HUẾ - Sáng ngày Chúa nhựt Lễ Mân Côi, 07-10-2007, tại Thánh Địa La Vang, có thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho việc khởi công trùng tu Linh Đài Đức Mẹ La Vang.

Linh Đài Đức Mẹ La Vang, nơi ghi dấu Đức Mẹ hiện ra năm 1798, có Ba Cây Đa bằng bê tông cốt sắt vĩ đại, do công trình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ trong thập niên 1960. Ba Cây Đa nầy, và những công trình trong quần thể của Linh đài Đức Mẹ, chưa được hoàn thành theo như dự tính vì từ sau năm 1972 đến nay, công việc trung tu chưa được khởi sự.

Trong trận chiến khốc liệt năm 1972, các công trình của Linh Địa La Vang như Vương Cung Thánh Đường, Nhà Tĩnh Tâm, Nhà Hoà Giải, Nhà Cha Sở, Tu viện Mến thánh Giá La Vang, Trạm Xá, vân vân…, đều bị san bằng bình địa hoặc bị hư hại hoàn toàn, riêng Ba Cây Đa, nơi ghi dấu Đức Mẹ hiện ra, thì vẫn còn nguyên vẹn. Và điều nầy, ai đến La Vang, cũng công nhận là một sự lạ.

Hôm nay, ngày 07 tháng 10 năm 2007, Lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văng Hồng, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Huế, dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho việc khởi công trùng tu Linh Đài Đức Mẹ La Vang. Cùng đồng tế với Đức Cha, có linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Quản Nhiệm Trung Tâm Thánh mẫu Toàn Quốc La Vang, linh mục Giuse Lê Viết Phục, nguyên Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế Huế, và linh mục Hạt trưởng Hạt Quảng Trị.



Thánh lễ tại Linh Đài Đức Mẹ, bắt đầu lúc 08 giờ 30 sáng, dưới một bầu trời đầy mây vần vũ, đe doạ mưa to. Dầu vậy, Cộng đoàn Phụng Vụ vẫn bình tĩnh tham dự sốt sắng Thánh Lễ đặc biệt nầy.

Trong bài giảng, Đức Cha chủ tế nói về về ý nghĩa của thánh lễ Mân Côi và thúc giục mọi người siêng năng lần hột Mân Côi.

Kinh Mân Côi không phải là một sáng kiến của con người, nhưng là do chính Đức Me đã truyền cho thánh Đaminh vào thế kỷ 13, như là một vũ khi thiêng liêng để chiến thắng bè rối của thành An Bi. Nguồn gốc của lễ Mân Côi cũng nhắc đến Phép Lạ do tràng chuổi Mân Côi mang lại. Vào thế kỷ 16, khi đạo quân Hồi giáo của Thổ Nhị Kỳ vượt qua Địa Trung Hải để tiến về Roma với mục đích tiêu diệt Giáo Hội công giáo, Đức Giáo Hoàng Piô Thứ Năm đã kêu gọi toàn thể người công giaó lần hạt cầu xin Đức Mẹ cứu thoát. Và Đức Mẹ đã can thiệp một cách lạ lùng: khi chiến thuyền hùng hậu của quân Thổ tiến gần Roma, thì một trận cuồng phong nổi lên, đánh gảy rất nhiều cột buồm của các chiến thuyền địch, một số chiến thuyền khác thì bị đắm chìm. Địch quân khiếp đảm bỏ chạy. Nhờ thế, Giaó Hội được bình an. Đức Giáo Hoàng Piô Thứ Năm coi đó là một phép lạ tỏ tường của tràng chuổi Mân Côi, nên đã lập ra lễ Mân Côi vào ngày 7-10 hằng năm để tạ ơn Mẹ.

Tràng chuổi Mân Côi là một cách cầu nguyện đơn sơ và dể dàng nhất. Những kinh kết thành tràng chuổi là những kinh rất dể thuộc nhưng lại rất căn bản và dựa vào Thánh Kinh, đó là KINH LẠY CHA do chính Chúa Giêsu đặt ra và truyền lại; KINH KÍNH MỪNG, phần đầu hoàn toàn lấy từ Thánh kinh, và phần thứ hai là những lời cầu xin do Giaó Hội đặt ra; KINH SÁNG DANH nhắc đến tên của Thiên Chúa Ba Ngôi với lời chúc tụng.

