Nguồn Gốc Kinh Phục Dĩ Chí Tôn,

tức kinh nguyện giỗ Cảm Tạ Niệm Từ



(THƠ ĐỌNG ĐẦU NGUỒN, LÊ ĐÌNH BẢNG, chủ biên

Góp nhặt thơ Công giáo Việt Nam, tập 2, từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX)

NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT

KINH NGUYỆN GIỖ “PHỤC DĨ CHÍ TÔN”, MỘT ÁNG KINH VĂN TUYỆT BÚT

Hằng năm, Phụng vụ dành ra cả một tháng trời – tháng 11 Dương lịch – để kính nhớ Tổ tiên, để tưởng niệm, cầu nguyện cho những người thân thương đã qua đời. Nào kinh sách lễ nhạc, giỗ chạp khói hương. Nào cùng nhau đi viếng nhà thờ, ra đất thánh để sửa sang mộ chí v.v... Rõ ràng là một mùa vụ công quả, báo hiếu, thật ấm áp nghĩa tình. Trong những dịp này, một trong những bản kinh văn được người người, nhà nhà, nơi nơi xướng đọc, ngâm ngợi rất nhịp nhàng và bi lụy, là kinh nguyện giỗ cầu hồn “Cảm Tạ Niệm Từ” mà dân gian nhà đạo mình quen gọi bằng cái tên “Phục Dĩ Chi Tôn... “ Phải chăng, áng kinh văn tuyệt tác bằng Hán văn này đã ra đời đồng thời với dòng văn học Hán Nôm của ta, ngay từ thế kỷ XVII ?. Có nhiều giả thuyết, nhưng lập luận của linh mục Philipphê Bỉnh là đáng tin cậy nhất.

Ở thời điểm những thập niên đầu tiên (1822-1824) của triều Nguyễn, linh mục Philipphê Bỉnh[1] đã cung cấp cho chúng ta một chứng từ lịch sử: “. . . mà kinh nguyện giỗ (Cảm tạ Niệm Từ) thì Thầy ấy (Thầy Phanchicô) nguyên là Hòa thượng tu ở chùa thành Phao[2] làm, thì đặt ra cung sớ, vì rằng Phục, Dĩ, Chí, Tôn, Chân, Chủ, Cửu, Trùng... “[3]. Cũng theo sách đã dẫn, “Thầy Phanchicô cùng thầy cả Girolamo (Majorica) [4] mà bao nhiêu sách Người làm trong nước ta thì thầy ấy viết.” Những ghi nhận trên đây của linh mục Philipphê Bỉnh càng làm sáng tỏ thêm niềm xác tín của chúng ta. Rằng việc trước tác và ghi ký kinh nguyện nhà đạo bằng Hán Nôm của tập thể Girolamo Majorica–trong đó có thầy Phanchicô, một thành viên chủ lực – suốt 22 năm ròng rã (1634-1656), cùng với kinh sách quốc ngữ của giáo sĩ Đắc Lộ, đã thực sự là một bộ phận không nhỏ trong sự nghiệp văn học Việt Nam ở thế kỷ XVII vậy. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao, đến nay, công trình đồ sộ trên vẫn chỉ ngủ yên ở dạng tư liệu, nằm trong các thư viện Công giáo ở phương Tây ? Cả đến sách báo truy tìm, nghiên cứu văn học Hán Nôm ở trong nước, cũng chưa hoặc không đá thảo gì đến chuyện này!

