IRAN ĐIỂM NÓNG MỚI TRÊN THẾ GIỚI (2)



SƠ LƯỢC VỀ NƯỚC IRAN (hay Ba Tư)

Dân số 65 triệu (1997). Thủ đô Tehran.

Địa lí: Iran là nước lớn nhất ở Trung Đông, rộng 636,000 dặm vuông (khoảng 1,648,000km2), bằng 1/6 Hoa kì. Bắc giáp nước Armenia, biển Caspian Sea, nước Azerbaijan và nước Turkmenistan. Đông giáp Afghanistan va Pakistan. Nam là vịnh Persian Gulf và Gulf of Oman. Tay giáp Turkey va Iraq. Hầu hết diện tích Iran là cao nguyên và đồi núi hoặc sa mạc. Đây cũng là một vùng ít mưa vào bậc nhất trên thế giới.

Lịch sử: Các sử gia ghi nhận lịch sử Iran bắt đầu khoảng 6000 năm trước công nguyên. Khi ấy vùng đất phía bắc vinh Iran (the Persian Gulf) và một phần bình nguyên Iran có những đơn vị làng xã dân cư sống bằng nghề nông, chăn nuôi, biết làm đồ sứ và đồ kim loại.

THỜI LẬP QUỐC TIẾN TỚI THỜI ĐẾ QUỐC BA TƯ I

Khoảng năm 3000 trước công nguyên, người Elamites tới sống ở miền tây nam Ba Tư. một số biết đọc biết viết, có hàng tăng lữ, có vua trị vì theo kiểu cha truyền con nối và họ là những chiến binh rất thiện chiến. Dần dần người Elamites bành trướng về phía đông, băng qua cao nguyên nằm ở vùng trung tâm của đất nước.

Khoảng năm 1500 trước công nguyên, người Ấn Âu (Indo-Europeans), còn gọi là Aryans, từ miền bắc đã di cư xuống chiếm ngụ miền đất phía nam này. Do đó mà có tên gọi Iran, có nghĩa là đất của người Iran. Một số di dân Aryans sống du mục đi tiếp xuống phía nam Iran và đặt tên miền đất họ tới là Pars hay Parsa. Do đó có tên gọi họ là người Persians.

Khoảng năm 500 trước công nguyên là triều đại Achaemenid. Triều Achaemenid đã thiết lập một đế quốc dầu tiên trên thế giới bao trùm từ Ấn độ tới Ai cập chiều ngang tới 3000 dặm (7,769 km) và chạy dọc từ bắc xuống nam dài 500-1,500 dặm (1,294-3,884 km). Có 3 vị anh quân nổi bật lên trong triều đại Achaemenid:

Đại vương Cyrus: Chính Cyrus đã hạ được thành Babylon lừng lẫy, từng thống lãnh khắp Miền Trung Đông. Đại vương trị vì 29 năm từ 558 tới 529 trước công nguyên, nổi tiếng công minh và nhân từ đối với dân chúng vùng ông mới chinh phục. Cũng chính ông đã cho phép hàng ngàn người Do Thái bị lưu đầy ở Babylon được trở về cố đô điêu tàn Jerusalem của họ.

Đại vương Darius I: Trị vì 35 năm, từ 521 tới 486 trưóc công nguyên. Đại vương phải đánh dẹp nhiều cuộc nổi dậy, nhưng sự nghiệp sáng chói của đại vương là có biệt tài hành chánh cai trị. Đại vương phân chia đế quốc thành các tỉnh, đặt các quan cai trị với phần hành riêng biệt, có cơ quan ‘tai mắt’ thanh tra bất chợt tận mỗi địa phương. Darius đã xây dựng hệ thống xa lộ đầu tiên trên thế giới, mặt đường lát đá, rộng đủ cho loại xe tứ mã lưu thông. Dọc xa lộ đặt các trạm thông tin, cách nhau một ngày đường đi bằng ngựa. Đồng thời có các đồn binh để giữ an toàn xa lộ. Đại vương còn xây dựng được thành phố Persepolis rất tân tiến, có đền đài, cửa hàng, trại binh, có hệ thống dẫn nước sạch và hệ thống thoát nước thải. Vào thời cổ xưa ấy, những công trình sáng kiến thiết kế đô thị này phải được coi là kì tích. Triều đại đại vương Darius đem tới một thời thịnh trị. Thế nhưng vào những năm cuối, người Hi Lạp và Ai Cập nổi dậy và chính người Hi Lạp đã đánh bại quân của đại vương trong trận nổi tiếng Marathon năm 490 trước công nguyên. Đại vương đang ráo riết chuẩn bị bô binh và hải quân để chinh phạt Ai Cập và Hi Lạp thì băng hà.

