Ðức Hồng Y LUSTIGER với Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Paris



Qua bốn bài viết về Ðức Hồng Y Gioan Maria LUSTIGER, đăng trong tuần lễ từ 07 đến 12 tháng 08 năm 2007 vừa qua, trên http://vietcatholic.net/news/ : 1- Vĩnh biệt và tôn kính
ĐHY thăm mục vụ GX Việt Nam Paris
ÐHY Gioan Maria Lustiger; 2- Cuộc đời ÐHY Gioan Maria Lustiger; 3- Công trình mục vụ của ÐHY Gioan Maria Lustiger; 4- Sự Nghiệp văn hoá của ÐHY Gioan Maria Lustiger, nhiều bạn đọc gởi điện thơ khích lệ. Ký giả Nguyễn Long Thao viết : « Cám ơn anh. Ðọc loạt bài của anh về ÐHY Lustiger, thấy ngài phi thường quá ». Có người lại hỏi: « Thế còn vấn đề liên lạc giữa ÐHY và Cộng Ðoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris thì thế nào » ? Xin cám ơn các bạn đọc. Và để trả lời câu hỏi này, tôi xin moi lại trí nhớ và xin trả lời rằng : ÐHY LUSTIGER

• là tổng giám mục Paris đầu tiên đến thăm GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS

• đã đặc biệt tỏ lòng tôn kính Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam và thương mến các giáo dân Việt Nam

• đã rõ rệt giúp đỡ Giáo Xứ Việt Nam Paris rất nhiều


1. ÐHY LUSTIGER là tổng giám mục Paris đầu tiên đến thăm GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS

Giáo xứ Việt Nam tại Paris đã được thành lập vì và cho người công giáo Việt nam tại Paris. Qua dòng lịch sử, người việt nam đã đến Pháp qua 5 đợt khác nhau :

1- Chiến tranh 1914-1918 với khoảng 50 000 lính thợ.

2- Giữa hai chiến tranh 14/18 và 39/45, với khoảng 1500 sinh viên Việt nam du học;

3- Chiến tranh 1939-1945, với khoảng 28 000 lính thợ.

4- Hồi hương sau hiệp định Genève 1954 cho các gia đình pháp gốc Vìệt

5- Vượt biển tỵ nạn 1975 cho khoảng 60 000 người Việt nam.

ĐHY ghi sổ vàng
Trong số nhũng người việt nam đến Pháp, một số là công giáo, Họ đã tụ họp nhau lại thành nhóm, để giúp nhau sống đức tin. Từ năm 1942, người ta ghi nhận đã có thành lập Hội Công giáo VN ở Paris quy tụ được một số giáo dân để tham dự thánh lể do cha Cao văn Luận cử hành và do ông Trần hữu Phương cổ động kêu mời. Ở các tỉnh, thời điểm nầy cũng có các hội công giáo thành hình. Năm 1945, Việt Nam Du Học Giáo Sỹ Ðoàn đã được thành lập, với số thành viên tiên khởi là 17 linh mục sau đãy : Trần văn Thiện*, Nguyễn ngọc Quang*, Bửu Dưỡng, Nguyễn hữu Tiến, Nguyễn văn Hiền*, Lê văn Lý, Cao văn Luận, Nguyễn văn Khiết, Trịnh quốc Bồng, Phạm văn Nhân, Nguyễn thế Vinh, Nguyễn huy Mai*,Nguyễn văn Lập, Trần văn Triệu, Lê văn Ấn*, Đinh văn Hưởng, Hoàng văn Đoàn.* (các vị có * sau làm Giám Mục). Năm 1946, Hội Công Giáo Việt Nam ở Paris, lấy danh nghĩa là trung ương lâm thời, xin các Hội Công Giáo có từ lâu ở các tỉnh phái người đến dự cuộc Ðại Hội Nghị Quốc Gia, mở ra tại Saint Cyprien, Toulouse, trong hai ngày 31.03 và 01.04.1946, để chính thức lập ra cơ quan trung ương, gọi là LIÊN ÐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP. Một Bản Ðiều Lệ đã được toàn thể các Ðại Biểu soạn thảo và chuẩn y tại Toulouse ngày 01.04.1946. Bản Ðiều lệ này đã được sửa đổi lại tại Fontenay-sous-Bois ngày 05.04.1947 và được Hàng Giáo Phẩm xem và duyệt y, ngày 01.10.1947 do Mgr Chappoulie, Tổng Thư Ký Hàng Giám Mục Pháp.

