ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN VĨNH LONG VIẾNG THĂM MỤC VỤ

VÀ LÀM PHÉP CHUÔNG NHÀ THỜ AN PHÚ THUẬN
.

Trên đường quốc lộ 1A, từ Tiền Giang qua cầu Mỹ Thuận và hướng về Sađéc, đến bến phà Mỹ Thuận của những năm xưa, mà giờ đây đã im hơi lặng tiếng không còn hoạt động nữa, vì đã có chiếc cầu hoạt động hiệu quả hơn, rẻ vào hương lộ 18, con đường trải nhựa nông thôn, khoảng hơn 3km, dẫn đến ngôi nhà thờ nằm bên kia giòng sông; ngôi nhà thờ toạ lạc trên địa bàn xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành Tỉnh Đồng Tháp, nên nhà thờ được mang tên An Phú Thuận. Đó là ngôi nhà để những người Giáo dân của họ đạo cũng mang tên An Phú Thuận thường xuyên đến tụ họp nhau mà cầu nguyện.

ĐGM Vĩnh Long làm phép chuông nhà thờ An Phú Thuận
Họ đạo An Phú Thuận hiện tại được Cha Gioan Baotixita Nguyễn Minh Sang trách nhiệm chánh sở, nhưng Cha thường trục ở Họ Đạo Cái Tàu, vì Cha chịu trách nhiệm cả 3 họ đạo: Cái Tàu, An Phú Thuận và Nhơn Lương. Cùng trách nhiệm với Cha Sang có Cha Anrê Lê Văn Thuỷ phụ tá cho Cha Sang và cư ngụ tại An Phú Thuận. Cha Anrê Lê Văn Thuỷ sống hoà đồng với khoảng 490 giáo dân của An Phú Thuận từ năm 2000.

Các Cha cùng đồng hành với những người giáo dân mà hằng năm có một số ngày phải chấp nhận sống trong nước. Cứ mỗi năm đến mùa nước dâng cao, mọi người đều vất vả khổ nhọc, nhưng vẫn bám đất để sống. Họ càng an tâm hơn vì giờ đây họ còn có được Người Cha thương yêu, chấp nhận đồng cảnh ngộ để sống bên cạnh họ, nâng đở họ về tinh thần và cả vật chất. Những người dân đơn sơ chất phát, họ chấp nhận điều kiện tự nhiên như thế với một tính cách hết sức bình thường. Đến mùa nước lên, họ có những chiếc xuồng nhỏ để di chuyển và cũng là phương tiện để sinh sống trong mùa nước. Thiên nhiên không phụ bạc con người, nhưng nếu con người biết tận dụng những gì thiên nhiên ban tặng, thì họ sẽ tìm được hạnh phúc. Người dân An Phú Thuận cũng tìm được hạnh phúc trong hoàn cảnh như thế, để rồi từ từ vươn lên.

Thật thế, ngôi nhà thờ hiện tại là ngôi nhà thờ thứ ba kể từ sau năm 1975. Trước đó là một thời gian dài dường như thời gian chết, vì là vùng chiến tranh nên mọi hoạt động đành phải nhường bước cho chiến tranh.

Sau năm 1975, cũng còn những khó khăn khác, mặc dù dấu tích ngôi nhà thờ vẫn còn hiện diện, nhưng việc tụ họp để cầu nguyện còn rất hạn chế. Dần dần ngôi nhà thờ tạm mới được dựng lên, với chất liệu đơn sơ của những người dân nghèo An Phú Thuận. Niềm Tin được củng cố.

Khoảng năm 1987, Thầy Phaolô Trần Chánh Lượng, được bề trên sai đến giúp Cha Gioan Baotixita Nguyễn Minh Sang, thầy ở biệt cư tại An Phú Thuận. Có người chăm sóc trực tiếp, nên ngôi nhà thờ thứ hai được xây dựng bằng vật liệu khá vững vàng theo khả năng đối với những người hằng mơ ước. Sức sống mới đã được mang đến. Ngôi nhà thờ mới vừa xây dựng xong không bao lâu, thì không còn đủ sức chứa cho người đến dự lễ Chúa Nhật hằng tuần. Nỗi lo âu của vị mục tử về nhu cầu cấp thiết của con chiên, nhưng cũng đành chôn chân tại chỗ. Ngôi nhà thờ theo khả năng của mọi người đã được xây dựng, giờ đây cũng xuống cấp với thời gian, vì phải chống chọi với hoàn cảnh thiên nhiên như thế bằng chất liệu của người dân nghèo An Phú Thuận.