Đại vương Xerxes: Là con của đại vương Darius. Trị vì 21 năm, từ 486 tới 465 trước công nguyên. Đại vương tiếp tục theo đuổi ý chí chinh phạt của phụ vương, song ông chỉ gặt hái được chiến công bằng bộ binh, còn tên biển, hạm đội của ông bị hải quân Hi Lạp đánh bại khiến đại vương phải triệt thoái và bắt đầu cho thời suy vi của đế quốc Ba Tư.

THỜI BỊ TRỊ I

Alexander đại đế: Năm 336 trước công nguyên, Alexander phát xuất từ xứ Macedonia (bắc Hi Lạp), thống lãnh quân Macedonia và quân Hi Lạp với ý đồ chinh phuc vùng tây nam Á châu, đã quyết tâm chiếm trọn đế quốc Ba Tư. Alexander đã đánh bại quân Ba Tư tại Issus (Thổ Nhĩ Kì ngày nay) vào năm 333 trước công nguyên. Rồi sau khi chinh phục Ai Cập, đại đế lại đánh thắng quân Ba Tư tại Arbela. Sau thắng lợi, đại đế lệnh cho đốt hết sách vở, thư viện và kho tàng của Ba Tư mục đích để khẳng định ngôi vị bá chủ. Tuy vậy, khi đã nắm vững quyền hành, đại đế cũng cai trị khá công minh, nhân từ. Đã thu nhận người Ba Tư vào những vị trí chính quyền và trong quân đội, đã khuyến khích quân nhân Hi Lạp và Macedonia cưới các phụ nữ Ba Tư.

Các vua Seleucids: Năm 323 trước công nguyên, Alexander đại đế băng hà. 3 thuộc tướng đã cát cứ mỗi vị một phần của đế quốc. Nước Ba Tư nằm dưới quyền cai trị của tướng Seleucus và các vi vương kế vị suốt 100 năm. Trong triều đại này, thương nghiệp quốc tế được phát triển với nguồn hàng hóa lưu chuyển qua lại từ Trung Hoa tới Âu châu qua ngả Ba Tư. Nguồn hàng hóa của Ba Tư gồm có thảm, đá qúy, vải vóc, trái cây, mè… Tới năm 250 trước công nguyên, dòng họ Seleucids mất quyền hành vào tay người Parthians.

Người Parthians: Người Parthians đến từ vùng miền đông biển Caspian, có liên hệ với dân Persians. Họ là những kị binh cực kì thiện chiến. Khoảng năm 87 trước công nguyên, họ chiếm lãnh toàn phần lãnh thổ rộng lớn từ Hi Lạp sang tận Ấn Độ. Suốt thời kì 300 năm sau đó họ liên tiếp đánh bại quân của đế quốc Roma và chận đứng đế quốc Roma không thể bành trướng sang phía đông được. Dưới thời này, Ba Tư phát triển nổi bật về mĩ nghệ, thông dụng vữa ‘stucco’ trong xây dựng, dùng kĩ thuật nung đất sét trong điêu khắc và dùng men xanh lục tuyệt đẹp cho đồ sành sứ. Về thương nghiệp, họ giao dịch với Trung Hoa, truyền sang Trung Hoa giống bí đỏ và hành, ngược lại Trung Hoa đưa sang Ba Tư cây mơ và tơ tằm. Người Parthians dệt tơ để xuất sang Âu châu. Năm 224 (tân lịch), người Ba Tư giành được quyền tự chủ từ tay người Parthians, thiết lập ra tân đế quốc Ba Tư, thuộc triều đại Sassanian, còn vĩ đại hơn đế quốc Ba Tư I.

