TẤM LÒNG VÀNG CỦA ANH EM HỌ ROUSSIÈRE

- Người ta tìm cách ám sát anh và con chiên bổn đạo của anh. Nhóm ”Tontons macoutes” bắn phá nhà anh. Anh phải trốn ẩn ở Gonaives, giữa khu xóm ổ chuột. Nếu chú em chứng kiến cảnh các trẻ nhỏ chết vì đói, hẳn chú em sẽ đau lòng xót dạ dường nào! Nơi đây không còn việc làm, không có áo mặc, không còn lương thực hay thuốc men gì nữa cả. Chúng ta phải làm một cái gì, chú em ạ!

Trên đây là nội dung bức thư Cha Daniel Roussière, thừa sai người Pháp, Linh Mục thợ tại Haiti, viết cho em trai, ông Jean-Marie.

Ông Jean-Marie có vợ, hai con và sống tại Pallet, gần thành phố Nantes, miền Tây nước Pháp.

Bức thư viết từ Haiti vào tháng 3 năm 1988. Đây là thời kỳ hỗn độn trên chính trường Haiti với một cuộc bầu cử tổng thống chính thức và hai vụ đảo chánh.

Dân lành vô tội bị thảm sát và nhóm ”Tontons macoutes” tức là bè lũ của cựu tổng thống Jean-Claude Duvalier (1971-1986) lộng hành.

Haiti sống trong cảnh lo âu sợ hãi và đói khát. Chính trong bối cảnh này mà Cha Daniel Roussière viết thư cầu cứu cùng người em trai, xin em cổ động tình liên đới và bác ái nơi người Pháp đồng hương. Ông Jean-Marie làm nghề tài xế xe vận tải.

Đọc xong thư của hiền huynh Linh Mục, ông Jean-Marie tức tốc bắt tay vào việc cứu trợ.

Hai anh em họ Roussière cùng mang dòng máu bác ái và liên đới. Ngay từ xuân trẻ, Cha Daniel đã lên đường đi đến một quốc gia xa xăm để giúp đỡ người nghèo. Trong khi đó, Jean-Marie, từ năm 15 tuổi, đã bắt đầu làm gói, đóng thùng gửi thuốc men đến cho người dì là nữ tu truyền giáo bên Madagascar.

Ông Jean-Marie nói:

- Cần phải cấp tốc làm một cái gì để giúp đỡ những người đang cơn túng bẫn nghèo khổ. Tư tưởng của tôi thật đơn giản: Cần tổ chức ngay những đoàn xe cứu trợ và gửi sang Haiti.

Để kiếm ngân quỹ cho công cuộc trợ giúp, ông Jean-Marie thành lập một Hội, tức là ”Ngân Hàng Nhân Đạo giúp các nước nghèo” gọi tắt là BPP.

Thay vì đi xin tiền nơi từng cá nhân hoặc từng gia đình, ông Jean-Marie gõ cửa thẳng nơi các công ty thương mại lớn của thành phố Nantes. Ông kể lại:

- Ban đầu tôi đụng phải các bức tường lạnh lùng. Nhưng dần dần, tôi thuyết phục được các ông giám đốc các công ty lớn, sẵn sàng góp phần giúp đỡ những dân tộc đang sống trong cảnh nghèo nàn, thiếu thốn mọi sự.

Một ngày, ông Jean-Marie khám phá một hãng sản xuất các máy may đề nghị khách hàng mua máy mới với giá máy cũ. Như thế, khách hàng sẽ đào thải tất cả các máy cũ. Thấy thế, ông Jean-Marie liền nói:

- Sao các ông không sửa chữa lại các máy cũ này rồi giao cho tôi. Tôi sẽ biến các máy cũ thành những máy may hữu dụng.

Với thời gian, việc hợp tác giữa các xưởng kỹ nghệ vùng Bretagne, miền Tây nước Pháp và ông Jean-Marie trong việc cứu trợ, được nối kết thật chặt chẽ. Khoảng thời gian đầu, nhờ hàng chục máy may gửi sang Haiti mà trung tâm cắt may thành hình trong một thành phố nhỏ của Haiti.

Thời gian ngắn sau đó, người dân Haiti tận mắt trông thấy cảnh hàng tấn lương thực, thuốc men và quần áo được gửi tới Haiti.

Sau Haiti, ông Jean-Marie mở rộng biên giới cứu trợ sang các nước Bosni, Ba Lan, Rumani, Mali, Cuba và Liban. Trong năm 1995, có 460 tấn bánh ngọt, 640 giường nhà thương, 900 mét khối quần áo, 25 thùng giày và 800 ngàn kim chích thuốc rời thành phố Pallet để chuyển sang các nước nghèo cần được cứu trợ. Pallet trở thành trung tâm tập hợp đồ cứu trợ và nhân viên thiện nguyện.

Hàng năm, vào tháng 12, ”Hội Cứu Trợ Nhân Đạo” của ông Jean-Marie Roussière tổ chức chiến dịch gọi là ”Giáng Sinh Hòa Bình”, nhằm mục đích giúp đỡ các trẻ em nghèo tại Pháp và tại một nước khác.

Nhân dịp này, ông Jean-Marie mời rất nhiều trẻ em đến Pallet để giúp làm các gói quà. Ông giải thích:

- Tình liên đới không chỉ được học biết trong sách vở nhưng nhất là trong thực tế cuộc đời!

(”Reader's Digest SÉLECTION”, Janvier/1997, trang 91-92).(Radio Vatican)