Từ đó, ngày 01 tháng 10 năm 1947 được coi là ngày khai sinh của Giáo Xứ Việt Nam tại Pháp, dẫu lúc ấy Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp mới chỉ là một đơn vị Công Giáo Tiến Hành. Năm 1952, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP đã chính thức được thành lập, bao gồm Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam, với Cha Pacifique Nguyễn Bình An làm Giám Ðốc, do Các Giám Mục Việt Nam, Toà Khâm Sứ Toà Thánh tại Việt Nam và Toà Tổng Giám Mục Paris, đồng ưng thuận bổ nhiệm. Ðến năm 1977 thì Tổ Chức Truyền Giáo được đổi tên là GIÁO XỨ VIỆT NAM TẠI PARIS, với qui chế của một giáo xứ thực thụ, với cha Trương Ðình Hoè làm Giám Ðốc, do Toà tổng giám mục Paris bổ nhiệm.

Khánh thành cơ sở mới
Trong suốt thời gian hiện hữu chính thức ấy, Toà tổng giám mục Paris có nhiều liên lạc với Giáo xứ. Nhưng vị Tổng Giám Mục đầu tiên đến thăm mục vụ Giáo Xứ là Ðức Tổng Giám Mục Gioan Maria LUSTIGER.

Ðược Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm tổng giám mục Paris ngày 31 tháng 01 năm 1981, đức cha Gioan Maria đã đi thăm mục vụ một vòng các xứ đạo của giáo phận Paris, xứ đạo người Pháp cũng như xứ đạo ngoại kiều. Ngày 13 tháng 09 năm 1981, Ðức Tổng Giám Mục Lustiger đã đến thăm Giáo Xứ Việt Nam tại Paris.

Mục vụ, đó là mục tiêu chính của chuyến thăm viếng. Ðức Tổng Giám Mục đến thăm các giáo dân, và cùng họ, cử hành bí tích rửa tội cho 16 em nhỏ trong cộng đoàn, rồi cử hành thánh lễ với họ. Trong nhà nguyện nhỏ hẹp, với một diện tích trên dưới 100m2, đường Boissonade, Paris, quận 14, giáo dân chen lấn đến tham dụ thánh lễ với chủ chăn, trong và ngoài nhà thờ, không còn chỗ chen chân. Ðức Tân Tổng Giám Mục đến thăm các linh mục và đồng tế thánh lễ với họ. Trên bàn thờ bốn linh mục hiện làm việc hay đã làm việc cho giáo xứ cùng đồng tế với Ðức Tổng Giám Mục Gioan Maria. Ðó là các cha Mai Ðức Vinh, đương nhiệm giám đốc Giáo Xứ từ 1980, cha Huỳnh Ngọc Tiên, đương nhiệm chủ tịch Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Pháp 1980-1983, cha Trần Thanh Giản, cựu giám đốc trong các năm từ 1955 đến 1971, cha Phan Thanh Văn, thành viên Ban Giám Ðốc với cha Nguyễn Quang Toán 1971-1977.

Chuyến thăm viếng mục vụ ngày 13.09.1981 này của đức tổng giám mục Gioan Maria Lustiger đã gây nhiều cảm kích và khích lệ cho Cộng Ðoàn Giáo Xứ. Thực ra đây mới chỉ là giao tiếp khởi đầu của cả một cuộc hành trình và cộng tác tích cực giữa chủ chăn là đức tổng giám mục Gioan Maria và các con chiên là giáo dân việt nam Paris, trên nhiều lãnh vực : đào tạo, vật chất, thiêng liêng, tài chính. Ðức Tổng Giám Mục, và từ năm 1983 là Hồng Y Tổng Giám Mục, vẫn hằng để tâm dìu đắt Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, cho đến ngày ngài tắt thở, ngày 05 tháng 08 năm 2007.

