Chúa Nhật Phục sinh

Cv 10, 34.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

Chúa đã Phục Sinh... cho ai?

Một trong hai tác phẩm bất tử của đại văn hào Lev Tôn-xtoi có tên là Phục Sinh (BOCKRECEHIE). Cuốn tiểu thuyết này nói đến tiến trình của hai biến cố phục sinh. Biến cố phục sinh thứ nhất xảy ra ở tại một làng quê. Theo tục lệ của Chính Thống giáo, sau khi dự thánh lễ đêm Phục Sinh, từng cặp chào mừng nhau. Một người xướng: “Chúa Kitô đã sống lại”, và người kia đáp: “Người đã sống lại thật”; rồi hai người ôm hôn ba lần để trao niềm vui cho nhau. Chính lễ nghi này đã khiến ông hoàng Nê-kli-u-đốp, trong một lần về thôn quê, ôm hôn người hầu gái của bà cô mình và xuất thần cảm nhận tình yêu. Trong khoảnh khắc thánh thiện ấy, ‘tình yêu đã đạt đến tuyệt đỉnh, nơi không còn mảy may gì là suy nghĩ, là xác thịt, mà chỉ là sự hợp nhất giữa hai người’. Cũng vì giây phút thần thiêng ấy mà cô hầu Ca-ta-ri-na đã trở thành người tình một đêm của ông hoàng kia, để rồi ông trở về thành phố mà không còn bận tâm gì đến hành vi của mình trong cái đêm Phục Sinh nông thôn ấy.

Biến cố phục sinh thứ hai xảy ra nhiều năm sau đó. Ông hoàng Nê-kli-u-đốp ngồi ghế bồi thẩm đoàn để xem người ta kết tội một cô gái thứ dân phạm một tội không rõ rệt. Cô gái ấy chính là Ca-ta-ri-na mà ông hoàng đã ân ái một đêm rồi xóa đi trong ký ức. Ông nhận ra rằng hành động vô trách nhiệm của mình đã đẩy cô gái xuống vực thẳm và giờ đây bị kết án oan. Lương tâm bừng dậy, ông đã bỏ lại tất cả, theo cô gái suốt hành trình đi đày đến tận Xi-bê-ri và chia sẻ mọi cơ cực của những kẻ tù đày... để rồi cuối cùng đã xin được ân xá cho Ca-ta-ri-na, và cũng là ân xá cho tâm hồn mình. Tiến trình Phục Sinh thứ hai này là đoạn đường dài nhất trong 600 trang sách.

Hôm nay, một ngày lễ Phục Sinh nữa lại trở về với nhân loại. Cũng lại câu chuyện của người phụ nữ tên là Maria từ tảng sáng đi đến mồ để khám phá ngôi mộ trống. Rồi mọi người tín hữu khắp địa cầu hát vang: “Alleluia, Chúa đã sống lại rồi!”. Nhưng phải chăng lại một lần nữa Chúa Nhật Phục Sinh là niềm lâng lâng của một ngày rồi đâu lại vào đấy? Nếu như thế thì cũng chỉ là Phục Sinh của đêm đen trong một ngôi làng thôn quê hôm xưa giữa một ông hoàng và một cô hầu gái... Phấn khởi đấy, vui tươi đấy, nhưng rồi chẳng thay đổi được gì. Chính cuộc Phục Sinh thứ hai kia mới là điều cần nói tới.

Bài phúc âm thánh Gioan mà Giáo Hội cho đọc ngày lễ này chỉ nói đến ngôi mộ, cùng với khăn liệm... Điều mà các tông đồ gặp chỉ là một ngôi mộ trống, chứ không phải là Chúa Kitô phục sinh. Điều đã làm cho họ trở thành những Kitô hữu nhiệt thành không phải là một Đức Kitô ở bên ngoài mà là một Đức Kitô đã sống lại bên trong họ. Vì sao tôi có thể nói thế? Tại vì thánh Gioan đã viết một câu rất ngắn nhưng âm vang thật dài: “Ông đã thấy và ông đã tin”.

Chữ ‘tin’ trong Phúc Âm Thánh Gioan là cả một khung trời. Không phải như tôi tin ở Pháp có tháp Eiffel, tin ở Mỹ có một người thu nhập bằng tất cả dân Việt Nam cộng lại, tin ở Ý có người tìm ra thuốc trị ung thư. Những điều tin ấy chẳng đụng chạm gì đến bản thân tôi, đến ngôi nhà lụp xụp, đến đồng lương ít ỏi, đến căn bệnh nhức mỏi của tôi... Và cuộc đời của tôi vẫn thế, dù có tin hay không. Trái lại, đức tin của thánh Gioan chính là một sự sống thay đổi cả đời ông, và chỉ có Đấng Phục Sinh trong ông mới khiến cho ông thấy cuộc đời mình không còn như cũ nữa.

Xét cho cùng, đối với bạn và tôi, những gì người khác kể về Đức Kitô phục sinh - dù cho người ấy có thánh thiện và khả kính đến đâu - thì cũng không quan trọng mấy. Điều họ trình bày rốt cục cũng chỉ là một ngôi mộ trống. Điều thật sự quan trọng là Đức Kitô phải sống lại trong bạn và trong tôi, bởi vì nếu Ngài sống lại cho mọi người mà không sống lại trong tôi thì Phục Sinh chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi cả, và niềm tin của tôi đối với Chúa cũng chẳng khác gì tôi tin có một ông tư bản giàu sụ bên Mỹ bên Tây.

Nhưng làm sao để cho Ngài sống lại trong bản thân mình? Thánh Phaolô đã nhắn nhủ với giáo đoàn Cô-lô-xê: “Anh em đã chết, và sự sống mới của anh em đang tiềm tàng nơi Đức Kitô”. Vấn đề là ở đấy. Tôi đã theo đạo bao nhiêu năm, nhưng tôi đã chết chưa? Nếu tôi chưa chết thì làm sao tôi có được sự sống mới? Tôi vẫn sống bằng toan tính của mình, bằng đầu óc của mình, bằng khôn ngoan của mình, hay tôi đã trao phó hết mọi sự cho Thiên Chúa? Tôi có xét mình để thấy bao nhiêu điều lỗi phạm mình đã từng làm chưa? Tôi có vui lòng ưng thuận bước theo con đường Xi-bê-ri mà Chúa dẫn tôi đi chăng? Và con đường phục sinh ấy không chỉ giới hạn một đêm mà kéo dài qua bao năm tháng. Ngược lại, nếu Ngài đã phục sinh trong tôi thì có gì thay đổi?

Ta trở lại với tiểu thuyết Phục Sinh của Lev Tôn-xtoi. Ông hoàng Nê-kli-u-đốp đã thông qua hành trình cam go đến với miền giá lạnh Xi-bê-ri, đã đối diện với đau khổ, đã chứng kiến cảnh tù đày phi nhân... để rồi ông thực sự phục sinh. Chương cuối cùng của cuốn sách trứ danh kia hầu như dành trọn vẹn cho những trích dẫn Phúc Âm, trước khi kết thúc bằng câu sau đây:

“Kể từ đêm hôm ấy, một cuộc sống mới khởi sự cho Nê-kli-u-đốp, không phải vì điều kiện sống của ông đã thay đổi, nhưng bởi vì kể từ giây phút ấy, mọi biến cố trong cuộc đời đều mang một ý nghĩa khác.”

Mọi biến cố trong cuộc đời tôi mang một ý nghĩa khác: đấy là thước đo để biết xem Thiên Chúa đã phục sinh trong bản thân tôi hay chưa.