Văn Minh Tình Yêu



Thành Vatican, 2 tháng Tư,2008 (Zenit.org). Sau đây là bài diễn văn của Đức Ông Jean Laffitte, phó chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống, đọc tại buổi ra mắt cuốn sách của Carl Anderson, tựa là “Văn Minh Tình Yêu: Điều Mọi Người Công Giáo Có Thể Làm Để Biến Cải Thế Giới”.

Anderson là hiệp sĩ tối cao của Hội Hiệp Sĩ Columbus.

Đức Ông Laffite còn là cố vấn của Bộ Học Lý Đức Tin, và là giáo sư đạo đức học vợ chồng, nhân loại học và tu đức học tại Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để Nghiên Cứu về Hôn Nhân và Gia Đình, vốn trực thuộc Viện Đại Học Lateran.


Bất cứ khi nào một con người nhân bản biết đặt các hành động của mình trên căn bản tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, họ đều góp phần vào việc xây dựng một xã hội tình yêu từ đó nền văn hóa sự sống sẽ triển nở ra. Một tình yêu như thế, vì đặt trọng tâm vào việc gặp gỡ và liên hệ với Chúa hiện sống, Đấng hết sức bản vị, nên đã trở thành căn bản cho luật tự nhiên, giúp con người khi thực hiện bất cứ hành vi tự hiến nào, thì bản chất thực sự của họ cũng được biểu lộ ra một cách trọn vẹn hơn. Đức Gioan Phaolô II từng nhấn mạnh rằng: “thực hiện một hành vi tự hiến chân thành…là chiều kích quan trọng nhất của văn minh tình yêu” (Thư Gửi Các Gia Đình, số 14).

Tuy nhiên, bất cứ khi nào con người từ khước không chịu cho mình đi như một tự hiến cho Thiên Chúa và tha nhân, và không kính trọng phẩm giá cố hữu nơi những con người nhân bản là những hữu thể đã được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Đấng Hóa Công, anh ta cũng đã tạo men cho nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa vốn dẫn tới việc hủy hoại các mối liên hệ và chính xã hội, sau cùng hạ giá con người nhân bản theo nghĩa thực dụng, chỉ còn là dụng cụ gặt hái các lợi lộc hay khoái lạc bản thân. Trong nền văn hóa sự chết như thế, con người nhân bản không được đánh giá theo các giá trị bản thân nội tại trong họ và do đó, rất thường khi bị coi là có thể vất bỏ một khi đã đạt được mục tiêu biểu kiến.

Trong cuốn sách đầy lôi cuốn mới xuất bản của ông tựa là “Văn Minh Tình Yêu: Điều Mọi Người Công Giáo Có Thể Làm Để Biến Cải Thế Giới”, Carl Anderson đã khai triển lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI (Thông Điệp năm 2007 cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới) nhằm xây dựng “nền văn hóa tình yêu” bằng cách cung cấp một dụng cụ được chế biến đặc biệt cho giới trẻ, giúp họ nghiêm chỉnh đắn đo vai trò bản thân hết sức chủ yếu của họ trong việc biến cải thế giới, qua việc tích cực làm chứng cho tình yêu hiến sinh của Đức Kitô trong chính cuộc đời mình. Trong tác phẩm này, Anderson đề cập đến hai câu hỏi sắc bén liên quan đến cách tiếp cận căn bản của chúng ta với văn hóa: “Ta nghĩ ta là loại người nào? Và ta đang trở nên loại người nào?” Câu trả lời cho các câu hỏi đó có thể dẫn mọi người đến việc nghiêm chỉnh suy tư xem liệu thực sự họ đang góp phần vào việc xây dựng nền văn minh tình yêu, một nền văn minh mà theo Đức Gioan Phaolô II trước nhất phải băng qua gia đình, hay đúng hơn đang góp phần vào việc đâm chồi nẩy lộc nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa luôn tìm cách hủy diệt tính toàn vẹn của hôn nhân và gia đình, những viên đá căn bản xây dựng nên nền văn minh tình yêu.

