NỒI CHÁO GÀ ĐÊM TRỪ TỊCH

Tuổi ăn không biết no ngủ không biết chán của tôi cũng có nhiều mộng mơ. Tôi chưa đủ lớn để ôm ấp một hình bóng giai nhân và cũng chẳng có một ý niệm gì về một cuộc sống giầu sang để mơ ước lụa là gấm vóc hay nem công chả phượng. Tôi nghĩ rằng quần là áo lượt hay sơn hào hải vị là những thứ được dành riêng cho một giai cấp mà sau này nhiều khi đi ngang qua họ tôi đã vội bước nhanh. Hồi đó tôi cũng nghe loáng thoáng cái món ăn tên gọi là phở mà thật tình tôi cũng chưa nhìn thấy tận mắt bao giờ chứ đừng nói đến chuyện được ăn một bát phở. Tôi chỉ quanh quẩn với rau muống luộc, quả cà cái dưa trong những năm dài tháng rộng của thời niên thiếu. Sau này ra tỉnh trọ học thì tiêu chuẩn là lọ muối vừng, đôi khi lọ muối vừng cũng được nâng cấp lên lác đác mấy hạt đậu lạc. Bởi vậy tôi chẳng dám mơ công hầu khanh tướng hay ít ra một cuộc sống ăn trắng mặc trơn. Tôi ăn uống thế nào cũng được, bát cơm nguội với một gắp dưa khú là xong bữa nhưng cả đời tôi lúc đó chỉ thèm khát được ăn một cái đùi gà. An nguyên, ăn cả một cái đùi gà. Chẳng hiểu vì lý do gì mà cái đùi gà luộc hay sau này tôi còn nghe nói tiếng Tây có chữ đùi gà rô ti cứ ám ảnh cái chân tì chân vị của tôi hoài hoài. Ước ao được ăn một cái đùi gà luộc hay rô ti gì đó thật sự là một mộng mơ. Cái đùi gà cứ đằng đẵng trong tâm trí tôi gần như mỗi buổi sáng lúc vừa thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

Tôi không biết làm thơ, nhưng nếu mà tôi có khả năng làm một bài thơ thể loại lục bát thì chắc hẳn những vần thơ đầu đời của tôi phải có mầu vàng ngậy của cái đùi gà luộc, mùi thơm của của miếng thịt vừa chín tới và vị ngon ngọt của miếng mỡ gà vỡ ra chẩy ùa tới từng kẽ chân răng. Tôi cũng sẽ không quên thêm tí lá chanh, củ hành sống và chút muối tiêu vào cho đậm đà. Cái tiêu chuẩn gắp một miếng thịt gà đi kèm với mấy sợi lá chanh thái thật nhuyễn chấm nhấp nhấp lên đĩa muối tiêu chanh phải thật nhịp nhàng thì miếng thịt gà mới ra miếng thịt gà. An một miếng thịt gà cho đáng miếng ăn. Bài thơ mà tôi chưa nghĩ ra được cái tiêu đề chắc là phải thơm phải ngon lắm. Những người yêu thơ rồi cũng phải từ giã vườn thơ yêu đương ủy mị có đôi mắt khóc, có đôi mắt cười để đi vào trường phái ẩm thực với chuyên đề thịt gà của tôi, và biết đâu chừng tôi sẽ lãnh ấn của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu mà ca tụng cái sự ăn uống đến nơi đến chốn cho xứng danh với đệ nhất khoái lạc của con người trên cõi trần tục.