ĐẾ QUỐC BA TƯ II

Triều đại Sassanians: triều đại này kéo dài 4 thế kỉ. Vị sáng lập là Ardashir I. Ông xuất thân từ miền nam Ba Tư, vốn là một quan trong triều Parthian. Theo truyện kể, ông dan díu với bà vợ yêu qúy của nhà vua. Rồi ông nổi dậy đánh bại người Parthians vào năm 224 và trở thành ‘vị vua của các vị vua của người Aryans’. Là một tướng lãnh kiệt xuất, ông đã đưa biên cương Ba Tư tới tận Ấn Độ. Đồng thời ông cũng là nhà cai trị có tài, đã bảo vệ nông dân vì hiểu rằng nông dân nuôi sống quân đội của ông. Về tôn giáo, ông thiết lập Thánh hỏa giáo (Zoroastrianism) thành quốc giáo.

Kế vị Ardashir là con trai ông, tức Shapur I. Shapur còn kiệt hiệt hơn cha. Vào năm 260, Shapur đã thắng trận và bắt sống được hoàng đế Roma là Valerian. Truyện kể rằng Shapur bắt hoàng đế Valerian phải làm bệ cho ông leo lên ngựa! Ngoài câu chuyện ấy ra, ông cũng tỏ ra là vị vương có văn hóa, đã ra lệnh dịch thuật nhiều sách khoa học, y học, triết học…từ các thứ tiếng Hi Lạp, La Tinh, Sanskrit ra tiếng Iran.

Vị đại vương lừng danh thứ ba của triều đại Sassanian là đại vương Chosroes I, trị vì từ 531 tới 579. Đại vương được phong tặng danh hiệu Ông Phúc vì đã đem lại an lạc thịnh vượng cho dân nước: Phát triển chăn nuôi, tu bổ hệ thống đường xá, cải thiện thuế má, xây dựng những đô thị mới, lập các viện mồ côi, cấp học bổng cho học sinh giỏi nhưng nghèo, cấp của hồi môn cho các phụ nữ nghèo. Đại vương còn cổ vũ các nghệ nhân, các họa sĩ và chấp nhận cả các tôn giáo không phải là Thánh Hỏa giáo, như Thiên Chúa giáo chẳng hạn.

Tiếc cho dân tộc Ba Tư, những vị vương kế vị sau này không còn là những minh quân, đã dần dần đưa đế quốc tới chỗ suy vi. Có lúc, chỉ trong 6 năm, lần lượt 7 vị vương thay nhau chiếm ngai vàng. Cuối cùng, năm 627, triều đại Sassanian đã rơi vào tay người Ả Rập.

THỜI BỊ TRỊ II

Người Ả Rập, 627-900s: Người Ả Rập là dân du mục, phát xuất từ miền sa mạc Ả Rập phía tây nam của Ba Tư. Người Ả Rập đã du nhập đạo Hồi vào Ba Tư. Đó là sự kiện có ý nghĩa lịch sử cực kì quan trọng. Chỉ trong vòng 150 năm, tuyệt đại đa số người Ba Tư đã theo Hồi giáo phái Shi’ites (hầu hết người Ả Rập theo Hồi giáo phái Sunnis). Ngưới Ả Rập phát động cuộc trường chinh thánh chiến, đem Hồi giáo về hướng đông tới tận thung lũng sông Indus (nay thuôc phía dông Pakistan, gần biên giới Ấn Độ), về hướng nam xuống tới bắc Phi, về hướng tây tới tận Tây Ban Nha. Tuy xâm chiếm Ba Tư, nhưng dần dần ngưới Ả Rập đã bị ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Ba Tư: Người Ả Rập bắt chước nguời Ba Tư ngồi vào bàn ăn thay vì tục ngồi ăn trên đất, mặc quần Ba Tư thay vì tấm vải choàng Ả Rập, biết cách xử dụng vũ khí máy bắn đá và phản gỗ để tấn công thành. Bậc vương giả dùng hoàng bào triều đại Sassanian, bắt dân phải cúi rạp xuống đất để tỏ lòng suy phục. Nhiều người Ba Tư được bổ nhiệm vào những vị trí chính quyền quan trọng. Tiếp tục xử dụng hệ thống bưu chính và hệ thống tiền tệ của Ba Tư. Sau 300 năm cai trị Ba Tư, người Ả Rập bắt đầu suy yếu. Vào khoảng những năm 1000, Ba Tư lại rơi vào tay những kẻ xâm lược đến từ phương bắc.