2. ÐHY LUSTIGER đã đặc biệt tỏ lòng tôn kính các thánh tử đạo Việt Nam và thương mến các giáo dân Việt Nam

Mừng Đức Ông Mai Đức Vinh
Ngày 19 tháng 06 năm 1988, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong hiển thánh cho 117 vị Tử Ðạo ở Việt Nam. Ðể chung vui niềm vui của Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp nói chung và Cộng Ðoàn Giáo Xứ Việt Nam tại Paris nói riêng, Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Gioan Maria LUSTIGER đã cho tổ chức và đích thân chủ tế một thanh lễ tại Nhà Thờ Ðức Bà Paris, ngày 02.10.1988, để tôn kính các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.

Ngày chủ nhật 02 tháng 10 năm 1988, cả buổi sau trưa, từ 13 giờ đến 18 giờ, người ta có thể bảo rằng nhà thờ Ðức Bà Paris đã biến thành nhà thờ Giáo Xứ Việt Nam Paris.

Từ 13 giờ, giáo dân việt nam lũ lượt kéo đến nhà thờ Ðức Bà. Bên ngoài nhà thờ, giáo dân việt nam ùn ùn kéo đến, tụm ba, tụm bảy, dìu nhau vào nhà thờ. Trong nhà thờ, các toà giải tội đã có nhiều người xếp hàng chờ xưng tội. Giữa lòng nhà thờ, phần dành cho các tín hữu tham dự phụng tự, các hàng ghế, mỗi hàng khoảng chừng 40 chỗ, đã dần dần đầy. Hai cánh bên, lối đi của du khách, cũng đầy người, như mọi ngày chủ nhật. Nhưng hôm nay du khách lấy làm lạ tại sao trong nhà thờ Ðức Bà ở thủ đô Paris, lại đông người Việt Nam như vậy !

Khoảng 15 giờ, một hồi chuông nhỏ rung lên. Im lặng. Ca đoàn Giáo Xứ Việt Nam oai nghi, bi hùng cất tiếng hát bài « Tiếng ca ngàn trùng ». Mọi người đứng dậy. Ðoàn nghi lễ từ từ tiến vào. Thánh giá dẫn đầu, với các chú giúp lễ cầm nến hai bên. Ðoàn linh mục, trên dưới khoảng 30 vị pháp việt. Hai đức giám mục phụ tế : đức cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang, mới từ Việt Nam qua và đức cha Claude Frikart, trách nhiệm các cộng đoàn ngoại kiều tại Paris. Ðức Hồng Y Gioan Maria LUSTIGER, chủ tế.

Tới gian cung thánh, ÐHY và đoàn nghi lễ ai nấy an vị, cha Giuse Mai Ðức Vinh, với tính cách là Giám Ðốc Giáo Xứ Việt Nam đã nói mấy lời với cộng đoàn tín hữu công giáo việt pháp Paris. Trước nhất, ngài cao lời tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam 117 vị Thánh Tử Ðạo, mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô mới phong thánh ngày 19.06.1988 vừa qua tại Roma, trong đó nhiều vị là người Pháp, và buổi lễ hôm nay là để các giáo dân việt pháp tỏ lòng tôn kính 117 vị Thánh Tử Ðạo ấy. Ngài cũng không quên cám ơn Giáo Hội Pháp đã góp phần gieo vãi đức tin trên cánh đồng Việt Nam và cám ơn Giáo phận Paris, và Ðức Hồng Y về những giúp đỡ cho Cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam tại Paris. Trong thánh lễ, các bài thánh ca đều được hát bằng tiếng việt, do ca đoàn GXVN chủ xướng và hát chung với cộng đoàn. Bài đọc thứ hai bằng tiếng việt. Bài đọc thứ nhất và Phúc Âm bằng tiếng Pháp. Tất cả những người đọc sách và lời nguyện đều mặc y phục việt nam, mà nổi bật nhất là chiếc áo dài tha thướt. Có người bảo « Cây Văn hoá Việt Nam đang được trồng tại Paris » !

