Tuy Xa Mà Gần

Khi được đề nghị chia sẻ lời Chúa trong thánh lễ này do các Linh mục cao niên đồng tế, những vị đã tổ chức Lễ tạ ơn bốn mươi, hoặc năm mươi năm Linh mục, con cảm thấy vừa do dự, vừa vinh dự được đứng gần các bậc “tổ phụ”, và cảm thấy mình non nớt vì mới chỉ tròn một tuổi của đời Linh mục. Trong khi Cha giảng thuyết ngày hôm qua là Cha Nghị đã đi qua chặng đuờng dài của 38 năm Linh mục, còn con đếm đi đếm lại vẫn chưa được 36 tháng.

Thế nhưng nhìn khoảng cách giữa thế hệ quý cha cao niên và thế hệ Linh mục trẻ cùng quy tụ nơi Bàn Thánh hôm nay làm con liên tưởng đến bài học gia phả trong Thánh Kinh. Một trong những lý do mà các tác giả Thánh Kinh viết gia phả dài hằng cây số, đó là để không ai bị quên lãng trong lịch sử cứu độ. Từ Abraham già móm méo cho đến bé thơ mới ra đời, từ người phú quý giàu sang cho đến anh nông dân bần cùng, từ những vị thông thái cho đến người thất học, tất cả không ai bị quên lãng trong lịch cứu độ.

Con cảm nghiệm rằng hồng ân cứu độ như đang diễn ra nơi đây, khi thấy các “tổ phụ” Linh mục với những mái tóc trắng xoá đang hiện diện giữa những mái đầu xanh như chúng con, và còn có những mái đầu xanh hơn của một số anh em mới chịu chức cánh đây ít tuần. Dù khoảng cách thời gian và tuổi tác của các thế hệ Linh mục thật xa cánh, nhưng cũng lại thật gần với nhau trong căn tính ơn gọi, để rồi nhờ hồng ân, không ai bị quên lãng trong lịch sử cứu độ.

Chính trong cảm nghiệm này mà con nghĩ rằng hành trình Emmaus đưa chúng ta gặp nhau không chỉ để chia sẻ nhưng băn khoăn thao thức trong đời sống mục vụ, nhưng còn là có dịp để chia sẻ niềm vui mà chính ơn thánh đã tuôn tràn trên mọi nẻo đường phục vụ và ngay trong đời sống tận hiến của mình. Việc đầu tiên mà hai môn đệ trên đường làng Emmaus đã làm là chia sẻ niềm vui gặp gỡ Đức Kitô. Chính yếu tố này làm cho sức sống của ơn gọi tận hiến dồi dào hơn, phong phú hơn và có nhiều sinh lực hơn.

Vụng Về và Ơn Thánh

Cùng với chủ đề hiệp nhất trong đại hội Emmaus lần này cũng như niềm thao thức trong sứ mạng và lời mời gọi phục vụ các sắc dân trên đất nước này, con xin chia sẻ một vài cảm nghiệm về sứ mạng của một người mới chập chững sống đời Linh mục.

Một năm đầu của đời Linh mục có nhiều vụng về: cử hành bí tích vụng về, giao tiếp vụng về, giảng dạy vụng về, và còn nhiều vụng về khác. Thế nhưng trong những vụng về ấy, Ơn Chúa vẫn mãi tuôn tràn không những cho riêng mình, nhưng còn cho những ai Ngài gởi đến trong cuộc đời của mình. Chính trong sự ý thức vụng về của đời Linh mục mà thấy tình Chúa quá bao la, không chật hẹp, không so đo. Và đây là lý do làm cho đời Linh mục vui tươi: vui nhờ ơn thánh, vui vì ơn Trời.

Như quý Cha đã từng chia sẻ, không phải Ngài gọi một con người vì tài năng hay đức độ, mà là vì tình thương. Rồi ngay trong hành trình đáp trả tiếng gọi mà đời mình được biến đổi. Sự biến đổi nhờ ơn thánh là căn bản, nhưng cũng nhờ cả những gặp gỡ với biết bao nhiêu anh chị em Linh mục tu sĩ và cả cộng đồng dân Chúa góp phần cho sự biến đổi tâm linh của người Mục tử.

Linh Mục với Chân Trời Mở Rộng

Sau ngày thụ phong, con cảm thấy dường như chân trời thế giới được mở rộng: Chúa mang đến nhều bạn mới, gặp gỡ nhiều người, đến với nhiều cộng đoàn, được vinh dự hiện diện trong những biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời của anh chị em giáo dân, và chân trời sứ mạng thêng thang cũng như réo gọi. Linh mục không còn thấy mình thuộc về một góc nhỏ của thế giới, hay co cụm trong một cộng đoàn của một sắc dân, nhưng dường như được mời gọi nâng đôi cánh của mình vào trong một thế giới đại đồng hơn. Có thách đố, nhưng cũng có nhiều tự do trong trời rộng. Có lẽ sự tự do này là một phần quan trọng của hành trình Emmaus. Một thứ tự do để giúp mình lên đường, một thứ tự do nội tâm để vươn ra với anh chị em mình như chủ đề hiệp nhất của tuần gặp gỡ này.