Năm tôi học lớp nhất sửa soạn thi bằng tiểu học thì cũng đã có vài lần mấy “ông” học cùng lớp rủ tôi đi ăn trộm gà. Sở dĩ tôi phải gọi mấy người học cùng lớp là “ông” bởi vì họ lớn gần gấp hai tuổi tôi. Tôi nhát lắm và lại sợ roi vọt nên không dám nhập bọn đi ăn trộm gà. Thày u tôi mà biết thì chết đòn. Bởi vậy giấc mơ được ăn nguyên một cái đùi gà cứ đeo đuổi tôi suốt cả mấy năm trung học đệ nhất cấp. Lên đến lớp đệ ngũ được mấy tháng vào dịp về nhà nghỉ Tết tôi không những được ăn nguyên một cái đùi gà mà ăn cả nửa con gà. Có điều là những miếng thịt gà này lại chẳng phải từ cỗ bàn ngày tết ở nhà tôi mà mỗi năm vào buổi trưa ngày mùng một tết cũng có một con gà luộc. Thày u tôi đông con nên mỗi đứa chỉ được hai miếng to hơn ngón tay cái là con gà vỗ cánh bay đi mất. Mỗi năm được ăn vài miếng thịt gà trong một thời khắc biểu rõ ràng cũng chẳng làm tôi mong chờ. Cái giây phút sung sướng được ăn hai miếng thịt gà vào buổi trưa ngày mùng một tết giữa tiếng pháo nổ vang trời đón mừng năm mới và những bộ quần áo đủ mầu rộn ràng với hoa lá mùa xuân chẳng còn là một náo nức.

Thánh lễ giao thừa năm nay ở nhà thờ xứ tôi được các hội đoàn phân chia nhiệm vụ cùng nhau tổ chức rất trọng thể để tạ ơn Chúa đã ban phúc lành cho đến nơi định cư được mọi phần bình an, mùa màng tươi tốt. Người nào cũng quần áo bảnh bao, mùi bi dăng tin của các ông loáng thoáng với mùi phấn son của các bà các cô thơm nực một khoảng trời. Trong nhà thờ không còn lấy một chỗ đứng, nói chi đến chỗ ngồi. Tôi đi tới một bụi chuối ngay phía hông trái cuối sân nhà thờ thì gặp anh Đô đang ngồi hút thuốc với mấy người thanh niên. Thấy tôi, anh có vẻ mừng:

“Đằng ấy về ăn Tết đấy à?”

“Dạ, em về được hai ngày rồi.”

Anh Đô chỉ một chỗ trống ngay cạnh bảo tôi ngồi xuống, ngồi xổm kiểu nước lụt. Mấy người thanh niên ngồi hút thuốc chuyện trò với anh Đô tôi đều quen mặt biết tên. Các anh đang nói chuyện gì mà người nào cũng cười nói thật vui vẻ, khói thuốc lá mù mịt.

Nhà tôi ở phía bên này, bên kia kênh nước là nhà anh Đô mà trước kia đã có lần anh học lớp nhất với tôi. Anh Đô hơn tôi cả chục tuổi, anh rớt tiểu học rồi không đi học nữa, ở nhà giúp gia đình làm ruộng và trồng cây thuốc lào. Gia đình anh thuộc lại khá giả nhất vùng vì các anh chị em của anh Đô ai cũng có thể ra ruộng cầy cấy. Miệt Cái Sắn đồng ruộng phì nhiêu ngút ngàn, gia đình nào có nhiều người làm là đương nhiên trở thành một loại phú hộ. Nghỉ học ở nhà được một năm thì anh Đô lấy vợ và gia đình anh làm cho đôi uyên ương một cái nhà khang trang ngay cạnh bờ kinh nước. Vợ anh Đô là chị Hoa, một thiếu nữ xinh đẹp duyên dáng có giọng ca cao vút và trong sáng như thủy tinh. Chị Hoa là tiếng hát chính của ca đòan và rất khéo tay trong công việc trang hoàng nhà thờ mỗi dịp lễ lậy. Hôm đám cưới anh Đô, tôi cũng chỉ đứng xa nhìn mặc dù anh là “bạn học cùng lớp” với tôi. Tụi trẻ con đi theo sau cô dâu chú rể hò hét đến hết hơi “Anh Đô mà lấy chị Hoa. Đẻ ra con rắn thằn lằn cụt đuôi”. Anh Đô diện quần áo mới lại còn đi cả giầy tây nữa, bên cạnh chị Hoa với áo dài trắng tay ôm bó hoa huệ e lệ thẹn thùng. Ai cũng khen anh Đô với chị Hoa thật đẹp đôi. Anh Đô tướng người lực lưỡng khoẻ mạnh, từ công việc đồng áng cho đến lợp mái nhà hay đào giếng, việc gì anh cũng làm được rất thành thạo. Chị Hoa lại giỏi may vá. Chị có cái máy may cũ kỹ nhưng các tà áo dài đẹp nhất của thiếu nữ quanh vùng cũng đều một tay chị cắt may. Mới lấy nhau được hơn một năm mà anh chị đã có con và chị Hoa lại đang có bầu.