Trò truyện với giáo dân
Trong bài chia sẻ lời Chúa sau Phúc Âm, Ðức Hồng Y đặc biệt ca tụng đức tin anh hùng và đời sống đức tin vững mạnh của các thánh tử đạo ngày xưa, cũng như của giáo dân ngày nay tại Việt Nam. Ðồng thời ngài kêu gọi và nhắn nhủ các giáo dân việt nam đang sống tại các nước tự do, như ở Pháp, hãy noi gương các Thánh Tử Ðạo tiền nhân, mà sống đức tin một cách kiên trì và trung tín.

Lòng thán phục Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam đã được ÐHY lập đi lập lại nhiều lần. Và sụ thương mến các giáo dân Việt Nam của ÐHY thì dường như nó rất tự nhiên và đi liền với lòng ngài tôn kính các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.

Ngày 11.05.1997, trong Thông điệp gởi Giáo Dân Việt Nam Paris nhân ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Xứ, ngài có những tâm tình rất ưu ái với giáo dân việt nam. Ngài viết :

«Anh chị em Việt Nam thân mến,

Tôi gửi tới anh chị em lời chào thân ái và hiệp ý với anh chị em trong lời cầu nguyện. Anh chị em cử hành Ðại Lễ kỷ niệm 50 năm của Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam, mà từ năm 1952 có tên là Tổ Chức Truyền Giáo và từ 1977 đổi lại là Giáo Xứ Việt Nam.

Các tên khác nhau đã thể hiện một lịch sử ba đào, bi thảm của đất nước Việt Nam từ năm 1940 và những biến đổi sâu sắc của một cộng đoàn một phần vẫn luôn gắn bó với dân tộc.

Một trong những vinh dự của Giáo Xứ Việt Nam là tiêu biểu cho Giáo Hội can trường của đất nước của anh chị em.

Trong sự thông hiệp trọn vẹn với Giáo Phận, Anh Chị Em duy trì và phát triển các quan hệ lịch sử giữa Giáo Hội Pháp và Giáo Hội Việt Nam.

Anh Chị Em là chứng nhân của một lịch sử chung lâu dài. Cách đây 300 năm, những kitô hữu người pháp đã mang Phúc Âm, xây dựng Giáo Hội tại đất nước của Anh Chị Em. Nhiều bậc tiền nhân của Anh Chị Em đã là những vị tử đạo, đồng hành với các linh mục người pháp.

Ngày nay tại nước Pháp, giữa lòng thủ đô Paris, Anh Chị En hoạt động như mọi người công giáo toàn cầu, với lòng trung kiên và tính năng động, qua việc cử hành mẫu mực thánh lễ chúa nhật, việc mở các lớp giáo lý, việc học hỏi đức tin của nhiều người trưởng thành,… và nhiều sinh hoạt bác ái đa dạng, vì biết rằng Tình Yêu Thiên Chúa thể hiện trong tình huynh đệ.

Sau hết, một trong những gia nghiệp quí báu của Anh ChỊ Em là giới trẻ, những bạn trẻ mang lại cho cộng đoàn của anh chị em một nốt nhạc vui tươi. Ðó là bằng chứng của niềm hy vọng. Tôi tin chắc rằng trong Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp tới, Giáo Xứ sẽ là một địa điểm tiếp đón hoàn hảo, một sức tham gia sáng tạo và phong phú. Tôi nguyện xin Thiên Chúa khơi dậy nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ trong số các bạn trẻ của cộng đoàn ».


Ngày 15.11.1998, trong bài chia sẻ Tin Mừng, nói với giáo dân việt nam, tại Giáo Xứ Việt Nam, khi ngài đền khánh thành cơ sở mới mà ngài đã dành cho họ, ngài thương mến nhắn nhủ họ ba điều :

• Thiên niên kỷ thứ nhất là của Châu Âu, thiên niên kỷ thứ hai là của Tân Thế Giới, thiên niên kỷ thứ ba là của Châu Á. Trong đó, trách nhiệm chính yếu của các bạn, những người công giáo Việt Nam, là thực hành việc truyền giáo tại Á Châu.

