Nông dân trong cơn hồng thủy thu hồi đất

Ông M., một nông dân ở miệt hẻo, ruộng gò tỉnh Long An, sau khi bán miếng đất nhà thừa tự được 525 triệu, gia đình ông dọn lên Sài Gòn mướn nhà, ông làm nghề xe ôm, đứa con trai duy nhất của ông được cho tiền mua chiếc xe Air Plade 38 triệu chạy lí le, đứa con dâu nói với hàng xóm là muốn chồng sắm Dylan đi cho sướng, cô bỏ làm công nhân may, lúc nào cũng xúi chồng đòi thêm tiền để xài.

Một ông nông dân về thành phố đạp xích (Hình: của Trần Tiến Dũng)
Gia đình ông M. không cần biết tương lai ra sao, mới mấy tháng ở Sài Gòn tiêu pha gần hết nửa số tiền bán đất vẫn chưa thấy thỏa mãn.

Ở Việt Nam hiện nay có hàng triệu nông dân đột ngột chuyển thành thị dân, số ít do họ tự bán đất nhưng phần lớn là bị thu hồi đất giải phóng mặt bằng, phục vụ qui hoạch các khu công nghiệp, các dự án giao thông, các dự án đầu tư lớn quốc tế... Chuyện kiếm chén cơm của họ không còn trông cậy vào đất đai mà phó thác cho những nghề mưu sinh bấp bênh khác ở các đô thị lớn.

Người ta nhớ lại trước đây, dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng đền bù mỗi mét đất cho nông dân chỉ là 1USD. Nay đến khu đô thị hoành tráng này, dạo quanh khu triệu phú đôla, không thấy bóng dáng một người lao động nào, từ khi cầm số tiến ít ỏi đó, đa số họ mưu sinh bằng những nghề nghiệp không ổn định ở những xóm lao động tối tăm.

Có người nói. Hồi ở ruộng, ngặt quá cũng đào được vài con chuột đồng để có thịt ăn. Bây giờ thời bảo giá, có khi cả tháng không có được bữa cơm tươm tất.

Truyền thông Việt Nam đưa tin, tỉnh Long An cấp một lúc 30 cái giấy phép mở sân gold, hàng ngàn mẫu đất nước ngọt ba vụ lúa phì nhiêu quí giá nay chỉ để trồng cỏ.

Một ông cựu chủ tịch tỉnh nói với báo chí. “Long an mất 13,000ha đất cho những dự án vô bổ. Hàng ngàn nông dân bị đẩy ra khỏi ruộng đồng ngay trong thời điểm mà cả thế giới báo động nguy cơ khủng hoảng lương thực.”

Nhưng một người nông dân trẻ tuổi thì lại rất vô tư khi cho rằng: “Ðầu óc đâu mà học nghề, nhà nước có cho đồng xu nào đâu, tốn tiền túi mất công. Lấy tiền đền bù xài cho sướng cái đã. Mai đây bất quá xin vào tưới cây, cắt cỏ cho sân gold, nghe nói mỗi cái sân gold họ tuyển cả ngàn lao động.”

Giải tỏa thu hồi đất khắp nơi

Ðầu năm 2007, chuyện thu hồi đất cho dự án giao thông bắc Hà Ðông chạy qua Dương Nội (huyện Hoài Ðức, tỉnh Hà Tây) khiến xã thuần nông này chỉ còn 10ha đất nông nghiệp cho gần hai vạn nông dân.

Lúc này ở Việt Nam cứ bước chân về các vùng nông thôn quanh các đô thị thì đâu đâu cũng thấy cắm bảng qui hoạch giải tỏa. Nhà nước C/S trong cơn cuồng chạy theo các chỉ tiêu phát triển công nghiệp đã thả nổi cho các tỉnh tha hồ lập dự án ký kết đầu tư.

Cứ nhìn vào bản đồ các khu công nghiêp, các dự án phát triển đô thị cao cấp... thì sẽ thấy cả nước đang bị xé rách tan hoang ra sao. Không ai có thể thống kê hết có bao nhiêu hectare bờ biển đã bán sạch cho các công ty du lịch nước ngoài, người ta chỉ nghe những ngư dân than thở, đến cả những làng chày heo hút họ cũng không còn chỗ để đậu thuyền.

Rừng núi đầu nguồn ở miền Trung, nơi bảo vệ người dân khỏi các cơn lũ dữ cũng bị tàn phá, để làm dự án du lịch với cái tên mỹ miều là du lịch sinh thái nhằm lừa gạt lương dân và các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế.

Mới đây tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định giao 400ha rừng đặc dụng quí giá nhất của đảo Phú Quốc cho các tay tư sản đỏ, gọi là làm vốn để tìm đối tác đầu tư nước ngoài vào làm du lịch.

Ðương nhiên trong sự phát triển, quốc gia nào cũng có thời kỳ mà nhiều mặt xã hội phải xáo trộn, nhưng bối cảnh hiện nay ở Việt Nam được các nhà am hiểu nhận định là những nhóm quyền lợi (tư sản đỏ) đang mọc lên như nấm, đang tha hồ cấu kết với thế lực chính trị độc tài để tạo ra sự xáo trộn nhằm hưởng lợi, trong đó đất đai của nông dân là miếng mồi béo bở nhất.

Một nhà báo có thẻ hành nghề kể rằng, một lần anh được mời miễn phí đi ăn, đi chơi, đi tham quan các công trình du lịch ven biển lộng lẫy, nhưng anh không thể viết, mà có viết cũng không được đăng về chuyện các ông chủ này đã liên kết với các quan tham địa phương sang đoạt đất đai của lương dân với giá rẻ mạt ra sao.

Và ai cũng biết ngày nay, cái gọi là cam kết có mang tính gia cấp với nông dân nghèo, những người đã góp phần lớn nhất vào sự thành công của chế độ, ngày nay đã bị đánh tráo.

Khi những người nông dân giã từ ruộng đồng tìm đường lên thị thành với món tiền đền bù số đất đai mà tổ tiên ông bà họ gầy dựng nhiều đời bằng mồ hôi và máu, cuộc đời của họ sẽ tệ hơn thân phận của người bị gạt ra bên lề cuộc sống. Bởi lẽ, ở các nước dân chủ, những thân phận không may còn còn có những chính sách an sinh xã hội bảo vệ, còn ở xứ sở toàn trị trên đà tha hóa này thì số phận của người nghèo là hết cửa cùng đường!

(Nguồn: Trần Tiến Dũng, Người Việt, Thursday, April 24, 2008)