Trước cửa nhà thờ, ngoài một rừng cờ quạt to nhỏ mầu sắc đủ loại và những chậu hoa mai vàng nở rộ còn có hai tràng pháo dài treo từ nóc nhà xuống tới đất. Theo thông lệ như những năm trước thì hai giây pháo có những quả pháo đùng to bằng cổ tay sẽ được đốt vào lúc thánh lễ bắt đầu và sau thánh lễ lúc mọi người nói cười vui vẻ ra về, như la một lời chúc đầu năm được mọi sự an lành thịnh vượng. Sau khi cha xứ chúc tết giáo dân thì một ông chức sắc trong họ đạo đốt pháo mừng xuân. Những tiếng pháo đùng cách quãng giữ nhịp cho tràng pháo giây dài có đến hơn mười thước nổ ròn tan. Xác pháo hồng bay ngợp cả một khoảng không gian, lao xao giữa những chậu hoa mai vàng tạo nên một hình ảnh với mầu sắc thật đẹp mắt. Mọi người hớn hở trao nhau lời chúc đầu năm trong khung cảnh thanh bình nơi thôn dã thân thương.

Những cái pháo đẹt nổ chậm đã nhường chỗ cho tiếng hát của ca đoàn từ nhà thờ vọng ra giữa đêm tối trong trời nước bao la đang chuyển mình bước sang năm mới. Tiếng hát cầu xin thiết tha: “Chúa ơi, nay ngày xuân. Xin Chúa khoan nhân, cho chúng con một năm sáng tươi.”

Anh Đô vỗ vai tôi bảo:

“Ngồi đây chẳng thấy gì. Thôi đi về nhà tớ chơi.”

Tôi đứng dậy đi theo anh Đô trong cái háo hức của ngày Tết. Tôi không có quần áo đẹp để diện Tết. Tôi cũng chẳng có gì để vui Tết, chơi xuân nhưng tôi vẫn hớn hở, vẫn trông chờ một năm mới với những may mắn, phúc lộc của Trời Đất. Niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng của những ngày tháng trong năm mới tự nhiên đến với tôi như một cơn lũ giữa mùa mưa. Chúng tôi đi trong trời tối âm u, tiếng cóc nhái kêu trong đêm khuya lạc lõng giửa những tràng pháo đón Tết nối tiếp nhau. Vài con chim nghe tiếng động chân người vụt bay vào khoảng đêm mịt mùng. Tiếng của một nhóm đồng ca bài hát đón Tết rất quen thuộc “mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi, người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no…”

Anh Đô mở cửa bước vào nhà, bật lửa châm vào cái đèn dầu nhỏ trên bàn. Hai tấm bánh chưng và nải chuối vàng rộm bên cạnh một hộp mứt ngũ sắc là cả mùa xuân mới của một gia đình nhỏ bé ấm êm. Anh cầm bình nước trà dốc ngược tu một hơi dài rồi vơ cái điếu cầy gân cổ kéo, tiếng rít của chiếc điếu cầy nghe đến rộn ràng. Anh ngửa cổ mắt lim dim nhìn lên nóc nhà thở ra một nạm khói đặc kịt. Nhìn anh có vẻ lơ mơ nhưng dáng chừng vui vẻ và khoan khoái hơn.