• Các bạn, những người công giáo Việt Nam, các bạn là con cháu các thánh tử đạo, các thánh tử đạo là những người đã theo Chúa Kitô, người ban phát sự sống, các bạn hãy trung thành với truyền thống tử đạo của cha ông để làm chứng cho niềm hy vọng tin mừng.

• Các bạn, những người công giáo Việt Nam tại địa phận Paris, các bạn biết rằng khi sống ở Paris, các bạn sống tại nhà mình (Vous êtes chez vous ici, dans la capitale de la France).

Trong lời chào mừng ÐHY ngày 15.11.1998, Ðức Ông Mai Ðức Vinh rõ rệt bày tỏ lòng biết ơn của Cộng Ðoàn GXVN về lòng thương mến của ÐHY đối với cộng đoàn. Ngài nói :

« Kính thưa Ðức Hồng Y,

Cùng với Ban Giám Ðốc, Hội Ðồng Mục Vụ và toàn thể Cộng Ðoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris, con chân thành dâng lên Ðức Hồng Y lời chào nghĩa tử và niềm vui lớn lao là được có sự thăm viếng của Ðức Hồng Y, vị chủ chăn đáng kính, đáng mến của chúng con.

Chúng con không quên, ngay khi mới về nhận chức tại Paris, chủ nhật 13.09.1981, Ðức Hồng Y đã đến thăm viếng cộng đoàn và ban phép Rửa Tội cho 16 em nhỏ trong cộng đoàn.

Truyền chức phó tế cho thầy Phạm Bá Nha
Chúng con sung sướng nghĩ rằng Ðức Hồng Y đến với chúng con là cả Tổng Giáo Phận Paris đến với chúng con. Ðức Hồng Y đến để chính thức trao cho chúng con một cơ sở khang trang, thích hợp cho sinh hoạt mục vụ của Giáo Xứ chúng con. Cử chỉ đầy ý nghĩa này nhắc lại cho chúng con về bao nhiêu lo lắng mục vụ và giúp đỡ tận tình của Tổng Giáo Phận Paris đã dành cho cộng đoàn người việt nam chúng con từ hơn 50 năm nay.

Chiều nay Ðức Hồng Y đến chủ tế thánh lễ kỷ niệm 10 năm phong thánh cho các Chân Phước Tử Ðạo Việt Nam, không nguyên chỉ nhắc chúng con nhớ đến buổi lễ tạ ơn trọng thể tại nhà thờ Ðức Bà, chủ nhật đầu tháng 10 năm 1988, mà chính Ðức Hồng Y đã chủ tế, nhưng còn nhắc cho chúng con phải noi gương các thánh tử đạo tiền bối mà sống vững vàng đức tin, mà trung thành với Chúa và Giáo Hội.

Hơn nữa, chúng con không thể quên được những lời vàng ngọc mà Ðức Hồng Y đã ưu ái gửi cho chúng con nhân dịp lễ Kim Khánh của Giáo Xứ chúng con, ngày 11.05.1997. Quả thật, những lời ấy có sức mạnh chuẩn bị tâm hồn chúng con bước vào Ðức Bác Ái của Năm Thánh 2000.

Trước bao ơn nghgĩa cao dầy như vậy, chúng con không biết bầy tỏ gì hơn là cùng nhau cầu nguyện xin Chúa ban nhiều ơn lành cho Ðức Hồng Y, cho Tổng Giáo Phận Paris và cho Giáo Hội Pháp ».


3. ÐHY LUSTIGER đã rõ rệt giúp đỡ GXVN rất nhiều

Lòng tôn kính các Thánh Tử Ðạo Việt Nam của Ðức Hồng Y Lustiger đã được bày tỏ một cách công khai. Lòng thương mến giáo dân Việt Nam (Paris) của Ðức Hồng Y không chỉ bằng lời nói, nhưng nhất là bằng việc làm.

