Hành trình Emmaus III - Suy niệm về Ơn gọi Linh mục
(Bài chia sẻ của Cha Justin Lê Trung Tướng - linh mục mới nhất vừa chịu chức được gần 2 tháng-
trong thánh lễ bế mạc 27.8.2009 Hội ngộ Linh mục Việt Nam tại Santa Clara)


Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15:16)

1. Trong lớp tốt nghiệp 2009 của Đại Chủng Viện St. Patrick có ba cha Việt Nam, cùng một địa phận.

Khi mới bước chân vào tu thì cả ba đều gặp những khó khăn, không có khó khăn nào giống khó khăn nào. Một ông thì yêu mến hết mọi sự ngọai trừ hai chữ “triết học”. Một ông thì lo cho hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngồi trong chủng viện mà “hồn ở nơi nao”. Còn bản thân con thì vào tu có ba tháng mà sụt mất 20 lbs. Mà các cha nhìn thấy con đây, mất kiểu đó thì “tàn tạ” như thế nào. Đây lại hệ quả của khoảng thời gian có nhiều ưu tư: thay đổi định hướng cuộc sống, áp lực phải thích nghi với môi trường tu học, và chuyển đổi từ thái độ “tự tin” vào sức mình sang thái độ “phó thác” vào sức “người ta”. Khoảng thời gian ấy là khoảng thời gian cả ba, tuy không chia sẻ nhiều, nhưng đều đặc câu hỏi: có phải right person - right place - right choice - right time không? Có phải mình đi tu là đúng? Thế nhưng tạ ơn Chúa, với dòng thời gian, được ơn Chúa giúp và nỗ lực bản thân cũng như sự nâng đỡ giữa các anh em với nhau, cả ba dần dần nhận ra một điều kỳ diệu trong những điều kỳ diệu trên hành trình theo Chúa: “quyền năng Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9).

2. Đây cũng làm kinh nghiệm của mỗi linh mục.

Con dám nói điều này mà không sợ sai là dù cho chúng ta có lý do hay điều kiện nào đề đi tu làm linh mục thì tất cả đều phải công nhận là chúng ta có nhiều yếu đuối, bất xứng, thấp hèn, và sự yếu đuối còn tiếp tục xảy ra hàng ngày, cho dù có là linh mục “tổ phụ”, linh mục “sồn sồn”, hay linh mục “giỗ 100 ngày”. Bài hát “Chúa Không Lầm” phản ảnh rất đúng cảm nghiệm của linh mục: “Chúa không lầm khi Ngài chọn con lên, dù rằng đời con bao thấp hèn, vì Chúa đã biết từ ngàn xưa, nhiều khi con chẳng trung thành, là vì con đâu phải thần thánh”. Thế đó, “con đâu phải thần thánh” nhưng Chúa vẫn chọn chúng ta lên thiên chức linh mục, luôn nâng đỡ chúng ta trong đời sống linh mục và chắc chắn một điều là: Chúa không lầm!

3. Điều đó có nghĩa là sự yếu đuối của chúng ta không quan trọng đối với Đức Kitô.

Hãy nhìn vào kinh nghiệm của Phêrô thì biết: Chúa Giê-su chỉ hỏi “Con có yêu mến Thầy không?” Trái lại, sự yếu đuối của chúng ta trở thành sức mạnh của Thiên Chúa nếu chúng ta (i) biết trung tín với ơn gọi linh mục, (ii) biết để quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện, và (iii) biết đoàn kết với nhau trong yêu thương. Thật ra, ba điều này không phải là ba mục tiêu chúng ta đặc ra cho chính mình trong đời sống linh mục mà chính là ba mục tiêu của Đức Giêsu đặc cho mỗi linh mục chúng ta và ngài có quyền làm điều đó vì: “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15:16).

4. Thầy chọn anh em làm dấu chỉ của trung tín.

"Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi" (Mt. 25:23). Trong đời sống mục vụ, Chúa trao cho chúng ta những nén bạc; nhưng chúng ta đừng quên là ơn gọi linh mục chính là nén bạc quý báu nhất mà Chúa chọn và trao ban cho chúng ta. Nhưng nguyên tắc rõ ràng để chúng ta trụ vững là “Chúa chọn tôi” và thế là “tôi theo Chúa” và theo cách trung thành. Thế thôi! Không phải những thành quả mục vụ mà Chúa chờ đợi nơi chúng ta mà chính là sự “trung tín” theo Người.

Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận viết trong sách Đường Hy Vọng: “Chương trình đang thực hiện tốt đẹp phải bỏ dở, hoạt động hăng say phải bó tay. Nhiệm vụ đang quan trọng phải hạ tầng công tác! Uất ức và chán nản! Chúa gọi con ‘hãy theo Thày’ hay ‘hãy theo việc nọ, người kia?’ Ðể đó, Chúa sẽ liệu.” Mà ngài nói điều này từ kinh nghiệm sống của mình: khôn ngoan, đức độ, trẻ trung…thế rồi thình lình bị gián đoạn với 13 năm tù!!! Chúa muốn nói gì với một “Nguyễn Văn Thuận” và những kẻ Người tuyển chọn: “Con chọn Chúa hay việc của Chúa?”

Mẹ Têrêsa Calculta cũng đã nhấn mạnh đến hai chữ “trung tín” của những kẻ được “sai đi”: “Chúa không tuyển gọi chúng ta để thành công; Người tuyển gọi chúng ta nên trung tín.”

5. Thầy chọn anh em làm dấu chỉ của quyền năng Thiên Chúa.

Đức Cha G.B. Bùi Tuần, Giám mục hưu Long Xuyên, trong một bài viết gần đây có đề cập đến ba thách đố của các linh mục trong thời cuộc hiện tại:

• Ngài nhìn biến cố một cách riêng rẽ, nhưng lại biết nhìn nó đang cùng với các biến cố khác đi về một định hướng chung nào đó.
• Ngài nhìn thấy các bóng tối, nhưng cũng khám phá ra những tia sáng trong cõi âm u.
• Ngài nhìn thấy những thất vọng, nhưng lại tìm ra con đường hy vọng chính trong hoàn cảnh bế tắc.

Nhưng con thiết nghĩ: để thấy được cả hai bộ mặt trong mỗi thách đố (biến cố riêng/hướng đi chung, bóng tối/tia sáng, thất vọng/hy vọng), chúng ta không dựa vào sức mình, mắt mình, hiểu biết của mình, mà là dựa vào Đấng đã sai chúng ta đi. Chúa Giê-su đã chẳng nói: “Không có Thầy, anh em không làm nên điều gì” (Jn. 15:5). Cho nên nguyên tắc thứ hai để “trụ vững” trong sứ vụ linh mục là hãy để quyền năng Chúa được thể hiện nơi sự yếu đuối của chúng ta.

Mới đây, dòng Đa Minh bên Việt Nam có 19 tân linh mục. Một trong 19 cha mới chọn khẩu hiệu đời linh mục của mình là: “Con đâu có biết ăn nói” (Jeremiah 1, 6). Con thiết nghĩ ông cha này sẽ thành công vì ngài không phải khiêm nhường khi nhận ra khả năng giới hạn của mình cho bằng là ngài biết sứ vụ linh mục không phải là “chuyện của mình” mà là “chuyện của Giêsu” và được trình bày bằng “môi miệng Giê-su”. Bằng sự phó thác và tin tưởng, quyền năng Chúa sẽ được thể hiện nơi sự yếu đuối của chúng ta.

6. Thầy chọn anh em làm dấu chỉ của yêu thương. Đây là điều kiện quan trọng vì “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng ta là môn đệ Thầy” (Jn. 13:35).

Thánh Gioan Vianney đã nói với tín hữu: “Linh mục không phải làm linh mục cho chính mình; Ngài không tha tội cho chính mình; Ngài không ban các bí tích cho chính mình. Ngài không phải cho chính mình; ngài làm linh mục cho bạn.” Như vậy, linh mục là sống cho người khác, trong đó có những anh em linh mục của mình.

Linh mục được sai đi là để phục vụ: “con người đến để phục vụ” (Lk. 22:27; Mk. 10:45) và đối tượng phục vụ là con người: “làm điều gì cho kẻ bé mọn nhất” (Mt. 25:40). Nhưng tất cả hai điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta bước đi trong đức mến: “hãy yêu thương nhau” (Jn. 15:17). Và chúng ta khởi đầu hành trình đức mến ngay ở giữa anh em linh mục với nhau qua những lời nói, hành động được đặt trên nền tảng “vì yêu”.