Chị Hoa bế con đi nhà thờ dâng lễ giao thừa từ sớm, nhà chẳng có ai, anh Đô nói to tiếng:

“Đằng ấy chờ tớ thay quần áo rồi chúng mình xuống thuyền đi chơi.”

Anh Đô vào buồng trong thay bộ quần áo bà ba mầu đen quen thuộc. Tôi hỏi:

“Sao anh không diện quần áo đẹp ăn Tết? Mỗi năm chỉ có mấy ngày Tết phải diện cho oách chứ.”

Anh Đô cười xoà:

“Tớ có vợ con rồi, diện cho ma nó nhìn à.”

Tôi cướp lời:

“Anh phải diện quần áo đẹp đi chúc Tết họ hàng bà con với chị Hoa chứ.”

Anh Đô khua tay:

“Thèm vào, đầu năm đi với đàn bà chửa xúi quẩy lắm.”

Nói được một câu diễu cợt như ý, anh cười rổn rảng hỏi:

“Đằng ấy có biết uống riệu nếp than không? Ngọt lắm chứ không cay xè xè như ba xì đế đâu. Để tớ lấy một cút mang xuống dưới thuyền đón năm mới.”

Tôi cầm chai rượu nếp than đi theo anh Đô ra vườn sau, lối đi xuống bờ kênh nước chỗ cái thuyền đậu sát ngay nhà bếp. Vườn nhà anh Đô thật ngăn nắp và đẹp mắt, những luống cải xanh rờn chạy dài xuống đến bờ nước được ngăn cách bằng những vạt rau thơm đủ loại. Giữa đêm khuya mùi thơm của những đám rau húng quế, hương nhu thoang thoảng trong gió từ cánh đồng lúa thổi vào vùng trời an lành tinh khiết.

Chúng tôi xuống thuyền. Anh Đô châm lửa cái đèn bão treo ngay chỗ bước xuống khoang thuyền rồi ra phía trước đốt cái nùi rơm đuổi muỗi. Thuyền của anh Đô không to lắm nhưng khoang giữa cũng đủ chỗ cho mấy người nằm ngủ hay ngồi chuyện trò ăn uống. Anh Đô nói là kỳ này chị Hoa có bầu nên gần như tối nào cũng xuống dưới thuyền ngủ cho mát. Tiếng hát của ca đoàn từ nhà thờ theo cơn gió ùa ra khoảng không gian với tiếng pháo nổ lúc dồn dập khi đứt đoạn bằng vài ba tiếng nổ đơn chiếc lẻ loi. Anh Đô xoa tay phủi bụi nói trống không, “còn chừng nửa tiếng nữa thì tan lễ”. Anh vội vàng tháo giây buộc thuyền với một gốc cây khá to trên bờ rồi rút cây xào đẩy thuyền ra giữa kênh nước. Con thuyền rẽ đám bèo trôi nhẹ nhàng. Chẳng biết tại sao anh lại có vẻ vội vã hấp tấp như vậy. Tôi ngồi cạnh anh Đô đang thong thả đẩy con thuyền giữa kinh nước hai bên là những rặng cây dại che khuất ánh sáng tù mù từ những căn nhà đang sửa soạn bánh trái cỗ bàn cho ngày đầu năm. Mùi bánh chưng thanh cảnh dịu dàng của hạt nếp đầu mùa phảng phất giữa mùi khói khét lẹt của thuốc pháo. Tiếng pháo ròn rã nổ dòn tan nối tiếp nhau từ nhà này sang nhà khác đưa tiễn năm cũ về với vòng quay chuyển vận của Trời Đất, đón mừng một năm mới với hoa lá tươi tốt trong tiết xuân êm đềm. Đâu đó vài tiếng hò hét lạc lõng của những sòng bầu cua bắt đầu cho những hên xui may rủi đầu năm.

