Một số nhận định của Đức Cha Raymong Po Ray, Giám Mục Mawlamyaing, và Đức Cha Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangoon, về tình hình Myanmar

Trong các tháng qua thế giới đã chứng kiến cảnh hàng ngàn tăng ni Phật giáo hướng dẫn các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Myanmar. Nhưng các cuộc biểu tình đã bị chính quyền quân đội dẹp tan. Họ đã nổ súng bắn chết hàng trăm người và bố ráp bắt giữ 6000 người trong đó có 1500 nhà sư thuộc nhiều chùa khác nhau. Cũng đã có nhiều vụ hành quyết. Trong nhiều ngày liên tiếp quân đội trấn giữ mọi cứ điểm trong cựu thủ đô Yangoon và các vụ bắt giữ vẫn tiếp tục. Cộng đồng thế giới cũng đã chỉ phản ứng lấy lệ và mọi sự đã rơi vào thinh lặng trước sự hững hờ và lập trường không can thiệp của các quốc gia có các liên lạc thương mại với Myanmar và khai thác quặng mỏ của Myanmar, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, nhiều công ty đa quốc và các nước trong khối Asian như là Thái Lan.

Sau đây là một số nhận định về tình hình Myanmar của hai Giám Mục Myanmar là Đức Cha Raymong Po Ray, Giám Mục Mawlamyaing, và Đức Cha Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangoon. Các vị đã về Roma tham dự Hội nghị quốc tế do Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình tổ chức trong các ngày từ 22 đến 24 tháng 11 vừa qua.

Trước hết là tình hình hiện nay của Myanmar, ba tháng sau khi có các cuộc xuống đường biểu tình phản đối chính quyền quân đội. Đức Cha Po Ray cho biết sau các cuộc biểu tình hồi tháng 9 tình hình trong nước vẫn còn căng thẳng. Cả khi bề ngoài xem ra mọi sự đều đã ổn định, người dân không được thỏa mãn vì các khó khăn gặp phải và sự đàn áp của chính quyền đối với các tăng ni và những người biểu tình. Mọi người vẫn còn nhớ thảm cảnh đã xảy ra hồi năm 1988, khi chính quyền quân đội thẳng tay đàn áp các vụ phản đối của sinh viên học sinh và đã sát hại 3000 người. Trong thâm tâm ai cũng mong ước tình hình quốc gia thay đổi và được cải tiến, nhưng người ta qúa sợ hãi để có thể phát biểu các ước muốn của mình.

Về phần mình Đức Tổng Giám Mục Bo ghi nhận rằng tình hình Myanmar hiện nay yên ổn, nhưng quân đội hiện diện khắp nơi và kiểm soát các tu viện chùa chiền và mọi đường đi nước bước của người dân. Vì sợ hãi, dân chúng rất để ý để không sơ xuất chuyện gì.

Riêng trong giáo phận Mawlamyaing của Đức Cha Po Ray việc đàn áp đã không gay gắt và bạo lực như tại Yangoon. Chính quyền địa phương đã can thiệp ngay để ngăn chặn các vụ biểu tình. Họ kiểm soát chặt chẽ để không xảy ra các vụ đáng tiếc. Các tăng sĩ trẻ và sinh viên học sinh đã bị bó buộc rời xa các chùa chiền và tu viện, nên sự can thiệp của quân đội cũng ít cứng rắn hơn.

Trong tổng giáo phận Yangoon người dân đã chứng kiến một biến cố ngoại thường, khi trông thấy các nhà sư xuống đường biểu tình để bẩy tỏ sứ điệp mà nhân dân muốn gửi đến chính quyền, vì người dân không hài lòng đối với cung cách cai trị của nhà nước. Các tăng ni đã là những người nói lên ý muốn của người dân. Nhưng chính quyền đã ra lệnh cho quân đội đánh đập dân chúng, một số người đã bị đánh chết khiến cho người dân Myanmar giận dữ. Chính Đức Tổng Giám Mục Bo đã ra lệnh cho các linh mục và tu sĩ nam nữ là không được xuống đường biểu tình, vì các tín hữu công giáo là thiểu số.

