Tin thêm về việc Tổng Thống Bush có thể gia nhập Công Giáo



Tin Cathnews.com ngày 16 tháng 6, năm 2008.

Các báo chí Âu Châu đã tường thuật rằng Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush có thể sẽ theo chân em ông là cựu Thống Đốc Tiểu Bang Florida Jeb Bush và cựu Thủ Tướng Anh Tony Blair gia nhập đạo Công Giáo sau khi mãn nhiệm kỳ Tổng Thống.

Báo Telegraph của Nước Anh tường trình rằng một số báo chí ở Nước Ý đã bàn về tin này.

Tờ Il Foglio của Ý nói rằng tìn đồn đang được loan truyền có thể đúng: “cái gì cũng có thể cả, nhất là đối với một người được tái sanh như ông Bush.”

Nhưng cũng như trường hợp của cựu Thủ Tướng Tony Blair, ‘Nếu có gì xảy ra thì sẽ xảy ra sau khi mãn nhiệm kỳ Tổng Thống, chứ không xảy ra trước khi. Trường hợp này tương tự như trường hợp ông Blair, nhưng với những sự kiện khác nhau.”

Thông tấn xã Catholic News tường trình rằng Cha William Rutler, bạn của Tổng Thống Bush, là người đã trở lại Công Giáo năm 1979, nói rằng ông Bush rất quý trọng Đạo Công Giáo được thành lập qua việc Đức Kitô chỉ định Thánh Phêrô như Giáo Hoàng đầu tiên thế nào.

Vị linh mục nói: “Tôi nghĩ điều làm ông Bush say mê về Đạo Công Giáo là sự đáng tin cậy về lịch sử. Ông thích thần học hệ thống của Hội Thánh, cùng tính vững chắc và ổn định nội tại của nó.” Cha Rutler cũng nói rằng Tổng Thống “cũng ý thức rằng so với đạo Công Giáo, thì đạo Tin Lành (Phái Tin Mừng – Evangelicanism) có vẻ bị hạn chế cả về thần học lẫn lịch sử.”

Theo báo Washington Post, thì Tổng Thống Bush hiện nay đang thuộc về một nhà thờ Methodist ở Texas và đi nhà thờ Anh Giáo ở Wasington, D.C.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vị quốc trưởng đã có một liên hệ rất tốt với Đức Giáo Hoàng và tỏ ra rằng ông rất tôn trọng đạo Công Giáo.

Báo Telegraph ghi chú rằng trước khi lên làm Tổng Thống, cố vấn chính trị của ông Bush đã mời các nhà trí thức Công Giáo về Texas để giải thích những giáo huấn của Hội Thánh cho Tổng Thống. Ông Bush cũng đã chỉ định những người Công Giáo vào Tối Cao Pháp Viện, đã chọn những người viết diễn văn và cố vấn Công Giáo và đã đọc các sách thần học của Đức Thánh Cha.

Vào Tháng Tư, trước khi Đức Thánh Cha tông du Hoa Kỳ, tờ Washington Post đã trích lời của ông William McGurn, một trong những người đã viết diễn văn cho ông Bush rằng, “Tôi thường nói rằng có nhiều người Công Giáo trong nhóm viết diễn văn của Tổng Thống Bush hơn là bất cứ nhóm đứng hàng đầu nào của Đại Học Notre Dame trong nửa thế kỷ qua.”

Cựu Thượng Nghị Sĩ Rick Santorum gán cho ông Bush nhãn hiệu Tổng Thống Công Giáo. “Tôi không nghi ngờ gì điều ấy. Ông ấy chắc chắn phải Công Giáo hơn ông Kennedy.”

Trong khi Tổng Thống Kennedy phải vất vả so đo giữa nền giáo dục Công Giáo của ông và chính trị, thì nhiều quan điểm của Tổng Thống Bush về những vấn đề đạo đức như hôn nhân đồng tính, phá thai, và nghiên cứu tế bào gốc đều đồng quan điểm với Hội Thánh.

Nhưng ông Bush đã bị nhiều người Công Giáo chỉ trích. Họ vạch ra rằng việc tấn công Iraq là hoàn toàn ngược lại với giáo huấn của Vatican. [chú thich 1]

Tuy nhiên, tờ Post nhắc lại rằng trước cuộc chiến Tổng Thống đã gặp những người Công Giáo và bàn về thuyết Chiến Tranh Chính Đáng (Just War). “Cố vấn Toà Bạch Ốc Leonard Leo, là người đứng đầu chương trình “nối vòng tay với người Công Giáo (Catholic outreach)” của Ban Chấp Hành Quốc Gia của Đảng Cộng Hòa, nói rằng ông Bush “tham dự vào các cuộc đối thoại với người Công Giáo và chia sẻ quan điểm với họ một cách rất đặc biệt trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ.”

Suy đoán [về việc ông Bush trở lại] xảy ra sau 30 phút "mặt gặp mặt" thân tình và cởi mở giữa Tổng Thống Bush và ĐTC Bênêđictô hômThứ Sáu tại Tháp Thánh Gioan thời trung cổ ở Vatican, một nơi gặp gỡ rất đặc biệt ngaọi lệ dành cho TT Bush thay vì nơi ĐTC thường tiếp khách là thư viện tư của ngài.

Người ta đã có thể nghe vị lãnh tụ Hoa Kỳ nói lớn tiếng “Thật là hân hạnh” khi ông siết tay ĐTC sau khi ra khỏi chiếc xe limousine màu đen với phu nhân là bà Laura.

-------------------------------------------------------

[1] Hội Thánh dạy rằng phá thai, hôn nhân đồng tính và nghiên cứu tế bào gốc từ phôi thai là những vấn đề luân lý không thể nhượng bộ được vì tự bản chất của chúng là dữ. Những ai vi phạm hay cộng tác với những điều trên không những phạm tội trọng mà còn tự động bị truất phép thông công. Còn vấn đề chiến tranh Iraq và án tử hình thì Vatican phản đối vì không cần thiết, nhưng không phải là vấn đề trầm trọng như ba vấn đề trên. ĐHY Ratzinger trong văn thư gửi các giám mục Hoa Kỳ về việc Rước lễ đã nói rằng những ai không đồng ý với ĐTC về những vấn đề sau này vẫn có thể lên Rước Lễ.