Những giúp đỡ mà ÐHY đã dành cho Giáo Xứ Việt Nam trước nhất là những giúp đỡ tài chánh. Cha Trương Ðình Hoè, khi được bổ nhiệm làm giám đốc Giáo Xứ vào năm 1977, đã vận động thành công nơi toà tổng giám mục để các linh mục làm việc tại giáo xứ được bổ nhiệm rõ rệt bắng giấy tờ và được trả lương cũng như có bảo hiểm xã hội, như các linh mục Pháp. Ðức Gioan Maria, khi được bổ nhiệm làm tổng giám mục Paris, vẫn giữ nguyên qui chế này cho các linh mục làm việc tại giáo xứ. Ðây là một yếu tố vật chất, nhưng rất quan trọng, vì các linh mục được an tâm đủ sống về vấn đề vật chất, hầu sốt sắng và nhiệt thành trong công việc linh thiêng và mục vụ. Hằng năm toà tổng giám mục giúp quĩ điều hành giáo xứ trong việc trả lương cho các linh mục, nữ tu và nhân viên khác. Khoản chi này vào năm 1977-1978 (cha Hoè) là 215 419 FF; 1979-1980 (cha Hoàng) là 150 275 FF; và từ 1980 (cha Vinh), mỗi năm trung bình là 160 356 FF, hay 24 448 euros. Khoản tiền này, toà tổng giám mục vẫn giúp giáo xứ cho đến ngày 01.01.2002. Từ ngày này, Văn Phòng Chưởng Ấn Ðịa Phận xin các Giáo Xứ ngoại kiều phải tự liệu trả lương cho các linh mục và tu sĩ làm việc cho cộng đoàn mình. Giáo Xứ Việt Nam đã theo luật chung ấy của tổng địa phận. Và kể từ 2003, Giáo Xứ góp phần tài chánh vào « Ðời sống của giáo phận Paris ». Năm 2003, Giáo xứ đã đóng góp 5 443 euros. Giáo xứ làm hai việc này với niềm vui, vì thấy mình đã đủ khả năng tự lập về tài chánh và có thể đóng góp giúp tổng giáo phận (chương mục của giáo xứ trên toà giám mục vào cuối năm 2006 có số vốn là 1.227.811,47 euros). Nhưng Giáo Xứ vẫn cám ơn Ðịa phận vì đã lâu năm giúp Giáo Xứ.

Việc giúp đỡ thứ hai mà ÐHY đã làm cho Giáo xứ là giúp đỡ phương tiện vật chất, đặc biệt là tìm cho một cơ sở mới. Chuyến viếng thăm mục vụ của ÐHY tại Giáo Xứ ngày 13.09.1981 có lẽ đã gây cho ngài một ấn tượng mạnh về sự chật chội của cơ sở của giáo xứ việt nam. Chính vì thế mà rất nhiều lần, ngài và các cộng sự viên đã đề nghi với Giáo xứ những cơ sở khác rộng rãi hơn. Từ những năm 70, bảy cơ sở khác nhau ở Paris đã được toà giám mục mời Giáo Xứ đến thăm.

Về vấn đề cơ sở, Ban Giám Ðốc, cùng với Ban Cố Vấn và Ban Thường Vụ của Hội Ðồng Mục Vụ (BTV-HÐMV) đã nghĩ đến rất nhiều. Ðược thành lập ngày 30.10.1983, BTV-HÐMV đã quyết định nhiều việc, trong đó có những việc để gây quĩ điều hành và gây quĩ xây dựng cơ sở. Năm 1983, mở lại quán cơm chủ nhật và tổ chức hai ngày thân hữu, để gây quĩ điều hành. Năm 1986, ba việc quan trọng đã được thực hiện : 1- Qua sự gợi ý của BGÐ và BTV-HÐMV, nhiều giáo dân đã biên thơ cho ÐHY Lustiger, trình bày về nhu cầu cần một cơ sở mới và rộng rãi cho Giáo Xứ; 2- Ðại Hội Mục Vụ kỳ I, tháng 06.1986, quyết định mở « Sổ Vàng » gây quĩ xây dựng cơ sở; 3- Ðồng thời BTV đã quyết định khởi đầu tổ chức « Tiệc xuân hàng năm » để gây thêm quĩ cho Giáo Xứ. Làm tất cả những điều ấy, Ban Giám Ðốc và Ban Thường Vụ Hội Ðồng Mục Vụ, nhất trí và nhất chí, chỉ mong muốn tạo dịp để có được một cơ sở rộng rãi hơn, hầu Giáo Xứ được tự lập tổ chức và sinh hoạt mục vụ một cách bình thường và sốt sắng hơn.

