như Nhất Lãm, Bữa Vượt Qua vào Thứ Bẩy như Gioan, hay nói tới hai ngày khác nhau do các nhóm khác nhau tuân giữ. Một số vị còn đề nghị giải thích việc đó là do việc theo các lịch khác nhau (23). Đề nghị này lúc đó không được một tài liệu nào nâng đỡ vì vào thời Chúa Giêsu, không một nhóm nào trong lòng đất nước Do Thái theo một lịch khác với lịch chính thức. Đến thời ta, việc ấy mới được chứng minh nhờ điển hình cộng đoàn Qumran.

Nếu ta áp dụng truyền thống trong Didascalia vào trình thuật Phúc Âm, thì sự dị biệt giữa Gioan và Nhất Lãm sẽ được giải quyết. Vì như thế, Chúa Kitô cử hành Lễ Vượt Qua vào tối Thứ Ba, ngày vọng Lễ Vượt Qua theo lịch tư tế xưa. Bị bắt đêm Thứ Ba rạng ngày Thứ Tư, Người qua đời hôm Thứ Sáu, ngày vọng Lễ Vượt Qua theo lịch chính thức.

Hai Lễ Vượt Qua ấy cách nhau 3 ngày (24). Trong các Phúc Âm Nhất Lãm, Lễ Vượt Qua đây chỉ Lễ Vượt Qua theo lịch xưa. Trong các giới mà các Phúc Âm này được viết cho, ai cũng hiểu điều ấy. Trái lại, Thánh Gioan viết cho cử tọa chiụ ảnh hưởng Hy Lạp, và đối với dân Do Thái tản mạn bên ngoài lãnh thổ (Diaspora), có lẽ Lễ Vượt Qua chỉ là Lễ được cử hành vào ngày 15 của tháng mặt trăng. Vả lại, vì Thánh Gioan là người vốn quan tâm đến việc chứng tỏ Chúa Kitô là Đấng thiết lập ra việc thờ phượng Thiên Chúa “trong tinh thần và trong chân lý”, nên ngài muốn thay thế hy lễ Đền Thờ bằng hy lễ của Chúa Kitô.

Như thế, điều ta nhận được ở đây không phải là sự dị biệt về thời biểu mà là hai quan điểm khác nhau. Đây không phải là vấn đề hoặc là/hoặc là (either/or); mà có thể là cả hai (both). Nhưng điều này sẽ đem lại lý lẽ lý thú cho những tranh cãi sau này về Lễ Vượt Qua. Trong các tranh cãi này, cả hai bên đều nhấn mạnh rằng họ theo truyền thống tông đồ. Đức Giáo Hoàng Victor nhấn mạnh vào ngày nhất định trong tuần, trong khi các Kitô hữu vùng Tiểu Á lại theo một ngày thay đổi, chỉ cố định vào ngày 14 trong tháng.

Một vấn đề khác trong thời biểu Phúc Âm mà Jaubert nghĩ giả thuyết của cô sẽ giải quyết được là vấn đề ngày xức dầu thơm tại làng Bethany, được Thánh Gioan nói là xẩy ra 6 ngày trước Lễ Vượt Qua, trong khi Thánh Mátthêu và Thánh Máccô lại đặt ngày ấy sau ngay câu nói: Lễ Vượt Qua sẽ xẩy tới sau đó hai ngày (25). Theo nghĩa vốn gán cho bản văn này, và đếm từ Lễ Vượt Qua vào ngày Thứ Ba, thì việc xức dầu thơm kia sẽ là ngày Chúa Nhật, hay, như Jaubert nghĩ, là ngày Thứ Bẩy, cùng ngày như cách tính 6 ngày từ Thứ Sáu Vượt Qua của Phúc Âm Gioan.

(b) Yếu tố thời gian trong trình thuật Phúc Âm

Khó khăn vẫn là dường như các phúc âm không duy trì một ký ức nào về 3 ngày của cuộc Khổ Nạn. Nhưng có một câu hỏi hiển nhiên xuất hiện từ trình thuật Phúc Âm. Nếu Chúa Kitô bị bắt vào buổi tối trước khi Người chịu đóng đinh, thì tại sao lại có quá nhiều biến cố xẩy ra trong khoảnh khắc giữa lúc bị bắt và lúc bị đóng đinh? Hãy chỉ xem các Phúc Ấm Nhất Lãm mà thôi:

i. Xuất hiện trước Thượng Hội Đồng

“Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư tề tựu đông đủ” (26), “toàn thể Thượng Hội Đồng” (27). Họ tìm nhân chứng buộc tội nhưng không tìm ra ai. Tuy nhiên, có nhiều lời cung khai, nhưng không ăn khớp với nhau. Và mãi về sau (28), mới có những người tố cáo Chúa Kitô có ý định phá Đền Thờ (29). Cuối cùng, là lời kết án long trọng của thượng tế và sau đó bản án nhất trí đã kết thúc thảm kịch.

