Đức Cha Hilarion của thành Vienna
Phát ngôn viên của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga nói rằng một điểm then chốt gây ra tình trạng căng thẳng giữa Mạc Tư Khoa và Vatican là khái niệm “lãnh thổ giáo luật” (canonical territory). Đây là vấn đề cần phải được vượt qua trước khi hy vọng có được những tiến bộ trong cuộc đối thoại đại kết giữa hai Giáo Hội.

Đức Cha Hilarion của Chính Thống Giáo thành Vienna nói với thông tấn xã Interfax rằng ngài hy vọng có thể có “những cuộc thảo luận nghiêm chỉnh và tổng thể” về những phản đối của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đối với sự tồn tại của 4 giáo phận Công Giáo tại Nga. Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga cho rằng Nga là “lãnh thổ giáo luật” của họ. Trong khi đó, Vatican không nhìn nhận khái niệm này.

Đức Cha Hilarion ghi nhận “Nhiều người phương Tây nghĩ rằng khái niệm ‘lãnh thổ giáo luật’ đã mất đi ý nghĩa hoàn toàn trong tình trạng tân tiến hiện nay, vì người Chính Thống Giáo cùng sống chung với các tín hữu Công Giáo, Tin Lành và các tôn giáo khác”.

Đức Cha Hilarion là người lãnh đạo của Chính Thống Giáo tại Áo – một quốc gia theo truyền thống là Công Giáo.

Trong khi đó, Đức Hồng Y Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đại Kết Kitô Giáo nói rằng ngài thực sự kinh ngạc trước đề nghị của Chính Thống Giáo đòi Giáo Hội Công Giáo phải giải thể 4 giáo phận tại Nga đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dựng lên vào năm 2002. Tưởng cũng nên biết là trước đó các giáo phận tại Nga được coi là các miền giám quản tông tòa.

Đức Hồng Y Walter Kasper nêu thắc mắc là tại sao các giáo phận Công Giáo không thể tồn tại ở Nga trong khi các giáo phận Chính Thống Giáo lại có quyền hiện diện tại Tây Âu.