MỘT VÀI NÉT XƯA NAY TRONG TỤC MA CHAY CỦA NGƯỜI THƯỢNG KƠHO-SRE

1. LỜI BÀN

Thực hành ma chay của người Thượng cách riêng trong vùng Kơho-Sre mang nặng tính cổ truyền, trong khi đó cũng đã thấy có ít nhiều đổi mới do sự đòi hỏi của thời đại ngày nay.

Có lẽ nên hiểu rằng đây chỉ là những tập tục từ thời xa xưa, thậm chí phải nói là từ rất xưa còn lưu lại, chứ chưa phải là một thứ luật điều có tính bất di bất dịch và cấm kỵ gắn liền với một thứ tín ngưỡng nào đó, nên qua dòng thời gian nó cũng dễ có ít nhiều pha trộn và tùy tiện, có lúc thấy điều này có thực hành chỗ này, trong khi chỗ khác thì lại không.

Tùy theo hoàn cảnh của từng nơi, hay nói cách khác là có sự thực hành ma chay của từng giới. Nơi giới giàu thì có nhiều nghi tiết rườm rà, chiêng trống ầm ĩ, có ngả trâu, heo, gà… Bên cạnh đó là thực hành ma chay của giới nghèo giản dị hơn, không chiêng không trống, chỉ ngả một con heo con và vài con gà là cùng.

Cũng dễ thấy có những khác biệt đôi chút giữa làng này với làng kia về mặt hình thức ma chay, nhưng nói chung trong những nét chính thì hầu hết giống nhau.

Điều nói ở đây nghiêng về những gì thuộc về một thời đã qua, nghĩa là những gì tương đối thuần chất, chưa du nhập những hình thức thực hành ma chay từ bên ngoài, trong khi thời nay thì vấn đề ma chay cũng đã có những đổi mới dần dần do đòi hỏi của thời đại văn minh, nhưng vì sự đổi mới ấy chưa định hình rõ nét nên vẫn chưa có thể có một cái nhìn khái quát và thống nhất.

Cũng như những dân tộc khác, từ xưa người Thượng hay nói về sự chết bằng một số kiểu nói như sau :

· Rê : nghĩa là về, sống chỉ là tạm bợ, chết là trở về với định mệnh tất yếu của con người.

· Rê mơ mò-pàng : nghĩa là về với tổ tiên, ở đây cho thấy rõ khát vọng đoàn tụ nơi cái chết. Nếu cái chết là sự biệt ly đối với những người còn sống thì lại là sự đoàn tụ với rất nhiều người đã ra đi trước.

· Rê tam làng bồc : về với thế giới bên kia, được coi như một quê hương mới, nơi đó con người cũng sinh sống, cũng dựng vợ gả chồng…, giống như trên trần gian vậy.

· Rê tăm tơngời : về trồng bắp, một kiểu nói xem ra có vẻ vừa pha trò và vừa chế giễu, có tác dụng đem đến một cái nhìn nhẹ nhàng về sự chết, điều ấy muốn nói rằng sự sống vẫn còn ẩn giấu nơi cái chết, và vẫn phẳng phất niềm vui, con người vẫn còn niềm hy vọng, chứ không phải chỉ là tuyệt vọng và tăm tối mà thôi.

Cũng còn một vài cách nói khác nữa không thể kẻ ra hết trong khuôn khổ của bài này, vì cũng không được phổ biến lắm.

Tất cả những ý nghĩ trên đây có thể nói lên lối suy nghĩ và niềm tin của người Thượng khi phải đối diện với thân phận phải chết của con người. Cũng như nhiều dân tộc khác, cái chết đối với họ là một biến cố nghiêm trọng nhất của đời người, được mọi người lưu tâm hơn là lúc con người được sinh ra, con người không thể đùa giỡn với sự chết, mà phải có thái độ thật nghiêm túc với tất cả thực tại con người của mình.

Vậy thì chẳng có gì mới lạ được nói ở đây cả, nó giống hay gần giống như niềm tin chung của hầu hết nhân loại, nhưng điều cần biết ở đây là niềm tin ấy được diễn tả thế nào nơi một dân tộc với những nét đặc thù của nó, qua những cách thực hành cụ thể của tục lệ ma chay.

