NĂM HỢI GỢI CHUYỆN HEO



Những người lạc quan, mỗi lần Tết đến lại cho rằng họ tiến thêm được một bước mới gần về đến Quê Hương Vĩnh Cửu. theo cách tính thời gian của người xưa, năm nay là năm Hợi, năm cuối cùng của chu kỳ 12 con giáp, năm con Heo được lên chức Hành Khiển, năm lịch Á Đông lấy con Lợn làm biểu tượng.
Không gì hợp cho bằng nhân ngày Tết năm Hợi gợi lại một số chuyện heo, để quý độc giả vui Xuân bên chén trà hương sen, hàn huyên mừng Nguyên Đán.

Con Lợn đầu tiên
Các nhà nghiên cứu khoa học cho biết, heo đã có trên trái đất từ sáu triệu năm trước. Người ta đã biết nuôi heo từ Thời Kỳ Đồ Đá, cách nay khoảng tám ngàn năm. Theo cổ tích Việt Nam, tiền thân của lợn là một vị tiên trên trời, vì ham ăn, lại lười biếng chẳng chịu làm việc gì, nên Ngọc Hoàng đày xuống dương gian làm kiếp gà, bắt phải bới rác kiếm ăn. Vị tiên ấy chê giống gà nhỏ bé, đến con mèo con chó cũng bắt nạt được. Trời thương tình, cho làm kiếp bò. “Bò tuy lớn, nhưng chỉ được ăn cỏ mà còn phải vất vả kéo xe, kéo cày…” nghĩ thế, nên vị tiên ấy lại năn nỉ:


- Xin Ngọc Hoàng cho con cái chức gì không phải làm lụng, mà được cơm bưng nước rót đến tận miệng…

- Vậy Ta cho người làm kiếp Lợn, người ta sẽ đem thức ăn đến tận mõm, chỉ việc ăn no ngủ kỹ, càng ăn lắm ngủ nhiều người ta càng thích, để thân xác béo mẫm ra cho người ta nhờ.

Thế là vị tiên đó hí hửng lạy tạ, xuống trần làm thân con lợn, không đề ý đến hậu quả. Tới lúc lợn béo nùng nục, bị người ta lôi ra làm thịt, mới té ngửa ra, đòi xin hoá kiếp. Một tiên ông đến mách bảo “xin người ta thêm hành vào xào nấu với thịt thì ngươi được hoá kiếp”. Từ đó “con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi” là đề mong được hoá thân kiếp khác vậy.

Sao lại gọi lợn là heo?

Paulus Huỳnh Tịnh Của là một học giả người miền Nam, trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, ông đã giải nghĩa Lợn là con Heo, là giống lục súc béo hơn hết. Đúng như con lợn tự khoe: “Nội trong hàng lục súc với nhau, Ai sánh đặng mình heo béo tốt?” (LSTC). Đọc Việt sử, ta thấy người miền Nam phần lớn là những di dân từ miền Trung tràn xuống, tiếng nói của họ nặng, khi phải bẩm trình với quan lớn, họ lại phát âm thành “quan lợn”. Quan cho là vô phép nên sai lính lấy hèo phạt, ai bẩm “quan lợn” là phải đòn 10 hèo. Nhiều người bị phạt hèo như vậy, nên khi thấy con lợn họ hình dung ngay ra những cây hèo vút vào mông họ, họ bèn mỉa mai gọi con lợn là “con hèo”. Rồi để khỏi lầm lẫn con lợn với cây gậy quái ác ấy, họ bớt đi dấu huyền, còn lại là con heo. Con lợn từ miền Bắc đi xuống miền Nam thành con heo là như thế.

Khi dân chúng không gọi “giống lục súc béo hơn hết” là con lợn nữa, thì các quan lớn cũng yên trí mình không còn đồng nghĩa với loài tham ăn tục uống nữa.

Lợn hay heo cũng chỉ là một loại gia súc được nuôi bằng thức ăn tạp, để cung cấp thịt cho người dùng. Tuy nhiên có nhiều loại lợn: lợn sề, lợn nái, lợn giống, lợn cấn, lợn sữa, lợn choai, lợn tháu, lợn ỷ v.v… Heo thì có heo nhà, heo ruộng, heo bông, heo lang, heo cỏ, heo bò, heo đen, heo nọc, heo hạch, heo nái, heo nưa, heo lứa, heo mọi… Đó là các loại heo cúi nuôi trong nhà, còn loại heo hoang dã như heo lăn chai, heo rừng hay lợn lòi… là loài hung dữ, nhanh nhẹn.