Nếu muốn tiếp tục làm việc, thì cần phải thận trọng. Dĩ nhiên là các anh chị em giáo dân được tự do tham gia các cuộc biểu tình, và giới lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo liên đới gần gũi với các tăng ni trong cuộc đấu tranh cho dân chủ. Đức Cha Bo cho biết tại Yangoon từ cuối tháng 9 cho tới tháng 10 ngày nào cũng thế, từ 2 đến 4 giờ sáng đều xảy ra các cuộc bố ráp các tu viện chùa chiền phật giáo, và bất cứ ai đến gần các nhà sư để tiếp tế thực phẩm hay nước uống cũng đều bị bắt giữ.

Tuy cộng đồng quốc tế đã phản ứng và mạnh mẽ lên án cung cách hành xử của chính quyền quân đội, nhưng trên bình diện nhân loại mà nói Đức Tổng Giám Mục Bo cho biết ngài không tin tưởng rằng các áp lực quốc tế có thể đem lại một sự thay đổi nào đó cho Myanmar. Tuy nhiên trong nhãn quan lòng tin thì cần phải hy vọng. Thật ra so sánh với lần trước, lần này dư luận quốóc tế đã được huy động mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên Đức Cha có cảm tưởng là chính quyền quân đội đang câu giờ, để rồi lại khiến cho mọi sự trở lại như trước. Nếu cộng đồng quốc tế giờ đây không cứng rắn hành động, thì Đức Cha không biết khi nào mới lại có một dịp khác.

Dầu sao đi nữa dân chúng vẫn hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự để giải thoát Myanmar, như đã can thiệp bên Irak, nhưng đây là điều không thể xảy ra. Trung Quốc thì duy trì một lập trường rất ngoại giao: trước các đàn áp của chính quyền Myanmar thì lên tiếng kết án bao lực, nhưng đồng thời cũng tiếp tục nói rằng đó là ”chuyện nội bộ” không được can thiệp vào. Nhưng thực ra không phải như vậy. Theo Đức Cha Bo điều đang xảy ra tại Myanmar không phải là chuyện nội bộ. Nó phải là nỗi âu lo của tất cả mọi người. Các tướng lãnh có khuynh hướng loại trừ tất cả những người mà họ cho là đe đọa quyền bính và địa vị của họ. Họ lo sợ cho sự an ninh của địa vị cũng như cho các bổng lộc và đặc ân đặc lợi của họ. Nếu chế độ không tỏ ra cởi mở hơn, thì sẽ không có hy vọng cho dân nước. Giờ đây cần phải đi tới một giàn xếp và là lúc phải chứng minh cho thấy thiện chí.

Đức Cha Po Ray thì cho rằng áp lực quốc tế trên chính quyền quân đội Myanmar trong một cách thế nào đó đã góp phần cải tiến tình hình, nhưng đồng thời dân chúng cũng nhận ra là giới quân nhân vẫn tiếp tục cùng một chiến thuật và giữ vững các lập trường của họ. Các trừng phạt quốc tế, như đề ra hiện nay, không đụng chạm gì tới các lợi lộc của Ủy ban quân quản, mà chỉ ảnh hưởng trên tình trạng sống của người dân vốn đã rất là nghèo nàn. Chúng tôi mong ước rằng các cường quốc trong vùng lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn nữa và có các hành động cụ thể, chứ chỉ khuyến khích suông là phải đối thoại, thì không có kết qủa. Trung Quốc là nước có ảnh hưởng lớn nhất trên chính quyền Myanmar. Trung Quốc và Ấn Độ có thể nắm giữ một vai trò tích cực hơn trong việc khích lệ các thay đổi và cải cách đất nước Myanmar. Các ước mong và các nhu cầu của dân chúng lớn mạnh song song với cuộc sống nghèo túng bần cùng của họ. Lần này người dân Myanmar cảm thấy mình được cộng đoàn quốc tế nâng đỡ nhiều hơn và họ hy vọng có sự cải tiến. Myanmar cần có một giới lãnh đạo biết xây dựng, nếu không thì người dân sẽ tiếp tục khổ đau. Trong lúc này đây không ai có thể làm được gì trong một thời gian ngắn hạn.