Người Turks, 1040-1220: Người Turks phát xuất từ trung Á, họ đã chiếm Ba Tư trên đường tây tiến về miền đất ngày nay là nước Thổ Nhĩ Kì của họ. Người Turks cai trị Ba Tư một cách lỏng lẻo. Họ chú tâm nghiên cứu khoa học và sáng tác thi ca. Sau gần 2 thế kỉ cai trị, người Turks để mất Ba Tư vào tay người Mông Cổ.

Người Mông Cổ 3 lần xâm lăng Ba Tư: Năm 1220, Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) xâm lăng Ba Tư lần thứ nhất. Tới năm 1256, cháu của Thành Cát Tư Hãn là Hulagu Khan xâm lăng Ba Tư lần thứ hai. Trong 2 lần xâm lăng này, quân Mông Cổ đà tàn phá nước Ba Tư. Năm 1380, Tamerlane xua quân Mông Cổ xâm lăng Ba Tư lần thứ ba. Lần này quân Mông Cổ cũng tàn phá một số thành trì, trong số đó có thành Esfahan. Tại đây quân Mông Cổ giết hại tới 70 ngàn cư dân. Tuy nhiên Tamerlane cũng còn biết khuyến khich nền kiến trúc và nền hội họa Ba Tư. Đồng thời ông cũng đặt nhiều người Ba Tư vào những vị trí chính quyền. Sau thời Tamerlane, uy quyền Mông Cổ suy yếu. Tới năm 1501, người Ba Tư phục quốc, thành lập ra đế quốc Ba Tư III.

ĐẾ QUỐC BA TƯ III

Triều đại Safavids: Vị sáng lập triều đại Safavids là Ismail, 1501-1524. Ông thống nhất xứ sở, mở rộng biên cương và lập Hồi giáo phái Shi’ites làm quốc giáo.

Đại vương Shah Abbas Đệ Nhất, 1587-1628. Ông là vị đại vương sáng chói nhất triều đại Safavid, đã đánh bại nhiều quân thù, rồi chuyên chủ phát triển tôn giáo, thương mại và nghệ thuật. Công trình vĩ đại nhất của đại vương là xây dựng kinh đô mới Esfahan hoành tráng vĩ đại đến nỗi được xưng tụng là ‘Esfahan nesf-e jahan’ (Esfahan là một nửa thế giới).

Triều đại Nadir Shah, 1736-1747: Sau khi đại vương Shah Abbas băng hà, triều đại Safavid suy tàn dần. Có thời Ba Tư đã bị người Afghans cai trị. Song một kẻ chăn dê vốn là một nô lệ tên là Nadir Shah đã nổi lên và chiếm được ngai vàng vào năm 1736. Chẳng những Nadir đánh đuổi quân Afghans ra khỏi bờ cõi mà còn chinh phục được nước Afghanistan rồi tiến vào Ấn Độ. Ở đó Nadir đã lập chiến công lẫy lừng chỉ trong vòng 2 tháng. Trong số những chiến lợi phẩm, Nadir đã đem về Ba Tư viên ngọc qúy Koh-i-noor và ngai vàng Peacock Throne kết bằng hơn 20,000 viên ngọc chạm các loại. Tuy có biệt tài quân sự nhưng Nadir là một vị đại vương tàn ác. Ông đã bị các cận vệ hạ sát vào năm 1747. Sau Nadir, Iran bị chia làm 3 vương quốc trước khi một triều đại mới nổi lên. Đó là triều đại Qajars.

