BƯỚC ĐẦU ĐÁNH GIÁ TÁC PHẨM SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG CỦA LINH MỤC NGUYỄN XUÂN VĂN (Bài 2)

II. PHÂN TÍCH VÀ SO SÁNH

I. Sứ điệp tình thương là một tác phẩm Thơ Kinh

Kinh Thánh là một cuốn sách được dịch ra nhiều loại ngôn ngữ nhất và cũng được chuyển thể từ văn xuôi sang văn vần nhiều nhất. Gần đây nhất có hai trường thi viết về Tin Mừng dưới thể thơ Lục bát.

Cuốn thứ nhất là trường thi “Cuộc đời Chúa Cứu Thế” (năm 2001) của tác giả Nguyễn Văn Luyến được sự chuẩn nhận của Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội.
Cuốn thứ hai là “Sứ điệp tình thương” (năm 2001) của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn được sự chuẩn nhận của Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn.
Mục đích xác định Sứ điệp tình thương là một tác phẩm Thơ Kinh là phân tích phương pháp sử dụng ngôn từ của hai tác giả Nguyễn Văn Luyến và Nguyễn Xuân Văn dưới hai góc độ:

Diễn đạt cái gì ?
Diễn đạt như thế nào ?

Bằng cách so sánh sự diễn đạt của hai tác giả khi cùng chuyển ý một đoạn Tin Mừng như nhau.

1. Phân tích đoạn Tin Mừng Lc 1, 5-7

Khi cùng phân tích và so sánh sự diễn đạt cái gì và diễn đạt như thế nào về đoạn Tin Mừng Lc 1, 5-7 nói về ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét của hai tác giả, chúng ta sẽ thấy rõ đâu là bản chuyển dịch Kinh Thánh đơn thuần sang văn vần còn đâu là chất thơ rút tư liệu từ Kinh Thánh.

“Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-a, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là bà Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.”

Tác giả Nguyễn Văn Luyến đã diễn tả đoạn Tin Mừng này theo đúng nguyên tác như sau:

“Vị tư tế nhóm A-bi,
Thời vua Hê-rốt, trị vì Giu-đê.
Gia-ca cùng bạn Sa-vê,
Hai người công chính, trọn bề sắt son.
Cùng dòng thượng tế A-ron,
Ông bà hiếm muộn, không con tuổi già.
Giới răn của Chúa ban ra,
Nhất phu, nhất phụ, mái nhà ấm êm.

Cũng đoạn Tin Mừng Lc 1, 5-7; Nguyễn Xuân Văn lại diễn đạt một cách tinh tế hơn

Lần hồi ngày lại tháng qua,
Có thầy tư tế tên là Gia-cai,
Trăm năm hòa điệu trúc mai,
Với I-da-bét duyên hài đẹp duyên.
Cùng nhau thắp nén hương nguyền,
Noi gương Tổ Phụ Đạo Truyền tin yêu.
Buồn thay tuổi hạc về chiều !
Phủ màu son sẻ đìu hiu thân già.

và tác giả ghi thêm những cảm nghiệm của mình.

Mong làm sao được nữa mà !
Bên ông bảy chục, bên bà sáu mươi.
Hờn duyên tủi phận với người,
Chịu câu khinh bạc, nhịn lời mỉa mai.
Thương cho ông lão Gia-cai
Trải bao tháng rộng năm dài trôi qua.
Chân trời mộng ước lùi xa,
Nghĩ thôi mai cỗi trúc già thì thôi,
Chim bay về núi tối rồi,
Ngày xanh mấy thuở vãn hồi cho đâu ?
Sương chiều trắng điểm mày râu,
Gió chiều gieo khúc nhạc sầu chơi vơi.
Hay đâu, máy Tạo trêu ngươi,
Quay xuôi đảo ngược trò đời lắm khi !

Cụ thể hơn, khi nói về mối tình son sắt của hai ông bà thay vì chuyển dịch như Nguyễn Văn Luyến:

Gia-ca cùng bạn Sa-vê,
Hai người công chính, trọn bề sắt son.