Trong tư cách là giới chức lãnh đạo tôn giáo lớn nhất nước, các tăng sĩ Phật giáo đã thử lãnh đạo các cuộc biểu tình phản đối nhà nước, nhưng các vị đã bị đánh đập và bỏ tù, một số vị bị giết chết, nhưng sáng kiến của các vị đã là một thí dụ tốt cho dân chúng.

Liên quan tới phần đóng góp của tín hữu công giáo Đức Tổng Giám Mục Bo và Đức Cha Po Ray xác tín rằng các sự kiện xảy ra hồi tháng 9 năm nay đã là hoa trái của chiến dịch cầu nguyện dài, mà Giáo Hội Công Giáo đã phát động từ năm 2005. Từ đó đến nay hàng ngày trong tất cả mọi nhà thờ thuộc mọi giáo phận toàn nước, tín hữu đã cầu nguyện cho quốc thái dân an.

Cầu nguyện là điều duy nhất mà ai cũng có thể cống hiến cho những ai đang đứng ra tranh đấu cho việc tôn trọng nhân quyền và nền dân chủ. Từ trước tới nay phần đóng góp của tín hữu công giáo cho quốc gia tập trung trong lãnh vực xã hội, giáo dục, và trợ giúp y tế. Tín hữu công giáo rất gần gũi dân nghèo. Vì là một thiểu số, Giáo Hội Công Giáo không thể công khai lên tiếng, vì chính quyền quyết tâm đàn áp các tiếng nói bất đồng ý kiến, và nếu muốn hiện hữu như là một cộng đoàn, thì phải duy trì một tiếng nói nhẹ nhàng và phải hết sức ý tứ.

Đức Cha Po Ray đã làm Giám Mục giáo phận Mawlamyaing từ 14 năm nay. Đây là một giáo phận vùng quê có 7.000 tín hữu và 27 nữ tu. Người dân bị các giới chức chính trị và quân đội đe dọa uy hiếp và bị bó buộc phải làm việc như nô lệ. Giáo Hội liên đới với họ, khích lệ họ và tìm cống hiến cho họ việc giáo dục tối thiểu, qua các chương trình nông nghiệp trong đó có cả việc huấn luyện xử dụng các kỹ thuật canh nông mới đem lại nhiều kết qủa hơn. Ngoài ra Giáo Hội cũng gây ý thức cho dân chúng liên quan tới việc cần thiết phải làm việc và dấn thân xây dựng gia đình.

Vấn đề lớn nhất là tình hình chính trị. Người dân chiến đấu cho sự sống còn và đó là tư tưởng và âu lo chính của họ, vì thế họ không nghĩ đến tôn giáo. Giáo Hội đem các giá trị tôn giáo vào trong cuộc sống thường ngày của họ và giúp họ hiểu tầm quan trọng của việc thực hành các giá trị đó.

Trong cựu thủ đô Yangoon có khoảng 80 ngàn tín hữu công giáo và 90 linh mục. Giáo Hội có các chương trình xã hội và y tế với sự cộng tác của dân chúng địa phương bao gồm cả việc đào tạo nhân viên y tế và các giáo chức cũng như săn sóc sức khỏe cho dân chúng sống trong các vùng xa xôi hẻo lánh. Để có thể tiếp tục làm việc và không gặp khó khăn, Giáo Hội phải luôn luôn chú ý sống kín đáo và bé nhỏ. Chính vì ý thức được thực tại thiểu số của mình, hàng lãnh đạo Giáo Hội đã khuyến các linh mục tu sĩ hiệp ý cầu nguyện thay vì cùng xuống đường biểu tình với dân chúng và các tăng ni.

(ASIANEWS 29-11-2007)