ĐTC Biển Đức XVI : Vai trò của Giáo Hội là đóng góp vào việc đào tạo lương tâm con người

ĐTC tiếp kiến các thành viên của các đảng chính trị thuộc « Khuynh Hướng Trung Lập Dân Chủ Quốc Tế » (Centrist Democrat International (CDI)).

Trong buổi tiếp kiến các thành viên của các đảng phái chính trị thuộc « Khuynh Hướng Trung Lập Dân Chủ Quốc Tế » tại Castel Gandolfo, ĐTC đã nhắc nhở vai trò của Giáo Hội là « phục vụ cho việc đào tạo lương tâm » trong lãnh vực chính trị.

Gợi lên vấn đề nghiêm trọng của chủ nghĩa khủng bố, ĐTC giải thích rằng « trong lãnh vực này, học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo đề nghị những yếu tố suy tư hữu ích nhằm thăng tiến sự an toàn và công lý…từ những gì hợp với bản tính của con nguời và đồng thời cũng siêu vượt nó. »

Tuy nhiên ĐTC cũng nói rõ rằng bổn phận của Giáo Hội không phải là khoe khoang học thuyết này về phương diện chính trị. Mục tiêu của Giáo Hội là « phục vụ cho việc đào tạo lương tâm trong lãnh vực chính trị. »

« Khuynh Hướng Trung Lập Dân Chủ Quốc Tế » tập hơp các đảng phái chính trị và các tổ chức « đặt cơ sở trên những nguyên tắc nhân bản Kitô giáo hay toàn vẹn, nghĩa là một chủ nghĩa nhân bản mở ra với siêu việt và dấn thân cho tình huynh đệ (cf. http://www.cdi-idc.org). Các vị đặc trách của CDI đã nhóm họp tại Rôma ngày 20/9 để phối hợp hoạt động chính trị quốc tế của họ.

ĐTC đã muốn kéo sự chú ý của các tham dự viên đến « những giá trị và lý tưởng được xây dựng và đào sâu cách dứt khoát bởi truyền thống Kitô giáo ở Âu Châu và trên thế giới ». Nhất là ngài đă nhắc lại một số nguyên tắc của truyền thống Kitô giáo đuợc các tham dự viên chia sẻ, bất chấp sự đa dạng xuất xứ của họ : « đặc tính trung tâm của nhân vị và việc tôn trọng các quyền con người, dấn thân vì hòa bình và thăng tiến công lý cho tất cả mọi người ».

ĐTC Biển Đức XVI đã khích lệ các tham dự viên theo đuổi nỗ lực của họ « phục vụ công ích » bằng cách canh chừng sao cho « những ý thức hệ có thể làm cho các lương tâm lu mờ và bối rối cũng như chuyển tải một cái nhìn hão huyền về chân lý và sự thiện không được lan truyền và gia tăng». ĐTC giải thích như sau : « chẳng hạn trong lãnh vực kinh tế, có một khuynh hướng đồng hóa sự thiện với lợi nhuận và như thế làm tiêu tan sức mạnh của lối sống (éthos) nội tâm, và cuối cùng là đe dọa chính lợi nhuận đó. »

ĐTC nói tiếp : « một số người cho rằng lý trí con người không có khả năng nắm bắt được chân lý và do đó không thể theo đuổi sự thiện tương ứng với phẩm giá nhân vị. ». « Tiếp đến lại có những người cho là hợp pháp việc xóa bỏ sự sống con người ở giai đoạn trước khi sinh hay cuối đời của nó ».

ĐTC cũng cho thấy sự lo âu của ngài trước « cuộc khủng hoảng gia đình, tế bào của xã hội được xây dựng trên hôn nhân bất khả phân ly của một người nam và một người nữ. » Ngài khẳng định : « kinh nghiệm cho thấy rằng khi chân lý về con người bị phỉ báng, khi gia đình bị xói mòn từ trong nền tảng của nó, thì hòa bình cũng bị đe dọa, quyền (của con người) có nguy cơ bị thỏa hiệp, và kết quả đương nhiên là người ta đối diện với những bất công và vi phạm.»

