CUỘC VƯỢT BIÊN THỨ NHẤT CỦA HOÀNG TỬ LÍ DƯƠNG CÔN NĂM 1150

Nạn tranh bá đồ vương chốn cung đình triều Lí là lí do cuộc vượt biên tị nạn của Kiến hải vương Lí Dương Côn năm 1150.

Lí Dương Côn là con nuôi của vua Lí Nhân Tông, được phong là hoàng tử thứ ba. Thân sinh của Lí Dương Côn là Thành Quảng hầu em ruột vua Lí Nhân Tông. Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Bản kỉ, quyển III viết: ‘Năm Đinh Dậu, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 8 (1117)…Tìm con trai họ tông thất để nuôi ở trong cung. Xuống chiếu rằng: ‘Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? Vậy nên trẫm nuôi con trai của các hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng. Chọn người nào giỏi thì lập làm thái tử. Bấy giờ con Sùng Hiền hầu là Dương Hoán mới lên hai tuổi mà thông minh lanh lợi, vua rất yêu và bèn lập làm hoàng thái tử’.

Truy tìm nguyên do và thời điểm mà hoàng tử Lí Dương Côn vượt biển tị nạn sang Cao Li, chỉ thấy Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Bản Kỉ, Quyển IV ghi lại rằng: Năm 1138, vua Lí Thần Tông băng, thái tử Thiên Tộ lên ngôi, tức là vua Lí Anh Tông, lú ấy mới có 3 tuổi (theo Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sỹ). Đến năm Canh ngọ 1150, sử chép: ‘Khi trước vua còn trẻ thơ, chính sự không cứ việc lớn việc nhỏ đều ủy cho Đỗ Anh Vũ cả. Anh Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ Thái hậu, do đó mà Anh Vũ tư thông với Lê Thái hậu (lúc đó có 2 bà thái hậu), nhân thế lại càng kiêu…’. (Lúc đó có 2 bà Thái hậu: Đỗ Thái hậu là vợ vua Nhân Tông và là mẹ vua Thần Tông. Cảm Thánh Lê Thái hậu là vợ vua Thần Tông và là mẹ vua Anh Tông). Trước tình hình ấy, quan Điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ Đái cùng các công thần hợp lại bắt Anh Vũ. Lê Thái hậu vì tình riêng đã tìm cách đút lót vàng cho Vũ Đái để nhất thời cứu mạng cho Anh Vũ. Khi vụ án lên tới vua, Anh Vũ bị đầy đi cầy ruộng. Lê Thái hậu lại âm mưu cho mở nhiều hội hè lớn và mỗi lần nhân có hội lớn thì tội nhân được ân giảm. Nhờ mấy lần giảm án, cuối cùng Anh Vũ ‘lại làm Thái úy phụ chính như cũ, càng được yêu dùng hơn, do đấy chuyên làm oai, làm phúc, sinh sát mà lòng báo thù lúc nào cũng tỏ rõ…’ Hậu quả là khắp nơi xẩy ra bắt bớ, máu đổ đầu rơi, ngay cả ‘bọn Điện tiền đô chỉ huy sứ Vũ Đái 20 người cũng bị chém bêu đầu ở các bến sông…’

Thật vậy, năm 1127, khi vua Lý Nhân Tông qua đời, hoàng thái tử Dương Hoán lên nối ngôi năm 1128, tức là vua Lí Thần Tông. Sau này người em nuôi cũng là em họ của vua Lí Thần tông là Lí Dương Côn được phong tước Kiến hải vương lãnh chức Đại đô đốc hải quân. Năm 1138, vua Lí Thần Tông qua đời, hoàng thái tử là Thiên Tộ mới lên 3 tuổi, triều đình muốn tôn hoàng tử Lí Dương Côn (khoảng 22,23 tuổi) lên ngôi. Nhưng mẹ của thái tử Thiên Tộ là Cảm thánh Hoàng hậu (họ Lê) đã đút lót vàng bạc cho các quan, rồi bà liên kết với tình nhân là Đỗ Anh Vũ ( Anh Vũ là em của Chiêu Hiếu thái hậu mẹ vua Thần Tông) để đưa hoàng tử Thiên tộ lên ngôi tức là vua Anh Tông (1138-1175). Vua còn thơ ấu, đương nhiên quyền lực nằm trong tay Cảm thánh Hoàng thái hậu. Để củng cố quyền lực bà phải thanh toán mọi nguy cơ có thể xẩy tới cho con bà. Vì thế bà cùng Đỗ Anh Vũ thẳng tay sát hại các em nuôi của vua Thần tông và con của các em vua Nhân Tông cùng toàn thể gia quyến của các vị này. Nhất là vụ án Đỗ Anh Vũ nổ ra vào năm 1150, như đã nêu trên, đưa tới một cuộc thanh trừng đẫm máu, đã là lí do khiến Kiến hải vương Lí Dương Côn đang đóng quân ở Đồ Sơn, phải đem gia quyến vưọt biển tị nạn. Chính Kiến hải vương Lí Dương Côn mới là người táp vào bờ biển Pusan là một tỉnh cực Đông Nam của nước Cao Li vào năm 1150, chứ không phải là hoàng tử Lí Long Tường.