Năm 1997 với tất cả cố gắng và sự giúp đở của ân nhân, ngôi nhà thờ thứ ba của Họ Đạo An Phú Thuận đã được hoàn thành. Sự vui mừng được dâng cao, sức sống của Họ Đạo cũng mạnh hơn, con số Giáo Dân lên đến gần 500. An Phú Thuận đổi mới từng ngày và giờ đây một tháp chuông được vươn lên để tiếng chuông báo hiệu, kêu mời được vang xa hơn, cũng như đời sống tốt đẹp của mọi người vang xa như thế, thay cho tiếng trống của những ngày nào.

7 giờ sáng ngày 12 tháng 11 năm 2006. Đức Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long cử hành nghi thức làm phép chuông mới, là quà tặng của cha sở nhà thờ Bình Triệu thuộc Giáo Phận Sài Gòn, tặng cho những người anh em đang cần đến tại An Phú Thuận. Niềm vui mừng chỉ có Thiên Chúa và những người biết đón nhận Hồng ân mới hiểu được.

Trong Thánh Lễ, Đức Giám Mục ca ngợi lòng quảng đại của bà goá thành Sarepta và bà goá nghèo đã đóng góp 2 đồng tiền nhỏ vào công việc chung. Ngài dùng hình ảnh đó ca ngợi những người Giáo Dân An Phú Thuận, đã biết đóng góp công sức nhỏ bé của mình để gầy dựng được một An Phú Thuận như ngày hôm nay. Ngài kêu mời mọi người tiếp tục sống tốt với tất cả sự quãng đại của mình để được An Bình trong tâm hồn, trong cuộc sống; được Phú Túc nghĩa là được đấy tràn Hồng Ân Chúa trong cuộc sống; và được Hoà Thuận thương yêu nhau, nêu gương sáng cho những người chung quanh, theo như chữ An Phú Thuận mà mọi người đang sống.

Niềm vui mừng như thế đó; nhưng nỗi lo cũng tiếp theo đó. Khuông viên nhà thờ chỉ có bấy nhiêu, ngôi nhà thờ toạ lạc bên giòng sông; nhà thờ thì cứ đứng yên trơ gan cùng tuế nguyệt, nhưng giòng sông thì mỗi ngày cứ nới rộng ra thêm. Từ bờ sông cho đến vách nhà thờ khoảng cách không đến 10m, vậy mà trong khoảng 10m đó phải chấp nhận một con đường đi cập bờ sông từ rất lâu. Con đường mỗi ngày càng sát nhà thờ hơn, giòng nước mỗi ngày cũng muốn hoà nhập với mọi người để tiến vào nhà thờ. Một nỗi lo âu mà chưa có đường thoát. Cha Anrê Lê Văn Thuỷ đơn sơ vui vẻ chỉ lên mái nhà thờ bảo: Không chỉ có dưới nước, mà còn trên trời, mái nhà cũng bắt đầu có vấn đề. Trong lúc xây dựng, với nguồn kinh phí hạn chế, chỉ có thể dùng chất liệu trên mái nhà như thế, nên giờ đây nó cũng đến tuổi phải về hưu, mà sức sống của An Phú Thuận thì như những cơn sóng cứ trào dâng liên tục không bao giờ về hưu. Những ưu tư lo lắng của Mục Tử lẫn đoàn chiên, mặc dù vẫn sống an bình trong niềm tin, nhưng phải tận nhân lực mới tri Thiên mạng. Mọi người đang cố gắng tận nhân lực với hai đồng tiên nhỏ bé của mình, với tất cả những gì mình có để sống.

Niềm vui hiện tại, niềm vui mà đã được ban cho, người giáo dân An Phú Thuận tận hưởng thật trọn vẹn. Họ sống thật an bình trong niềm tin, chấp nhận cuộc sống hiện tại và vượt qua hết sức bình thản, để rồi cố gắng, cần cù từng ngày để vượt qua những trở ngại kế tiếp, mà không chút than van hay phiền trách kêu ca đều gì. Họ biết sống Lời Chúa một cách thiết thực và đơn sơ bằng hành động và cuộc sống của mình.

Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đở bổ sức cho các ngươi.