Nguyễn Xuân Văn có cách sử dụng ngôn từ một cách thi vị hơn:

Trăm năm hòa điệu trúc mai,
Với I-da-bét duyên hài đẹp duyên.

Lúc mô tả tình cảnh không con của ông bà Da-ca-ri-a, Nguyễn Văn Luyến đã chuyển ý trực tiếp như sau:

Cùng dòng thượng tế A-ron,
Ông bà hiếm muộn, không con tuổi già.

Trong khi đó Nguyễn Xuân Văn lại không nói thẳng mà nói cong. Ông không dùng từ trực tiếp để mô tả việc không con, nhưng lại diễn đạt rất rõ nguyên nhân và tình cảnh hiếm muộn đó một cách rất thơ:

Buồn thay tuổi hạc về chiều !
Phủ màu son sẻ đìu hiu thân già.

Và khi Nguyễn Văn Luyến phân tích tâm trạng của hai ông bà không con, nhưng gia đình vẫn ấm êm nhờ tuân giữ Luật Chúa:

Giới răn của Chúa ban ra,
Nhất phu, nhất phụ, mái nhà ấm êm.

Thì cảm xúc của Nguyễn Xuân Văn không coi sự ấm êm đó là hạnh phúc, mà là những khổ nhục của “thân già” trong quan niệm của xã hội thời bấy giờ.

Mong làm sao được nữa mà !
Bên ông bảy chục, bên bà sáu mươi.
Hờn duyên tủi phận với người,
Chịu câu khinh bạc, nhịn lời mỉa mai.

Thi sĩ không nói người già mà nói “mai cỗi trúc già”, “chim bay về núi tối rồi”. Không nói tóc bạc mà nói “Sương chiều trắng điểm mày râu”. Không nói sự bất lực của con người đối với thời gian mà nói “Ngày xanh mấy thuở vãn hồi cho đâu?”

Thương cho ông lão Gia-cai
Trải bao tháng rộng năm dài trôi qua.
Chân trời mộng ước lùi xa,
Nghĩ thôi mai cỗi trúc già thì thôi,
Chim bay về núi tối rồi,
Ngày xanh mấy thuở vãn hồi cho đâu ?
Sương chiều trắng điểm mày râu,
Gió chiều gieo khúc nhạc sầu chơi vơi.
Hay đâu, máy Tạo trêu ngươi,
Quay xuôi đảo ngược trò đời lắm khi !

2. Phân tích đoạn Tin Mừng Lc 1, 26-27

So sánh tiếp một đoạn Tin Mừng của Thánh Luca nói về việc Truyền tin cho Trinh nữ Ma-ri-a như sau:

“Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.”

Để chuyển ý đoạn Tin Mừng này, Nguyễn Văn Luyến diễn đạt nội dung một cách trực diện, thiếu chiều sâu, cho nên lời thơ trở nên khô khan và thiếu sức lôi cuốn người đọc, vì không tạo nên một cái gì mới so với bản văn Kinh Thánh:

Nửa năm nhập thể sáng tươi
Lại sai Thiên Sứ từ trời báo tin
Dòng tu Trinh Nữ nguyện xin
Thành Na-gia-rét, hướng nhìn Ga-lê.
Giu-se giá thú gởi về
Dòng vua Đa-vít, phu thê trước tòa
Nữ Trinh danh hiệu Maria
Sứ Thần khi tới gần Bà liền thưa.

Với bẩm chất thơ, Nguyễn Xuân Văn lại cảm nghiệm để viết về dòng dõi, tính hạnh, duyên sắc, đời sống và đức độ của Trinh nữ Maria một cách rất hình tượng và rõ ràng, nhưng không kém phần lôi cuốn sự suy tưởng của người đọc để vươn tới cái Chân Thiện Mỹ cao hơn. Về dòng dõi và nết hạnh của Đức Maria, thi sĩ viết:

Ga-li nước biếc non xanh,
Thành Na-da-rét thơm danh một nhà.
Có Trinh Nữ đẹp như hoa,
Trắng ngà, trong ngọc nết na dịu dàng.
Maria mỹ danh Nàng,
Vốn dòng vương giả, thuộc hàng trâm anh.
Về duyên sắc và tính cách của Đức Maria, Linh mục viết:
Trăng tròn mười sáu xuân xanh,
Xinh tươi như sắc mây lành rạng đông.
Dung nhan rực rỡ vừng hồng,
Trăng in đáy nước, mây lồng bóng gương.
Vườn xuân khóa kín thiên hương,
Cõi trần không chút vấn vương bụi trần.