Heo với ngày Tết

Đối với người Việt Nam, thịt heo không thề thiếu trong ngày Tết. Ngày xưa, cứ vào ngày 30 Tết là người ta lại nghe tiếng lợn, từ xóm này lan sang xóm khác, kêu vang eng éc khi bị thọc tiết. Người ta đánh đụng lợn với nhau ăn Tết: để làm nhân bánh chưng, để bó giò, đề gói nem, để hầm món ninh, để kho tàu, để nấu thịt đông ăn với dưa hành… “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” đã thành biểu tượng cho ngày Tết.

Lợn còn là mơ ước giầu sang, là lời cầu chúc trong dịp Tết cho nhau phát tài. Chợ tranh dân gian nổi tiếng của làng Đông Hồ hằng năm được mở từ mồng 6 tháng Chạp cho đến Tết Nguyên Đán đề bán tranh Tết. Những bức tranh lợn nhà nào chả dán trên vách trong ngày

đầu năm, mong năm mới làm ăn phát đạt: Một con lợn nái và bầy lợn con ủn ỉn vây quanh heo mẹ là biểu tượng cho giầu sang sung túc. Hay con lợn cấn bụng xệ sát đất, với hai xoáy trên đùi mang hình lưỡng nghi, đang đưa mõm vào chậu thức ăn, hẳn là hàm ẩn ước muốn sự no đủ cho suốt cả năm.

Con lợn quả là có tầm cỡ đối với ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền. Người dân Việt Nam dù nghèo hay giầu, ngồi bên mâm cỗ đầu năm bày đầy các món thịt heo, nhìn bức tranh lợn tô điểm thêm mầu sắc tươi vui, mơ ước… là đã hưởng được một cái Tết ung dung thoả mãn.

Heo với tế Nam Giao

Trước đây, thời nước ta còn các vua trị vì. Cứ mỗi độ Xuân về, triều đình lại tổ chức một lễ tế rất long trọng rất linh đình ở Đàn Nam Giao. Các quan Đại thần đều phải hiện diện, với triều phục đại lễ. Chính vua là chủ tế, thay mặt toàn dân để tế lễ Trời Đất.

Trong một sách Cổ văn có nhan đề “Lục súc tranh công” (LSTC), con heo đã tự hào:
Vua ngự lễ Nam Giao đại hội,
Phải có heo mới gọi tam sinh.


Tam sinh là ba con vật được giết để làm lễ vật trong lễ tế, đó là trâu, dê và lợn. Số lợn dùng trong lể tế ở Đàn Nam Giao xưa lên đến hàng trăm con. Trước ngày tế một năm, bộ Lễ phải chọn một số lợn đen tuyền để nuôi làm con sinh cho kỳ tế năm tới. Những con lợn này được nuôi theo chế độ đặc biệt, chuồng phải cất bằng tre mỡ, lợp bằng lá gồi, chung quanh xây tường gạch. Thức ăn cho lợn làm con sinh này phải là ngũ cốc, rau tươi loại tốt. Gần đến ngày lễ, đích thân quan đứng đầu Bộ Lễ lựa hai con lợn đen tuyền, không một sợi lông khác màu, làm con sinh tế Trời Đất. Kế đó là một trăm con lợn đen khác làm con sinh cúng các thần và các tiên đế.


Chiều ngày trước đại tế Nam Giao, các con lợn đã chọn làm con sinh được đưa đến nhà Thần trù, ở phía Đông-Bắc ngoài Đàn Nam Giao để mổ thịt, chuẩn bị lễ vật cho Chánh lễ sẽ bắt đầu vào giờ Tý (từ 11giờ đêm), theo ngày Khâm thiên giám đã chọn đề tế Nam Giao mỗi năm..

Tam sinh trong tế Nam Giao, ngoài 102 con lợn trên, còn có 102 con dê và 2 con trâu nữa.

Heo với cheo cưới
Kìa những việc hôn nhơn giá thú,
Không heo ra tính đặng việc chi? (LSTC).