Các bản văn này không cho ta cảm tưởng đó là một phiên tòa vội vàng. Thánh Máccô không hề có ý định rút ngắn phiên họp của Thượng Hội Đồng bằng cách vội vã cho triệu tập một số ít thành viên giữa đêm khuya, cũng không phải để chỉ nghe 2 hay 3 nhân chứng được mua chuộc từ trước. Mà đúng hơn, Thượng Hội Đồng đã được triệu tập một cách trang trọng; khó khăn mãi mới tìm ra nhân chứng để biện minh cho bản án.

ii. Sau đó, Mátthêu và Máccô miêu tả sự xỉ vả và đánh đập Chúa Kitô, một màn cũng được Thánh Luca mô tả, và rồi đến phiên họp thứ hai của Thượng Hội Đồng vào “sáng sớm”. Toàn thể Thượng Hội Đồng lại được triệu tập (30). Sau phiên họp này, Chúa Kitô bị dẫn tới Philatô.

iii. Chúa Kitô trước Philatô

Philatô chả có lý do gì phải vội vã đưa ra quyết định. Các bản văn đều cho thấy ông ta do dự; ông ta thẩm vấn Chúa Kitô nhiều lần, bối rối vì vụ kiện đặc biệt này (31). Khi biết Chúa là người Galilê, ông ta bèn cho điệu Người tới Herod. Sau khi không khiến cho Người lên tiếng, ông này đã cho điệu Người trở lại với Philatô (32).

Thánh Luca phân biệt hai lần xuất hiện trước Philatô. Trong lần thứ hai, Philatô cho vời các thượng tế và lãnh tụ dân (33) lúc đó đang tản mạn khắp nơi. Mátthêu gợi ý một khoảng cách ở đây bằng cách cho chêm vào câu truyện Giuđa hối hận đi tìm các thượng tế và kỳ mục (34). Ngay trong phiên họp thứ hai, việc lên án cũng không xẩy ra ngay tức khắc. Vẫn còn việc thảo luận với đám đông và việc thả tự do cho Baraba (35). Cuối cùng còn có màn đánh đập và chuẩn bị đóng đinh.

Câu truyện sẽ trở nên khả tín hơn nếu các biến cố trên trải dài trong khoảng từ Thứ Tư tới Thứ Sáu. Sụ thay đổi nơi đám đông cũng sẽ dễ hiểu hơn nếu các tư tế có ít nhất một ngày để gây ảnh hưởng.

iv. Thánh Máccô tuyên bố rằng Chúa Kitô bị đóng đinh vào giờ thứ ba. Có một khó khăn thời danh ở đây vì Thánh Gioan cho rằng phiên xử của Philatô xẩy ra vào khoảng giờ thứ sáu (36). Người ta thường thích thời khóa biểu dài của Gioan hơn là thời khóa biểu ngắn của Máccô và giờ thứ ba của Máccô đã được kéo dài ra để phù hợp với Gioan. Nhưng giờ của Máccô đã được duy trì trong truyền thống phụng vụ (37). Dù sao, nếu duy trì giờ trễ hơn của Gioan, thì giờ ấy vẫn ngắn, và khó mà quan niệm được việc có quá nhiều biến cố xẩy ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế. Nại tới Phúc Ân thứ tư lại càng gia tăng cái khó khăn về thì giờ, vì nó còn thêm vào trình thuật Nhất Lãm các biến cố như việc Annas tra vấn Chúa Giêsu trước khi Người bị giải tới Caiphas (38).

Nhét ngần ấy các biến cố vào khoảng thời gian chỉ có 12 tiếng xem ra hơi quá đáng. Đàng khác, Mishna buộc phải có khoảng cách 24 tiếng giữa phiên tòa và việc lên án trong trường hợp phải trừng phạt bằng án tử hình. Do đó, bộ luật này nhấn mạnh rằng nhnữg vụ như thế không được xử vào vọng ngày sabát hay vọng ngày lễ (39). Bị bắt vào đêm Thứ Ba rạng Thứ Tư sẽ giúp khả thể có quyết định vào Thứ Năm, cho phép khoảng cách một ngày như vừa nói. Sự do dự của Philatô đã đem màn cuối cùng qua tới sáng Thứ Sáu.