Về cuộc lương duyên của Đức Maria, Nguyễn Xuân Văn viết:

Trao tơ kết nghĩa Tấn, Tần,
Giuse chàng ấy thân gần đâu xa.
Tiếng người công chính thật thà,
Mặt đà đáng mặt con nhà vương tôn.
Đồng dòng dõi, xứng tông môn,
Cùng Nàng đủ lễ đính hôn ước nguyền.
Người đành nên phận nên duyên,
Việc đời âu đã từ trên an bài.

Và về đức hạnh của Đức Maria, thi sĩ viết:

Xuân sang nhằm tiết tháng hai,
Mặc hồng phơi sắc, mặc lài khoe hương.
Maria khép kín đài gương,
Thánh Kinh lần giở từng chương ghi lòng.

Còn rất nhiều đoạn Tin Mừng để so sánh và nhận định, nhưng qua phân tích và so sánh hai đoạn thơ chuyển ý từ Tin Mừng thánh Luca của hai tác giả, chúng ta cũng đã có thể nhận thấy sơ bộ tác phẩm “Sứ điệp tình thương” mang tính chất thi ca rất rõ ràng chứ không đơn thuần là một bản văn Kinh Thánh chuyển thể.

II. Sứ điệp tình thương là một tác phẩm văn học

Để có thể nhận định “Sứ điệp tình thương” là một tác phẩm văn học cách khách quan, trong khả năng của mình, chúng tôi đã cố gắng tổng hợp và phân tích một số nét đặc trưng của tác phẩm trong cuốn “Thi hào Nguyễn Xuân Văn, một nhà thơ lục bát chuẩn mực”.

Sách bao gồm 10 chương, trong đó có 8 chương nói về cái tuyệt và 2 chương nhận xét về cái chưa hay.

Vì thời gian có hạn, chúng tôi chỉ xin giới thiệu đại cương phần này như sau:

Chương 1: Đặc điểm kết câu thơ trong Sứ điệp tình thương

- Kết cấu câu thơ đơn thể
- Kết cấu câu thơ đa thể

Chương 2: Kỹ năng sử dụng từ của Nguyễn Xuân Văn

- Sử dụng điệp từ
- Sử dụng điệp ngữ
- Sử dụng từ láy, từ tượng hình, tượng thanh
- Sử dụng tách từ
- Sử dụng đảo ngữ
- Sử dụng từ đồng âm
- Sử dụng từ đồng nghĩa
- Sử dụng từ trái nghĩa

Chương 3: Kỹ năng kết hợp và tạo từ mới của Nguyễn Xuân Văn.

- Kết hợp điệp từ, tách từ và câu đối xứng
- Kết hợp điệp từ, điệp ngữ, đảo ngữ
- Kết hợp điệp từ, từ đồng nghĩa, câu đối xứng
- Kết hợp đảo từ và câu đối xứng
- Kỹ năng lặp từ và tách từ
- Kết hợp đồng nghĩa và trái nghĩa trong câu đối xứng
- Sử dụng câu đối xứng
- Sử dụng thành ngữ, tục ngữ
- Cải biên thành ngữ và tục ngữ
- Kỹ năng ghép từ để tạo cụm từ mới

Chương 4: Tính tổng hợp ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Xuân Văn

- Sử dụng từ y học
- Sử dụng từ nông học
- Sử dụng từ tư pháp
- Sử dụng từ nhà Phật
- Sử dụng từ tướng học
- Sử dụng từ võ thuật
- Sử dụng từ địa phương
- Sử dụng từ cổ
- Sử dụng từ Hán Việt
- Kỹ năng lảy Kiều
- Tính đa dạng trong hình thức thể hiện ngôn ngữ

Chương 5: Kỹ năng sử dụng các phương tiện và biện pháp tu từ

- Sử dụng phép so sánh.
- Sử dụng phép ẩn dụ.
- Sử dụng phép hoán dụ.
- Sử dụng phép khoa trương.