Để rộng đường dư luận và củng cố thêm phần chính xác về trường hợp “thầy Phanchicô là tác giả” bản kinh trên, chúng tôi xin mời độc giả đọc thêm sau đây một số ghi nhận và tường thuật tỉ mỉ của linh mục Philipphê Bỉnh. Qua đó, có thể hình dung khá rõ nét về lý lịch, tài năng, học vị, phẩm hàm, tính hạnh, công trạng, đặc biệt là bối cảnh lịch sử cùng động cơ đã thúc đẩy tác giả đến với giếng thánh trường sinh của Đức Kitô. “Đến khi Người (Jeronimo Majorica) ra kẻ chợ (kinh đô Thăng Long) thì cãi lẽ với mười sư Hòa thượng ở trước mặt nhà Vương (Chúa Trịnh) cùng các quan triều thần văn vũ, mà mười thầy Hòa thượng ấy đều thua lẽ Người. Cho nên sư Hòa thượng thứ nhất cũng là quan văn mà đi tu ở thành Phao mới xin chịu đạo, thì Người rửa tội cho, cùng đăt tên thánh là Phanchicô. Từ khi thầy tu ấy chịu phép rửa tội thì chẳng bao giờ về chùa thành Phao nữa, liền xin ở cùng thầy cả Jeronimo mà giúp việc Người thì Người chịu lấy bằng lòng, cùng vui mừng để thầy (Phanchicô) giúp việc giảng giải cùng việc nhà thờ” (Sđđ, trang 28-29)

Đến nay, chúng tôi vẫn chưa có thêm tư liệu về tính danh, quê quán xác thực của tác giả. Riêng việc sử dụng thánh danh hoặc địa danh thay cho tên thật trên tác phẩm – theo chỗ chúng tôi hiểu – mặc dù xem ra có vẻ như là “khuyết danh” thật đấy, song lại phản ánh một thói thường mà người đọc dễ bắt gặp không ít trong mảng kinh truyện cũ ở những thời điểm tương tự. Chẳng hạn J.M.J. (Jésus, Marie, Joseph); An-rê Phú Yên; A.M.D.G. (Ad Majorem Dei Gloriam)[Để làm rạng danh Chúa, khẩu hiệu của Dòng Tên] v.v... Thật vậy, ngay từ thuở bình sinh cũng như lúc qua đời, thầy Phanchicô đã được cả hội dòng (Tên) cùng các giáo đoàn lúc bấy giờ rất trọng vọng bằng cách ghi tạc công ơn vào sử sách để “rao” cho mọi người biết ở nơi công hội. “Thầy ấy là một thầy già có công trong dòng Đức Chúa Giêsu trước hết (ở Việt Nam), cho nên khi Người qua đời thì biên tên Người vào trong vãn ngày lễ linh hồn (2 tháng 11 Dương lịch) cùng các thầy mà đọc rằng: Phanchicô thành Phao, để cho bổn đạo được nhớ đến rằng Người là Sư Hòa thượng ở chùa thành Phao, mà đầu sổ các thầy cả thì có tên thầy cả Alexandre (de Rhodes), vì đến giảng đạo trước hết, đoạn tới tên thầy cả Jeronimo (Majorica) vì có nhiều công nghiệp trong nước ta” (Sđđ, trang 30).

Tưởng không còn gì để hồ nghi nữa. Bằng sở học uyên bác của một bậc thầy đã hiển đạt trong rừng Nho biển Thánh, trầm mình viên mãn trong cảnh khói hương đẫm mùi kinh kệ của Thiền Tông – đặc biệt với nguồn Thần khí tuyệt vời và măc khải tinh ròng của Thánh Linh khi được hạnh ngộ Tin Mừng – vị quan văn ở chốn cung đình kia quả thật xứng đáng là người cưu mang và sinh thành ra “Cảm Tạ Niệm Từ” vậy. Cho nên, dù cách đề tựa, cách sử dụng hình thức (thể tứ lục) hoặc cung giọng (Sơ ) khi tụng đọc, khi niệm kinh có phảng phất chút gì của mùi thiền đi nữa, âu cũng là cuộc gặp gỡ thánh thiêng của hai tôn giáo hội nhập trong một tâm hồn Việt Nam: thầy Phanchicô. Và qua cái văn phong vừa thông tuệ vừa hàm súc của Cảm Tạ Niệm Từ, tác giả đã tỏ bày giùm người Kitô hữu Việt Nam nỗi thao thức bồn chồn về lẽ “hóa sinh trụ diệt”, về phận người trước bến bờ hư vô, cát bụi, về một cõi thường hằng là “Sinh ký tử quy”.