Hôn nhơn giá thú là sinh hoạt gắn liền với đời sống con người. Ca dao Việt Nam từ rất xa xưa đã có những câu rất dí dỏm, rất tình tứ, đầy nhân bản về việc cưới gả. Trong đó con heo cũng đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn một chàng trai đã “phải lòng” một cô thiếu nữ, nhưng lại vờ vĩnh hứa giúp “đằng ấy” khi “đằng ấy” lấy chồng:
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo một vò rượu tăm.


Nghe vậy, nàng cũng bắt thóp được ý chàng, tuy tim nàng nhảy tưng tưng muốn nẩy ra khỏi lồng ngực, nhưng cũng trấn tĩnh, ngúng nguẩy ỏn ẻn, khẽ trả lời:
Anh về thưa với mẹ cha,
Bắt lợn đi cưới, bắt gà đi cheo.


Nói gà bắt gà đi cheo, chứ thật ra chàng trai phải nộp cheo cho làng bằng thủ lợn đấy. Bởi vì:
Sỏ lợn lớn hơn đầu mèo,
Làng ăn không hết làng treo cột đình.


Tục lệ ở Việt Nam xưa là như thế. Nạp cheo để chứng minh cho cả làng biết là chúng tôi thành vợ thành chồng đàng hoàng. Biên nhận nạp cheo là một thứ giấy giá thú. Nếu không có nó thì:
Có cưới mà chẳng có cheo,
Dẫu rằng có giết mười heo cũng hoài.


Cưới mà giết mười heo thì chỉ có con nhà phú hộ, còn nhà bình dân thì làm mâm cơm cúng ông bà cũng đủ:
Nhà họ giầu thì đầu heo nọng thịt,
Đôi mình nghèo thì cặp vịt với bông tai.


Tuy vậy, nhưng không phải chuyến thuyền tình nào cũng xuôi chèo mát mái cả. Những lời ong tiếng ve đôi khi cũng làm chia lan rẽ thúy:
Trách ai dụm miệng nói dèm,
Cho heo kia bỏ máng, chê hèm không ăn.


Heo bỏ máng hay máng chán heo. Đàng nào thì phần thiệt cũng về người con gái:
Còn duyên anh cưới ba heo,
Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi.


Chẳng ai lại chịu cưới bằng con mèo, nhưng có thể làm đám cưới đơn giản với người tử tế, rồi vợ chồng chí thú làm ăn, còn hơn nghe theo bà mối, có đám cưới linh đình mà phải gánh chịu anh chồng chỉ lo ăn với phá, để rồi tự than vãn:
Ai đem chú ỉn sang sông,
Để cho chú ỉn ủi vồng khoai lang?


Vì thế thiếu nữ nào chẳng muốn mình có được người chồng tâm đầu ý hợp, phải trang vừa lứa, chứ mấy ai chịu cái cảnh:
Con gái lấy phải chồng già,
Cũng bằng con lợn cọp tha vào rừng.


Nói là nói vậy, chứ số phận người con gái thời phong kiến xưa, chưa hẳn đã tự chọn cho mình được người bạn đời như ý. Vì chưng:
Mẹ em tham thúng xôi dền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.

Em đả bảo mẹ rằng đừng…
Mẹ em tham thúng bánh chưng,
Tham con lợn nái, em lưng chịu đòn.


Trong văn chương bình dân còn rất nhiều câu nói đến việc hôn nhân, có liên quan đến con lợn. Chứng tỏ con heo đã không thể thiếu trong tập tục cưới hỏi ở nước ta vậy.

Mục tử lái lợn

Ngày nay tại miền Nam vẫn còn những người buôn lợn chở heo bằng xe đạp, họ cho con heo vào một cái rọ đan bằng dây thép lớn, hay rọ tre đan, rồi đặt trên gác-ba-ga ràng lại… Ở miền Bắc trước đây, muốn di chuyển một con lợn, người ta phải trói lại bằng cách vật ngửa con lợn lên, đặt một khúc tre dài bằng con lợn trên bụng nó, rồi dùng lạt tre trói con lợn vào khúc tre đó như cột đòn bánh tét, sau đó buộc một sợi dây thừng vào hai đầu khúc tre trên bụng lợn, xỏ đòn, rồi hai người khiêng heo đi.