Triều đại Qajars, 1794-1925: Thời kì này, Ba Tư phải đương đầu với 2 vấn đề mới. Những tư tưởng mới và những kẻ thù mới. Vấn đề thứ nhất là do những sinh viên Ba Tư du học bên Âu châu đã đem tin tức cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, những tư tưởng tự do dân chủ và quyền người phụ nữ về nước. Đó là những điều mà giới tăng lữ và giới nông dân thất học không muốn dung nạp chút nào. Vấn đề thứ hai là kẻ thù Nga dòm ngó những hải cảng ấm áp mở ra biển Caspian (the Caspian Sea) và vịnh Ba Tư (the Persian Gulf) cho nên họ đã phát động 2 cuộc xâm lăng vào năm 1813 và 1828. Họ đã chiếm giữ một số tỉnh của Ba Tư. Đang khi đó, Anh quốc không muốn thấy hải quân Nga trong vịnh Ba Tư, vì như thế, có thể cản trở việc thông thương buôn bán với thuộc địa Ấn Độ của họ. Những nhà cai trị thuộc triều đại Qajars, vì cần tiền, nên đã nhân nhượng cả Nga lẫn Anh quốc. Họ cho người Anh thành lập the Imperial Bank of Persia. Người Nga cũng được phép thành lập ngân hàng riêng. Cả hai nước này đã khai thác các mỏ, mở các công ti thương mại, mua lại các công kĩ nghệ, như kĩ nghệ xây dựng đường sắt, kĩ nghệ sản xuất thuốc lá…Họ cũng đứng ra tổ chức các đơn vị quân đội Ba Tư nhưng do sĩ quan của họ chỉ huy. Tình trạng này dẫn tới một nền kinh tế suy đồi. Đất nước bị tước mất các nguồn tài nguyên. Thuế má tăng mau, đang khi đó hoàng gia vẫn tiếp tục sống xa hoa, hoang phí khiến cho dân chúng bất mãn. Năm 1906, tình hình quá rối ren, bắt buộc nhà vua phải chấp nhận một bản hiến pháp, trong đó quy định một quốc hội dân cử. Biến cố này hết sức quan trọng, đánh dấu sự thay đổi đầu tiên sau 2.500 ngự trị của thể chế quân chủ tuyệt đối. Tuy nhiên các vị dân cử đã không đồng ý với nhau về một chính sách chung: các giáo sĩ và các thương gia không muốn có bất cứ một ảnh hưởng ngoại lai nào; đang khi các nhà cải cách muốn tây phuơng hóa để canh tân và làm cho đất nước phú cường. Sự chia rẽ đã đưa tới tình trạng bế tắc: đôi bên mặc nhiên coi như vẫn giữ nguyên trạng, không có chuyện gì xẩy ra.

Năm 1908, một sự kiện quan trọng xẩy ra khiến lịch sử Ba Tư mở sang một trang mới để bước vào thời hiện đại: sự phát hiện ra dầu mỏ. Năm 1909, công ti The Anglo-Persian Oil ra đời, bắt đầu khoan dầu và xây cất các xưởng lọc dầu dọc theo vịnh Ba Tư. Không bao lâu, dầu trở thành kĩ nghệ then chốt của Ba Tư và The Anglo-Persian Oil là chủ nhân lớn mạnh nhất nước.

Thế chiến thứ nhất bùng nổ năm 1914, Ba Tư tuyên bố đứng trung lập, song trên thực tế lại ngả về phe Đức vì căm thù Nga và Anh quốc.

Khi đại chiến vừa chấm dứt tháng 11 năm 1918 thì ngay mùa đông ấy ở Ba Tư xẩy ra nạn đói cướp đi hàng chục ngàn mạng người. Nước Nga triệt thoái khỏi Ba Tư, nhưng Anh quốc vẫn cố níu kéo lấy quyền hành tại Ba Tư.

Năm 1923, sau khi chỉ định tướng Reza Khan làm thủ tướng, nhà vua đi Pháp để ăn chơi. Hành động khờ dại này khiến nhà vua mất ngai vàng vào tay Reza Khan 2 năm sau đó và triếu đại Pahlavi ra đời.

Triều đại Pahlavi:

Vua Reza Khan Pahlavi, 1925-1941: Reza Khan lên ngôi, ra sức canh tân đất nước: thay đổi phong tục, phát triển kinh tế và cải tổ chính quyền.

Đàn ông diện đồ kiểu tây phương, đội mũ thay vì khăn xếp và quần rộng thùng thình. Phụ nữ không còn phải chùm chador kín mít từ đầu tới chân chỉ chìa mặt và bàn tay ra mà thôi. Tuổi kết hôn nâng từ 9 lên 15 tuổi. Đàn ông phải cho người vợ tương lai biết đã có vợ chưa và có bao nhiêu vợ rồi. Luật Hồi giáo cho đàn ông được có 4 vợ, miễn là đối xử với các bà vợ bằng nhau. Hàng giáo sĩ Hồi giáo, do đó, đã mất đi rất nhiều tài sản và ảnh hưởng.

Vua Reza Khan thành lập ngân hàng Ba Tư thay cho ngân hàng của Nga và Anh quốc. Ông cũng xây dựng đường sắt đầu tiên cho Ba Tư. Đồng thời ông cho xây các nhà máy: xi măng, đường, dệt và thành lập viện đại học đầu tiên của Ba Tư, tức đại học Tehran. Reza Khan được quân đội ủng hộ cho nên ông không đếm xỉa gì tới quốc hội, mọi chính sách do chính ông quyết định. Ông cố gắng thu phục các bộ lạc du mục về với chính phủ.. Theo ý của ông từ nay xử dụng quốc hiệu là Iran không còn gọi là Persia nữa. Ông đặc biệt muốn đề cao vinh quang của đất nước ông trước thời đại Hồi giáo.

Đại chiến thứ hai bùng nổ năm 1939. Một lần nữa Iran lại ngả về phe Đức quốc xã. Vì thế Liên Xô và Anh quốc chiếm đóng Iran vào năm 1941. Vua Reza Khan phải thoái vị và lưu vong tại Nam Phi rồi qua đời 3 năm sau đó.

Vua Mohammad Reza Pahlavi, 1941-1979: Liên xô và Anh quốc đưa con trai cả của vua Reza Khan là Mohammad Reza lên làm quốc vuơng Iran mặc dù Mohammad chỉ là một chàng trai mang tiếng chơi bời phóng túng. Thâm ý của Liên xô và Anh quốc muốn một tân vương như thế để dễ sai khiến. Đồng thời Hoa Kì cũng đổ vào Iran số quân lên tới 30,000 người để lo chuyển vận đồ tiếp tế quân sự cho Liên xô. Tới năm 1943. Hoa Kì, Anh quốc và Liên xô họp hội nghị ở Tehran. Họ đồng thuận sẽ rút quân ra khỏi Iran trong vòng 6 tháng khi chiến tranh chấm dứt. Năm 1945, Chiến tranh kết thúc, chỉ có Anh, Mĩ rút quân theo thỏa ước, còn quân Liên xô vẫn ở lại để o ép Iran về vấn đề dầu lửa và để khơi lên những nhóm li khai ở miền bắc và miền Tây của Iran. Hoa Kì liền gửi tối hậu thư ra hạn trong 6 tuần Liên xô phải triệt thoái ngay, nếu không Hoa Kì sẽ đưa quân tới để cưỡng ép. Liên xô đã phải nhượng bộ. Sau đó các nhóm li khai đã bị quân chính phủ đè bẹp.