Khi mạo muội làm công việc có vẻ như là “Cảo thơm lần giở trước đèn” này, giữa nhịp sống ồ ạt của nền văn minh cơ khí, chúng tôi không hề mảy may có một ý đồ thiên trọng, bảo thủ nào. Đãi lọc để giữ ngọc gìn vàng, vốn xưa nay khó. Cho nên, bằng tấm lòng, chúng tôi chỉ muốn chứng minh rằng – cũng như kho tàng văn học dân gian – mảng kinh truyện của nhà đạo bao gồm các thể loại như vè, vãn, chương, khúc, tuồng, cảnh, ca, ngâm v.v..., trong đó có “CẢM TẠ NIỆM TỪ”, thực sự đã sắm một vai trò quan trọng, không những trong đời sống đức tin lòng đạo của người tín hữu Việt Nam, mà còn góp phần vào đời sống ngôn ngữ của dân tộc ta nữa. Bởi vì cho đến nay, trải qua nhiều thế kỷ với muôn nghìn dâu bể hệ lụy rồi, cũng như văn học truyền khẩu, mảng kinh truyện trên đây vẫn không ngừng được ngân nga, xướng diễn trong nhiều cộng đoàn. Ngôn ngữ cùng cung giọng đặc thù của kinh vãn nhà đạo, trong một chừng mực nào đó, đã làm cho cái không khí của phụng vụ thêm sắc màu lễ hội, thêm sốt mến thiêng liêng. Hát xướng là cầu nguyện hai lần. Đặc biệt là tháng này khi tiết trời đã tàn Thu chớm Đông, đọc lại mảng kinh sách, ca vãn cầu hồn như “ Tứ Chung, Tứ Mạt Ca, Kinh Cao Sang, Kinh Vực Sâu và Phục Dĩ Chí Tôn”, tôi có cảm tưởng mình đang lãng đãng dật dờ cùng cỏ hoa sương khói trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của bậc thi hào tài hoa Nguyễn Du vậy. Từ Requiem đến Phục Dĩ Chí Tôn.



Chú Thích

[1] Philipphê Bỉnh sinh năm 1759 tại Hải Dương.Năm 1775 đi tu ở Kẻ Vĩnh, thụ phong linh mục 1793. Trong 30 năm sống ở Lisbon, trước tác và sao chép trên 30 đầu sách có giá trị về lịch sử ngôn ngữ.



[2] Tên một thành cổ ở Đàng ngoài, hiện nay chưa phăng tìm ra gốc tích; Phải chăng là tên một ngôi chùa ở núi Phao Sơn, xã Phao Sơn thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng ? Chùa nhìn ra sông Lục Đầu, phong cảnh tươi đẹp (Bắc kỳ giang sơn cổ tích danh thắng bị khảo – Tự điển di tích văn hóa VN.)



[3] Trích “Truyện nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trong”, Q.I - Nói sự Đàng Ngoài Philipphê Bỉnh viết tay tại kẻ chợ nước Portugal năm 1822, trang 30.



[4] Majorica sinh năm 1591 tại Napoli (Ý), vào dòng Tên 1605, ở Đàng Trong (1623-1629), ra Đàng Ngoài (1631) cùng với linh mục Bernadino Reggio và sống ở đây tới lúc qua đời (27.1.1656), để lại một sự nghiệp đồ sộ, trên 40 tác phẩm (3.678 trang) toàn bằng văn Nôm..



