TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG VIỆT NAM

Vĩnh Long, ngày 22.4.2007

V/v Cử hành Ngày Ơn Gọi

Kính gởi : Quí Cha,

Quí Tu sĩ Nam nữ

Anh Chị Em giáo dân Giáo phận Vĩnh Long

Anh Chị Em thân mến,

Năm nay, Ngày Thế Giới cầu nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 44 cũng được cử hành vào Chúa Nhật IV Phục Sinh. Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã gởi Sứ Điệp cho Thế Giới Công Giáo. Trước tiên, Ngài muốn nhắc nhở chúng ta : Đây là một dịp thuận tiện giúp chúng ta nhận thức tầm quan trọng của các ơn gọi trong đời sống và trong sứ vụ của Hội Thánh. Đồng thời Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho những người được gọi để phục vụ Hội Thánh ngày càng gia tăng về số lượng cũng như về phẩm chất.

1. Trong Sứ Điệp Ngày Ơn Gọi năm 2006 với chủ đề ‘Ơn Gọi trong Mầu Nhiệm của Hội Thánh’, Đức Thánh Cha nói về ơn gọi của các tín hữu ‘ Thiên Chúa đã chọn ta trong Đức Giêsu Kitô, trước khi tạo thành vũ trụ, để ta được nên thánh thiện và vô tì tích trước mặt Ngài. Do lòng yêu mến, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Đức Giêsu Kitô…’(Eph.1,4-5). Như thế ‘ Chúng ta được gọi để sống thành anh chị em của Chúa Giêsu, để cảm nhận mình là những người con cùng có một Cha trên trời. Đó là một ân huệ đảo lộn mọi ý nghĩ và mọi dự tính hoàn toàn nhân loại. Đó là tình yêu của Chúa Cha, được mạc khải trong chính bản thân Chúa Kitô và kêu mời chúng ta’(Sứ Điệp Ngày Ơn Gọi năm 2006).

2.Với Sứ Điệp Ngày Ơn Gọi năm 2007, Đức Thánh Cha nhắc đến giáo huấn của Ngài trong các buổi tiếp kiến các ngày thứ tư hàng tuần, trong năm qua, về mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, Đức Thánh Cha nói về ‘Ơn Gọi phục vụ Hội Thánh Hiệp Thông’: Cộng Đoàn Kitô hữu sơ khai là nòng cốt nguyên thủy của Hội Thánh bắt đầu được hình thành, khi Chúa Giêsu gặp gỡ mấy người đánh cá miền Galilê, kêu gọi họ (Mc 1,17; Mt 4,19), rồi tuyển chọn và thành lập Nhóm mười hai để cộng tác trực tiếp vào việc thực hiện chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đích thân mời gọi các Tông Đồ ở với Người (Mc 3,14) và tham dự sứ vụ của Người.

Trong Bữa Tiệc Ly, khi truyền cho các Tông Đồ phải cử hành Tiệc Thánh để tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Người cho đến khi Người trở lại, cho đến tận thế, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ :’ Con đã tỏ cho chúng biết Danh Cha và sẽ còn tỏ cho biết nữa, ngõ hầu tình Cha yêu Con có trong chúng và Con ở trong chúng’ (Gioan 17,26). Sứ mạng của Hội Thánh được xây dựng trên sự hiệp thông mật thiết và trung kiên với Thiên Chúa.

Hội Thánh là Nhà Hiệp Thông có Chúa Giêsu là ‘Viên Đá Góc ‘. Thánh Lễ là hình ảnh sống động của Cộng Đoàn Hiệp Thông nầy. Khi họp nhau để cử hành Tiệc Thánh Thể, dân Chúa sống mầu nhiệm Hiệp Thông với Thiên Chúa và với anh chị em tín hữu. Thánh Thể là nguồn mạch của sự hợp nhất mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho Hội Thánh trong đêm trước khi Người chịu nạn :’ Lạy Cha, xin cho hết thảy chúng nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng nên một trong chúng ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con’(Gioan 17,21).