CUỘC VƯỢT BIÊN THỨ HAI CỦA HOÀNG TỬ LÍ LONG TƯỜNG NĂM 1226

Thái sư Trần Thủ Độ tiêu diệt nhà Lí, khai sáng nhà Trần là lí do cuộc vượt biên tị nạn của hoàng tử Lí Long Tường năm 1226.

Theo các bộ sử Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục và Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ thì nhà Trần lấy được thiên hạ từ tay nhà Lí đều do mưu lược của Trần Thủ Độ. Điều đó đúng, song thiển nghĩ vẫn chưa đủ. Sở dĩ Trần Thủ Độ có thể làm được như vậy cũng một phần do các vua cuối triều Lí không còn là những minh quân, đã tỏ ra nhu nhược hoặc đau yếu về thể xác đâu còn đủ sức cáng đáng việc nước. Song đó lại là chuyện khác. Ở đây chỉ nhắc lại sơ lược việc Trần Thủ Độ đã chớp lấy thời cơ để tiêu diệt nhà Lí, giành lấy thiên hạ vào tay nhà Trần khiến cho hoàng tử Lí Long Tường phải liều lĩnh vượt biên tị nạn chính trị. Năm Giáp thân 1224, vua Lí Huệ tông lập công chúa Phật Kim làm thái tử rồi truyền ngôi cho công Chúa, tức Lí Chiêu Hoàng, sau đó ra tu tại chùa Chân Giáo. Quyền bính nằm trong tay thái hậu Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ. Hai người vốn là anh em họ nay lại tư thông với nhau. Tới tháng 10 năm Ất Dậu 1225, Trần Thủ Độ mưu tìm cách cho Lí Chiêu Hoàng thành hôn với cháu ông ta là Trần Cảnh mới lên 8, rồi dàn dựng để Lí Chiêu hoàng truyền ngôi cho chồng. Đến đây quyền bính chính thức chuyển từ nhà Lí sang tay nhà Trần. Thấy Huệ Tông đang nhổ cỏ trong sân chùa, Trần Thủ Độ nói bóng gió với Huệ Tông: Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, rồi tháng 8 năm Bính Tuất 1226, Trần Thủ Độ bức tử nhà vua tại chùa Chân Giáo. Thái hậu Trần Thị Dung bị giáng xuống là Thiên cực công chúa để có thể lấy Trần Thủ Độ làm chồng. Nhằm tận diệt dòng dõi nhà Lí, Trần Thủ Độ thanh trừng tôn thất nhà Lí, gả các cung nhân và con gái nhà Lí cho các tù trưởng sơn cước. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim: “Thủ Độ đã hại hết cả dòng dõi nhà Lí, lại muốn cho hậu thế không ai nhớ đến họ Lí nữa mới nhân vì tổ nhà Trần là Lý, bắt trong nước ai là họ Lý đếu phải cải là họ Nguyễn’ (Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Nhxb Văn hoá Thông tin, 1999. Trang 126). Một ít năm sau, năm 1232 nhân dịp con cháu nhà Lí còn sót lại tụ họp ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm để làm lễ cúng tổ tiên, Trần Thủ Độ cho đào hố sâu, dựng nhà lên trên, rồi giật nhà đổ để chôn sống tôn thất nhà Lí. (Hoa Lâm nay là huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, là hành cung của nhà Lí thuở xưa). Trong bối cảnh chính trị hoàn toàn bất lợi như thế, tôn thất nhà Lí nào còn sống sót đều phải cao bay xa chạy để thoát nạn tận diệt của Trần Thủ Độ, trong đó có hoàng tử Lí Long Tường là con thứ 7 của vua Lí Anh Tông. Hoàng tử Lí Long Tường là chú của vua Huệ Tông, ông chú của Lí Chiêu Hoàng.