Suy nghĩ sâu xa hơn tư tưởng của Đức Gioan Phaolô II, Anderson nhấn mạnh rằng không nền văn hóa nào có thể tĩnh tọa được, và không một con người nào trong nền văn hóa ấy có thể tĩnh tọa được. Mỗi nền văn hóa, và mỗi con người trong đó, đều chuyển dịch tới lui giữa các cực của nền văn hóa sự sống, là nền văn hóa xem sét con người theo các giá trị nội tại, do Chúa ban, của họ, và nền văn hóa sự chết, là nền văn hóa quan niệm con người nhân bản chỉ là “sản phẩm của các lực lượng mù quáng, cơ khí, và phi luân lý, một nền văn hóa trong đó sự sống con người chỉ có một giá trị định lượng, kinh tế…giống như các đơn vị sản xuất (hay tiêu thụ)”. Cá nhân nào không chứng tỏ được giá trị của mình theo hạn từ sản xuất ấy, thí dụ như “trẻ chưa sinh, người cao niên, và khuyết tật, ngày càng là nạn nhân cần bị loại bỏ qua các thủ tục như phá thai và chết êm ái (euthanasia)” những thủ tục thường được lừa đảo ngụy trang bằng những khuôn dạng nhân đạo bắt rễ từ “lòng tin vào tiến bộ”. Các quan điểm về tiến bộ vốn bị méo mó khi chỉ chú tâm tới các khía cạnh duy vật chất của đời người nhất định sẽ hướng đến việc bỏ qua phẩm giá cố hữu của con người nhân bản, hậu quả là tạo ra càng ngày càng nhiều các đe dọa đối với thế giới và nhân loại bằng cách cổ vũ não trạng nô lệ, một phương thức coi những con người nhân bản khác chỉ như những đồ vật để sử dụng.

Anderson khẳng quyết rằng Kitô hữu có trách nhiệm phải triệt để biến cải văn hóa, đem gương lời giảng của Thánh Phaolô trên Đồi Areopagus vào thời hiện tại của ta “không từ trên cao cưỡng đặt các giá trị, nhưng qua một diễn trình tuy tế nhị hơn nhưng lại mạnh mẽ hơn, đó là sống ơn gọi yêu thương trong thực tại hàng ngày của cuộc sống ta”, một yêu thương có hành động đặt địa sở trên tình yêu hiến sinh của Chúa Giêsu Kitô. Ơn gọi yêu thương này đã được viết trên trái tim mỗi người và biến mỗi người thành nhân bản. Sống thực ơn gọi này sẽ dẫn ta tới nền văn hóa biết đánh giá con người nhân bản không phải vì họ hữu dụng hay có năng xuất, mà đúng hơn vì họ được Đấng Hóa Công yêu thương và do đó có giá trị nội tại. Bám chặt vào chân lý coi cơ cấu nhân sinh là yêu thương, đến độ “Vì đầu hết tôi đã được yêu thương, nên tôi hiện hữu”, ta có thể biến cải thứ “văn hóa ngờ vực” đang hiện diện khắp nơi thành nền văn hóa biết nhận trách nhiệm đối với từng mỗi con người nhân bản, biết tôn trọng tự do và phẩm giá của mỗi cá nhân trong một nền văn hóa sự sống chân chính.