Tác Giả Kinh Phục Dĩ Chí Tôn

THẦY GIẢNG PHANXICÔ (? – 1640)

Sử dụng tên thánh (Maria, Giuse, Phêrô, Phaolô, Phanxicô v..v... – tên một vị thánh mà mỗi tín hữu Công giáo nhận làm bổn mạng khi lĩnh nhận bí tích Rửa tội để vào đạo – đã là một trong những thói quen vừa mang tính đạo đức, lại vừa phổ biến rộng khắp. Thậm chí, có nhiều công trình hoặc tác phẩm chỉ đọc thấy những hàng chữ viết tắt, như: A.M.D.G. (Khẩu hiệu Ad Majorem Dei Gloriam – vì vinh quang Thiên Chúa), S.J. (Compagnie de Jésus hoặc Society of Jesus để chỉ Dòng Tên, Dòng Chúa Giêsu); OSB (Ordre de Saint Benoit, Dòng Biển Đức); CSSR (Congrégation du Très Saint Rédempteur, Dòng Chúa Cứu Thế); O.P. (Ordre des Prêcheurs, Dòng Đa Minh, Dòng anh em Thuyết giáo). OFM (Ordre des Frères Mineurs, Dòng Phan Sinh, Dòng anh em hèn mọn) hoặc FMM (Franciscaines Missionnaires de Marie, Dòng Nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ).. . Do một lý do khiêm tốn chẳng hạn, các tác giả đã ẩn danh, coi việc làm của mình như một đóng góp, cống hiến cho tập thể. Cũng có khả năng, do hoàn cảnh ra đời của tác phẩm không mấy thuận lợi chăng ? Trường hợp khuyết danh và vô danh trong văn học sử Việt Nam cũng không phải là hiếm. Như thế, một tác phẩm vẫn có người cưu mang và sinh thành. Nghĩa là, vẫn có tác giả nào đó.

Gọi là “Thầy giảng Phanxicô” được hiểu theo ý nghĩa và lý do phát sinh trên.

Sở dĩ phải gọi như trên là vì cho đến nay, không thấy một chứng từ cụ thể nào về lai lịch, quê quán, cuộc đời của ông. Chỉ biết rằng, Phanxicô xuất thân là một vị Hòa Thượng tiến sĩ, làm quan lớn trong phủ Chúa Trịnh. Năm 1632, xảy ra một cuộc tranh luận về giáo thuyết, về vũ trụ và nhân sinh trước mặt triều thần Chúa Trịnh Tráng, giữa một bên là 10 vị Hòa Thượng khoa bảng và một bên là giáo sĩ Jeromino Majorica (Dòng Tên). Kết thúc, phần thắng đã nghiêng về phía thiểu số. Một trong các vị ấy đã tình nguyện theo đạo, học đạo và được linh mục Majorica rửa tội, nhận tên thánh là Phanxicô. Từ đấy, Phanxicô trở thành thầy giảng, trợ thủ đắc lực của Majorica trong quá trình sưu tầm, biên tập, hiệu đính và ghi ký mảng kinh truyện Hán Nôm Công giáo. Và cũng từ buổi ngộ đạo mặc khải ấy, thầy Phanxicô bị thất sủng, bị trục xuất ra khỏi sinh hoạt cung đình của phủ Chúa. Ông bị bắt và nghe đâu đã lãnh phúc tử đạo vào năm 1640 (?). Có lẽ, trong hoàn cảnh bức bách, ngặt nghèo ấy mà toàn bộ tác phẩm (40 sách Nôm đạo) của ông không còn được lưu truyền đến nay chăng ?. Tuy nhiên, qua ghi nhận của linh mục Philipphê Bỉnh (xin đọc bài “Kinh nguyện giỗ Cảm Tạ Niệm Từ” trong tập này), thầy giảng Phanxicô còn để lại cho chúng ta một di sản văn hóa rất đáng tự hào, đó là áng kinh văn “Cảm Tạ Niệm Từ.” Chúng tôi xin chép ra đây bản phiên âm, bản diễn nghĩa và cả bản diễn ca bằng quốc ngữ, để rộng đường dư luận.

Đánh giá văn bản hiếm quý này, cụ Cử Nguyễn Văn Bình – Giáo sư Hán học trường Đại học Văn khoa Sàigòn (trước 1975) cho rằng “. . . Hay hơn bài “Văn Tế Chưởng Hậu Quân Võ Tánh” của Đặng Đức Siêu và bài “Văn Tế Trận vong Tướng Sĩ” của Nguyễn Văn Thành.”

www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo