(Geneva)
Các phe phái tiếp tục đánh nhau
Làn sóng tản cư vẫn không dứt
Người ta nói quá nhiều nhưng chẳng làm bao nhiêu, đó là phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với thảm kịch địa ngục trần gian đang diễn ra tại Darfur. Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở Geneva đã phải kêu lên như vậy hôm 12/12/2006.

“Cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang luận bàn đã khơi gợi được những tranh cãi và những lời phàn nàn quốc tế, nhưng không có những hành động có đủ hiệu quả”. Đức Tổng Giám Mục đã nhận xét như trên trong phiên họp đặc biệt thứ 4 của Ủy Ban Nhân Quyền.

“Các nạn nhân không phải chỉ là những con số thống kê: họ là những con người thật sự. Thật vậy, ưu tiên hiện nay là phải hành động để chấm dứt những giết chóc và những lợi dụng trong những dàn xếp chính trị và những lợi nhuận thương mại”.

Đức Tổng Giám Mục cho biết Tòa Thánh đã theo sát tình hình tại Darfur trong 3 năm qua với “những quan ngại sâu xa” và ngài thúc giục sự hợp tác quốc tế giữa Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Phi Châu và chính quyền Sudan nhằm chấm dứt bạo lực tại Darfur, cải thiện quan hệ giữa các quốc gia trong vùng, và tạo điều kiện cho người dân có thể tái xây dựng lại cuộc sống.

“Tình hình tại đây như được ghi nhận bởi những chứng tá tại chỗ của một số đa dạng các viên chức và các cá nhân cho thấy một tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng: giết cả trẻ em, lạm dụng tính dục và hãm hiếp các thiếu nữ và phụ nữ, buộc dân chúng bỏ quê hương, đốt các làng mạc, tấn công cả vào các Trung Tâm Tạm Cư quốc tế, tấn công vào thường dân không vũ trang”.

Đức Tổng Giám Mục ghi nhận tiếp là tình trạng gián đoạn canh tác nông nghiệp tại đây đã gây ra những giới hạn nghiêm trọng trên việc sản xuất lương thực “khi nguy hiểm của sự mất ổn định trong vùng gia tăng, những người tị nạn đầy hoang mang này cảm thấy khó mà khởi đầu lại cuộc sống của họ.”

Đức Tổng Giám Mục kết luận: “Cuộc xung đột tại Darfur là một thách đố lớn về nhân đạo trên quy mô rộng lớn, nhưng cũng là một dịp để đề cập đến một cách thế hợp tác mới trước những vấn đề lan rộng ngõ hầu tạo ra một tương lai với đầy hy vọng cho Sudan và toàn lục địa Phi Châu”.

Tưởng cũng nên biết qua, từ năm 1983, chính quyền Hồi Giáo ở Khartoum, dưới quyền kiểm soát của một nhóm Hồi Giáo "cuồng tín" Ả rập, đã tiến hành một chính sách diệt chủng hầu tiêu diệt hết người châu Phi tại Sudan. Trước tình hình đó, tổ chức Quân Ðội Nhân Dân Giải phóng Sudan (SPLA) đã được thành lập. Tổ chức này chiến đấu đòi quyền tự quyết cho miền Nam nước này, nơi đa số dân chúng theo Ki-tô giáo, để chống lại chính quyền theo Hồi Giáo ở phía Bắc. Trong suốt thời gian từ năm 1983 đến đầu năm 2005, chính quyền Khartoum liên tục ném bom ở miền Nam với thâm ý tiêu diệt hoàn toàn người Kitô Giáo và người Phi Châu nói chung.

Thâm ý của bọn cầm quyền Sudan là thực hiện hoàn toàn một cuộc thanh trừng chủng tộc và tôn giáo tại Sudan. Các nhóm Hồi Giáo chủ yếu là người Ả rập đã thẳng tay giết sạch người dân Phi Châu theo Kitô Giáo và các tôn giáo thờ vật linh. Vì thế đã gây ra một làn sóng tản cư kinh hoàng mà hậu quả thê thảm nhất là các trại tạm cư tại Darfur.