(c) Phêrô chối Chúa

Giả thuyết cũng cung cấp giải đáp cho nhiều khó khăn khác. Liệu có chi tiết nào trong Phúc Âm có thể phá hủy được giả thuyết này không?

Cả bốn Phúc Âm đều đặt các lần Phêrô chối Chúa vào đêm Chúa bị bắt. Mátthêu và Máccô chêm câu truyện xử án tại nhà thượng tế vào câu truyện Phêrô chối Thày (40). Như thế, nếu các lần chối này xẩy ra trong đêm, thì dường như phiên xử cũng vậy. Nhưng Thánh Luca lại đặt nó vào ban ngày (41). Thánh Gioan hình như cùng ý kiến như Thánh Luca, vì cuộc tra vấn của Annas xẩy ra ban đêm.

Nhưng Thánh Gioan không mô tả cả phiên toà lẫn án tòa, mà chỉ kể việc Annas tra vấn, sau đó, Chúa Giêsu bị dẫn tới Caiphas (42). Điều ấy xem ra bất thường đến nỗi một số người đề nghị đặt câu 24: “Annas cho giải Người còn bị trói tới thượng tế Caiphas” giữa câu 13 và 14 để cuộc tra vấn diễn ra trước mặt Caiphas (43).

Đối với giả thuyết đang bàn, điều ấy không cần thiết. Thánh Gioan mô tả đêm Chúa bị bắt. Chúa Kitô bị dẫn tới Annas. Cuộc tra vấn này rất khác với phiên xử, nên không cần phải gán nó cho Caiphas. Theo Thánh Gioan, các lần chối Chúa của Phêrô xẩy ra tại nhà Annas. Phêrô vào sân trước của nhà này, và các lần ông chối Chúa xẩy ra tại đó, hai lần sau xẩy ra bên cạnh đống lửa nơi ông tới sưởi ấm (44). Ở đây, truyền thống mà Thánh Gioan theo đã được Thánh Luca nhập cuộc (45). Thứ tự các biến cố đặt hai lần chối cuối cùng ở lúc Chúa Giêsu bị Annas cho dẫn tới Caiphas cũng xưa như cuốn Diatesseron (cuốn phối hòa 4 Phúc Âm) của Tatian (46).

Thời biểu chi tiết sau đây đã được đề nghị:

Đêm Thứ Ba rạng Thứ Tư: Chúa Giêsu bị bắt, bị dẫn tới thượng tế (Mc 14:53; Lc 22:54) Annas (Ga 18:13), và bị ông này tra vấn (Ga 18:19f). Lúc gà gáy, Người bị dẫn tới Caiphas (Ga 18:24).

Thứ Tư: Xử án (Mc 14:55-64); bị nhục mạ và đánh đập (Mt 26:68)

Sáng Thứ Năm: Lên án (Mt 27:1; Mc 15:1); Chúa Giêsu bị dẫn tới Philatô (Mt 27:2; Mc 15:1; Lc 23:1; Ga 18:28); Chúa Giêsu bị điệu tới Herod (Lc 23: 6-12).

Sáng Thứ Sáu: Trước mặt Philatô lần thứ hai (Lc 23:13); bị kết án và bị đóng đinh.

Không một phúc âm gia nào mô tả hết mọi biến cố trên. Chỉ có Thánh Gioan thuật lại việc Annas tra vấn. Thánh Luca là soạn giả duy nhất thuật lại hai lần xuất hiện trước Philatô, dù ngài gói gọn việc xử án và lên án vào phiên sử buổi sáng của Thượng Hội Đồng. Thánh Mátthêu và Thánh Máccô nói tới hai phiên xử. Mỗi phúc âm trong 4 phúc âm này đều chỉ kể lại một số sự kiện (episodic), rút gọn bằng cách lồng (telescoping) nhiều biến cố vào nhau. Khi sắp đặt các sự kiện, các ngài biết việc mình cho các biến cố rời rạc nhau một trật tự nào đó, nhưng không hề có ý định quả quyết rằng đó là thứ tự thời gian chính xác. Bằng cách sử dụng các dấu mốc của Thánh Gioan và Thánh Luca, ta có thể làm tròn bức tranh của Thánh Mátthêu và của Thánh Máccô.

