TRIỂN LÃM TƯỢNG NGHỆ THUẬT CÔNG GIÁO

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

UỶ BAN GIÁM MỤC VỀ NGHỆ THUẬT THÁNH


SAIGÒN -- Sáng ngày 6 tháng 2, được sự chỉ dẫn và cho phép của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ- Chủ tịch Uỷ Ban Giám Mục về Nghệ Thuật Thánh trực thuộc HĐGM Việt Nam, tại khuôn viên nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 38 Kỳ Đồng, Quận 3 điêu khắc gia Văn Chương phối hợp với nhà sách tổ chức triển lãm các tác phẩm điêu khắc thờ phượng, va sẽ kết thúc ngày 11 tháng 2 năm 2007.

Đến tham dự buổi lễ cát băng khánh thành triển lãm ngoài Đức Cha Phêrô còn có cha Vinh sơn Phạm Trung Thành- Tổng thư ký Uy ban Giám mục về Nghệ Thuật Thánh, cũng là người chỉ đạo tổ chức cho ngày triển lãm, cha Giám Tỉnh tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, cha Duy Kim, cha G. Nguyễn Ngọc Bích và quý cha, quý tu sĩ nam nữ. Đặc biệt có sự hiện diện của anh chị em công giáo hoạt động trong lãnh vực nghệ thuật như nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ, Bá Hân, Lê Thành Nam- Giảng sư trường ĐH Kiến Trúc và thầy Hải Sơn người thiết kế những hoa văn nghệ thuật cho ngôi thánh đường giáo xứ Ba Chuông…một cuộc hội ngộ cuối năm đầy tình thân mật.

Cuộc triển lãm với chủ đề Tạ ơn Thiên Chúa.Đây là lời tạ ơn của điêu khắc gia Văn Chương, một người còn rất trẻ trong tuổi đời lẫn tuổi nghề. Tạ ơn Chúa vì những sắp đặt của Ngài cho một cậu bé ham mê nghệ thuật ở xã Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định ngày nào với ước mơ cháy bỏng lớn lên chỉ ve hình Chúa. Ngõ quanh cuộc đời Văn Chương được ghi dấu khi đậu trường ĐH Mỹ Thuật và những nắm đất sét đã mê hoặc anh, trong một không gian ba chiều con người nghệ sĩ ấy có thể chuyển tải tất cả niềm đam mê nghệ thuật thánh ấy vào trong những bức ảnh về Thánh Tâm Chúa, về lòng Thương Xót về Mẹ và đặc biệt về đề tài Đức Mẹ, có thể nói Văn Chương sở hữu một bộ sưu tập khá đặc sắc từ Mẹ Ban Ơn, Mẹ Fatima, Mẹ La Vang, Mẹ Bãi Dâu, Mẹ Tàpao, Mẹ Lộ Đức, Mẹ Mân Côi và đăc biệt nhất Mẹ Cao Nguyên, đây là tác phẩm được nhiều người dừng lại lâu nhất. Tuy nhiên theo thầy Hải Sơn nhìn theo nghệ thuật điêu khắc truyền thống thì những chặng đàng thánh giá là sáng tạo nhất, những tác phẩm không được định hình trong một khuôn mẫu như vuông, tròn mà những góc cạnh của hình khối đánh động ngay đến thẩm mỹ của người thưởng thức.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Cha Phêrô nhấn mạnh: Con đường nghệ thuật chân chính là cuối cùng dẫn chúng ta đến với Chúa. Cảm xúc khi nhìn tác phẩm chỉ lay động lòng người khi bắt nguồn từ Thiên Chúa và chỉ có giá trị khi dẫn chúng ta tới Thiên Chúa- Đấng là Chân Thiện Mỹ.

Theo người viết được biết, từ sau năm 1975 đến nay nghệ thuật Thánh Việt Nam chưa tìm được định hướng, bầu khí nghệ thuật như chùng lại so với nền thánh nhạc phát triển rực rỡ. Gần đây với những cố gắng và nỗ lực UBGM về Nghệ Thuật Thánh đã tổ chức được hai buổi triển lãm nhiếp ảnh về kiến trúc các ngôi thánh đường và bác ái xã hội, một buổi giới thiệu về thánh Anrê Phú Yên của các nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm, Lê Ngọc Bích và Trương Đình Hiền. Một đêm Trăng Thập Tự của nhà thơ Thái Quý, một đêm thánh nhạc của hai nhạc sĩ Phanxicô và Hoàng Diệp và hôm nay là buổi triển lãm của điêu khắc gia Văn Chương.

Theo dự kiến, trong năm nay Văn Chương sẽ cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật về Đức Mẹ, về hang đá theo lối nhìn mới đầy bản sắc dân tộc Việt Nam, một Đức Mẹ Cao Nguyên với áo váy thổ cẩm, một gia đình thánh gia mang đậm nét nam bộ với thánh Giuse mặc áo bà ba,cổ choàng khăn, Đức Me cũng với bộ bà ba truyền thống.

“Sau bao cố gắng hôm nay mới là mở đầu”, xin mượn lời của Đức Cha Phêrô như là một tiếng nói chung, để cuối năm Bính Tuất chúng ta đóng lại với những cố gắng và sang năm Đinh Hợi sẽ là một mở đầu khởi sắc hơn cho nền nghệ thuật thánh Việt Nam.