Vào thời Đạo Công giáo bị phân biệt đối xử, để đi viếng thăm mục vụ các xứ đạo, Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ, giám mục chính toà địa phận Thái Bình, thường phải giả dạng để qua mặt công an cộng sản mới đến được các xứ đạo. Khi thì ngài đóng vai ông bố bế con thơ, có bà mẹ lẽo đẽo theo sau. Có lần, ngài cải trang thành người lái lợn: cũng áo nâu sồng, “quần xắn móng lợn”, nón lá bung vành… khệ nệ khiêng một con heo… Qua đồn công an ngài tắp vào nghỉ, đặt heo xuống cạnh đồn, thở hổn hển, lấy khăn lau mồ hôi nhễ nhãi chảy, lấy nón quạt cho đỡ mệt và xin nước uống, lại còn nói chuyện khôi hài khiến công an không nghi ngờ, vì Đức cha có dáng dấp nông dân, chứ không đạo mạo trắng trẻo như người học thức.

Để phục vụ dân Chúa, người mục tử khôn ngoan không quản ngại đóng vai một ông lái lợn, can đảm đi qua hang sói, để đến được với đoàn chiên Chúa đã trao phó cho mình.

Con heo cứu người

Ở Mỹ, ngoài những trại nuôi heo theo công nghiệp, hay những người thích nghề nông trại, sống xa thành phố, nuôi heo theo lối thủ công trong những trại nhỏ, hoạ huằn lắm mới có người thành phố nuôi heo để làm cảnh, heo đó thuộc loại Mỹ gọi là “pet”. Tại Beaver Falls, tiểu bang Pensylvania, có một bà độc thân, tên là Jo Altsman sống một thân một mình trong căn nhà riêng, bà nuôi một con heo con để làm bạn. Vào một buổi sáng nọ, bà bị ngất xỉu vì bệnh tim. Lúc bà ngã ra nhà, con heo chạy lại gác đầu lên ngực bà và nức lên như khóc, nước mắt nó dàn dụa. Rồi con heo như nghĩ ra điều gì, nó vội chui qua một lỗ chó, chạy thẳng ra đường, nằm giả chết cho người ta chú ý. Mấy phút sau, có một thanh niên dừng lại ngó, con heo chồm lên, cắn quần anh ta lôi vào cửa nhà. Chàng thanh niên thấy lạ cũng theo vào. Khi bấm chuông gọi cửa, bà già Alstman thều thào gượng nói “gọi 911” (số điện thoại kêu cấp cứu ở Mỹ). Biết là gặp trường hợp nguy kịch, chàng thanh niên liền mau mắn gọi xe cấp cứu đến giúp bà lão.

Nhờ có con heo mà lần đó bà Jo Alstman thoát chết.

Con lợn báo oán

Trên đây là chuyện heo ngày nay ở Mỹ, còn chuyện lợn báo oán là chuyện đời xưa ở bên Tầu. Nói chuyện lợn bên Tầu, nhiều người nghĩ ngay đến Thiên Bồng Nguyên Soái trong Tây Du Ký, vì tội trêu chọc tiên nữ mà bị đày xuống trần, rớt đúng vào một chuồng lợn, nên có thân hình xấu xí như con heo, trở thành Trư Bát Giới.

Nhưng Trư Bát Giới phò Đường Tăng đi thỉnh kinh, nên không có chuyện báo oán. Chuyện heo báo oán ở vào thời Xuân Thu: Tề Tương Công, một hôn quân vô đạo khét tiếng, giết công tử Bành Sinh là người đã hết lòng phò tá mình lên ngôi. Trước khi Bành Sinh chết đã nổi giận quát mắng, vạch tội Tề Hầu và quyết sẽ làm tai quái để trả thù.

Một hôm, Tề Tương Công đi săn ở Bối Khâu, thấy một con heo lớn dị thường. Kẻ tả hữu nói: “Công tử Bành Sinh hiện lên đấy.” Tề Hầu nói: “Bành Sinh, không được hỗn với ta”, rồi bắn một phát tên. Con heo đứng lên bằng hai chân như người mà khóc. Tề Tương Công sợ quá, té xe, gẫy chân và rơi mất giầy. Vì chiếc giầy ấy mà Liên Xứng tìm được vua Tề, đem về luận tội và giết chết.

