Thánh lễ cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam

ngày Chúa nhật 22.11.2009 tại Düsseldorf


Ngày Chủ nhật 22.11.2009, lễ kính trọng thể Chúa Kytô Vua vũ trụ, đồng thời Giáo Hội Việt Nam mừng kính các Thánh Tử đạo Việtnam sắp đến ngày 24.11. Dịp này Giáo Hội Công giáo Việt Nam mừng kỷ niệm 350 năm thành lập Giáo Hội Việtnam hai Giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài năm 1659, và cũng mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việtnam năm 1960. Vì thế Giáo Hội Công Giáo Việt Nam khai mạc năm Thánh từ ngày 24.11.2009 đến 06.01.2011 mừng kỷ niệm dịp vui mừng thánh đức này.

Dù ở xa Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam, Giáo đoàn Công Giáo Việt Nam liên Giáo Phận Köln Aachen cũng hướng tâm hồn về Quê Hương và Giáo Hội, nên đã mời gọi toàn thể các Hội đoàn Công Giáo cũng như mọi Giáo dân trong Giáo đoàn và khắp nơi về Düsseldorf cùng hiệp thông dâng Thánh Lễ cầu nguyện xin ơn Hoà bình và Công lý cho Quê Hương Việtnam và cho Giáo Hội Việtnam.

Thánh lễ mừng kính cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam do Ban Chấp Hành Gíao đoàn đứng ra tổ chức mời gọi. Số Gíao dân về tham dự đông đảo cùng dâng lời kinh tiếng hát, thắp sáng ngọn nến đức tin. Cha Linh Hướng Giáo đoàn Köln- Aachen Đaminh Nguyễn Ngọc Long, Cha cố Phêrô Nguyễn Trọng Qúy, Cha cố Giuse Nguyễn văn Tịnh, Cha Đinh Xuân Minh, Cha Giuse Lê văn Thắng cùng đồng tế chung quanh bàn thờ dâng thánh lễ với mọi người hôm đó.

Từ 13 giờ trưa, Giáo dân từ mọi phương trời trong và ngoài nước Đức đã lần lượt tiến đến nhà thờ St. Maria Rosenkranz –Düsseldorf.

15.00 giờ Ca Đoàn cùng với moi người bắt đầu Thánh Lễ bằng bài hát ngợi khen Chúa Giêsu là vua vũ trụ: Ôi Giêsu, Chúa Giêsu là Vua.. .

Sau bài hát ca nhập lễ mừng kính Chúa Kitô Vua vũ trụ, Cha chủ tế chào mừng mọi người mở đầu Thánh lễ.

“Anh chị em thân mến trong cùng một Chúa là Cha,

Trong niềm hân hoan thánh đức xin chào mừng anh chị em, các Bạn trẻ, các em thiếu nhi từ mọi nơi về đây nơi mừng kính lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Chúa Kitô Vua vũ trụ không đến trần gian với quyền hành thống trị con người, nhưng Ngài là vị Vua tình yêu, vị vua hòa bình và công lý cho toàn thể mọi người trên khắp cùng trái đất. Hòa bình và công lý là căn bản cho đời sống mọi người ở khắp mọi nơi, và là điều con người luôn cần đến.

Các Thánh Tử đạo Việt Nam của chúng ta ngày xưa đã sống trung kiên đức tin vào Chúa, Đấng là nguồn hòa bình và công lý cho con người. Các Ngài đã sống làm chứng cho Chúa trong suốt dọc đời sống của mình cho tới hơi thở cuối cùng. Trước mắt loài người họ là những người yếu thế, thua kém. Nhưng đời sống những giọt máu đào của họ đã đổ ra làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, đấng là nền hòa bình và công lý.

Trong tâm tình đó cùng với anh chị em, con xin chào mừng qúy Cha khách cha cố Phêrô Quý, cha cố Giuse Tịnh, Cha Giuse Thắng và cha Đinh Xuân Minh hôm nay cùng đến dâng thánh lễ và cầu nguyện cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam chúng ta.

Hòa bình và công lý phát xuất từ nơi Thiên Chúa. Vì thế giờ đây chúng ta tất cả cùng thắp sáng ngọn nến trứơc bàn thờ cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình và công lý cho Quê Hương Việt Nam và cho Giáo Hội Việt Nam chúng ta đang sắp khai mạc năm Thánh 2010, dịp mừng kỷ niệm 350 năm thành lập hai Giáo phận Đàng trong và Đàng ngoài năm 1659, và 50 năm thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam năm 1960.

Cùng với ánh nến lung linh trong tay chúng ta cùng hát lời kinh hòa bình cho Quê hương và Giáo Hội Việt Nam chúng ta.“

Lời Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô được cất hát vang lên trong khắp thánh đường hòa nhịp với những ánh nến lung linh của mọi người lần lượt lên đặt trước bàn thờ có dựng tấm bản đồ Việt Nam hình chữ S xin ơn Hoà bình và Công lý cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

Trong Bài giảng Cha cố Phêrô Nguyễn Trọng Qúy đã chia sẻ về lịch sử Giáo Hội Việt Nam qua mấy điểm chính như:

1. Những vết tích rực rỡ nhất

-Vết tích I: Ghi khắc tên tuổi của từng con dân Việt Nam vào dòng lịch sử đời trần thế của Chúa Giêsu để ghi mốc lịch sử hiện hữu của họ bằng cách cho họ một niên hiệu khai sinh vừa lúc mới ra đời.