Anh Đô đẩy thuyền vào bờ ngay chỗ lối mòn đi lên vườn nhà cô giáo Thi. Anh bảo tôi ngồi ở cuối thuyền, bám vào một thân cây trên bờ để thuyền khỏi trôi đi theo dòng nước và dặn tôi cứ ngồi im lặng chờ anh lên trên nhà cô giáo có chút việc. Có tiếng chó sủa, gầm gừ một lúc. Cô giáo Thi ở một mình trong một căn nhà xinh xắn, cha mẹ cô cũng chỉ cách một quãng đồng ngắn. Cô dậy lớp mẫu giáo ở trường học ngoài nhà thờ. Cô hơi khó tính và ăn ở rất sạch sẽ nên đã gần bốn mươi tuổi mà vẫn ở vậy. Nghe nói ngay cả bát đũa cô cũng bỏ vào nồi luộc thật kỹ trước khi dùng. Cô không đẹp lắm nhưng dáng người thon thẻ và cao hơn mức bình thường một chút. Cô luôn ăn mặc gọn ghẽ tươm tất và nói năng rất nghiêm nghị. Khoảng cách giữa cô giáo Thi và những người đàn ông trong vùng là cả một bức tường cao vòi vọi. Cô không có bạn bè và cũng hầu như xa lạ với bà con họ hàng. Cô sống như một người tu hành, rất tận tâm với công việc giảng dậy và được mọi người qúy mến kính trọng.

Trời tối đen như mực, tôi lờ mờ nhìn thấy bóng anh Đô lom khom bưng một cái gì như cái nồi to đi ra khỏi bếp nhà cô giáo Thi. Tôi hỏi nhỏ trong chút lo sợ:

“Cái gì đấy?”

Anh Đô trả lời qua hơi thở:

“Nồi cháo gà.”

Anh cúi người bước vội xuống thuyền để cái nồi xuống, đi nhanh vào trong khoang lấy một cái nồi khác ra. Anh đổ nồi cháo gà của cô giáo Thi vào cái nồi của anh rồi cầm cái nồi không của cô giáo nhẩy lên bờ đi nhanh về phía nhà bếp. Lúc anh trở lại thuyền và đẩy cái sào vào bờ kinh cho con thuyền trôi ra giữa dòng nước thì tôi vẫn chưa biết đầu đuôi sự việc ra sao. Tôi lo sợ nghĩ đến những hình phạt của tội trộm cắp. Tôi biết trả lời sao với thày u tôi. Tôi biết ăn nói thế nào với những người xóm láng. Tôi là học sinh bậc trung học ở một xóm bùn lầy nghèo khó nhưng mọi ngưới ai cũng thành tâm thiện chí và rất đạo nghĩa. Anh Đô đặt tôi vào một sự việc đã rồi chứ nếu ngay lúc xuống thuyền mà anh rủ rê tôi đi ăn trộm nồi cháo gà của cô giáo thì chắc chắn tôi đã không đi theo. Tôi thèm ăn thịt gà lắm nhưng tôi chưa đủ gan để đi ăn trộm, nhất là ăn trộm nồi cháo gà của cô giáo Thi là người mà tôi luôn kính phục.

Đi được một quãng xa, anh Đô ôm bụng cười ngặt nghẽo nói:

“Đằng ấy có biết cô giáo Thi với lão Đạt mèo chuột với nhau không?”

Tôi thành thật trả lời:

“Chuyện người lớn làm sao em biết được. Mà có phải ông Đạt có máy cầy không?”

“Chứ còn ai nữa. Vợ lão Đạt chết đã vài năm rồi, đang tìm vợ mới đấy.”