2. THỰC HÀNH MA CHAY

Có một số nghi tiết thực hành trong đám tang của người Thượng Kơho-Sre giản lược như sau :

§ ĐƠNG CAU CHƠT (đỡ kẻ hấp hối)

Khi có ai hấp hối và sắp qua đời, người Thượng thường gọi những thân nhân đến, họ đơng cau chơt nghĩa là dựng kẻ hấp hối ngồi lên cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, họ hầu như không bao giờ để một ai trút hơi thở trong tư thế nằm, vì cho rằng chết như thế là chết trong cô đơn, không có người thân thuộc đưa tiễn. Trong lúc ấy kẻ sống như muốn níu kéo kẻ chết ở lại, và họ cố gắng nói với kẻ sắp chết những lời từ biệt, còn về phía người chết thì nói những lời trăn trối sau cùng (nting săp pơndăp bơr).

Có thể hiểu rằng đó là lúc bộc lộ tình cảm với một mức độ cao nhất của người Thượng, họ bỏ qua tất cả quá khứ để đối diện với biến cố quan trọng của một người thân mà từ nay sẽ hoàn toàn khuất bóng, để đi đến với thế giới xa xăm theo số phận tất định của đời người.

§ NÌM CHƠT MƠ PÒ BỒC (liệm và than khóc)

Bứớc tiếp theo là những tiếng than khóc bắt đầu vang lên, thậm chí nhiều người khóc gào thảm thiết khi một người vừa trút hơi thở cuối cùng, họ bắt đầu khâm liệm ngay, cho ăn mặc tốt nhất và sau cùng bó lại kín mít bằng một cái khăn truyền thống gọi là ồi làng, ồi yoal hay một loại ồi khác mà họ có, và được buộc lại bằng những sợi nan mây từ đầu đến chân. Người ta cho đập bể một cái choé nhỏ trong nhà để làm dấu chứng rằng người ấy từ giờ phút này đã sang thế giới bên kia, đồng thời những tiếng chiêng trống báo tử bắt đầu nổi lên để cho tất cả cộng đồng làng xóm được biết.

Thời xưa thấy có một số nhà thực hành việc cúng thần linh kẻ chết (lơh yàng bồc), lễ vật thường chỉ là một con gà được cắt tiết, điều này có nghĩa là người Thượng tin trong thế giới kẻ chết cũng có vị thần linh cai quản, nên họ cúng tế cầu an cho linh hồn vừa ra đi, xin thần linh cai quản kẻ chết hãy đón nhận họ sang thế giới bên kia được bình yên.

Việc bỏ vào chiếc áo quan cũng được thực hiện một ngày sau, khi mọi thủ tục liệm xác đã hoàn tất. Chiếc áo quan thời xưa thường là khúc gỗ được đẽo vừa cho một cái xác người, thời nay thì quan tài lớn và đẹp hơn, trong đó họ cũng cho thêm chăn chiếu và những vật dụng cá nhân của người chết đã dùng khi còn sống, cộng thêm với những món đồ của người thân tặng cho để làm hành trang sang bên kia thế giới, nào là áo quần, nào là giầy dép…, tùy theo hoàn cảnh gia đình, có những gia đình giàu có thời trước còn thấy cho cả vàng bạc nữa.

§ TỜS CHƠT (báo tử)

Ngày tiếp theo là ngày mà người nhà của kẻ chết đi báo tử cho họ hàng xa gần, không bỏ sót một ai trừ những trường hợp bất đắc dĩ. Thế là mỗi người bà con xa gần ấy mang đến những túi gạo để góp phần cho những chi phí cho tang lễ, nhưng cái quan trọng hơn cả là những lít rượu gọi là alăk tăc nhơm, nghĩa là rượu tắt thở, là một nghĩa cử nói lên lòng hiếu thảo của người sống đối với kẻ chết, họ uống với kẻ chết một ly rượu trước khi vĩnh biệt, dĩ nhiên bằng cách tượng trưng như đổ một chút rượu trên quan tài. Điều ấy nói lên rằng kẻ sống không dửng dưng trước biến cố ra đi của một người, nhưng vô cùng thương nhớ và uống một ly trong những ngày cuối cùng khi xác vẫn còn quàn tại nhà.

Vì lúc một người ra đi là lúc bộc lộ nhiều tình cảm, nên nhiều rượu mang tới và người ta uống suốt ngày đêm, ai than khóc thì cứ việc than khóc một bên, còn kẻ uống thì cứ việc uống một bên. Lý do cho điều ấy được cho là cần phải xua đuổi sự sợ hãi do cái chết mang lại và cho gia đình tang quyến vơi đi nỗi buồn, nên nhờ rượu mà có lời ra lời vào suốt ngày đêm, làm cho đám tang đỡ mang vẻ ảm đạm.