Vua Lí Anh Tông (1138-1175) sinh 7 hoàng tử: Long Xưởng, được phong thái tử (1151-1181), Long Minh (1152-1175), Long Đức (1153-1175), Long Hòa (1152-1175), Long Ích (1167-1212), Long Trát (1172-1210). Năm 1174 thái tử Long Xưởng phạm lỗi, bị phế làm thứ dân, thái tử Long Trát được phong đông cung thái tử, tức vua Lí Cao Tông (1176-1210). Hoàng tử thứ 7 là Long Tường.

Theo Trần tộc Vạn thế Ngọc phả của dòng dõi Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc để tại từ đường thuộc thị xã Lãnh Thủy, huyện Chiêu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc mà Bác sĩ Trần Đại Sỹ đã đọc được thì phần nói về hoàng tử Lí Long Tường nguyên văn như sau: ‘Hoàng tử thứ bảy Long Tường do Hiền phi Lê Mỹ Nga, sinh vào niên hiệu Chính long Bảo ứng thứ 12 (DL 1174, Giáp Ngọ). Đức Thái Tông nhà ta( tức Trần Cảnh) phong chức tước như sau: Thái sư Thượng trụ quốc, Khai phủ nghị đồng tam tư, Thượng thư tả bộc xạ, lĩnh đại đô đốc, tước Kiến Bình vương. Niên hiệu Kiến trung thứ nhì đời đức Thái Tông nhà ta ( tức Trần Cảnh) tháng tám ngày rằm, vương cùng gia thuộc hơn 6 ngàn người bôn xuất’. (Chúng tôi hết sức ngạc nhiên về con số 6000 người vượt biên trong hoàn cảnh tháo chạy và với khả năng kĩ thuật tầu bè vào thế kỉ 13. Nếu đây là con số chính xác thì hoàng Tử Lí Long Tường xứng đáng là ‘vua vượt biên’!).

Những gì Trần tộc Vạn thế Ngọc phả ghi về hoàng tử Lí Long Tường trên đây không mâu thuẫn với nội dung tường thuật về vị hoàng tử này còn ghi lại trong Tộc phả Lí Hoa Sơn (Địa danh thuộc Bắc Hàn ngày nay):

Hoàng tử Lí Long Tường là vị thân vương duy nhất của triều nhà Lí còn sót lại với những chức tước địa vị cực cao, nhất là đang nắm thực lực binh quyền (Đại đô đốc hải quân) cho nên hoàng tử đã lo sơ bị Thái sư Trần Thủ Độ ám hại. Buộc lòng hoàng tử phải quyết định vượt biên tị nạn chính trị. Trước khi ra đi, hoàng tử đã bí mật lẻn về Kinh Bắc, vái lậy tạ biệt lăng miếu Đình Bảng, tới Thái miếu thu gom các bài vị, các đồ tế khí, rồi trở lại Đồ Sơn đem hết tông tộc hơn 6 ngàn người xuống chiến hạm ra đi. Sau hơn một tháng, hạm đội gạp bão, phải táp vào trú tại đảo Đài Loan. Một con trai của hoàng tử là Lí Đăng Hiền cùng với vợ con ở lại đảo này. Đoàn chiến hạm tiếp tục cuộc vượt biển. Cuối cùng đoàn đã đổ bộ lên cửa Phú Lương Giang, quận Khang Linh (Ong Jin-Gun), tỉnh Hoàng Hải (Hwang hac), thuộc Bắc Cao Li. Vị trí đổ bộ này tên là Nak-nac-wac (Bến của khách phương xa mang theo đồ thờ cúng). Vương được vua Cao Tông (Kojong) cùng quần thần tiếp kiến bằng bút đàm. Sau đó vua ban đồ tiếp tê và cho lập cư ở Ung Tân, phủ Nam Trấn Sơn (Chin sang). Vương cùng thân tộc gắng sức mưu sinh, phát huy học tập văn võ.

