SAIGÒN -- Sáng ngày 24/2/2007 giáo dân đồng hương gốc Bùi Chu tại Sài Gòn đã đến nhà thờ Bùi Phát, giáo hạt Sài Gòn để hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và kính nhớ tổ tiên. Tham dự thánh lễ còn có một số linh mục, tu sĩ có gia đình gốc ở giáo xứ Chánh tòa làng Bùi Chu ngày xưa.

Mở đầu, linh mục chủ tế Đỗ Anh Dũng, chánh xứ Khánh Hội quận 4, đã nói lên ý nghĩa của việc họp mặt đông đủ của con cháu khi nhớ về tổ tiên nguồn cội và giới thiệu sự có mặt của linh mục Phạm Công Liêm, giáo phận Đà Lạt cũng tham dự với tư cách là con cháu của làng Bùi Chu. Nhưng rất xúc động khi cha Đỗ Văn Thiêm, giáo phận Long Xuyên, trong bài giảng đã dùng hình ảnh cây mai già có gốc lớn để diễn tả cội nguồn.

Cây mai ngày xuân thật đẹp: những cánh hoa vàng tươi rực rỡ, chung quanh là những nụ xanh hứa hẹn sự nối tiếp vẻ đẹp của hoa; lá lưa thưa điểm trên cành khô nâu làm thành một khối lớn của cây. Nhưng cái gốc của nó to, gân guốc, sần sùi, thậm chí trông xấu xí, lại không có hương thơm.....thế mà lại rất cần cho cây.

Khi có mặt ở đây để kính nhớ về những vị đã sinh thành, dưỡng dục các thế hệ của gia đình dòng họ, trong lòng chúng ta có suy tư về một câu hỏinày: Tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những người đã khuất có điều gì cần nhắc nhở con cháu, là những người đang còn sống hay không? Tôi nghĩ chắc là có ba điều cần nhắc nhở thế này:

  • Cuộc đời này mau qua lắm! Thế nhưng có một cơn cám dỗ rất nguy hiểm, đó là người ta cứ tưởng cuộc đời này dài lắm. Vì thế nhiều người cứ tính toán cho thế gian này mà không lo toan cho việc sau khi mình rời xa trần thế. Tám mươi năm cho một đời người, một trăm năm hay hơn thế nữa thì vẫn có là bao! Tất cả sẽ qua đi....
  • Vì thế, các con các cháu nên khôn ngoan hơn. Đừng gắn dính tâm tư, sức lực, hơi thở của đời mình vào những thứ mau qua như chức quyền, tiền bạc, của cải, sắc đẹp.....mà đầu tư những gì bền vững, có giá trị, ảnh hưởng đến số phận đời sống mai sau của chúng ta thì hơn.
  • Sự an lành hạnh phúc, sự giàu sang sung túc mà hôm nay chúng ta có được, biết đâu đó chính là công đức của ông bà, tổ tiên chúng ta ngày xưa đã cố công làm, khiến lòng Chúa thương xót mà ban cho chúng ta. Người đời gọi đó là cái phúc, cái đức! Vậy đừng vênh vang về những gì mình đang có mà cố gắng làm. nhiều việc lành bác ái, để con cháu chúng ta được tiếp nối trong tình thương của Thiên Chúa.
Được biết, đây là thánh lễ truyền thống do Ban đại diện tổ chức hằng năm vào dịp Tết, được các giáo dân đồng hương hưởng ứng nhiệt tình. Đồng thời Ban đại diện còn tạo được mối dây liên kết qua các hoạt động như thăm hỏi người đau ốm, phúng viếng gia đình có người qua đời, hỗ trợ quà Tết, gửi phần thưởng cho thiếu nhi miền Bắc....

Những người giáo dân có gốc ở giáo xứ Chính Tòa Bùi Chu không những hình thành được Ban Đồng Hương ở khu vực Sài Gòn mà còn ở Tân Mai (Biên Hòa) và cả ở hải ngoại (Hoa Kỳ) nữa.

Đặc biệt, ngày 12 tháng 5 năm 2005, tất cả giáo dân đồng hương đã hiệp lực xây cất một ngôi đình mới làng Bùi Chu tại quê hương với chi phí khoảng 65 ngàn Mỹ kim. Và sẽ được khánh thành trang trọng vào ngày 26 tháng 5 năm 2007 này với một chương trình có thánh lễ tạ ơn, liên hoan cả làng, cung nghinh Đức Mẹ, văn nghệ chủ đề quê hương, thăm viếng mồ mả cha ông.



Tổ tiên, ông bà, cha mẹ là món quà tất yếu mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người. Theo thời gian và qui luật muôn đời, chúng ta sẽ phải rời xa các ngài, nối tiếp hành trình của Giáo Hội lữ hành mà về quê của Cha trên trời. Làm tròn, làm tốt bổn phận của người làm con, làm cháu là biểu lộ lòng kính sợ Thiên Chúa và sống đúng vị trí người Kitô hữu qua các giới răn mà Chúa đã dạy cha ông chúng ta.