§ BƠTHI (ăn tiễn biệt)

Ngày thứ ba kể từ ngày chết gọi là ngày bơthi hay còn gọi là bơkàr hoặc còn gọi là ngày ràn, nghĩa là đi đến hay chạy đến, đó là ngày bà con họ hàng xa gần cũng như bầu bạn tụ họp lại nơi nhà tang để ăn một bữa tiễn biệt họ gọi là sa boh chơt, nếu là nhà giàu có thì người ta cho ngả trâu, heo…. và cũng cho rằng trâu hay heo ấy cũng là một thứ của cải cho kẻ chết đem sang bên kia thế giới, trong trường hợp này người ta mặc nhiên gắn cho thú vật một thứ linh hồn nào đó.

Còn nếu nghèo thì chỉ ngả một con heo nhỏ và vài con gà con vịt.

Việc ăn uống ở đây có khi còn lớn hơn là tiệc cưới, người ta được phép say sưa vì là ngày tiễn biệt một người ra đi đến một thế giới xa xôi, do vậy chuyện ăn uống trở nên rôm rả suốt trong những ngày tang.

Những gia đình giàu có khi ăn một vài trâu, ngày thứ ba và có khi cả cái ngày trước lúc an táng tại nghĩa địa, nghĩa là những người bà con gần muốn tỏ lòng hiếu kính đối với người chết nên tặng thêm một con trâu. Những năm gần đây thấy có những đám tang ngoài bãi cỏ, cũng ăn uống linh đình dưới những tàn cây y như tại nhà, có khi bầu khí đỡ bị ô nhiễm do trời nắng và không gian thoáng mát và sạch sẽ hơn.

§ TƠP BỒC, LÒT SĂNG (chôn táng, đi bỏ)

Người Thượng có tập tục chôn táng chung trong một ngôi nhà mồ, nghĩa là trên một diện tích nhỏ, do vậy có vấn đề đào kẻ chết trước để chôn kẻ chết sau, mỗi một dòng họ có một ngôi nhà mồ như thế. Đặc biệt có một số làng mãi cho đến những năm gần đây vẫn không chôn, mà chỉ gác cái quan tài trên những cái đòn trong nhà mồ và cứ để như thế cho đến khi mục thì tự rơi xuống hố đã đào sẵn bên dưới, (dĩ nhiên loại nghĩa địa này rất xa làng và ở trong rừng có cây cối um tùm phủ kín).

Có sự giải thích về chôn chung này rằng khi sống đã gần gũi nhau thì chết cần phải gần gũi hơn nữa trong một nấm mộ tập thể.

Nghĩa địa cổ của họ thường là một cánh rừng nguyên sinh, không một ai được chặt phá cây cối trong rừng ấy, do đó cây rừng giải quyết rất tốt vấn đề ô nhiễm môi trường. Ở một vài vùng có những nghĩa địa cổ vẫn tồn tại, một số khác thì bị những di dân chặt phá biến thành vườn tược riêng.

Do việc quàn tại nhà ít là hai đêm ba ngày, nên thường cái xác đã đến giai đoạn phân huỷ và bốc mùi. Đối với người Thượng thì lại cho rằng việc chịu đựng mùi hôi thối của xác người thân là một việc làm tình nghĩa của người sống đối với người chết, vì có thương thì phải biết ngửi cả cái hôi thối của kẻ mình thương. Trong các đám tang, nhất là đối với các bà, họ không đặt vấn đề về sự hôi thối, họ thương người chết và túc trực khóc lóc kể lể suốt trong những ngày tang ngay bên cạnh cái quan tài nhiều khi rất thô sơ. Người ta còn cho rằng khi nước chảy ra từ cái áo quan thô sơ, đó là dấu chứng tình cảm của kẻ ra đi gửi lại cho kẻ sống, người ta không tránh né mùi hôi ấy, ngược lại chịu đựng với tất cả cái tình của người còn sống.