Cuối năm 1997, theo lời đề nghị của toà tổng giám mục, một cơ sở đã được các nhân vật của Giáo Xứ đến thăm nhiều lần. Triệu chứng tốt. Sau nhiều lần suy nghĩ, thảo luận và bàn hỏi với Ban Thường Vụ và Ban Cố Vấn, Ban Giám Ðốc Giáo Xứ đã lấy quyết định nhận cơ sở số 38, rue des Epinettes, Paris 17, làm cơ sở mới. Trong tập « Lịch sử biên niên GXVN Paris », về năm 1998, tôi có ghi hai sự kiện, xin được phép chép lại nơi đây :

• Ngày 15.08.1998, lễ Đức Mẹ lên trời, Giáo Xứ dọn đến cơ sở mới và dâng thánh lễ đầu tiên tại cơ sở này ở số 38, rue des Epinettes, 75017 Paris. Giáo Xứ sẽ chuyển giao cơ sở cũ ở đường Boissonade, 75014 Paris, cho cộng đoàn công giáo Triều Tiên ngày 31.08.1998.

• Ngày 15.11.1998, lễ các Thanh Tử Ðạo Việt Nam, Đức Hồng Y Gioan Maria Lustiger đã đến địa điểm mới của Giáo Xứ cử hành lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, để chính thức « Ăn mừng nhà thờ mới của Giáo Xứ » với cộng đoàn giáo xứ và đích thân công bố quyết định ngày 12.11.1998 do Phủ Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh ân thưởng tước vị ‘Đức ông’ cho Linh mục giám đốc Mai Đức Vinh.

Việc giúp đỡ thứ ba mà ÐHY Lustiger đã làm cho Giáo xứ là giúp đỡ đào tạo nhân sự. Ðãy là lãnh vực chuyên môn độc đáo của ÐHY. Trong chiều hướng này, ÐHY đã chấp thuận cho cha Bùi Duy Nghiệp, từ Toulouse lên làm việc tại Giáo Xứ (rồi cha Nguyễn Văn Cẩn và nay là cha Nguyễn Thanh Ðiển) thay cho cha Hoàng quang Lượng về hưu năm 1985; cho cha Nguyễn Văn Ziên đến làm việc cho GX ¼ thời gian trong hai năm 1991-1993; cho cha Trần Anh Dũng từ Hoa Kỳ đến làm việc tại GX, bán thời gian, từ 1991 đến 1997, và toàn thời gian từ 1997 đến nay.

Nhưng việc đào tạo lớn nhất mà ÐHY đã giúp GX là đào tạo cho GX 3 thầy sáu vĩnh viễn. Hai thầy Phạm Bá Nha và Nguyễn Văn Thạch đã được lãnh chức phó tế ngày 23.08.1988 tại Vương Cung Thánh Ðường Ðức Bà Paris. Thầy Tạ Ðình Chung lãnh chức phó tế ngày 04.10.2003, cũng tại Vương Cung Thánh Ðường Ðức Bà Paris.

Ngoài ra việc đào tạo thần học, mục vụ, giáo lý và tu đức và các khoá đào tạo khác cho các giáo dân, cán bộ công giáo tiến hành, hay hội viên các tu hội đời cũng là việc mà ÐHY đã giúp Giáo Xứ rất nhiều.

