Cả Giáo hội biết ơn Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI

Mấy ngày vừa qua cả thế giới nói chung và Giáo hội Công giáo nói riêng hướng về Đại Hội Giới Trẻ 2008 ở Sydney như là một “Phòng Tiệc Ly” mới của Giáo Hội. Đại hội đã kết thức với sự thành công vượt bực và còn hơn sự chờ đợi của mọi người. Có biết bao con người đã hy sinh, làm việc ngày đêm trong ba năm qua để chuẩn bị chỉ cho một tuần lễ Đại Hội và gặp gỡ. Tôi không may mắn tới dự Đại Hội. Nhưng qua các phương tiện truyền thông và đặc biệt qua mạng lưới VietCatholic.net, tôi được theo dõi từng diễn tiến một xảy đang xảy ra tại Syney. Những hình ảnh, những cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng với các bạn trẻ, và nhất là những bài nói chuyện và bài giảng của Ngài làm cho tôi đầy niềm hy vọng cho tương lai của Giáo Hội nơi giới trẻ. Ngoài nhân vật chính là Chúa Thánh Thần về sự thành công của Đại Hội, tôi nghĩ tới vai trò của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Tạ ơn Chúa đã cho Giáo Hội một vị Giáo Hoàng, dù đã lớn tuổi (82) nhưng qua con người và lời của Ngài, chúng ta thấy nơi Ngài là một vị giáo hoàng có dày dặn kinh nghiệm, tâm hồn trẻ trung và rất là khiêm tốn, sẵn sàng gặp gỡ mọi người, nhất là không ngại khó để đến với giới trẻ, một thế hệ đang cần những người có sức mạnh tinh thần và thần linh để hướng dẫn họ biết xây dựng cuộc đời. Tính đơn giản và đơn sơ của Ngài đã dần được khám phá bởi giới trẻ và người Dân Úc như là nét đẹp và là đỉnh cao của tính nhân bản nơi Ngài, dù Ngài giữ cương vị cao nhất trong Giáo Hội. Những suy tư, những lời mời gọi của Ngài với giới trẻ như mỡ ra cho họ và cho Giáo hội một tương lai đầy hy vọng để bước tới và đáng dấn thân để sống, để làm chứng.

Nhưng trên tất cả, điều đánh động tôi nhiều nhất là tài năng thông minh và khôn ngoan của Ngài được thể hiện trong các bài giảng và các bài phát biểu. Trước hết chúng ta phải nói tới sáng kiến của Ngài trong việc đưa ra chủ đề chính hướng dẫn Đại Hội: Đó là Chủ đề về Chúa Thánh Thần và Sứ mạng làm chứng của các bạn trẻ.

Chúa Thánh Thần được coi là Đấng bị quên lãng nhiều nhất trong đời sống giáo hội. Nhiều nhà thần học ngày hôm nay cũng nói đến điều đó (ví dụ von Balthasar nói Chúa Thánh Thần là Sconosciuto (Đấng không được biết) hơn cả Ngôi Lời). Nhiều người công giáo chỉ có cầu nguyện với Đức Mẹ, một vài vị thánh để xin ơn lạ, mà không biết đến Chúa Thánh Thần là ai, dù nhiều khi làm dấu “nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” như thói quen vậy. Qua đại hội này, Đức Thánh Cha muốn giới thiệu với giới trẻ về Chúa Thánh Thần. Ngài là Quà Tặng, là Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con cho chúng ta, là linh hồn của giáo hội, là nguyên lý của sự hiệp nhất ba ngôi và giáo hội. Ai sống theo Thánh Thần thì sống trong sự thật của Đức Kitô, sống trong niềm vui, trong sự trẻ trung của tâm hồn...

Nói về Chúa Thánh Thần là một điều rất khó khăn vì sự huyền bí và ẩn dấu của Ngài, nhưng tôi đọc các bài giảng về Chúa Thánh Thần của Ngài, mà tôi cứ tưởng tượng là Ngài đang diễn giải thần học về Chúa Thánh Thần mà cứ như là đang kể chuyện với giới trẻ, bằng một lối nói thật sống động về những chân lý sâu thẳm về Chúa Thánh Thần được diễn tả qua một ngôn ngữ dễ hiểu cùng với sự tài khéo liên kết vào kinh nghiệm và cuộc sống hiện tại của giới trẻ.

Phải trở về với nguồn gốc đức tin và khám phá những kho tàng được chứa đựng trong đó. Khủng hoảng của Thế giới hôm nay là không còn quy chiếu về Thiên Chúa như nguồn gốc và không con nhận biết Ba Ngôi là ai. Việc khám phá lại khôn mặt và vai trò của Chúa Thánh Thần là một điều hết sức cần thiết cho sự mới mẻ và sống động của giáo hội. Bởi chính thánh Phaolô và sau này thánh Tôma thành Aquinô đã quả quyết: Thánh Thần là Lex Nova “Luật Mới” của đời sống kitô hữu. Chính Thánh Thần hướng dẫn chứng ta tới Chân Lý toàn diện và ai sống theo Thánh Thần thì sẽ được tự do và lòng đầy hoan lạc nội tâm. Một con đường đáng đi, một lời mời gọi đáng chọn, một cuộc sống đáng sống vì sự hấp dẫn và vẽ đẹp của nó!

Cả Giáo Hội biết ơn Đức Thánh Cha về những cố gắng vượt bực và về đặc sủng của Ngài cho Giáo Hội hôm nay!