Khi quan tài được khiêng tới nhà mồ nơi nghĩa địa, thì mọi tiếng khóc phải chấm dứt, thậm chí những người có vai vế trong họ hàng còn cấm không ai được khóc trước khi chôn xác, người ta nói rằng làm như thế là abă-abăn, nghĩa là tối kỵ, xui xẻo…, ngược lại trong lúc ấy hãy để kẻ chết được yên tâm đi về với thế giới tổ tiên, đừng níu kéo họ nữa bằng những tiếng khóc than.

Dĩ nhiên để hiện diện túc trực bên quan tài như các bà Thượng thì đòi hỏi người ta phải có cái khứu giác sắt đá, nghĩa là coi như không trước những cái mà những người không quen không thể nào chịu nổi.

Ở đây ta chỉ hiểu là ngày thứ hai và thứ ba sau khi chết.

Có một nghi tiết khá đặc biệt đã được thực hành bao nhiêu đời qua nơi bộ tộc Sre-Kơho khi chôn táng kẻ chết, đó là họ mở nắp quan tài để nhìn mặt lần cuối trước khi vùi lấp trong mồ mả. Xét về vấn đề vệ sinh thì khó chấp nhận, nhưng nó lại là sự biểu lộ tình cảm trong những giây phút cuối cùng của giờ chia tay, họ cần ghi khắc cái hình hài người thân trong tâm não của mình trước khi chịu rời khỏi nghĩa địa để trở về nhà.

Thời nay nhờ sự vận động của những người có hiểu biết và uy tín, việc mở nắp quan tài trước khi lấp đất nhiều nơi đã được bãi bỏ, dĩ nhiên cần có những hình thức khác mang lại niềm an ủi về mặt tinh thần cho các thân nhân còn sống, cụ thể nhất là sự gần gũi, sự chia sẻ và ủi an họ trong lúc tang gia bối rối.

Tại nhà tang, ngay tại cái cửa đã đưa kẻ chết ra khỏi nhà, người ta làm một cái xà gạc giả gọi là yoăs mơnrao gắn lại tại đó với một vài nghi thức cầu khẩn thần linh, có mục đích không cho ma quỉ theo dấu của kẻ chết mà tiếp tục làm hại những người thân trong nhà, đồng thời đó cũng là cái dấu để tang của gia đình.

Nơi thực hành này cho thấy rằng trong tâm não sâu xa người Thượng vốn tin ma quỉ chính là kẻ gây ra cái chết cho con người.

Ngoài ra nếu là vợ của kẻ qua đời thì phải xuống tóc, và nếu có tái giá thì phải chờ mãn tang sau thời gian tròn ba năm. Người đàn ông thì không xuống tóc, nhưng cũng phải giữ những điều mà người phụ nữ goá chồng phải giữ, ai vi phạm luật tục ấy thì phải đền cái tội gọi là bơrnàn bồc, nghĩa là tội ngoại tình đối với người quá cố.

§ CÒP BỒC (thăm mộ)

Ngày thứ bảy sau khi an táng những người bà con thân thuộc trở lại ngôi mộ và than khóc một lần nữa, sau đó họ trở về nhà cúng bái thần linh của kẻ chết, lễ vật thường là một con gà được cắt tiết và một choé rượu.

Mọi người trong thân tộc qui tụ lại nơi nhà tang để uống và an ủi gia đình người chết. Tới đây mọi nghi tiết kiêng kỵ chấm dứt, gia đình trở lại với cuộc sống bình thường.

§ LÒT DÀN (thăm nuôi kẻ chết)

Nghĩa vụ này thường là của các bà (mẹ hoặc vợ hay con gái của người quá cố), họ mua bánh trái và những thứ cần dùng để đi thăm nuôi những người chết, dĩ nhiên mỗi thứ chỉ một miếng nhỏ xíu bằng đầu ngón tay có tính cách tượng trưng mà thôi, như một viên kẹo, một miếng bánh, một khúc quả chuối, một tép cơm nếp… gười ta bày trên một cái lá chuối và để trên một góc rừng hay bờ ruộng nào đó, than khóc và gọi người chết đến và để lại của thăm nuôi. Dĩ nhiên sau đó thì kiến, thằn lằn hay chuột bọ biện sạch ! Tuy vậy, trong cách thực hành này được coi là một lối xoa dịu nổi nhớ (kăh-kơlôi) đối với người đã khuất, người ta thà làm một cái gì đó còn hơn là ngồi đó mà nhớ mà thương, có khi sinh bệnh tâm lý, điên loạn…

Điều này cũng lại là một sự biểu lộ tình cảm khác nữa, nghĩa là tình cảm ấy không dễ dàng chấm dứt khi người thân đã nằm yên nơi mồ mả, dù với thời gian và không gian đã xa cách.

§ NIỀM TIN VÀO SỰ LIK-RÊ (tái sinh)

Người Thượng vẫn tin vào sự lik-rê, nghĩa là tái sinh, điều này được hiểu và giải thích như sau :

Sau khi chết, vong linh của người quá cố tìm cách trở lại trần gian bằng cách đầu thai nơi một người con cháu nào đó, bởi thế nhiều ông bà hay cho rằng đứa này đứa nọ trong con cháu của họ là ông hay bà quá cố ấy tái sinh (lik-rê). Dĩ nhiên người ta xây dựng một số chuyện kể không tên nào đó để củng cố niềm tin này, ví dụ có chuyện kể về một người trước khi chết đã để lại cái rìu trong hốc một cây đa nào đó, khi được tái sinh trở lại trên trần gian thì đi tìm lại chiếc rìu ấy để dùng lại, chuyện này vẫn được lưu truyền trong một số dòng tộc và làng buôn, khiến cho người ta tin có chuyện lik-rê.

Đó là lý do được một số người giải thích cho việc không chôn sâu xuống đất hay chỉ gác lên trên những chiếc đòn nơi các nhà mồ của một số làng, vì người ta mong mỏi người thân của mình trở lại trần gian, chứ không muốn đào sâu chôn chặt họ trong lòng đất thẳm sâu.

Nếu suy đoán dựa trên những biểu hiện thì sẽ gặp thấy sự giải đáp hữu lý, vì cho thấy rằng nơi con người luôn ẩn chứa một khát vọng là được sống, được đoàn tụ và sống mãi.

Cách thực hành ma chay của người Thượng là cách họ nói lên cái khát vọng sâu xa ấy nơi tâm hồn họ. Nói cách khác là nơi người Thượng có sự cầu ước khá mạnh mẽ rằng : xin cái chết hãy là một cái gì tạm bợ, chứ đừng là chốn an nghỉ nghìn thu.

Sự cầu ước cũng là niềm hy vọng và là niềm tin phổ biến trong tâm thức dân gian, người ta chưa diễn đạt nó bằng lời, nhưng bằng thực hành cách phổ biến, khi hỏi thì người ta có thể nói :

- Chúng tôi tin thế nào thì chúng tôi thực hành như vậy.

3. ĐÔI DÒNG KẾT

Trên đây chỉ là sự giản lược những nét chính về tập tục ma chay trong xã hội Thượng, cách riêng của bộ tộc Kơho-Sre, mong được chia sẻ với những ai đang quan tâm đối với vấn đề cho người dân tộc anh em.

Những bộ tộc khác của Kơho cũng na ná như thế, những khác biệt nếu có thì không đáng kể về mặt hình thức.

Việc tìm hiểu những tập tục, đặc biệt những não trạng lâu đời liên quan đến vấn đề ma chay nhiều khi rất cần thiết, có như thế mới có thể tiếp cận một cách thật sâu sát và nhờ đó hiểu sâu hơn về một dân tộc, để nhờ đó mà việc đối thoại với họ mới mong đem lại kết quả tốt đẹp.

Không thể cho rằng với chừng này vấn đề nêu ra là đã đủ để nói hết chuyện ma chay của người Thượng, chỉ nên hiểu đây như là một cái nhìn khái quát, trình bày những nét chính yếu mà thôi.

NHƯ MỘT SỰ CHIA SẺ

Biết là để thấy và đặt vấn đề.

Làm thế nào để đổi mới, để cho vấn đề ma chay của người Thượng cho phù hợp với niềm tin kitô và đòi hỏi cuả thời đại văn minh ?

Làm thế nào để không giảm thiểu sự kính trọng và yêu thương đối với những người quá cố như vốn có trong tập tục cổ truyền của người Thượng, trong khi phải đặt vấn đề vệ sinh và loại trừ mê tín dị đoan ?

Rồi thì dù muốn hay không cũng phải đổi mới, chứ không thể cứ mãi như xưa được.

Hình thức cũ nhiều khi vẫn cần dưới cái nhìn tâm linh, cái cần chuyển đổi là cái ý nghĩa bên trong của sự thực hành.