ĐTC cũng gợi lên một lãnh vực khác rất gần gũi với CDI : « bảo vệ tự do tôn giáo ». ĐTC giải thích rằng nó hệ tại một « quyền căn bản », « có nền tảng sâu xa nơi phẩm giá của con người và được những văn kiện quốc tế đa dạng thừa nhận, nhất là Tuyên ngôn chung về Nhân Quyền.»

ĐTC nhấn mạnh : « việc thực thi sự tự do này cũng bao gồm việc thay đổi tôn giáo, được đảm bảo không chỉ trên bình diện pháp lý nhưng còn trong thực tế hằng ngày ». Ngài nói tiếp : « việc mở ra với siêu việt cấu thành một bảo đảm cần thiết cho phẩm giá con người, bởi vì có những khao khát và đòi hỏi ngay trong tâm hồn của mọi nhân vị mà chỉ tìm thấy sự thông hiểu và câu trả lời nơi Thiên Chúa. »

ĐTC giải thích tiếp : « Do đó, người ta không thể loại trừ Thiên Chúa ra khỏi phạm vi của con người và của lich sử. Đó là lý do tại sao phải đón chào nơi tất cả các truyền thống tôn giáo đích thực, ước muốn chung thể hiện căn tính mình cách công khai chứ không bị bó buộc che giấu hay ngụy trang nó. ».

Ngài khẳng định : « vả lại, lòng tôn trọng tôn giáo đóng góp vào việc bác bỏ lời khiển trách đã quyên Thiên Chúa được lập đi lập lại, mà một số mạng lưới khủng bố viện cớ để biện minh cho những đe dọa của chúng nhắm đến sự an ninh của các xã hội Tây Phương. »

ĐTC nhận định : « chắc chắn rằng xã hội có quyền tự vệ, nhưng quyền này, như mọi quyền khác, luôn phải được thực thi trong sự tôn trọng trọn vẹn các quy tắc luân lý và pháp lý, cũng như đối với những gì có liên quan đến sự chọn lựa các mục tiêu và phương tiên. »

ĐTC nhắc lại rằng « trong những chế độ dân chủ, việc sử dụng sức mạnh không bao giờ được biện minh cho việc chối bỏ những nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Quả thật, phải chăng người ta có thể bảo vệ chế độ dân chủ bằng cách đe doạ những nền tảng của nó ? Do đó, thật thích hợp để phòng giữ cách can đảm an ninh của xã hội và những thành viên của nó, tuy nhiên bằng cách bảo toàn những quyền bất khả xâm phạm của mọi nhân vị. »

ĐTC Biển Đức XVI xác tín rằng « chủ nghĩa khủng bố phải bị đánh bại cách mạnh mẽ và hiểu quả dù biết rằng nếu sự dữ là một huyền nhiệm lan truyền, thì sự liên đới của con người trong sự thiện là một huyền mầu nhiệm còn tỏa lan hơn nữa. »

Cuộc gặp gỡ của các vị đặc trách của CDI ngày 20/9 chủ yếu tập trung vào tự do, an ninh và dấn thân của CDI để thăng tiến nền dân chủ trên thế giới. Lãnh đạo của nhiều nước và chính phủ cũng như các vị đại diện của các đảng phái thành viên của CDI đến từ Châu Âu, Châu Phi và Châu Á đã tham dự và cuộc gặp gỡ này được tổ chức bởi Hiệp Hội các Kitô hữu dân chủ và Trung Lập (Unione dei Democratici Cristiani e di Centro), một đảng thành viên của CDI.

CDI đã bầu lại vị chủ tịch của họ, ông Pier Ferdinando Casini, nhà chính trị người Ý. Vincent Fox (tổng thống Mexico 2000-2006) được đặt làm phó chủ tịch.