Không kể ba giúp đỡ cụ thể và dễ thấy trên đây, toà tổng giám mục Paris, dưới sự lãnh đạo và thúc đẩy của ÐHY Lustiger, đã giúp đỡ và tư vấn Giáo Xứ rất nhiều và thường xuyên trong hai lãnh vực hành chánh và thiêng liêng, từ nhỏ đến lớn : làm sao lập một hội association luật 1901 ? Làm sao để lập tờ báo giáo xứ ? xin giảm phí tổn gởi báo ? thủ tục sang nhượng nhà cửa ? thủ tục mở lớp pháp văn ? thủ tục hành hương ? tham dự Ngày Thế giới trẻ JMJ ?,….

LỜI KẾT

Ðể kết luận bài viết này về đề tài « Ðức Hồng Y Lustiger với Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Paris », tôi xin hoàn toàn đồng ý với Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI khi ngài viết : « Tạ ơn Chúa về sứ mệnh giám mục Ðức Hồng Y đã thực hiện, Tôi luôn ghi nhớ nơi ngài một mục tử mải mê tìm Chúa và mải mê loan báo tin mừng cho muôn dân. Về sứ mệnh mục vụ với sinh viên, ngài lo lắng cho giới trẻ. Ðối với những cộng đoàn mà ngài coi sóc, ngài luôn chú tâm phát triển tinh thần dấn thân truyền giáo nơi các tín hữu và ngài đặc biệt lưu tâm cải tiến việc đào tạo giáo sĩ và giáo dân. Người có đức tin và đối thoại, ngài không ngại khó nhọc để đẩy mạnh tình hữu nghị giữa các tín hữu kitô với các tín hữu do thái giáo. Người trí thức thấy xa hiểu rộng, ngài biết dùng tài mình để phục vụ đức tin và để đưa Phúc Âm vào mọi lãnh vực trong cuộc sống xã hội ».

Những lời trên của Ðức Thánh Cha tóm tắt đầy đủ những ưu ái mục tử mà Ðức Hồng Y LUSTIGER đã dành cho Cộng Ðoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris.

Xin tạ ơn và vĩnh biệt Ðức Hồng Y Gioan Maria LUSTIGER.

Paris, ngày 20 tháng 08 năm 2007

Trần Văn Cảnh

CHÚ THÍCH

Bảy cơ sở đã được toà tổng giám mục đề nghị cho Giáo Xứ là :

1. 1977 : Nhà thờ Sainte Geneviève, cũng gọi là Saint Etienne du Mont, sau điện Panthéon, 75005

2. 1979 : Nhà thờ Marie Médiatrice, 48bis, Bd Serurier, 75019 Paris

3. 1982 : Nhà thờ Notre Dame des Malades, 15, rue Philippe Girard, 75010 Paris

4. 1987 : Nhà thờ Saint Cyrille et Methode, 124, rue de Bagnolet, 75020 Paris

5. 1989 : Nhà thờ Notre Dame des Blancs Manteaux, 12, rue des Blancs Manteaux, 75004 Paris

6. 1995 : Nhà Thờ Saint Marcel, 82, Bd de l’Hôpital, 75013 Paris

7. 1997 : Cơ sở Epinettes, 38, rue des Epinettes, 75017 Paris

Bảy lá thơ đã được gởi lên Ðức Hồng Y Lustiger và toà tổng giám mục Paris

1. 01.10.1986, thơ của giáo sư Trần Văn Cảnh gởi cho ÐHY Lustiger

2. 10.03.1987, thơ của nữ tu Marie Thérèse Trần gởi cho ÐHY Lustiger

3. 10.06.0987, thơ của chị Marie Julie Dương Nguyệt Di gởi cho ÐHY Lustiger

4. 03.10.1987, thơ của Cha GD Mai Ðức Vinh và ông chủ Tịch Phan Quang gởi cho ÐHY Lustiger

5. 14.04.1988, thơ của Ban Giám Ðốc và Ban Thường Vụ gởi cho ÐHY Lustiger

6. 10.10.1989, thơ của Ông Pierre Ðặng Kim Ban gởi cho ÐHY Lustiger

7. 12.09.1992, thơ của Ông Vũ Văn Nghi gửi cho ÐHY Lustiger