Thay vì than khóc thì cầu nguyện, hát Thánh ca, đọc Lời Chúa loan báo niềm hy vọng phục sinh…., việc làm này cho thấy có hiệu quả rất tốt, ngay cả một số anh em Tin lành cũng thấy làm như vậy, nên đám tang của họ làm lan toả bầu khí hy vọng hơn là sự sầu thẳm.

Liệu điều này có quá lý tưởng cho một môi trường vốn nặng tình cảm và nhiều mê tín ?

Thay vì để quá lâu thì nên giới hạn thời gian trước khi cái xác đến giai đoạn bị phân huỷ, hoặc là cũng cần chỉ cho họ cách liệm xác để tránh ô nhiễm bầu khí nhà tang.

Điều này cần có người kinh nghiệm và chuyên môn.

Nhu cầu tình cảm nên giải quyết bằng những cách khác như tổ chức cầu nguyện tại gia đình hay một nơi nào đó. Dạy họ về nghĩa vụ của những người còn sống đối với những người đã chết, không phải chỉ thương khóc và cầu nguyện trong những ngày tang mà là dài lâu.

Thay vì ăn uống linh đình mất vệ sinh thì cũng nên ăn uống vừa phải sau khi an táng xong theo thói quen, để tạo niềm an ủi, sự liên đới của mọi người xa gần…, dùng tiền bạc vật chất để nâng đỡ an ủi những thân nhân của người qua đời, giúp họ ổn định lại cuộc sống sau cơn khủng hoảng trong gia đình, giúp họ yên tâm, can đảm và tin tưởng trong cuộc sống, đó là những cái cần thiết nên không thể bỏ qua.

Thay vì thăm nuôi kẻ chết thì nên có những ngày tưởng nhớ, cầu xin, tặng ân xá cho người quá cố, đó là cách thực tế, nhờ đó có thể loại bỏ dần những thực hành mê tín dị đoan vô nghĩa.

Mục vụ an táng có ý nghĩa quan trọng, bởi vì chính nơi sự chết con mắt tâm hồn đòi hỏi phải mở ra để nhìn vào sự thật, để suy ngẫm, để biết và để tin.

Lời Chúa nếu ít hy vọng được lắng nghe nơi toà giảng trong nhà thờ, thì rất hy vọng có thể được lắng nghe hơn nơi cửa mồ, cần coi đó là một cơ hội mục vụ quí báu cho việc truyền bá đức tin, bởi vì sự chết cũng mang sứ điệp đối với những người còn sống và mời gọi họ hãy tin vào Thiên-Chúa, vì chính Ngài là niềm hy vọng cho các vong linh.

Nhiều người Thượng thời nay tỏ ý cho thấy họ muốn cho vấn đề ma chay trong cộng đồng của họ được đổi mới cho hợp với văn minh của thời đại, nhưng rất khó thực hiện được sự tiến bộ ấy nếu thiếu sự hướng dẫn từ những người có hiểu biết và có uy tín.

Đây phải chăng là cơ hội rất tốt cho chúng ta ?

Có những điều gọi là nghi tiết ma chay từ xưa truyền lại thời nay không thể chấp nhận được nữa, như để lâu ngày rồi ăn uống linh đình tốn kém ngay bên người chết, hoặc xem mặt trước khi lấp đất, cũng như việc chôn táng rải rác từng họ hàng tạo nên một vấn đề vệ sinh và môi trường khá nghiêm trọng cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt.

Vấn đề là ngay trong cộng đồng người Thượng hầu như khó ai nói được ai, vì ngay cả những người đáng lẽ có vai vế trong các dòng họ nhiều khi còn mang đầu óc hủ lậu, phản tiến bộ, thiếu có uy tín, và cũng do nạn uống rượu quá nhiều trong các đám tang kéo theo nhiều thứ hủ tục khác có dịp tồn tại và phát triển.

Nói tới nói lui rồi lại cũng trở về với nạn uống rượu quá độ, phải coi đó như là thủ phạm chính trong sự chậm tiến bộ và chậm đổi mới, nuôi dưỡng cách thực hành hủ bại, điều này biểu hiện rõ nhất trong vấn đề ma chay.

Vậy cần những suy nghĩ, cần những bàn tay nhiều khi phải mạnh dạn trong việc cải tiến và thăng tiến nếp sống của đồng bào anh em chúng ta, đặc biệt trong vấn đề ma chay.(www.simonhoadalat.com)