Các tổ chức cứu trợ thế giới lên tiếng tố giác Liên Hiệp Quốc đã thông qua một quyết nghị hết sức mơ hồ kêu gọi hòa bình tại Dafur. Chính thái độ hững hờ của Liên Hiệp Quốc đã giúp cho bọn cầm quyền tại Sudan dám ngang nhiên thực hiện một cuộc thảm sát quy mô lớn nhất thế giới trong thời đại hiện nay.

Theo Tổ Chức Sức Khoẻ Thế Giới (WHO), tại Dafur trung bình có 10,000 người chết trong một tháng từ Tháng Ba 2004 cho đến nay. Thêm vào đó, Caritas Italia báo động qua thông tấn xã Công Giáo Fides về điều kiện sống tồi tệ mà hơn 2 triệu người tản cư đang phải tiếp tục chịu đựng mà “không có viễn ảnh cụ thể nào có thể trở về cố hương”.

Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại Dafur đã có 70,000 người thiệt mạng do các cuộc giao tranh từ tháng 2/2003 giữa chính quyền Hồi Giáo tại Khartoum với các phong trào du kích Đấu Tranh Cho Công Lý và Bình Đẳng (JEM) và Quân Đội Giải Phóng Sudan (SLAM).

Chính quyền Khartoum đã để mặc và thậm chí cung cấp khí tài cho nhóm Hồi Giáo quá khích Janjaweed (Thánh Chiến) người Ả rập tàn phá, cướp bóc và giết hại những người Phi Châu không phải gốc Ả rập. Chính bọn khủng bố này đã gây ra thảm trạng Dafur khi hàng loạt người Phi Châu hoảng hốt tháo chạy đến phía Đông Chad. Hơn 200,000 người đã phải chạy loạn Thánh Chiến. Nhiều người trong số họ bị chết dọc đường chạy loạn, một số khác chạy vào những nơi hoang vắng. 170,000 người chạy được đến các trại tỵ nạn và tiếp tục chết dần mòn trước sự ngoảnh mặt làm ngơ của cộng đồng thế giới.

Trong ngày 5/11/2004, các viên chức cứu trợ Liên Hiệp Quốc tại khu vực Jebel Marra phía Tây Dafur cho biết vì lo ngại trước các cuộc tấn kích của các phần tử Thánh Chiến và phản ứng của các nhóm du kích, nhiều tổ chức cứu trợ của Liên Hiệp Quốc đang rút nhân viên tháo chạy khỏi vùng này. Căng thẳng đã dâng cao từ tháng qua sau khi các cánh quân của JEM và SLAM bắt làm con tin 18 người Ả rập đang đi trên một chiếc xe buýt và phục kích tấn công một đoàn công voa chở các viên chức cao cấp trong chính quyền Khartoum. Một báo cáo chưa được kiểm chứng đã cho biết các con tin đã được trả tự do hôm thứ Sáu 5/11/2004 sau khi Thánh Chiến Hồi Giáo Janjaweed đe dọa tổng tấn công vào các nhóm du kích.

Các tổ chức bác ái Công Giáo như Caritas, Action by Churches Together, và các tổ chức cứu trợ của Chính Thống Giáo và Tin Lành đã quyên góp được 14 triệu Euros để cứu trợ khẩn cấp cho 500,000 người đang sống trong các trại tỵ nạn tại Sudan và dọc biên giới nước này. Ngoài các trại dành cho dân tỵ nạn tại Dafur, trên toàn cõi Sudan có đến hơn 2 triệu người tỵ nạn do chính sách thanh lý chủng tộc và tôn giáo dã man của bọn cầm quyền tại Khartoum. Các khoản tài trợ đã được dành để cung cấp chăn mền, lều bạt, thực phẩm, nước uống và các chăm sóc y tế.

Theo báo cáo của WHO đưa ra hôm 26/10/2004, 22% trẻ em đang sống tại Dafur bị suy dinh dưỡng trầm trọng và 50% gia đình thiếu các nhu yếu phẩm. Tờ L'Osservatore Romano cho biết tình hình tại Darfur càng ngày càng trở nên tồi tệ cho hơn 6.5 triệu dân đang sống chen chúc tại đây, đặc biệt thê thảm là những người di tản. Lúc này đây trên thế giới này không có nơi nào mà tử suất cao bằng tại Dafur, hỏa ngục trần gian của những năm mở đầu ngàn năm thứ Ba.