Năm 1253, quân Mông Cổ xâm lăng Cao Li. Chiến thuyền và Bộ binh Mông Cổ thắng lợi khắp nơi đe dọa kinh đô. Nhiều tướng Cao li đã tử trận. Thấy tình hình bi đát, Kiến Bình vương Lí Long Tường tình nguyện tới yết kiến Thái úy Vi Hiển Khoan đang nắm binh quyền để hiến kế sách binh pháp nước Đại Việt cho ông. Hoàng tử Lí Long Tường thường cỡi con ngựa trắng chỉ huy đôn đốc binh sĩ giữ thành. Sau 5 tháng kháng chiến kiên cường, quân Nguyên Mông phải rút lui. Cao Li mừng chiến thắng. Nhà vua tưởng thưởng hoàng tử Lí Long Tường, phong cho hoàng tử là Hoa Sơn tướng công theo tên núi Hoa Sơn nơi ông cư ngụ. Vua còn cho dựng bia trên núi Hoa Sơn ghi khắc công lao của tướng công. Đích thân nhà vua tặng 3 chữ Thụ Hàng Môn (cửa tiếp nhận sự đầu hàng của giặc).

Ngày nay, lăng mộ hoàng tử Lí Long Tường và con cháu đến 3 đời vẫn còn trên đối Julbang, xã Đỗ Môn (Tô mơ ki) cách núi Hoa Sơn 10 km về phía Tây. Trên Quảng Đại Sơn vẫn còn Vọng Quốc Đàn là cái đàn hoàng tử thường lên đó để nhìn về phương Nam cố quốc mà ôm mặt khóc. Mỏm đá nơi hoàng tử đặt chân lên đầu tiên có tên là Việt Thanh Nham (tảng đá xanh in dấu vết người Việt). Theo tác giả Trần Đình Sơn trong bài Những Trang Sử Bị Bỏ Quên đã nêu trên đây thì ‘Ngày nay trên đại lộ từ phi trường về thủ đô Hán Thành của Đại Hàn, du khách được chiêm ngưỡng pho tượng Bạch Mã Tướng Công do chính phủ Đại Hàn xây dựng từ thập niên 1960’. Trong chiến tranh Việt Nam, ai cũng biết Đại Hàn đã tham chiến với 2 sư đoàn Mãnh Hổ và sư đoàn Bạch Mã. Sư đoàn Bạch Mã lúc đó do Trung tướng Kim Yong Hiu chỉ huy. Sư đoàn đóng ở Nha Trang và Đèo Cả. Không phải ngẫu nhiên chính phủ Nam Hàn đưa sư đoàn Bạch Mã sang chiến đấu cho tự do tại Việt Nam. Sở dĩ chính phủ mang sư đoàn này sang Việt Nam chắc chắn là để chứng tỏ nước Đại Hàn con nhớ công ơn hoàng tử Lí Long Tường của Việt Nam đã từng chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước Cao Li vào thế kỉ thứ 13, nay để đền đáp, chính phủ Đại Hàn cử sư đoàn Bạch Mã sang chiến đấu cho tự do của Miền Nam Việt Nam.

Theo Bs. Trần Đại Sỹ, dòng họ Lí Hoa Sơn nay truyền tới đời thứ 28. Đa số họ Lí Việt Nam cư ngụ ở Bắc Hàn, không có cách chi thống kê được hết. Riêng tại Nam Hàn, dòng họ Lí này chỉ có khoảng 200 hộ (600 người), nhưng hầu hết đều có trình độ văn hoá cao, nắm giữ những chức vụ trọng yếu. Như trên đã nói, cựu tổng thống Nam Hàn Lí Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của hoàng tử Lí Long Tường.

Cho đến bây giờ, hàng năm đến Tết Nguyên đán, hậu duệ Kiến Bình vương Lí Long Tường từ nhiều nơi vẫn tìm về Hoa Sơn làm lễ tế tổ tiên. Năm 1995, đã có hơn 100 con cháu Kiến Bình vương từ Hàn quốc trở về làng Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh để dự hội làng vào ngày 15 tháng 3 Âm lịch.

Thật là cảm động! Hậu duệ của Kiến Bình vương Lí Long Tường nay đã trở thành người Đại Hàn, không biết nói tiếng nói tổ tiên, nhưng họ vẫn còn giữ đuợc những di vật, những gia phả, hàng năm vẫn tụ vể miền đất Hoa Sơn linh thiêng để cử hành nghi lễ cúng giỗ. Họ vẫn biết gốc gác họ từ nước Việt xa xôi. Họ tự hào là hậu duệ dòng họ Lí lẫy lừng trong lịch sử Việt Nam. Khi có dịp họ hãnh diện nhận mình là người Việt (như tổng thống Lí Thừa Vãn, như sinh viên cao học Sử Lee...). Và 769 năm sau (1226-1996) họ đã trở về viếng thăm đất tổ.