Chương 6: Nghệ thuật tạo hình tượng và âm thanh

- Nghệ thuật tạo hình tượng
- Đặc điểm về âm thanh
- Đặc điểm kết hợp âm thanh và hình tượng

Chương 7: Nghệ thuật tạo nhạc điệu trong thơ

- Thích hợp về nhạc điệu
- Thiếu sót về nhạc điệu
- Chưa đúng luật bằng trắc

Chương 8: Tính sinh động và biểu cảm trong thơ Nguyễn Xuân Văn

- Đặc điểm của tính sinh động và biểu cảm
- So sánh với Nguyễn Du

Chương 9: So sánh cách gieo vần trong thơ Nguyễn Du và Nguyễn Xuân Văn

- Thiếu tương thích về vần trong Sứ điệp tình thương
- Thiếu tương thích về vần trong truyện Kiều

Chương 10: Góp ý một số từ trong Sứ điệp tình thương

- Những từ cần làm rõ nghĩa.
- Các từ sử dụng chưa thích hợp.

III. Sứ điệp tình thương là một thi phẩm cầu nguyện

“Tôi muốn đem Lời Chúa
Lời Thơ Tình Thương
Ghép thành vần
Đăt lên miệng các bà mẹ
Để từ đó
Chảy vào tai các em bé
Đang nằm trong nôi
Hay trên cánh tay dịu hiền của các bà
Như dòng sữa ngọt
Chứa đầy chất dinh dưỡng siêu phàm
Để nuôi các em lớn lên
Trong tình thương của Chúa.
Lời sao huyền diệu làm sao,
Như thâu tim óc như vào thịt xương.

Giờ đây chúng ta cùng lắng nghe tâm tình cầu nguyện của Linh mục qua sự:

1. Xin vâng trong Tâm nguyện
2. Nhận lãnh trong Trầm nguyện
3. Cảm thấu trong Hồi nguyện

3.1. Xin vâng trong Tâm nguyện

Chỉ với một câu Tin Mừng Lc 1,38 nói về sự xin vâng của Đức Mẹ: “Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.”

Tin lời Thiên sứ báo truyền,
Nữ Trinh khiêm tốn lặng yên nguyện cầu.
Sau cùng khẽ thốt nên câu :
"Nầy tôi tá Chúa cúi đầu xin vâng ".

Từ tâm tình xin vâng của Đức Ma-ri-a, Nguyễn Xuân Văn đã hòa nhập thành tâm tình xin vâng bằng chính đời Linh mục của mình.

Xin vâng cho nở Tin Mừng,
Cho nghe rung động chín tầng trời cao,
Cho Danh Thánh Chúa ngọt ngào,
Cho mưa ơn xuống dồi dào láng lai.
Cho lòng Mẹ được an bài,
Cho Con Thiên Chúa đầu thai làm người.
"Xin vâng" là Mẹ nhận lời,
Cho đất lặng gió, cho trời tan mây.
Đất trời kết hợp từ đây,
Đất dâng của lễ, Trời xây bàn thờ.

Phải chăng tiếng Xin Vâng của tác giả trong ngày thụ phong Linh Mục cũng đã âm thầm tận hiến từng ngày qua hai câu thơ:

Đất trời kết hợp từ đây,
Đất dâng của lễ, Trời xây bàn thờ.

3.2. Nhận lãnh trong Trầm nguyện

Từ việc suy niệm đoạn Tin Mừng Mc 14, 33-35 nói về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Giết-sê-ma-ni:

“Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức”. Người đi xa hơn một chút, quỵ xuống đất mà cầu xin cho giờ ấy rời khỏi mình, nếu có thể được.”