Rồi anh nhịn cười không được kể rằng cách đây mấy hôm, anh đang khơi giếng cho cô giáo thì nghe tiếng hai người hẹn hò nhau đêm giao thừa sau khi đi lễ ở nhà thờ sẽ về đây ăn cháo gà đón mừng năm mới. Anh nói, “tớ ở dưới giếng nghe chẳng sót câu nào”. Anh cười sặc sụa, “thế là tớ đoán không sai, cô giáo Thi nấu nồi cháo gà để sẵn dưới bếp, tan lễ về là lão Đạt đến ăn”.

Nghe anh Đô kể chuyện như vậy thì tự nhiên cái máu tham ăn, cái ước vọng được ăn nguyên một cái đùi gà đã lấn lướt và hoàn toàn khống chế những suy tư lương tâm, những đắn đo phải trái mà tôi đang rụt rè chọn lựa. Chuyện “mèo chuột” ở trong một xứ đạo có nhiều người đi nhà thờ mỗi ngày ba lần vẫn là một chuyện được coi như là trái phép, là tội lỗi. Do vậy tôi cũng đỡ lo sợ khi im lặng tán trợ anh Đô ăn trộm nồi cháo gà của cô giáo Thi.

Anh Đô đẩy thuyền táp vào bờ kênh chỗ gần đi ra sông lớn. Chiếc thuyền bập bềnh trên dòng nước nhìn ra trời nước bao la, âm u. Thời buổi thanh bình, ngày cũng như đêm, chẳng có gì phải sợ. Anh bảo tôi ra ngồi chắn gió để anh mồi bếp hâm lại nồi cháo. Anh cười hề hề:

“Cái giống cháo gà này phải ăn nóng mới ngon.”

Ngọn lửa chập chờn giữa đêm tối. Anh Đô mang cái điếu cầy ra kéo một hơi muốn thụt cái nõ điếu, nói trong hơi khói.

“Tớ hất cái vung xuống bên cạnh, để lại cái nồi không trên bếp. Cô giáo chắc là con chó ăn hết nồi cháo chứ đời nào lại nghĩ là có đứa ăn trộm. Chó treo mèo đậy mà”

Con gà nằm gọn giữa nồi, cái đầu nhô lên trông thật thách thức, vàng óng ánh, béo ngậy. Mùi thơm của hành lá quyện vào lớp mỡ nổi dật dờ trên mặt nồi cháo thật ngon lành. Anh Đô châm vào bếp vài thanh củi, lửa cháy to hơn và nồi cháo đã bắt đầu bốc hơi nóng. Anh lại hút thuốc, mùi thuốc lào nồng nặc nhưng chắc là phải quyến rũ mê mệt. Anh nằm xuống sàn thuyền mắt lim dim nhìn lên trời không trăng sao để giã cơn say. Thuốc lào Cái Sắn nhà anh Đô sản xuất rất nổi tiếng, không đủ cung cấp cho những người nặng nợ với cái điếu bát điếu cầy. Người nào hút không quen là nằm say vật vã cả buổi mới tỉnh lại. Tôi nói:

“ Nghe người ta đồn rằng thuốc lào nhà anh sau khi thái nhỏ ra từng sợi thì đánh đống rồi gọi tụi trẻ con đến đái lên cho thơm.”

Anh Đô cười lớn tiếng không trả lời. Một lúc sau anh nói như diễu cợt:

” Nhiều khi tớ cũng phải đái vào mâý bãi để ủ cho thuốc khỏi khô. Đằng ấy ngửi mùi khói thuốc thấy có mùi khai khai là vậy.”

Nồi cháo đã sôi. Anh Đô vào trong khoang thuyền lấy hai cái bát. Anh dùng đôi đũa chọc vào lườn con gà, nâng nhẹ lên bỏ vào cái vung nồi rồi múc hai bát cháo. Những nhát hành lá lảng vảng trên mặt bát cháo hạt gạo đã vỡ ra như đám hoa nhỏ li ti trắng ngần. Anh Đô dục vội, “mình húp bát cháo nóng cho ấm bụng đã rồi tính đến cái anh gà kia sau”. Anh bưng bát cháo lên, vừa thổi vừa húp xùm xụp, khen đáo để, “cô giáo có khác, rõ khéo tay, ngon ngọt quá sức”. Húp hết bát cháo, anh bẻ hai cái chân gà để sang một bên rồi vào trong khoang lấy chai rượu nếp than mang ra đổ vào một cái bát khác. Anh vừa cười vừa nói, “ đằng ấy ăn cháo rồi làm một cái đùi đi, tớ nhắm riệu hai cái chân đã, đằng ấy chớ ăn chân gà vào, học trò mà ăn chân gà là viết chữ run tay đấy”. Anh Đô nhai cái chân gà nghe rau ráu. Anh tợp một ngụm rượu nếp than, lắc đầu chê, “cái thứ riệu của đàn bà đẻ, ngọt như nước đường chẳng ra làm sao cả”. Anh quăng nắm xương chân gà xuống nước rồi lật ngửa con gà lên, hai tay cầm hai cái đùi nhẹ nhàng xé ra. Chẳng đợi anh cho phép, tôi vội cầm cái đùi gà cắn một miếng to. Bọng mở dưới lớp da gà và nước ngọt từ thớ thịt vỡ ùa ra ngập đến tận chân răng, thơm và ngọt lạ lùng. Tôi đang cầm trong tay giấc mơ được ăn cả một cái đùi gà. Tôi đang nhai, đang nuốt niềm ao ước từ bấy lâu nay. Nuốt miếng thịt gà qua cổ họng mà vẫn cứ như mộng mị. Húp bát cháo ngọt đậm đà mà hồn xác cứ như bay trên mây.

Hai anh em chúng tôi chia nhau con gà. Anh Đô một cái cánh, tôi một cái cánh. Anh Đô ăn nửa bên phải cái ức con gà thì tôi ăn nửa bên trái. Tôi chẳng có công trạng gì trong việc bê nồi cháo gà của cô giáo Thi xuống thuyền nhưng tôi nghĩ rằng tình nghĩa anh em giữa đêm giao thừa thì anh Đô cũng chẳng chấp nhất gì. Con gà chỉ có một cái phao câu thì anh Đô nhường cho tôi. Tôi thèm thuồng nhìn cái phao câu ngay từ lúc anh Đô lật con gà nằm ngửa trên cái vung nồi. Hai chân gà dạng ra kẹp giữa cái phao câu mập núng nẩy mời gọi thiết tha. Mỡ và chút xương sụn của cái phao câu dòn xần xật, béo chắc nịch đến bùi ngậy.

Chúng tôi đọn dẹp qua loa rồi anh Đô hối hả chống thuyền về cho kịp giờ giao thừa. Tiếng pháo đã dồn dập hơn, những quả pháo đùng xé không gian vang vọng đến tận chân trời. Anh Đô ghé thuyền vào chiếc cầu nhỏ từ bờ kênh đi lên vườn sau nhà tôi. Con chó quen hơi chạy ra sủa mấy tiếng rồi thôi. Tôi chào anh Đô mà cũng chẳng biết nói mấy lời chúc mừng năm mới.

Thày u tôi đang vớt bánh chưng ? nhà bếp. Những tấm bánh vuống vắn nằm thẳng hàng trên những phiên lá chuối, xanh rờn và thơm ngát. U tôi nén bánh chưng bằng những thùng nước. Bóc tấm bánh ra trông chắc nịch mà để đến cả nửa tháng sau vẫn không bị thiu. Hai con gà nằm ngủ lơ mơ trong một cái lồng ở góc bếp. Tôi nghĩ là năm nay được mùa nên cỗ Tết nhà tôi sẽ có hai con gà. U tôi chăm bón mấy đàn gà, lứa này tiếp nối theo lứa khác, nhặt nhạnh dè xẻn từng đồng chỉ để lo cho mấy đứa con đi học. Nồi bánh chưng và hai con gà ăn Tết không phải là một cố gắng to lớn của thày u tôi nhưng nghĩ đến những chi phí học hành cho con nên cũng có chút rụt rè.