Thời đại chúng ta, ngày quốc nạn 30 tháng 4 năm 1975 đã xua đàn chim Việt tan tác khắp bốn phương trời làm lữ khách. Dẫu biết khoa học kĩ thuật ngày nay tiến bộ vượt bậc cho phép thu ngắn không gian và thời gian và nhân loại đang tiến tới toàn cầu hoá. Tuy nhiên tiến bộ khoa học kĩ thuật không thể thay thế được thiện chí, tình cảm thiêng liêng của những tấm lòng gắn bó với quê hương đất nước. Nơi xứ người, đã có biết bao đồng hương đồng bào cống hiến những sáng kiến và công sức mong gìn giữ tình tự Việt, chất Việt cho con cháu lớn lên ở hải ngoại. Thật đáng khâm phục. Hi vọng 100 năm sau, 200 năm sau, 300 năm sau…lớp hậu duệ vẫn còn biết gốc gác của mình, vẫn hãnh diện nhận mình là người Việt theo gương hậu duệ của ‘thuyền nhân’ Lí Dương Côn và Lí Long Tường thuở xưa.

Ghi chú: Những dịp chúng tôi được tiếp xúc với Giáo sư Kim Định rất ít, cho nên chúng tôi chỉ được nghe Giáo sư khen ngợi có 3 vị. Đó là Giáo sư Lê Tôn Nghiêm, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ và Bác sĩ Trần Đại Sỹ. Tại giảng đường thuở xưa, Giáo sư Kim Định khen ngợi Giáo sư Lê Tôn Nghiêm, bạn lâu đời của ông, là có thế giá bậc nhất về Triết học Tây phương ở Miền Nam, và khen Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, giáo sư Triết học Trung Hoa, là nếu có Hàn lâm viện thì Bác sĩ Thọ phãi là một thành viên. (Trên tường phòng mạch của Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ ở đường Võ Tánh, Phú Nhuận, chúng tôi đọc được 4 chữ ‘Thông Kim Bác Cổ’ do các nhân sĩ Đà Nẵng tặng cho ông hồi ông còn là thiếu tá Giám đôc bệnh viện quân y Duy Tân, Đà Nẵng). Khi sang đây, có dịp tới tu viện Dòng Đồng Công Missouri, chúng tôi lên lầu viếng thăm Giáo sư Kim Định đang nằm đưỡng bệnh. Trong câu chuyện, chúng tôi lại được nghe Giáo sư Kim Định khen ngợi Bác sĩ Trần Đại Sỹ là ‘một tay rất khá đó’.

Chúng tôi không được hân hạnh quen biết Bác sĩ Trần Đại Sỹ, nhưng qua sách báo chúng tôi được biết ông đã đảm trách và thực hiện những công trình sau đây: Ông là Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Tổng Hợp Y học Âu Á của nước Pháp, có nhiệm vụ trao đổi y học giữa nước Pháp và nước Tầu. Do công vụ, ông có nhiều dịp đi sang Tầu. Là một tay tinh thông Nho học lại say mê nghiên cứu cổ sử Việt, ông đã lợi dụng những chuyến đi công tác để thực chứng những vị trí và tìm đọc những tài liệu có liên quan tới lịch sử cổ Việt. Năm 1980, ông đã tới Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, đã tới núi Ngũ Lĩnh, cánh đồng Tương, hồ Động Đình và núi Tam Sơn. Chính tại tỉnh Hồ Nam, Bs. Trần Đại Sỹ đã được đọc Trần tộc Vạn thế Ngọc phả đã nêu trên. Bs Trần Đại Sỹ là tác giả của nhiều bộ trường thiên tiểu thuyết dã sử như: Anh Hùng Lĩnh Nam, 4 cuốn; Động Đình Hồ Ngoại Sử, 3 cuốn; Cẩm Khê Di Hận, 4 cuốn; Nam Quốc Sơn Hà, 5 cuốn, ngót 2300 trang; Anh Hùng Đông A-Dựng Cờ Bình Mông, 5 cuốn, ngót 2500 trang. Ngoài ra ông còn diễn thuyết trước các hội nghi quốc tế về triết lí, quan niệm y học về tình dục rất lạ của người Tầu thuở xưa cùng phần tực hành và các bài thuốc.