(d) Thời biểu này đã phai mờ ra sao?

Vẫn còn một câu hỏi quan trọng cần được trả lời. Trong các trình thuật Phúc Âm hiện ta đang có, ghi chép minh nhiên về ba ngày Khổ Nạn đã bị mất như thế nào?

Việc dạy giáo lý khẩu truyền lúc ban đầu, tức giáo huấn đi trước các Phúc Âm bằng chữ viết phần lớn quan tâm nhiều đến nội dung các sự kiện và ý nghĩa tín lý của chúng hơn là diễn biến theo thứ tự thời gian. Nó nhằm trình bày các sự kiện được giáo huấn tông đồ dựa vào, chỉ giữ lại những chi tiết mà giáo huấn này thấy cần thiết, chứ ít chú trọng tới ngày tháng chính xác xẩy ra các sự kiện ấy. Phúc Âm Thánh Máccô, chẳng hạn, không giúp ta xác định ngày tháng của thừa tác vụ Chúa Giêsu, cũng như thời gian kéo dài của thừa tác vụ ấy. Việc rút ngắn bằng cách lồng hai biến cố riêng rẽ hay tương tự nhau không phải là việc khó khăn gì. Hai cuộc tra vấn của Annas và Caiphas, cả hai đều là thượng tế, đã được kết hợp thành một trong hai Phúc Âm Mátthêu và Máccô. Hai phiên họp của Thượng Hội Đồng cũng có cùng một số phận trong Luca. Hai lần Chúa Giêsu xuất hiện trước Philatô cũng trở thành một trong Máccô và Gioan. Điều quan trọng là trình bày nhục cảnh chưa nghe thấy bao giờ về một Đấng Quân Vương bị đóng đinh, cho thấy rõ ai chịu trách nhiệm về việc ấy, nghĩa là những sự việc mà giáo huấn tông đồ muốn minh họa. Việc rút gọn bằng cách lồng các sự kiện vào nhau thay vì làm cản trở, thực ra đã giúp rất nhiều trong việc tóm lược các bài giáo lý tiên khởi.

Nhưng khi việc dạy giáo lý này bước từ khung cảnh Palestine, là khung cảnh vốn quen thuộc với Lễ Vượt Qua vào Thứ Ba, qua thế giới ngoại giáo, vốn không biết một Lễ Vượt Qua nào khác mà chỉ là Lễ Vượt Qua của người Do Thái ở hải ngoại (Diaspora) được tổ chức vào ngày thứ 15 của tháng Nisan, tính theo lịch mặt trăng, thì Bữa Tiệc Ly đã được liên kết với Lễ Vượt Qua này, Lễ Vượt Qua ‘chính thức’. Jaubert nghĩ rằng trường hợp rút gọn bằng cách lồng vào nhau rõ ràng nhất chính là việc hai Phúc Âm Mátthêu và Máccô chuyển phiên họp của Thượng Hội Đồng lên đêm hôm trước. Chắc chắn điều ấy giả thiết rằng các điều kiện thực sự mà việc xử án dựa vào đã bị bỏ quên, và cả việc thiếu nhân chứng tận mắt nữa. Nhưng đến lúc sứ điệp Kitô Giáo được Phúc Âm Máccô loan truyền thời Nêrông bách hại Đạo, điều quan trọng là phải loan truyền sứ điệp chủ yếu của cứu độ, chứ không cần phải đảm bảo tính chính xác trong thời biểu các biến cố. Mà cũng không cần thiết phải làm hại một truyền thống vốn đã thành hình. Trình thuật phiên xử tại Thượng Hội Đồng, lúc ấy đã hiện hữu như một đơn vị hoàn hảo, có lẽ đã được chêm vào trình thuật Phêrô chối Chúa (47).

Phúc Âm Mátthêu theo chân Phúc Âm Máccô trong việc chuyển đổi này, nhưng Thánh Luca, người biết cách sử dụng Phúc Âm Máccô khi cần, nên đã không theo Phúc Âm này ở đây, có lẽ vì ngài có nguồn tín liệu khác. Phúc Âm thứ tư bỏ qua phiên xử của Thượng Hội Đồng để nói chi tiết nhiều hơn tới cuộc tra vấn của Annas. Điều này cho người ta cảm tưởng như một hồi ức bản thân. Hai cuộc xuất hiện trước Philatô đã được ép lại thành một. Vì quan tâm hàng đầu ở đây là quan tâm thần học, muốn làm nổi bật tư cách làm vua của Chúa Kitô. Trung điểm trong trình thuật Gioan là việc đội mão gai.