Chuông trống ngoài nhà thờ đã đổ liên hồi. Tiếng pháo nổ dồn dập. Trời đất chuyển mình bước sang năm mới. Nguyện cầu những ngày tháng an bình, gió thuận mưa hoà, mùa màng tươi tốt. Mọi người sống trong tình nghĩa yêu thương, chia xẻ giúp đỡ lẫn nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp. Tôi ngồi dưới bếp nhìn u tôi dọn dẹp nồi niêu bát đũa. Cái nồi làm bằng nhôm méo mó và những cái bát đĩa sứt mẻ là cả cuộc đời của u tôi với những năm tháng vất vả nhọc nhằn. U tôi âm thầm chịu đựng gánh vác. Chẳng biết sáng ngày đầu năm mới u tôi có cái áo nào lành lặn thay cho chiếc áo có những mụn vá chằng chịt trên lưng như những đa đoan cực khổ của thân phận khó nghèo. Ngày tôi thi đậu bằng tiểu học, u tôi thưởng cho tờ giấy bạc mười đồng ăn bánh kẹo mà tôi không dám lấy vì thày tôi mà biết thì thế nào cũng to tiếng với u tôi, “nuông chiều con như thế thì sau này nó chỉ đi chăn trâu”. Cả xóm tôi có đến hơn một chục học sinh thi bằng tiểu học mà chỉ một mình tôi đậu. U tôi sung sướng dàn dụa nước mắt, tôi đã thầm thì với u tôi là lớn lên con đi lính Dân Vệ rồi con sẽ may cho u cái áo dài trắng để u đi nhà thờ.

Buổi sáng ngày mùng một tết, trời nắng chói chang. Mấy khóm hoa vạn thọ vàng rực rỡ nhấp nhô giữa vạt cải xanh rờn những đọt nõn nà đầu xuân. Vài tràng pháo nổ chậm chạp trong tiếng người rộn rã ngoài đường chúc tụng nhau một năm mới bằng năm bằng mười năm ngoái, đầu năm sinh con trai cuối năm đẻ con gái, nhất bản vạn lời. Những cô thôn nữ duyên dáng với tà áo mầu phất phới thướt tha trong gió đồng nội tay bưng khay lễ vật có những tờ giấy bóng kính mầu đỏ le lói dưới ánh sáng ban mai. Đám trẻ con quần áo còn cứng bột hồ khoe nhau những đồng tiền mừng tuổi còn thơm mùi giấy. Mọi người vui vẻ cười nói trong cảnh thanh bình của quê hương mến yêu. Tôi không còn nhỏ để hồi hộp chờ đợi những đồng tiền mừng tuổi và tôi cũng chưa đủ lớn để ngẩn ngơ nhìn những tà áo xanh đỏ như đàn bướm tung tăng giữa đồng lúa chín vàng. Tôi đang bồn chồn lo lắng đợi nghe tiếng cô giáo Thi chửi mất nồi cháo gà. Nhưng tôi lại tin lời anh Đô là dù cô giáo giận dữ thế nào đi nữa thì cũng phải kiêng cữ ngày đầu năm. Anh cười nheo đuôi mắt, “ngày Tết mà chửi thì còn gì là phúc đức, chỉ có ế chồng”.

Gần đến trưa, bữa cỗ ngày mùng một Tết đã sẵn sàng mà tôi vẫn chưa nghe thấy tiếng cô giáo Thi chửi mất nồi cháo gà. Đúng như anh Đô nói, “ai đời là cô giáo mà lại ra đường chửi mất nồi cháo gà”. Tôi thấy lý luận của anh Đô rất đúng nhưng cũng cầu mong là cô giáo Thi sẽ phang cho con chó mấy gậy vì đã…dám ăn vụng nồi cháo gà giữa đêm trừ tịch.