Xây dựng nền văn minh tình yêu bao hàm một sẵn sàng bản thân nhìn ra Chúa Kitô trong cái đau của mọi con người nhân bản quanh ta, đến độ đáp ứng duy nhất của ta đối với họ là đáp ứng trách nhiệm đối với họ trong yêu thương. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã nhắc nhở chúng ta trong “Deus Caritas est” (Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 34), “Sự chia sẻ bản thân sâu xa của tôi vào các nhu cầu và đau đớn của người khác trở thành sự chia sẻ chính bản thân tôi với họ”, ta phải dùng một thiên hướng như thế làm thành tố yếu tính cho công việc bác ái Kitô giáo của mình. Anderson thách thức các độc giả của ông phải đối chất với các vấn đề khó khăn ở cả hai bình diện bản thân và văn hóa liên quan đến các thái độ đối với người nghèo, khuyết tật, bệnh hoạn, và trẻ thơ (cả đã sinh và chưa sinh): Tôi coi họ như phương tiện hay mục tiêu? Tôi có coi một số người như vô giá trị ngoài việc họ hữu ích cho xã hội, hữu ích thật hay hữu ích tưởng tượng? Tôi có khẳng nhận phẩm giá bình đẳng của mọi con người nhân bản không phải chỉ trong luật pháp mà cả trong thực hành nữa?

Trong việc xây dựng nền văn hóa sự sống, một nền văn hóa triển nở bên trong nền văn minh tình yêu, hôn nhân và gia đình phải được dùng như “các viên đá sống động” xây nền cho nó. Bất cứ cố gắng nào nhằm tấn công nhân tính của trẻ chưa sinh, của người bệnh không chữa lành được, hay của bất cứ con người yếu ớt nào cần được chống lại dù có nguy hại tới thanh danh và phúc lợi bản thân của người bênh đỡ sự sống. Không bao giờ được ngẫu tượng hóa chủ nghĩa duy cá nhân và tự do; đúng hơn, chúng phải được gìn giữ khỏi hủ hóa để các quan niệm méo mó về tự do không trở thành xe chuyên chở để tấn công vào nhân phẩm và sự sống con người. Các chủ trương như thế sẽ vô ích trong việc xây dựng nền văn minh tình yêu và nền văn hóa sự sống của nó nếu không được chứng tá qua gương sáng và chứng tích bản thân, một chứng tá Kitô giáo toàn bộ chứng tỏ được một thứ bậc đúng đắn giữa đức tin và lý trí trong lối sống hàng ngày.

Lời nhắc nhở của Đức Gioan Phaolô II rằng tất cả chúng ta phải là “người của sự sống và là người phò sự sống” (Phúc Âm Sự Sống, số 6) quả thật đã trở nên sự thật một cách đầy tiên tri trong thời hậu cận đại của chúng ta. Chỉ bằng cách nhìn nhận giá trị và phẩm giá khôn sánh của mỗi con người nhân bản, bất luận tuổi tác, thân phận, hay sắc tộc; chỉ bằng cách thừa nhận rằng người ta sẽ vi phạm nhân phẩm khi sử dụng một con người nhân bản khác chỉ như một dụng cụ hay một phương tiện để đạt mục tiêu; và chỉ bằng cách nhìn nhận rằng cố ý giết một con người nhân bản vô tội không bao giờ được biện minh về phương diện luân lý, thì nền văn hóa sự sống mới triển nở thành một thực tại viên mãn và nền văn hóa sự chết mới hết hiện hữu. Nền văn hóa sự sống, tựu chung, chỉ có thể rộ bông khi công dân trần gian biết tôn kính “Chúa Kitô trên văn hóa, như Đấng luôn hiện diện để biến cải văn hóa”, Đấng lần lượt thay đổi lòng người trong tình yêu của Người, nhờ thế xây nên nền văn minh tình yêu chân thực qua mỗi người chúng ta, những người được Người kêu gọi phải nhìn mỗi con người nhân bản bằng “tình bác ái anh em với một tình yêu tinh tuyền” (Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, Kitô Giáo và Cuộc Khủng Hoảng Văn Hóa).

Trong cuốn sách của Carl Anderson, chúng ta có được một dụng cụ mới, nhiều năng lực để truyền bá một Tân Phúc Âm Hóa tới mọi nền văn hóa trên thế giới. Dịch tác phẩm này sang các ngôn ngữ chính của thế giới sẽ giúp ích rất nhiều cho các cố gắng của Giáo Hội. Chúng ta rất biết ơn Carl Anderson vì quà phúc qúy giá này.