Đọc lại đoạn Tin mừng về hai môn đệ trên đường làng Emmaus sao giống câu chuyện của các Linh mục, Tu sĩ Việt Nam xa xứ quá. Hai môn đệ gặp gỡ Đức Kitô phục sinh trên đường về làng Emmaus, một nơi quá thân quen đối với họ. Họ gặp Đức Kitô gần ngay ngôi làng thân quen ấy. Và rồi Đức Kitô đến như thầm bảo họ, đây là quê hương của các anh, nơi các anh có nhiều kỷ niệm êm đềm, nhưng các anh không còn thuộc về ngôi làng này mãi mãi, các anh thuộc về một ngôi làng lớn hơn, làng Giêrusalem, làng của thế giới, làng của sứ mạng.

Đường Emmaus và Đường Việt Nam

Thưa quý Cha và anh chị em, chúng ta đều lớn lên nơi miền đất yêu thương của quê hương Việt Nam. Có người từ miền quê, có người từ thành phố. Người gắn bó với dòng sông quê hương, kẻ gắn bó những con đường thành phố. Rồi bỗng một ngày, những lối đi quen thuộc chợt bỗng xa dần, tất cả để lại phía sau để bước theo tiếng gọi, bắt đầu thuộc về một thế giới lớn hơn. Có nhớ nhung, có ngậm ngùi, nhưng bản chất ơn gọi là thế: để được sai đi. Rồi trong cái căn tính của ơn gọi được đan quyện vào vận mệnh nổi trôi của đất nước, đưa chúng ta ra khơi, mời chúng ta lên đường. Hôm nay nhìn lại, con xúc động thấy các Linh mục tu sĩ Việt Nam hiện diện trên khắp thế giới. Họ nói tiếng Anh, họ nói tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, và cả hàng trăm thứ tiếng khác. Họ phục vụ đủ mọi sắc dân, đủ mọi màu da. Ngay trên đất nước Hoa Kỳ này, hàng trăm Linh mục Việt Nam cũng đã dấn thân phục vụ đủ mọi sắc dân. Con khâm phục và quý mến quý cha quá. Ơn gọi truyền giáo thật huyền nhiệm. Biết đôi chân bé nhỏ, nhưng dám bước vào trời rộng mênh mông. Quê hương Việt Nam vẫn thân thương lắm, lâu lâu lại trở về thăm hỏi, nhưng trong sâu thẳm của lòng mình, vẫn nghe vang vọng tiếng gọi thuộc về ngôi làng thế giới như hai môn đệ cất bước trở về Giêrusalem, để rồi bắt đầu một cuộc lên đường. Có lẽ cái “job” Linh mục là cái job phải thay đổi địa chỉ nhiều nhất so với các nghành nghề khác. Nếu hôm nay có ai hỏi, “quý Cha đã thay đổi bao nhiêu địa chỉ trong đời Linh mục của mình?” Có lẽ phần đông sẽ ngập ngừng năm ba phút để cố nhớ vài ba chục lần dọn chỗ ra đi. Đi đến phương trời lạ, đi vào miền đất mới. Hành trình Emmaus hôm nay có lẽ cũng thế: gặp gỡ để lên đường.

Hiệp Nhất Để Giúp Nhau Sống Trọn Ơn Gọi

Nếu sứ điệp của Emmaus đối với anh em Linh mục hải ngoại là thúc đẩy lên đường để đi vào thế giới, thì những cuộc lên đường này không phải là những cuộc lên đường đơn độc. Cùng với chủ đề “Nên một trong Chúa Kitô” của đại hội Emmaus, con cảm nghiệm rằng giống như hai môn đệ trên đường làng Emmaus được mời gọi ra khỏi ngôi làng khép kín của họ, anh em Linh mục Tu sĩ ngày hôm nay cũng được mời gọi bước ra khỏi “ngôi làng đào tạo” của mình. Dù ngôi làng ấy là ngôi làng Dòng Tên, ngôi làng Chúa Cứu Thế, ngôi làng Đa Minh, Phan Xi Cô, Ngôi Lời, La San, chủng viện, hay Mến Thánh Giá, v.v…Tất cả chỉ là những ngôi làng bé nhỏ nơi chúng ta được Thiên Chúa gởi gắm để chuẩn bị cho một sứ mạng của Đức Kitô: Loan báo Tin Mừng và cộng tác với Ngài trong chương trình cứu độ. Chính trong tinh thần này mà đưa chúng ta đến với nhau và để giúp nhau sống tốt hơn ơn gọi của mình. Và cũng chính trong tinh thân mở rộng cõi lòng với anh em và nhờ ơn thánh tác động, chúng ta sẽ bắt đầu cảm nghiệm một thứ tự do nội tâm, đưa mình ra khỏi những hàng rào ngăn cản trong tâm hồn.

Ước gì sứ điệp Emmaus tiếp tục là nguồn cảm hứng hướng dẫn lối đi của người Linh mục Tu sĩ hôm nay: dám ra khỏi ngôi làng bé nhỏ để thuộc về một ngôi làng của thế giới đại đồng hơn. Ước gì sứ điệp Emmaus cũng luôn gợi lên trong lòng chúng ta tinh thần gắn bó, để nâng đỡ nhau chu toàn ơn gọi hiến dâng và phục vụ như chính Tin Mừng của Đức Kitô tha thiết mời gọi.