Định thần lại một vài giây,
Đến quì dưới một tàn cây khổng lồ.
Bốn bề đá dựng lô nhô,
Sấp mình úp mặt trên mô thạch bàn.

Linh mục Nguyễn Xuân Văn đã cảm nghiệm được muôn thứ tội, của đủ mọi giới, của đủ mọi thời, của ngay trong giáo xứ mà Linh mục được giao phó chăm lo.

Cõi lòng tê tái bàng hoàng,
Thấy dòng tội lỗi nhẫy tràn tuôn ra.
Tội nơi tuổi trẻ tuổi già,
Tội từng giới một đàn bà đàn ông.
Tội chung cả một cộng đồng,
Tội riêng dòng họ chất chồng lẫn nhau.
Tội người đủ sắc đủ màu,
Tội từ thuở trước đời sau mọi thời.

Linh mục cảm thấy gánh nặng tội lỗi của chính mình và tội lỗi của đoàn chiên mà mình phải liên đới chịu trách nhiệm vì chức vụ đã nhận lãnh.

Nhiều hơn cát biển sao trời,
Lớn lao quá đỗi nặng thôi vô cùng.
Xấu xa quái gở lạ lùng,
Bốc mùi tanh tưởi rợn rùng vô biên.
Bấy nhiêu tội ác xung thiên,
Chất cao như núi chụp nguyên xuống đầu.
Biến người thành một vực sâu,
Chứa tội bốn biển năm châu loài người.

Chắc hẳn Cha Nguyễn Xuân Văn đã từng đau khổ và cầu nguyện thâu đêm cho giáo dân xứ đạo, để mong sao đoàn chiên ngày càng sống thánh đức hơn.

Ra thân gánh tội cho đời,
Đắng cay tủi nhục tơi bời từ đây.
Làm cho hổ mặt hổ mày
Làm cho thân phải đọa đày chết thân.

Và nếu một Linh mục không sợ tội lỗi thì Linh mục đó không thể nào diễn đạt được cái cảm xúc “tê tái bàng hoàng” và đầy hình tượng “nhẫy tràn” để diễn tả sự gớm ghiếc tội lỗi

Cõi lòng tê tái bàng hoàng,
Thấy dòng tội lỗi nhẫy tràn tuôn ra.

3.3. Cảm thấu trong Hồi nguyện

Phải chăng qua những năm tháng suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nhất là đoạn Tin Mừng Lc 27, 63 -65 và Mc 14, 65

“Thế là một số bắt đầu khạt nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: “Hãy nói tiên tri đi !” và bọn lính canh túm lấy Người mà tát túi bụi”.

Cho nên thi sĩ đã cảm nghiệm được những trận đòn mà Chúa Giêsu phải gánh chịu.

Hay chăng? Linh mục được tình yêu Chúa mặc khải cho thấy, nên mới diễn tả được cuộc đánh đòn Chúa Giêsu một cách tỏ tường như vậy:

Luật cho mặc sức đọa đày,
Tay dù tàn độc mảy may bận lòng.

Phải nói sự mục kích của Nguyễn Xuân Văn đã thể hiện rất rõ nét qua từng lời thơ, với những từ gây ấn tượng mạnh mẽ về âm thanh:

Đẩy xô đấm đá mấy vòng,
Xông vào lột cả áo trong áo ngoài.
Tay chân xích sắt thừng gai,
Niệt vào trụ đá giữa hai rừng người.
Một bên dân hét rầm trời
"Đánh cho tan xác bỏ đời nó đi !
Chia nhau tốp bảy tốp ba,
Thi nhau vun vút roi da phủ đầu.
…Bao nhiêu roi vụt kinh hồn,
Bao nhiêu tay quất dập dồn ghê thay.