7. Hôm nay, nhân dịp Lễ Nhớ Thánh nữ Monica (8/27), con xin chia sẻ một cảm nhận về tình yêu mà con đón nhận từ người mẹ của mình. Khi mới sang Mỹ và vào College, thấy bạn bè rủ nhau đi xin việc ở Flea Market (chợ trời) thì con cũng ham vui nên “apply” theo. Cũng là vì muốn có tiền mua một chiếc xe cũ để chạy. Khoảng một tuần thì mấy đứa bạn đều được mướn; chỉ có một mình con là không nghe ai gọi. Tự nghĩ mình cũng đâu có nói tiếng Anh tệ lắm đâu; với lại biết có nhiều jobs đang cần. Sau đó thì con có job “work study” trong trường nên cũng quên bẵng đi vụ “chợ trời.” Khoảng hai tháng sau thì con mới tình cờ nói với Má con: sao apply job chợ trời mà ai cũng kêu, chỉ có một mình con là không. Lúc bấy giờ Má con mới nói: “nó có gọi kêu đi làm mà tao dấu; đi làm ‘đen đúa’, ‘cực khổ’ ngoài nắng.” Hôm rồi con đem chuyện xưa này kể cho mấy bà trong xứ thì họ hỏi: cha có giận không? Con trả lời: “Không! Má tôi làm vậy là vì thương tôi.” Chính cảm nhận này đã làm cho con luôn thấy mình được yêu thương, nâng đỡ rất nhiều và cảm nhận được tình mẫu tử rất thiêng liêng.

8. Linh mục được gọi là cha, là mục tử nhưng đối tượng làm mục tử dường như nghiêng về phía giáo dân. Có bao giờ linh mục nghĩ mình có trách nhiệm làm mục tử cho chính anh em linh mục của mình? Con không dám nói các linh mục yêu thương nhau như cha thương con hay mẹ thương con nhưng giá trị tình phụ tử/mẫu tử cũng cần được thể hiện giữa những người mục tử với nhau (vượt qua những hiểu lầm, sợ đụng chạm) để biết trao ban, biết yêu thương, và biết nâng đỡ. Tác động của người “trao” và người “nhận” là tình liên đới của những người “được gọi”. Ngày nay, chúng ta hay đề cập đến tính hiệp thông giữa các linh mục với nhau. Nhưng điều này chỉ có thể nếu và chỉ nếu chúng ta có những sợi giây nối kết bằng những thái độ, câu nói và việc làm “vì yêu”. Có yêu thương thì mới có cảm thông, chấp nhận, quý mến nhau, và sẽ có hiệp thông sâu xa.

9. Mà “yêu thương” giữa anh em linh mục là chuyện phải làm thôi vì nó còn có tác động trong việc rao giảng Tin Mừng.

Làm chứng cho Tin Mừng phải là những người sống Tin Mừng; giảng về “yêu” phải là những mục tử biết “yêu”. Kinh nghiệm cho thấy các thương gia Hoa Kiều thành công ở bất cứ nơi đâu họ định cự là vì họ biết nâng đỡ, nói thẳng, và gắn bó với nhau. Đối với hàng ngũ linh mục, chúng ta không nhắm đến thành công bản thân, nhưng làm sao để đem Tin Mừng “len lỏi” vào môi trường ta phục vụ, và điều này chỉ có thể nếu chúng ta không “xé lẻ” và biết “yêu thương nhau.” Người ta hay nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Đúng là “màu áo đen” có thể nói lên được mình đang mang trách vụ gì! Tuy nhiên, nó không chứng minh được tính “authentic” cho sứ vụ mà mình thi hành. Đức Hồng y F.X. Nguyễn Văn Thuận chỉ cho chúng ta một cái áo mà có thể “làm nên thầy tu” và rất “authentic”: “mang một đồng phục và nói một ngôn ngữ: bái ái.” Điều này đúng với lệnh mà Chúa Giêsu truyền cho chúng ta: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Jn. 15:17).

10. Trên hành trình Emmaus có những lo sợ, hồ nghi, đơn độc.

Nhưng những lo sợ sẽ lắng chìm vì chúng ta có “điểm tựa là Đức Kitô”; những hồ nghi sẽ tan biến vì chúng ta xác định chúng ta yếu đuối nhưng “Chúa không lầm”, và đơn độc cũng chỉ là những phút thoáng qua vì xuyên suốt qua những nẻo đường phục vụ, chúng ta thấy có sự đồng hành trong yêu thương của anh em linh mục với nhau.