SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIÊT NAM

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Chúng ta họp nhau chiều nay để dâng thánh lễ trọng thể mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đây là một cử hành phụng vụ vừa theo thông lệ, vừa có nét đặc biệt.

Quả vậy, hằng năm tại nhà nguyện Hiển Linh này, là cái Nôi ươm trồng biết bao ý chí thánh thiện thừa sai cũng như lưu giữ các chứng tích thánh thiêng anh hùng, chúng ta đều họp nhau cùng dâng thánh lễ để mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Nhưng đặc biệt năm nay thánh lễ trọng này được cử hành trước ngưỡng cửa của Năm Thánh 2010 sẽ được khai mạc trọng thể vào chính ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24-11-2009 (thứ ba tuần tới)1, tại Sở Kiện, nơi ghi dấu ý chí thánh thiện thừa sai đã nảy mầm nên Giáo Hội Việt Nam và cũng là nơi lưu giữ nhiều thánh tích của Giáo hội Việt Nam.

Hòa mình trong không gian và thời gian cứu độ, chúng ta cũng đang sánh bước với tất cả Dân Chúa Việt Nam trong « Tuần Cửu Nhật (từ ngày 15 đến 23-11-2009), (hôm nay là ngày thứ sáu), để cầu nguyện cho mọi sinh hoạt trong Năm Thánh »2.

Hội Đồng Giám Mục quyết định xin mở Năm Thánh 2010 và khai mạc vào lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam với ý muốn « cho chúng ta nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học của lịch sử, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và thách đố, nhìn tới tương lai để cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo Hội theo đúng thánh ý Thiên Chúa »3.

Vậy bài học lich sử nào ta cần lắng nghe để sống chứng tá cho hiện tại và xây dựng tương lai đúng thánh ý Thiên Chúa ?

Thư công bố Năm Thánh 2010 số 2 đưa ra cho chúng ta những gợi ý định hướng nền tảng, ngoài việc tạ ơn Chúa, tri ân các tiền nhân trong đức tin, « Khai mạc Năm Thánh vào ngày lễ Các Thánh Tử Đạo mời gọi chúng ta… ý thức giá trị cao quý của hồng ân đức tin để sống và làm chứng cho Tin Mừng, tích cực xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trong môi trường Chúa sai chúng ta đến ».

Như thế bài học từ lịch sử mà ta cần học đầu tiên là học nơi các Thánh Tử Đạo tổ tiên, học để sống và làm chứng cho Tin Mừng, vì « nên nhớ rằng chứng tá đời sống vẫn luôn là cách thế cụ thể và thuyết phục nhất trong việc làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa cho người khác »4.

Vậy kính thưa cộng đoàn phụng vụ. Nếu được phép thì xin có thể tóm tắt đời sống các Thánh Tử Đạo Việt Nam như sau: « Các ngài tin tưởng nơi Chúa nên hiểu biết chân lý. Các ngài trung thành trong tình yêu nên ở bên Chúa ». Nghĩa là các ngài sống chân lý trong tình yêu và sống yêu thương theo chân lý. (Khôn ngoan 3,1-9 ).

Đó là mẫu sống của người công chính như bài trích sách Khôn ngoan phát hoạ cho chúng ta. Quả thế, nhờ hồng ân đức tin các ngài đã hiểu biết chân lý vì chính « mắt đức tin » giúp nhận thức « những thực tại mà người thường không thấy » (Dt 11,1). Nhờ ơn đức tin các ngài biết chân lý về Thiên Chúa cũng như về con người. Các ngài biết được chương trình mầu nhiệm và quan phòng của Thiên Chúa là mời gọi con người chia sẻ vinh quang cùng Thiên Chúa. Cho nên vinh quang chung cục của con người chỉ có ở nơi Vương Quốc vĩnh cửu của Thên Chúa, Bỡi vì con người là công trình của một Thiên Chúa ngôi vị và tình yêu, chứa chan ân phúc và bao la từ tâm.

Một khi đã mở lòng với đức tin nên nhận biết chân lý, các ngài còn dám dấn thân sống chân lý trong tình yêu thương: yêu thương thảo hiếu Thiên Chúa và yêu thương bác ái đồng bào đồng loại.

1 Thư HĐGMVN 2010, số 2.

2 Thư HĐGMVN 2010, số 5.

3 Thư HĐGMVN 2010, số 1.

4 Thư HĐGMVN 2010, số 5. 2

Quả vậy, là người đầu đen máu đỏ tự nhiên ai cũng vị kỷ tư riêng, ai cũng ham sướng ngại khổ, ai cũng yêu sống sợ chết. Nhưng nhờ được biết cứu cánh đời người, nhờ được soi sáng cho ý nghĩa của đau khổ và cái chết, nên cuộc sống các ngài cũng được dẫn lối sáng soi để sống trong tình yêu Thiên Chúa và yêu thương đồng loại như Thiên Chúa. (Gioan 12,20-33)

Chân dung và cốt cách của mẫu người công chính sách Khôn ngoan phát hoạ được thể hiện trọn vẹn nơi Người Mẫu Công Chính là Đức Giêsu Kitô như trich đoạn Tin Mừng Gioan giới thiệu. Người là Thiên Chúa toàn vẹn và là con người hoàn hảo. Nơi Người mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ lộ và mầu nhiệm con người được sáng soi. Người biết rõ Thiên Chúa và Người thấu tỏ con người bỡi vì Người vừa là Thiên Chúa vừa là người. Cho nên Người biết cái nghĩa thật của đời sống cũng như giá trị cứu độ của đau khổ và cái chết. Trong tình thương Người đã mạc khải về bản thân và sứ vụ của Người cũng như bày tỏ chân lý về đời sống và lẽ sống cho chúng ta qua hình ảnh « hạt lúa gieo vào lòng đất ».

« Hạt lúa » trước tiên là chính bản thân Người, qua cuộc nhập thể, được gieo vào trần gian. Hành trình nhập thể phải được hoàn tất qua cái chết cứu độ nơi Thập giá trong vâng phục tự do của Người Con thảo, để hoàn thành công trình yêu thương chung của Thiên Chúa đối với nhân loại. Chương trình mầu nhiệm đó là mọi người được « lôi kéo » vào trong vinh quang Thiên Chúa để con người « được sống và sống dồi dào ». Chính nơi Thập giá mà mầu nhiệm Thiên Chúa Tình Thương và chân lý về con người được bày tỏ trọn vẹn cho loài người. Như vậy Đức Giêsu là Đấng Công Chính vừa mạc khải, vừa sống chân lý trong tình thương thần hướng và nhân hướng.

Rồi « Hạt lúa » Người đề cập cũng là mỗi một chúng ta được sinh vào trần gian. Chung cùng cảm nghĩ như chúng ta, Người đánh giá sự sống trên đời này thật đáng trân trọng, nhưng theo tri thức thần nhân của Người, Người dạy chúng ta không được coi đời sống trần gian là tối thượng, mà phải hướng đến dời sống mới trong Thiên Chúa.

Vốn biết rõ Thên Chúa Cha yêu thương chúng ta và cũng vốn yêu thương chúng ta, Người muốn cho chúng ta được đạt đến đời sống hạnh phúc trong tình yêu Chúa Cha. Nên Người tha thiết mời gọi sống theo Người, chia sẻ cung cách sống của Người, sống chân lý trong yêu thương để cùng với Người « tôn vinh Danh Cha » trong yêu thương theo chân lý.

Như vậy, Người là Đấng Chứng Nhân Công Chính, giải bày chân lý qua cuộc sống nhân ái và cái chết yêu thương. Người là Vị Tử Đạo nguyên khởi và tối thượng, là nguồn mạch và qui chiếu của tất cả các chứng nhân công chính, của tất cả các vị tử đạo. (Cvtđ 6,8-10.7, 54-59 )

Chính trong ánh quang mầu nhiệm của Đấng Chứng Nhân Công Chính này mà tác giả sách Công Vụ các Tông Đồ giới thiệu Têphanô vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội thuở khai nguyên như là một người bắt chước cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Quả vậy, Têphanô, vì yêu mến Thiên Chúa và yêu thương đồng bào, nên can đảm công bố cho mọi người chân lý ngài biết được nhờ ơn đức tin vào Chúa Giêsu. Và còn hơn nữa, vi chân lý, ngài sẵn lòng chết trong yêu thương vừa hướng thần vừa đối nhân như chính Chúa Kitô. Như thế, một khi biết chân lý, Têphanô đã sống chân lý trong yêu thương và chết nhân ái vì chân lý.

Sống theo Chúa Kitô và chết như Chúa Kitô, cuộc sống và cái chết của Têphanô cũng làm trỗ sinh hoa trái cứu độ giống Chúa Kitô. Một Saolô hôm nào giữ áo của Têphanô như muốn tỏ ra tích cực can dự vào việc hành hình vị tử đạo. Ấy thế mà bỗng một ngày khi Saolô đang mải mê lao thân trong bóng tối hận thù, thì luồng gió tình yêu nhiệm mầu thổi tới làm Saolô xoay chiều 180 độ để trở thành Phaolô Tông đồ và nô lệ phục vụ Vị Kitô Giêsu mà ông từng khai trừ ! Cho nên theo một nghĩa nào đó, nhờ sống và chết vì chân lý trong yêu thương, lời cầu nguyện của Têphanô đã được đoái nhận như chính lời cầu nguyện của Chúa Kitô trong cơn hấp hối đã được nhiệm mầu đáp trả bằng ơn cứu độ ban cho muôn người trong ơn tái sinh với Đấng Phục Sinh. 3 ( Thư HĐGMVN 2010 số 4).

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ. Các Thánh Tử Đạo tổ tiên chúng ta cũng là những chứng nhân nhờ biết chân lý nên dám sống tình yêu theo chiều kích thập giá và dám sẵn lòng chết trong yêu thương bác ái để rao truyền chân lý đức tin.

Chính vì thế một Anrê Phú Yên, dù rất trai trẻ trong tuổi đời và còn quá măng non trong tuổi đạo, nhưng đã dám quyết « lấy tình yêu đáp trả tình yêu, dâng đời sống đáp đền đời sống ».

Rồi chính vì thế một Vénard Ven dù thể chất yếu đuối lại rất nặng tình với cha mẹ yêu thương, rất quyến luyền với gia đình ấm cúng, nhưng đã dốc quyết sống cho một tình yêu cao cả, nên đã chọn làm linh mục của Hội Thừa sai Balê. Ngài bí mật tới Việt Nam vào thời cấm đạo gay gắt dưới triều Minh Mạng để ngày cũng như đêm tận tuỵ rao giảng đạo Chúa. Rồi ngài bị bắt. Ðức Cha Retord, Giám mục của ngài ghi nhận: "Mặc dầu bị xiềng xích, ngài vui vẻ như chim sẻ.". Hơn nữa, với tấm lòng chan chứa yêu thương, ngài cảm hóa làm lây nhiễm tình thương chung quanh mình như thư ngài viết: «Tất cả những người canh giử tôi đều tử tế và lịch sự. Một số đông yêu thương tôi ».

Cũng chính vì thế một Anrê Dũng Lạc không chịu cho dùng tiền để chuộc mạng mình, nhưng lại sai người nhà mang rượu và 100 viên thuốc đến biếu quan huyện để cảm ơn quan vì đã khéo léo làm tờ trình để không ai bị phiền hà lây vạ vì chứa chấp ngài.

Và chính vì thế một Anê Lê thị Thành, người mẹ của 6 người con suốt đời âm thầm kiên nhẫn xây dựng tổ ấm yêu thương gia đình, biến gia đình thành nguồn suối tình thương và cùng chồng con thực thi bác ái thương giúp người khác nhất là các linh mục gặp khó khăn trong thời cấm đạo. Bỡi thế bà bị bắt cùng với Cha Lý và ông trùm Cơ. Nơi lao tù, bà gạt nước mắt khẳng khái trả lời với chồng đến khuyên giục bà nên nghĩ đến con cháu mà về với chúng. Bà nói: “Anh hãy về lo cho con, hãy trông cậy Chúa phù hộ cho anh đủ sức nuôi dưỡng chúng, còn phần tôi, tôi sẽ phó thác và theo Chúa đến cùng....” Cô Lucia Nụ, con gái út của bà đến thăm mẹ trong tù, thấy áo quần mẹ loang lổ máu, đã không cầm được nước mắt, òa khóc nức nở. Bà dí dỏm an ủi con: “Con đừng khóc, Mẹ mặc áo hoa hồng đấy. Mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc”. Bà còn nhắn nhủ cô Nụ: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vácThánh Giá Chúa Giêsu cho đến cùng. Rồi chẳng bao lâu nữa, mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Ðàng”.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ. Khung thời gian hạn hẹp không cho phép nối dài những tấm gương. Nhưng xin dám nói chắc rằng mỗi vị tử đạo trong 118 vị được tôn vinh là một bông hoa huyền nhiệm độc đáo, nhưng các ngài lại đều luôn có một nét đặc trưng đó là cùng toả hương chân lý chung khoe sắc yêu thương trải dài theo cuộc sống và qua cái chết.

Sống chân lý đã khó, sống chân lý trong tình thương lại càng khó hơn, nhưng nếu không sống chân lý trong tình thương làm sao có thể chết yêu thương vì chân lý. Quả thật cái khó này là cái khó của con đường hẹp thập giá nhiệm mầu mà Thiên Chúa đã chọn để mạc khải tình yêu cho ai hiểu được thì hiểu, cho ai yêu thì hiểu và hiểu thì yêu. Vả lại cũng cần luôn nhớ rằng «việc đối với loài người thì không có thể, nhưng không phải như thế đối với Thiên Chúa », « Vì ân phúc và từ tâm hằng dành cho những người Chúa chọn ».

Xác tín như thế nên trong Thư Công Bố Năm Thánh 2010, khi kêu mời « học hỏi » để biết chân lý, và cổ vũ để sống tình thương, cụ thể là « xây dựng Giáo Hội theo mô hình Hiệp thông và Tham gia », « xây dựng đời sống mình trên nền tảng những giá trị Tin Mừng » để « góp phần xây dựng xã hội trần thế », các Đức Giám mục Việt Nam đặc biệt lưu ý mọi thành phần Dân Chúa cần sống thực thi chân lý đức tin « trước hết bằng cách vun trồng sự hiệp thông sâu xa với Chúa trong đời sống ân sủng »5. Mà hiệp thông với Chúa đích thực cũng là sống chân lý trong tình yêu thương. Bỡi vì chính Thiên Chúa đã mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu qua một Đức Kitô Giêsu yêu thương khiêm nhường và muốn « lửa » tình yêu cháy lên giữa lòng nhân thế theo cung cách yêu thương phục vụ như Người. 4 Chính Người đã tuyên bố: « không Thầy chúng con không thể làm gì được », nghĩa là không có ơn Chúa và không theo cung cách của Chúa thì mọi cố gắng chỉ là « dã tràng xe cát biển Đông ». Nhưng ngược lại cũng có nghĩa là nếu theo cung cách của Chúa để sống chân lý trong tình thương thì chắc chắn sẽ chuyển bại thành thắng cùng với Người. Như thập giá đã thắng hận thù và cái chết, để toả sáng tình yêu và trổi dậy sự sống. Như Têphanô thắng Saolô. Hoặc như Phaolô và Sila thắng viên quan cai ngục và gia đình ông nơi nhà giam ở thành Philipphê. Và rồi như nhiều quan chức và quân lính Việt Nam được cảm hoá nhờ gương lành đời sống các Thánh Tử Đạo. Cũng như gần đây hơn một cán bộ công an có nhiệm vụ canh giữ Đức cố Hồng y đáng kính P.X. Nguyễn văn Thuận, được cảm hoá nhờ đức tin và gương sống bác ái của ngài nên đã đến Linh Địa Lavang để cầu nguyện cho ngài trong tư cách một lương dân.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.

Họp nhau đây cử hành lễ trọng mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam trước thềm Năm Thánh mở ra cho Giáo Hội Việt Nam để tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa, để tôn vinh các Thánh Tổ Tiên tử đạo, và cũng là để nguyện xin. Xin « cho mọi sinh hoạt trong Năm Thánh được tiến hành tốt đẹp và mang lại nhiều ích lợi thiêng liêng cho mọi người ». Một cách cụ thể là xin cho mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam, trong mọi hoạt động, thuộc mọi lãnh vực, đừng theo « đường lối và tính toán của người đời, nhưng trước hết bằng cách vun trồng sự hiệp thông sâu xa với Chúa trong đời sống ân sủng ». Như thế cũng có nghĩa là biết noi gương các Thánh Tử Đạo theo dấu chân Chúa Giêsu Kitô sống chân lý trong yêu thương, sống yêu thương theo chân lý. Một Chân Lý tỏ bày trọn vẹn là Tình Thương. Một Tình Thương thể hiện cao điểm trong khiêm hạ, nhập thể trong “Hiệp Thông và Tham Gia”, giải bày trong “đối thoại chân thành”, thực thi trong “hợp tác lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau”. Thiển nghĩ đó là bài học nòng cốt, là khuôn thước cho sự tồn tại, đổi mới và phát triển của Giáo Hội cả về mặt đối nội cũng như đối ngoại. Trong quá khứ, các vị tiền bối của chúng ta trong đức tin đã đem ánh sáng chân lý và tình thương chiếu soi cải hoá bóng tối lầm lạc và hận thù, nhìn vào hiện tại từng cá nhân cũng như tập thể Giáo Hội cũng đang bị thách đố và xâm chiếm bỡi bóng tối dày đặc dưới nhiều sắc thái (…). Dám ước mong chính bài học này của các Thánh Tổ Tiên, kín múc từ mạc khải thập giá, giúp mỗi người tu thân, giúp Giáo hội tề gia để chung góp phần xây dựng xã hội trần thế trên nền tảng những giá trị Tin Mừng hầu cho Nước Trời nẩy nở từ những thực tại trần gian được chăm tưới bằng máu của bạch cầu chân lý và hồng cầu tình thương, máu được lọc luyện và lưu dẫn theo nhịp đập trái tim của Đấng Bi Đâm Thâu.