Các linh mục đứng thách thức trước hàng rào cảnh sát
Ngày thứ Năm đẫm máu
Niềm vui chiến thắng
Hoan hô bà Yulia Tymoshenko
Lắng nghe bà Yulia Tymoshenko
Tạ ơn Đức Mẹ
Tổng thống bị lật đổ ông Viktor Yanukovych đã tìm cách trốn ra nước ngoài bằng máy bay nhưng bất thành.

Phát ngôn viên của công an biên phòng Serhiy Astakhov cho thông tấn xã AFP biết là vào sáng Chúa Nhật 23 tháng Hai, một chiếc máy bay riêng đã tìm cách cất cánh từ phi trường quốc tế Donetsk nhưng không có giấy tờ hợp lệ. Donetsk là một thành phố ở phía Đông Ukraine nằm sát biên giới Nga, cách thủ đô Kiev 550km về phía Đông Nam.

Ông Astakhov nói: “Khi các viên chức đến kiểm tra giấy tờ, họ thấy những người có vũ trang đưa tiền hối lộ để máy bay cất cánh vì lý do khẩn cấp.” Công an biên phòng đã không nhận tiền hối lộ.

Trong lúc hai bên còn giằng co, hai chiếc thiết giáp đã đến bên cạnh máy bay. Viktor Yanukovych đã ló mặt khỏi máy bay và được hai chiếc thiết giáp hộ tống đưa ra khỏi phi trường, không biết là đi đâu.

Số phận của Vitaly Zakharchenko, bộ trưởng nội vụ của Viktor Yanukovych, xem ra hẩm hiu hơn. Hôm thứ Bẩy, ông ta bị công an biên phòng bắt giữ khi đang tìm cách trốn sang Nga bằng cách thuê một chiếc máy bay tại phi trường quốc tế Donetsk.

Trong khi đó, tại các thành phố Bila Tserkva, Khmelnitsky, Zhytomyr thuộc miền Tây Ukraine dân chúng thi nhau giật sập các tượng đài của Lênin bằng dây thừng và xà beng.

Lên tiếng trên đài truyền hình Kharkiv, thuộc phần phía Đông Ukraine vào sáng thứ Bẩy, nói bằng tiếng Nga chứ không phải tiếng Ukraine, Viktor Yanukovych cáo buộc “bọn khủng bố và băng đảng” tổ chức một cuộc đảo chính bạo lực. Ông ta tuyên bố không có ý định từ chức. Tuy nhiên, ngay sau đó Quốc hội Ukraine đã đồng thanh truất phế ông ta.

Trước đó Quốc Hội Ukraine đã đồng thanh tuyên bố trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến là cựu nữ thủ tướng Yulia Tymoshenko, người đã bị Viktor Yanukovych cầm tù với tội danh “lạm dụng chức quyền.”

Bà Yulia Tymoshenko đã được hơn 50,000 người hoan hô tại quảng trường Độc Lậo hay còn gọi là quảng trường Maidan.

Từ khuya thứ Sáu rạng ngày thứ Bẩy, các lực lượng công an và cảnh sát chống biểu tình đã lặng lẽ chuồn, kể cả quân phòng vệ phủ tổng thống. Sáng thứ Bẩy, người biểu tình đã chiếm dinh tổng thống và các công thự chính phủ. Tại biệt điện của Viktor Yanukovych ở ngoài thủ đô Kiev, họ tận mắt chứng kiến cảnh xa hoa như vua chúa của Viktor Yanukovych.

Cuộc biểu tình của người dân Ukraine đã nổ ra từ ngày 21 tháng 11 năm 2013 sau khi Viktor Yanukovych tuyên bố hủy bỏ các hiệp ước với Liên Hiệp Âu Châu và tìm kiếm những quan hệ gắn bó hơn với Mạc Tư Khoa. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin hứa hẹn cắt giảm giá khí đốt cung cấp cho Ukraine và một khoản tín dụng 15 tỷ Mỹ Kim coi như đền bù thiệt hại cho việc Ukraine hủy bỏ các hiệp ước với Liên Hiệp Âu Châu vào ngày 17 tháng 12.

Những diễn biến đáng chú ý trong tuần qua:

1) Hôm thứ Ba 18 tháng Hai, tổng thống Yanukovych nói có âm mưu đảo chính. Cảnh sát được lệnh tấn công vào quảng trường Maidan để dẹp những người biểu tình. Trong khi đó những người biểu tình cũng tấn công quyết liệt hơn vào cảnh sát và nổi lửa trước tòa nhà quốc hội vì tin rằng Yanukovych đã bí mật thương thảo với Nga. Một ngày trước đó, hôm thứ Hai 17 tháng Hai, Nga đã trao cho Ukraine 2 tỷ Mỹ Kim trong tổng số 15 tỷ Mỹ Kim là tiền viện trợ Nga dành cho Ukraine để đổi lấy việc Ukraine từ chối các hợp đồng mậu dịch với Liên Hiệp Âu Châu.

26 người chết trong cuộc giao tranh đẫm máu tại quảng trường Maidan, trong đó có 10 cảnh sát viên và một ký giả quốc tế. Nhiều đồn bót cảnh sát tại Lviv bị cướp phá.

Bộ trưởng nội vụ Vitaly Zakharchenko nói Ukraine đang phải chống lại “chủ nghĩa khủng bố” và doạ đưa quân tấn công vào quảng trường Maidan.

2) Hôm thứ Tư 19 tháng Hai, Liên Hiệp Âu Châu dọa đưa ra những cấm vận đối với Ukraine. Nato cũng cảnh cáo quân đội Ukraine không được tham dự vào những cuộc đàn áp người biểu tình. Yanukovych cách chức tham mưu trưởng quân đội Ukraine vì cho rằng ông này có lập trường ủng hộ người biểu tình.

Kế hoạch tấn công của công an và cảnh sát chống biểu tình nhằm chiếm quảng trường Maidan bị thất bại vì đông đảo tràn ra đường tiếp tế cho những người biểu tình.

Yanukovych đồng ý với các phe đối lập về một thoả thuận hòa bình trong khi Nga cáo buộc người biểu tình đang âm mưu “đảo chính” Yanukovych.

3) Hôm thứ Năm 20 tháng Hai, giao tranh lại bùng lên ác liệt hơn chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận hòa bình này được công bố. Cảnh sát bắn tỉa vào người biểu tình giết chết ít nhất 60 người trong khi bộ trưởng nội vụ Vitaly Zakharchenko cáo buộc người biểu tình bắt làm con tin 67 cảnh sát.

Đô trưởng Kiev từ chức để phản đối cảnh tắm máu dân chúng.

4) Hôm thứ Sáu 21 tháng Hai, Yanukovych đồng ý tuyển cử sớm để xoa dịu làn sóng căm phẫn của dân chúng.

Quốc hội biểu quyết quay lại Hiến Pháp 2004, giới hạn quyền hành của tổng thống.

5) Trong đêm thứ Sáu rạng ngày thứ Bẩy, chính quyền Yanukovych tan rã, Yanukovych lặng lẽ bỏ trốn sang Kharkiv là cứ điểm của những hậu duệ Nga.