Với thi tài, tác giả còn viết nên cảnh tượng tra tấn rất ghê rợn như là chính tác giả thấy ngay trước mắt, gây tác động sâu sắc đến cảm xúc người đọc:

Đánh thôi đất thảm trời sầu,
Khắp người tóe máu nát nhầu thịt da.
Ngọn roi như đốt lưng ngà,
Gươm đâm xé ruột muối chà tưa gan.
Có tay quá đỗi bạo tàn,
Đánh ngay con mắt lệ tràn máu tuôn.
Máu văng tung tóe khắp nơi,
Da bay từng mảnh thịt rơi từng về.

Về màu sắc càng tượng hình hơn:

Đánh thôi chẻ mặt chẻ mày,
Xương lòi trắng hếu gân bày xám xanh.
Đánh dữ dội, đánh tan tành,
Mỗi roi thịt xẻ da banh máu trào.

Và tạo nên cảm xúc xót xa:

Thân sao đau đớn ê chề bấy thân
Máu me bê bết phơi trần,
Tả tơi rách nát từ chân đến đầu.
Thân sao như bọ như sâu,
Mặc cho kiến cắn ruồi bâu đầy mình.
Khốn thay lòng dạ lý hình,
Trận đòn nào động chút tình xót thương !

III. KẾT LUẬN

Qua các mục phân tích và so sánh trên, bước đầu chúng tôi có thể nhận định rằng:

Sứ điệp tình thương là một tác phẩm thi ca chứ không phải là một bản Kinh Thánh văn vần viết theo thể Lục bát.
Sứ điệp tình thương thực sự là một tác phẩm văn học.
Sứ điệp tình thương còn thể hiện đời sống chiêm niệm của một Linh mục đã thấm nhuần Lời Chúa một cách tường tận và sâu sắc.

IV. BÀN LUẬN

Mặc dù chúng tôi đã có những đánh giá cơ bản về tác phẩm Sứ điệp tình thương, nhưng đó cũng mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu, cho nên còn có nhiều mặt giới hạn, phiến diện và chủ quan.

Vì thế để xác định giá trị tác phẩm về phương diện văn học và tôn giáo, chúng ta cần phải từng bước tiến hành một số việc sau đây:

Nên chỉnh lý và chú thích các từ chuyên môn trong Kinh Thánh và từ thi ca để tác phẩm có tính phổ quát hơn, không những cho Ki-tô hữu mà cả cho những ai yêu thích thi ca và muốn tìm hiểu về Chúa Giêsu Kitô.
Nên tiến hành nghiên cứu tác phẩm một cách có hệ thống để từng bước xác định giá trị của nó trong văn học Việt Nam và trong văn học Công Giáo.
Nên có phương cách phổ biến tác phẩm một cách sâu rộng trong mọi tầng lớp xã hội và cộng đồng Dân Chúa để mọi người có thể đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thêm.


Tài liệu tham khảo
Hoàng Trinh, Khoa học và nghệ thuật trong phê bình văn học, NXB KHXH, 1980
Hoàng Trinh, Từ ký hiệu đến thi pháp học, NXB Đà Nẵng, 1997
Nguyễn Văn Dân, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, NXB KHXH, 2004
Dương Thiệu Tống, Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục và tâm lý, NXB KHXH, 2005
Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức, Các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức thơ ca trong văn học Việt Nam, NXB KHXH, 1968
Hữu Đạt, Phong cách học tiếng Việt hiện đại, NXB KHXH, 1999
Bùi Công Hùng, Quá trình sáng tạo thi ca, NXB VHTT, 2000
Đinh Trọng Lạc, Phương pháp và biện pháp tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục, 2005


CON XIN CHÂN THÀNH CÁM ƠN
VÀ RẤT MONG NHẬN ĐƯỢC SỰ GÓP Ý


Bác sĩ Đoàn Xuân Dũng, Chuyên khoa II YHCT
09 Trương Định, Nha Trang, 058 - 510495

Quý vị nào cần xem toàn bộ sinh hoạt ngày lễ giỗ lần thứ 5 của LM thi sĩ FX. Nguyễn Xuân Văn trong hai ngày 9 và 10 tháng Giêng năm 2007, xin vào trang Web của Giáo Xứ Tuy Hòa : http://phuyencatholic.net.