DI THẢO SỐ 25: VỀ HỘI NƯỚC NGOÀI (*)

(Cuối năm 1866)

Kính bẩm.

Hội này, gọi là hội nước ngoài. Hội có hai công việc là cử người du hành và cử người quan sát các nơi làm công việc như sau:

1. Dạy người tập làm các thứ có lợi cho việc sinh sống mà hay hơn các phương pháp cũ, như đào kênh dẫn nước tưới rộng, hoặc đem các vật từ nước này đến trồng, hoặc các cách trồng dâu nuôi tằm làm cho phát triển, sinh sôi nảy nở thu hoạch được nhiều, thu lợi gấp bội.

2. Buôn bán. Hội này sai người đi khắp các khu buôn bán thăm dò giá hàng để hoặc bán đồ vật của mình, hoặc mua hàng hóa của người cho có lợi. Nếu nước nào có người tự quản lý được thì hội sẽ nhận hàng hóa tự đem đi bán, sau khi trừ các khoản tổn phí ra số tiền lời sẽ được tính lấy một phần mười bỏ vào hội.

3. Hội này sai những người giỏi nghề đi tìm khắp nước ta những chỗ nào có mỏ than, cùng các thứ kim loại khoáng chất. Nếu tìm được sẽ tìm cách khai thác cho có hiệu quả. (Nhưng khi mới tìm, mọi khoản tổn phí đều do hội này tự chi. Trong tờ giao ước nói rõ, nếu tìm được phải chia như thế nào, sau đó mới bắt đầu đi tìm. Khi đã tìm được rồi, hai bên cứ theo đúng tờ giao ước không được thay đổi ý kiến).

Còn như nước nào cần hội giúp những phương pháp kỹ thuật mới như đào kênh, đắp đường, chữa thành chữa đồn, đắp cửa biển, lập công xưởng, đóng thuyền bè… và tất cả những công trình lớn thì phải cùng hội ước định giá cả trứơc rồi mới bắt tay vào làm. Hội cũng có thể thuê mướn người khác làm thế, cái đó tuỳ ở hội, mình chỉ ngồi chờ kết quả mà thôi. Còn mình muốn mua hàng hóa gì, vật liệu gì thì hội sẽ thân hành báo về cơ xưởng chính để mua đem sang, giá cả công bố rõ ràng không phải như việc mua đi bán lại của hiệu buôn.

Hiện nay tôi đã chọn được một hội tên gọi là Hội nước ngoài. Đây là một hội gồm những người có cơ sở giàu có. Hơn nữa người trong hội đều có cấp bằng chuyên môn về nghề nghiệp, chắc chắn có thực dụng đắc lực, không phải như loại người khoác lác phóng đại nói một đàng làm một nẻo.

Về việc này có hai cách tiến hành như sau: Một là, nếu mọi việc đều do nước ta đứng ra làm cho đến khi tìm được và bắt tay khai thác, hội chỉ cho một vài kỹ sư giúp việc thôi. Như thế, kể từ khi bắt đầu khai thác trở về sau trừ các khoản phí tổn về khí cụ vật dụng ăn uống và tiền công trả cho người Tây giúp việc ra, số lợi thu được thì mười phần ta được chín, hội được một. Hai là, nếu mọi việc đều do hội tự lo liệu thì cũng trừ những khoản chi phí như trên ra, số lợi thu được mười phần ta được một, hội được chín. Cả hai cách trên, dù do ta tự làm hay do hội tự liệu, từ lúc mới bắt đầu cho đến khi tìm được mỏ, mọi chi phí trong khoảng thời gian ấy đều do hội chịu cả. Chỉ kể từ khi bắt tay khai thác về sau thì hoặc do ta liệu hoặc do hội chịu, rồi số lợi còn được bao nhiêu cứ theo tờ giao ước mà chia nhau. Hai thể thức trên do ta tự chọn, hoặc muốn lập giao kèo rõ ràng trước khi khởi sự tìm hoặc để tìm được rồi mới lập giao kèo cũng được. Chỉ có điều là trong khi ký giao kèo mà ta thấy có chỗ trở ngại không ưng thuận khiến hội phải ra về hoặc người của hội đã tới Kinh mà ta không ưng thuận tự ý rút lui, thì hai trường hợp ấy ta phải trả tất cả các phí tổn cho hội. Còn như khi hội đã tìm khắp rồi mà không được gì mới thì chi phí ấy do hội chịu, ta không tốn gì cả. Ngoài ra, nếu ta cần thuê thợ chuyên môn hội cũng có thể cử người cho, nhưng tiền công mỗi tháng mỗi người cũng phải trên dưới 2.500 quan và phải trả phí tổn đi về cho họ nữa.

Các khoản trên đây, từ sau khi lập giao ước, nếu như người nào làm điều gì không đúng thì cứ hