WHĐ / ESM (1.11.2009) – Sáng ngày 28-10 vừa qua, văn phòng báo chí Tòa Thánh đã giới thiệu cuộc triển lãm về nhà truyền giáo Matteo Ricci (1552 – 1610). Cuộc triển lãm mang tên “Giữa Rôma và Bắc Kinh”.

Cuộc triển lãm được sự cho phép của ông Antonio Paolucci, Giám đốc Viện bảo tàng Vatican, sẽ kéo dài từ 30-10-2009 đến 24-01-2010.

Chương trình cuộc triển lãm được Ủy ban tổ chức kỷ niệm 400 năm Matteo Ricci thông qua, với sự cộng tác của Viện bảo tàng Vatican, Tổng triều Dòng Tên và Đại học giáo hoàng Grêgoriana.

Tham dự buổi giới thiệu cuộc triển lãm có Đức cha Claudio Giuliodori, giám mục giáo phận Macerata-Tolentino-Recanati-Cingoli-Treia (Italia), Ông Antonio Paolucci, giám đốc Viện bảo tàng Vatican, Ông Giovanni Morello, chủ tịch Tổ chức các hoạt động nghệ thuật của Giáo Hội, Ông Adriano Ciaffi, chủ tịch Ủy ban Matteo Ricci, linh mục Federico Lombardi, SJ, giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh.

Trong buổi giới thiệu, Đức cha Giuliodori đã nhấn mạnh ý nghĩa phi thường của hành trình truyền giáo mà Matteo Ricci đã thực hiện, trong đó đã mở đường cho cuộc đối thoại và những trao đổi lần đầu tiên trong lịch sử giữa châu Âu và Trung Hoa.

Do đó cuộc triển lãm được tổ chức nhằm tôn vinh “con người vĩ đại của đức Tin và của tình hữu nghị giữa các dân tộc, giúp cho mỗi người đào sâu những hiểu biết và đem những hiểu biết ấy đối chiếu với một kiểu mẫu Phúc Âm hóa nền văn hóa và đem Phúc Âm hội nhập văn hóa trên nhiều bình diện khác nhau, đã trở nên độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại”.

Ngày 18 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gửi Thư cho Đức cha Claudio Giuliodori, giám mục giáo phận Macerata-Tolentino-Recanati-Cingoli-Treia (Italia), nhân lễ kỷ niệm 400 năm ngày mất của nhà truyền giáo Matteo Ricci được tổ chức tại giáo phận của ngài.

Lịch sử truyền giáo của Giáo hội đã ghi: vào thế kỷ XVI, Trung Quốc đóng chặt cửa đối với người ngoại quốc. Từ Áo môn, dòng Tên đã thử đi vào. Năm 1583, Cha Ruggieri và Ricci được phép vào và ở lại Quảng Đông, và năm 1598, Matteo Ricci đã lên tới Bắc Kinh. Việc truyền giáo bắt đầu.

Là người có khiếu đặc biệt trong việc học ngôn ngữ, cộng với khả năng thích ứng sắc bén, Ricci đã thành công trong nỗ lực chinh phục nhiều người Hoa, cả đến những người trong giới quan lại, theo đạo.

Một chi tiết liên quan đặc sắc đến cha Matteo Ricci:

Năm 1777, khi cha Ricci đã qua đời từ lâu, có một phái đoàn Triều Tiên qua Bắc Kinh nộp thuế. Trong đoàn cống nạp có một số học giả mua được cuốn Thiên chủ chính ý do cha Ricci biên soạn. Họ mang sách về nước, đọc và học hỏi, nghiền ngẫm, cuối cùng đã chấp nhận Tin Mừng được Matteo Ricci trình bày trong cuốn sách này. Sau đó, vào năm 1783, một phái đoàn cống nạp khác sang Bắc Kinh. Trong phái đoàn có một trí thức tìm gặp linh mục J. de Grammont rửa tội. Trở về Seoul, ông truyền giáo cho thân nhân bạn bè và rửa tội cho họ. Công việc truyền giáo thành công đến độ khi cha Chu, một linh mục người Trung Quốc, là nhà truyền giáo đầu tiên đi qua Triều Tiên, thì đã thấy ở đây đã có cả một cộng đoàn đông đến gần 4000 tín hữu.

Như vậy, ngoài Trung Quốc, còn phải kể đến Hàn Quốc là đất nước được rao giảng Tin Mừng qua đời sống dấn thân, nỗ lực hội nhập văn hóa và những sách giáo lý của cha Matteo Ricci.

Riêng tại Việt Nam, các giáo sĩ dòng Tên đã vận dụng triệt để kinh nghiệm truyền giáo của thừa sai Matteo Ricci: học ngôn ngữ bản địa, nhanh chóng học hỏi phong tục và hội nhập văn hóa, rao giảng Tin Mừng bằng ngôn ngữ và bằng sự hội nhập nền văn hóa Việt Nam.

(Nguồn: www.hdgmvietnam.org)