Jaubert kết luận rằng: đối với thế hệ Kitô hữu đầu tiên, Chúa Kitô cử hành Lễ Vượt Qua vào đêm Thứ Ba, theo một lịch thánh từng điều hòa cuộc hành trình lâu dài của Dân Riêng qua sa mạc cũng như nền phụng vụ xưa kia của Đền Thờ. Bởi thế, Bữa Tiệc Ly chất chứa mọi liên kết với truyền thống tư tế đáng kính. Nó thay thế cho các bữa ăn hy tế của Luật Cũ. Nó là đỉnh cao của nền phụng vụ Bánh Miến Không Men (Azymes).

Nhưng khi chết vào Thứ Sáu, ngày vọng Lễ Vượt Qua chính thức, Chúa Kitô đã dùng chính mình Người thay thế cho chiên sát tế của Đền Thờ. Không những Bữa Tiệc Ly là Bữa Vượt Qua, mà chính Chúa Kitô cũng là Chiên Vượt Qua nữa. Từ giây phút ấy trở đi, Người là của hy sinh độc nhất đã dùng máu mình thay thế máu chiên dê. Như thế, Chúa Kitô đã đem lại với nhau gia tài kép của truyền thống Do Thái và làm nó nên hoàn hảo. Khi Thánh Phaolô viết: “anh chị em hãy thanh tẩy khỏi men cũ… Chúa Kitô, đã chịu hiến tế làm Chiên Lễ Vượt Qua của chúng ta” (48) là ngài đang nói lên niềm tin tiên khởi của cộng đoàn Kitô hữu.

Ghi chú

(1) La Date De La Cène, Calendrier Biblique et Liturgie Chrétienne. Etudes Bibliques. Paris, 1957

(2) Le Calendrier des Jubilés et de la Secte de Qumran. Ses Origines Bibliques, trong Vetus Testamentum, III (1953), 250-264

La Date de la Dernière Cène, trong Revue de l’Histoire des Religions, CXLVI (1954), 140-173

Le Calendrier des Jubilés et les Jours Liturgiques de la Semaine. Vetus Testamentum, VII (1957), 35-61.

(3) Notes en Marge de Publications Récentes sur les Manuscrits de Qumran, Revue Biblique, LIX (1952), 199-203

(4) Lv 23:5; Đnl 16:8

(5) Jubilees 6:35; 6:38. Bản văn trong R.H. Charles, The Apocrypha and Psedepigrapha of the Old Testament, Oxford, 1913.

(6) St 7:11; 8:4; 8: 5, 13, 14; Xh 12:3, 31-35; 16:1; 40:1-17; Ds 1:1; 9:11; 10:11; 33:38; Đnl 1:3. Có thể thêm Gs 4:19.

(7) Ngay hòm bia cũng phải nghỉ vào ngày Thứ Sáu (St 8:4)

(8) Muốn biết đầy đủ chi tiết về lịch Do Thái, cách tính ngày và tháng, cách thêm ngày, xin xem Holmeister, Chronologia Vitae Christi, Rome, 1933, 180-194.

(9) Didascalia Apostolorum, chương 21; 14:4-9; 14:18-20; 17:7-8

(10) Các bản văn dễ thấy là Adversus Haereses, II, 51, 26 trong Migne, PG XLI,

933ff, Expositio Fidei, XXII, PG. XLII, 825f.

(11) Trong một mảnh tài liệu công bố năm 1927, được Jaubert trích dẫn, tr.88

(12) Tractatus de Fabrica Mundi, III, PL. V, 304f.

(13) 1Cor 11:23

(14) Apostolic Tradition, do Dix hiệu đính, tr.8

Testament of Our Lord Jesus Christ, do Rahmani hiệu đính, 41 (cả hai được Jaubert trích dẫn, tr. 94)

Apostolic Constitutions, VIII, 12 Tập XVII của bộ Ante-Nicene Christian Library, do Roberts và Donaldson hiệu đính, Edinburgh, 1870, tr,231.