3. Như thế, khi quy tụ giáo dân để cử hành Thánh Lễ, LINH MỤC phục vụ Hội Thánh Hiệp Thông; đó là lúc Linh mục thực thi công việc chính yếu của mình (Vat II, P.O. 13), và việc cử hành Thánh Lễ là Trung Tâm và Cao Điểm của mọi hoạt động của Hội Thánh ( Vat II, Christus Dominus, 30 ). Linh Mục là người phục vụ Hội Thánh Hiệp Thông, bởi vì, khi hợp nhất với Giám Mục và liên kết với Linh Mục Đoàn, Linh Mục kiến tạo sự hợp nhất của Cộng Đoàn Hội Thánh với những ơn gọi khác nhau, những đặc sủng khác nhau và nhiều hình thức phục vụ khác nhau nhưng hòa hợp với nhau (Pastores dabo vobis, 16).

4. ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN theo cách thức riêng mình phục vụ sự hiệp thông nầy, như lời của Đức Gioan Phaolô II : ‘ Đời sống Thánh hiến chắc chắn có công là góp phần hữu hiệu vào việc duy trì trong Hội Thánh tình huynh đệ cần thiết để tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi. Bằng cách không ngừng cổ võ tình huynh đệ, nhất là trong đời sống cộng đoàn, đời thánh hiến chứng tỏ rằng việc tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa có thể thay đổi những tương quan nhân bản và tạo nên một kiểu mẫu mới của tình liên đới ‘ ( Vita Consecrata, 41).

5. Việc cổ võ Ơn Gọi cần phải chú ý đến mầu nhiệm Hội Thánh Hiệp Thông. Sự Hiệp Thông càng mật thiết và mạnh mẽ thì càng làm trổ sinh nhiều Ơn Gọi quảng đại phục vụ Hội Thánh. Một tâm hồn đầy tình mến Chúa, sẽ sẵn sàng tận hiến cho công việc mở mang Nước Chúa.

Lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđitô ‘ Hãy trở nên điều các con lãnh nhận, đó là Thân Thể Chúa Kitô’nhắc bảo chúng ta: Phép Thánh Thể cho chúng ta lãnh nhận chính Chúa, được hợp nhất với Chúa Kitô và hợp nhất với nhau, khi chúng ta rước lễ; và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, tất cả chúng ta còn phải trở nên ‘một thân một thể và một tinh thần trong Chúa Kitô ‘. Chúa Giêsu Thánh Thể kết hợp chúng ta nên một với Người, và Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta thêm lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, để nhiệt thành phục vụ cho việc rao giảng Phúc Âm.

6. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hướng về Mẹ Maria, Mẹ đã có mặt giữa cộng đoàn đầu tiên trong đó mọi người hợp nhất với nhau, chuyên cần cầu nguyện (Act 1,14). ‘Xin Mẹ giúp cho Hội Thánh trong thế giới hôm nay trở thành một hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa, một biểu hiện hùng hồn về Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người,

‘Xin Mẹ cầu bàu cho Dân Chúa không bao giờ thiếu những Linh Mục hiệp thông với Giám Mục của mình, trung thành loan báo Tin Mừng và cử hành các Bí Tích, chăm sóc Dân Chúa và sẵn sàng rao giảng Phúc Am cho nhân loại !

‘Xin Mẹ làm cho thời đại của chúng ta có thêm nhiều người sống đời thánh hiến, dám đi ngược với quan niệm thế tục, dấn thân sống khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục theo những Lời Khuyên Phúc Âm, để loan báo và làm chứng Chúa Kitô và Sứ Điệp giải phóng cứu chuộc của Người’.

Sau cùng, Hội Thánh ước mong mỗi người chúng ta góp phần của mình, đóng góp khả năng cho Hội Thánh bằng cách sẵn sàng phục vụ cho Họ Đạo, cho Giáo Phận, đóng góp nhân sự bằng cách xin Chúa ban Ơn Gọi Phục Vụ trong gia đình của mình, cho các con của mình; đóng góp vật chất, tiền của để giúp Hội Thánh có thêm phương tiện đào tạo và nâng đỡ Ơn Gọi. Chúng ta muốn được hân hạnh đón nhận những ơn lành của Chúa, nhưng ít khi chúng ta nghĩ đến việc cho đi. Đây là một bổn phận bác ái và công bằng. Yêu là nhận và cho. Mong sao mỗi người cảm thấy hạnh phúc của kẻ cho và của người nhận, như Lời Chúa dạy: ‘ Cho thì có phúc hơn là nhận’( Act 20,35).

Thân ái trong Chúa Kitô,

Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long