-Vết tích II: Ghi khắc đời sống Xã Hội Việt Nam vào Lịch Trình Sáng Tạo của Thiên Chúa bằng cách đưa tuần lễ 7 ngày vào đời sống xã hội, như học trò mỗi tuần có ngày học ngày nghỉ; người dân có ngày họp chợ, ngày đi chơi, ngày xem hội; cơ quan có ngày mở cửa, ngày đóng cửa…. Hơn thế nữa, ngày chủ nhật, ngày Chúa Giêsu Sống Lại, ngày vui mừng, các cơ quan nghỉ ngơi. Một nếp sông vô ý thức nhưng không phải là vô nghĩa.

-Vết tích III: Tặng cho văn hóa Việt Nam một kho tàng vô giá: Chữ Quốc Ngữ.- Nhiều nét văn minh đã xuất hiện trên đất nước Việt Nam như văn minh đồ gốm, văn minh Trống Đồng, nhưng không có văn minh nào sánh được với văn minh chữ viết, vì qua chữ viết người ta có thế truyền lại cho nhau những kinh nghiệm cao quí, những đạo lý thâm sâu, những phát minh mới mẻ, những khám phá khoa học, những kiến thức bí ẩn, những áng thơ diệu huyền và bao nhiêu thứ khác.

Điểm quan trọng khác ngài muốn nhấn mạnh ở đây là:

2. Những mong đợi của Giáo Hội nơi chúng ta

Giáo Hội Việt Nam không mong đợi gì ở chúng ta hơn là những điều chính Chúa Giêsu đã mong đợi:

- Sống yêu thương;

- Sống hài hòa;

- Sống Bí tích, cầu nguyên.

a) Sống Yêu thương:

Sau khi rửa chân cho các tông đồ và nói lời từ giã thân mật nhất trong bữa Tiệc Ly, Chúa long trọng công bố với các tông đồ như một lời di chúc cuối cùng:

Ga 13,34: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau."

b) Sống hài hòa:

Điều Chúa Giêsu lo âu nhất trước khi từ giã thế gian là nhìn thấy sự chia rẽ đáng lo ngại trong Giáo Hội, và ta phải nói, sự chia rẽ đó ở Việt Nam nặng nề hơn ở đâu hết.

Chúa biết rằng nếu những người tin theo Chúa sống hòa hợp với nhau, thi thiên hạ sẽ nhận biết Chúa Kitô và sẽ tin theo Người. Do đó Chúa kết lời cầu với Cha Trên Trời bằng lời tiên tri sau đây:

“Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.”

c) Sống Bí Tích và cầu nguyện.

Bí Tích Cáo Giải.

Sống trong tội là sống nô lệ ma quỉ, nó sẽ đến thống trị và gieo rắc sai lạc, các nết xấu, và bày ra “những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những vấn đề của tri thức giả hiệu làm cho lạc mất đức tin.

Cha cố Phêrô đã kết thúc bài giảng bằng câu rất ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa như sau:

Năm Thánh là Năm Hồng Ân, nước trời sẽ mở ra ban phát tràn trề mọi ơn lành, chúng ta hãy hứng lấy cho Giáo Hội, cho Quê Hương và cho chính chúng ta.

Trong lời nguyện Giáo dân lần lượt từ Ông Bà, Thanh thiếu niên, các em nhỏ đã dâng lên Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria những lời nguyện xin cho Giáo dân trên Quê hương Việtnam sớm được Tự do, Công lý và Hoà bình, nhân tháng các Linh Hồn, giáo dân cũng không quên cầu nguyện cho các Linh hồn trong các gia đình và trong các Cộng đoàn đã được Chúa gọi về đời sau.

Sau Thánh lễ mọi người tụ tập trong sân nhà Thờ,cùng chia sẻ với nhau một ly càfê nóng, một tách nước trà, hàn huyên tâm sự về đời sống hằng ngày cũng như đời sống trên Quê hương Việtnam, mọi người chia tay nhau ra về với một tâm tư, ước mong Trời Cao ban cho Quê hương Việtnam thân yêu có Hoà bình và Công Lý.

Hiệp cùng các Thánh Tử đạo Việt nam trên trời chúng ta cầu nguyện Đức Chúa Thánh Thần cho Đức Tin luôn được sống động để thực hành lời kinh cầu trong cuộc sống: «Lạy Chúa, xin dùng con làm khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp. Lạy Chúa, xin dạy con: Tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu, v.v…» (Kinh Hòa Bình).

Một tấm lòng thành kính nhân danh Thiên Chúa cùng nhau góp tay xây dựng một Cộng Đồng Dân Chúa trong tình đoàn kết và hiệp thông.

Và cùng nhau hướng về Quê Hương, và Giáo Hội Việt Nam yêu dấu của chúng ta bằng những lời kinh nguyện để dâng lên Thiên Chúa bằng chính tình yêu của chúng ta hằng ngày trong đời sống.

Düsseldorf, ngày 22.11.2009

Một tham dự viên ngày lễ cầu nguyện