(15) Trong Lễ Qui Thánh Lễ Latinh, “Paretur” (chịu khổ hình) chỉ việc Chúa Giêsu chịu chết. Từ ngữ này trích từ Phúc Âm Luca 22:15; trong câu này, Người chọn kiểu nói ám chỉ Người sắp chịu chết, và nghĩa này là nghĩa được các giáo phụ và phụng vụ tiếp nhận. “Thuật ngữ ‘pridie quam pateretur’ là ám chỉ phụ lấy từ bản văn Phúc Âm của một xã hội coi ngày bắt đầu vào buổi sáng” (xem bài Patrick W. Skehan điểm sách của Jaubert trong The Catholic Biblical Quarterly, XX (1958), nhất là tr. 198.

(16) Một sắc lệnh của Công Đồng Carthage lần thứ ba ấn định việc ăn chay để rước lễ ngoại trừ vào ngày kỷ niệm khi cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa. Xem Thánh Augustinô, Thư LIV Gửi Januarium, dịch sang tiếng Anh trong The Fathers of the Church, New York, vol. 12, 256f.

(17) Clement of Alexandria, PG. IX, 757f

Irenaeus, Adversus Haereses, II, 22, 3. (Jaubert, tr.96).

(18) Mt 27:62; Mc 15:42; Lc 23:54; Ga 19:31

(19) Ga 19:14

(20) Mt 26:17-19; Mc 14:12-16; Lc 22:7-15

(21) Như các hành vi phạm luật, chuẩn bị vật liệu để xức xác (Lc 23:56), mang vũ khí (Mt 26:47, 51).

(22) Muốn có tóm lược các giải pháp này, không cần đi đâu xa chỉ cần tham khảo cuốn thủ bản của Simon-Dorado, ấn bản thứ 7, 1947, các trang 878-882.

(23) Xem Lagrange, Évangile selon Saint Marc, ấn bản thứ 4, Paris 1947, tr. 362

(24) Việc cách biệt thời gian nhỏ nhoi trong dịp này có thể là do tình cờ hay do đường lối trung dung giữa hai thứ lịch, một đường lối chấp nhận lịch tư tế nghiêm nhặt tính theo chu kỳ mặt trăng, nhưng duy trì cùng một ngày trong tuần cho lễ lạc phụng vụ. Xem Jaubert tr.58.

(25) Mt 26:2,6; Mc 14:1,3

(26) Mc 14:53

(27) Mc 14:55

(28) Mt 26:40

(29) Mc 14:56-58; Mt 26:60f.

(30) Mc 15:1

(31) Mc 15:2-5; Mt 27:11-14

(32) Lc 23:6-12

(33) Lc 23:13

(34) Mt 27:3-10

(35) Mc 15:6-15; Mt 27:15-26; Lc 23:17-25

(36) Mc 15:25; Ga 19:14. Lagrange nghĩ rằng vì Thánh Máccô rõ ràng chia ngày thành 3 phần khi ngài nhắc đến tảng sáng, giờ thứ ba, giờ thứ sáu và giờ thứ chín (15: 1, 33, 34), thì các con số này chỉ là ước tính, còn giờ của Thánh Giaon thì chính xác hơn. Tài liệu đã dẫn, tr.429.

(37) Apostolic Tradition, Canons of Hippolytus, Testament of Our Lord Jesus Christ, do Jaubert trích dẫn, tr.119

(38) Ga 18:13-24

(39) Sanhedrin IV, I. Muốn biết tóm lược các qui luật về thủ tục pháp lý, xin xem Everyman’s Talmud, của A. Cohen, London 1948, nhất là các trang 309-314.

(40) Mc 14:54-72; Mt 26: 58-75

(41) Lc 22:66

(42) Ga 18: 12-28.

(43) Xem Lagrange, Évangile selon Saint Jean, ấn bản thứ 8, Paris 1948, 459-461. Nhưng tác giả này cho rằng không thể dịch là “Annas trước đó đã sai dẫn Người…” v ìnếu dịch như thế là biến câu 24 trở thành “một ghi chú trễ”, như đã được bản dịch của Đức Ông Knox giải thích.

(44) Ga 18:18, 25

(45) Lc 22:61

(46) Đây cũng là lối giải thích của P. Benoit trong Angelicum, XX (1943), 143-165, “Jesus devant le Sanhedrin”, nhất là các trang 158-160.

(47) Jaubert cho rằng nó đã được chuyển đổi từ vị trí nguyên thủy giữa 14:7 và 15:1.

(48) 1Cor 5:7

Viết theo Jerome Crowe C.P., The Australasian Catholic Record, Vol.XXXVI, January 1959, no.1

(Còn tiếp)