Vào khoảng năm 1950, một cuộc khủng hoảng chính trị khác bùng nổ với nhân vật chính là tiến sĩ Muhammad Mussadiq. Nhà chính khách này diễn thuyết nảy lửa về chủ đề kĩ nghệ dầu mỏ. Ông lên án hợp đồng giữa Iran và Công Ti Dầu Lửa Anh Quốc- Iran (The Anglo-Iranian Oil Company) là bất công, người Anh hưởng phần lợi nhuận quá lớn so với Iran. Do đó ông hô hào phải quốc hữu hóa kĩ nghệ dầu lửa. Iran phải dành lấy quyền khai thác, chế biến dầu và hưởng các lợi nhuận. Giới giáo sĩ, thương gia và sinh viên nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh của Muhammad Mussadiq. Kết quả, kĩ nghệ dầu lửa Iran được quốc hữu hóa vào năm 1951.

Thế nhưng Iran đã không đủ kĩ thuật để đảm đương công tác khiến cho sản lượng dầu suy giảm, hàng ngàn nhân công thất nghiệp, chính phủ thất thu thảm hại. Và nội chiến đã xẩy ra. Quốc vương đã phải bôn đào. Song chỉ 4 ngày sau, Hoa Kì đã đưa ông trở về, buộc Muhammad Mussadiq phải ra đi. Hoa Kì quyết tâm ủng hộ quốc vương chống lại phe Mussadiq được người Cộng sản Iran ủng hộ. Hoa Kì không muốn dầu lửa của Iran nằm trong tay nhóm người thân Liên xô.

Quốc vương Mohammad trở về đã tiếp tục công cuộc canh tân của vua cha: Phân phát ruộng đất cho nông dân, xây trường học ở nông thôn, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, mở thêm bệnh viện, trồng cây gây rừng, phát triển đường xá tận thôn quê, phụ nữ được quyền bầu cử và giữ những vị trí công quyền…

Bên cạnh những cải tiến tích cực, triều đại Mohammad Reza Pahlavi đã để lộ không ít những điểm tiêu cực: Đang khi kĩ nghệ tăng triển thì nông sản sút giảm, phải nhập cảng tới 1/3 nhu cầu, nông dân tuốn về các đô thị gây nạn khan hiếm nhà cửa, lạm phát tăng 40% mỗi năm, dân du mục bất mãn vì phải từ bỏ nếp sống cũ, giới giáo sĩ không chấp nhận tây phương hóa đi ngược lại luật lệ Hồi giáo, nhất là vì đã cho phụ nữ quá nhiều tự do. Về phần dân chúng, nhiều người không chấp nhận lối sống xa hoa lãng phí của nhà vua, khi mà hàng chục ngàn làng mạc còn chưa có nước máy để dùng. Nhiều người khác thắc mắc tại sao lại chi tiêu quá lớn cho những thiết bị quân sự.

Do tình hình, càng ngày nhà vua càng trở nên độc tài: ông hạn chế tự do ngôn luận, bỏ tù hoặc bắt đi lưu vong những người phê phán nhà vua, thiết lập thêm Cơ Quan An Ninh Tình Báo Quốc Gia (The State Organization for Intelligence and Security) để do thám và đàn áp những phần tử bất đồng chính kiến, dẹp bỏ các đảng phái đối lập trừ ra đảng của nhà vua.

Thế nhưng nhà vua đã không thể dập tắt được chống đối. Báo chí và các giáo sĩ tiếp tục phê phán ông. Thợ thuyền và dân chúng các thành phố biểu tình xô xát với lực lượng cảnh sát khiến hàng trăm người thiệt mạng. Cho tới khoảng cuối năm 1978, tình hình thấy rõ là đa số dân chúng Iran không còn ủng hộ quốc vương Mohammad Reza Pahlavi nữa.

Cuối cùng, ngày 16 tháng 01 năm 1979, quốc vương bắt buộc phải đi lưu vong lần thứ hai và cũng là lần chót. Hai tuần lễ sau đó, đại giáo chủ Ayatollah Khomeini đang lưu vong tại Pháp đã trở về và nắm chính quyền vào ngày 11 tháng 02 năm 1979. Thế là nước Iran bước sang một trang sử mới.

Còn tiếp