Sau mỗi chục kinh kính mừng, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm một biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu, biến cố Con Thiên Chúa làm người trong NĂM SỰï VUI; biến cố tử nạn đau thương của Chúa Giêsu trong NĂM SỰ THƯƠNG; cuộc đời công khai của Ngài trong NĂM SỰ SÁNG, và cuối cùng là Mầu nhiệm tử nạn và Phục sinh trong NĂM SỰ MẦNG. Như thế, người ta có thể nói tràng chuổi Mân Côi là bản tóm lược cuộc đời của Chúa Giêsu, là một quyển Phúc Âm bỏ túi.

Trong Tông huấn" Kinh Mân Côi"(16-10-2002), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô dạy rằng tràng chuổi Mân Côi là một cách tuyệt hảo để cùng Mẹ ngắm nhìn Chúa Kytô.

Khi hiện ra hiện ra với ba trẻ ở Fatima, Đức Mẹ cùng lần hạt với các em.

Tràng chuổi Mân Côi đã nuôi dưỡng Đức tin của người công Giáo trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Vào thời bị bắt đạo, giáo dân không có thánh lễ, không có bí tích, nhưng họ đă có tràng chuổi. Ngay cả khi không có tràng hạt, thì những đốt tay đã thay thế để đếm những kinh Kính Mừng.

Tại La Vang, chính khi giáo dân quy tụ lần hạt tại đây, thì Mẹ đã hiện ra để an ủi và khích lệ nâng đở. Chính tràng hạt Mân Côi của Cha Ông chúng ta đã kéo Mẹ từ trời đến tại La Vang nầy.

Cuối bài giảng, Đức Cha chủ tế khuyên mọi người hãy siêng năng lần hột Mân Côi. Có người thờ ơ và chống đối cách cầu nguuyện với tràng chuổi Mân Côi. Họ coi đó là một cách cầu nguyện nhàm chán đơn điệu: cứ lặp đi lặp lại một kinh hoài. Họ bảo tại sao không đọc một lần là đủ mà lai cứ lải nhải 50 kinh kính mừng, mất thì giờ vô ích. Lý luận như vậy là họ đã lầm. Lặp đi lặp lại nhiều lúc là một sự cần thiết của cơ thể: mỗi ngày chúng ta hít thở không khí bao nhiêu lần để sống? Tại sao không chỉ hit một lần cho khỏi mất thì giờ?! Lặp đi lặp lai còn là một nhu cầu của con tim, của tình yêu. Khi hai người yêu nhau, họ nói với nhau mấy lần anh yêu em hay em yêu anh là đủ. Tại sao không nói một lần thôi mà phải nói mãi? Trong lãnh vực đức tin cũng vậy, việc lặp đi lặp lại là một sự cần thiết để gia tăng tình yêu đối với Mẹ, để lời cầu xin được dể nhậm lời hơn.

Đức Cha chủ tế ao ước chớ gì tháng Mân Côi này nhắc nhở chúng ta đến tầm quan trong của kinh Mân Côi, và mời gọi mọi người siêng năng đến nhà thờ vào mỗi tối để cùng nhau sốt sắng dâng lên Mẹ những bông hoa hồng kinh Kính Mừng để ca tụng, yêu mến Mẹ và cùng Mẹ tôn thờ và yêu mến Chúa hơn.



Cộng đoàn Phụng vụ sốt sắng, lắng nghe lời giảng của Đức Cha Chủ tế. Ai cũng cảm thấy mình được hạnh phúc đặc biệt tham dự thánh lễ có một không hai nầy tại Linh Đài Đức Mẹ trước khi Linh Đài nầy được để chuẩn bị cho Đại Hội Đức mẹ La Vang vào tháng Tám năm 2008 sắp đến nầy.

Thánh lễ kết thúc lúc 09 giờ 30.



Bầu trời trước Thánh lễ, tuy có vẻ đe doạ mưa to, nhưng khi Thánh lễ kết thúc, vẫn im mát một cách lạ lùng.

Tại Linh Địa Đức Mẹ La Vang, có nhiều việc lạ lùng đã xảy ra, đang xảy ra, và sẽ xảy ra để làm vinh danh Chúa và Mẹ. Trong thâm tâm của những ai được hạnh phúc đến tại Linh Địa Đức Mẹ La Vang với lòng tin, cậy, và lòng mến sốt sắng, đêu cảm thấy như vậy.