Từ heo biết cứu người, đến người chết rồi mà còn hiện thành heo để báo oán, trừ hoạ cho dân lành. Đúng là:
Heo cũng biết đền ơn báo ngãi,
Heo cũng biết tiêu họa trừ tai. (LSTC)

Heo với nơi chôn nhau

Người Việt chúng ta có truyền thống gắn bó với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nhưng ở thời đại “Xẩm Hát Chó Ngáp” thì nơi-chôn-nhau không còn là mảnh đất mình sinh ra nữa.

Chẳng là ở Sài Gòn xưa có bệnh viện phụ sản Từ Dũ, mà có thời “đỉnh cao trí tuệ” lại gọi là xưởng đẻ. Xưởng đẻ này hợp đồng với một trại chăn nuôi quốc doanh, chuyên nuôi lợn, để cung cấp thực phẩm cho heo. Thời xưa chuyện một bệnh viện cung cấp cơm thừa canh cặn cho trại chăn nuôi, hết xe lam đến xe lam khác, là chuyện thường. Khốn nỗi, chuyện lại bắt đầu có từ thời còn kinh tế bao cấp, gạo thịt bán theo tem phiếu, người ta thường nghe trẻ con hát “tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán lắm…” thì làm gì có cơm dư cơ chứ. Ấy thế mà hằng ngày trại nuôi heo vẫn mang về hàng tấn thực phẩm từ xưởng đẻ. Đây lại là một sáng kiến của “đỉnh cao trí tuệ”, họ khuyến khích phá thai, thai già thai non đều phá, để lấy các bào thai bị phá và cả các nhau của trẻ sơ sinh đem cung cấp cho trại heo, khiến nơi-chôn-nhau của nhiều người lại là cái bụng con lợn.

Một bà làm trong trại nuôi lợn đó kể lại, có lần bà đảo vạc thức ăn cho heo, bà thấy một cái đầu trẻ con to bằng cái gáo dừa, tóc lơ thơ mềm mại, mắt lờ đờ đen đục, trồi lên hụp xuống trong vạc cám heo theo độ sôi của lửa. Bà bỏ việc, về ốm rụng tóc đầu mấy tháng giời. Từ đó thấy thịt heo, bà còn rùng mình ghê rợn, không dám ăn một miếng thịt heo nào nữa.

Đến nay báo chí vẫn còn đăng, Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất vùng, hằng năm có đến ba triệu bào thai bị hủy bỏ. Một chế độ tàn bạo, vi phạm nhân quyền như vậy, đáng phải nguyền rủa là con heo, như Lã Hậu xưa ném nàng Thích Cơ vào chuồng xí và bắt mọi người gọi nàng là con lợn.

Lợn kêu ngày

Tết nhất mà “nói toạc móng heo”ra như thế e làm phiền quý vị. Để lấy lại niềm vui trong ngày đầu năm, chúng tôi nêu mấy câu thành ngữ mà người xưa đã dùng con heo nói lên phương châm xử thế.

Về chăn nuôi heo, tiền nhân đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm:
- Giầu lợn nái, lụn bại gà con.
- Lợi nuôi lợn cái, hại nuôi bồ câu.

- Lợn đói cả năm không bằng tằm đói một bữa.
Rồi cách cư xử trong đời sống hằng ngày, cũng có những câu như:
- Nuôi heo lấy mỡ, nuôi đầy tớ đỡ chân tay.
- Mượn đầu heo nấu cháo.
- Cám treo heo nhịn đói.
- Vì đầu heo gánh gộc chuối.
- Lợn chuồng chái, gái cửa buồng.

Heo cũng được văn chương bình dân nhìn theo con mắt nhà tướng số:
- Trông mặt mà bắt hình dong,
Con lợn có béo thì lòng mới ngon.
- Mũi đồ xưa thạo thiến heo,
Lên làm tổng… hoạn dân nghèo nát khu.

Và lợn còn được Trạng Trình dùng trong sấm ký đoán tương lai hậu vận:
- Lợn kêu tình thế lâm nguy,
Quỷ vương chết giữa đường đi trên trời.
- Ăn no ủn ỉn lợn kêu ngày.

Năm Hợi lại đến, con lợn vẫn cứ kêu tình thế lâm nguy… Chỉ khi nào quỷ vương chết hết, dân ta mới thấy được cảnh “con lợn ủn ỉn ăn no lại nằm”. Đó là lời cầu chúc, là ước vọng của đồng bào toàn quốc trong ngày đầu năm Con Heo này vậy.

Đón mừng Tết Đinh Hợi 2007.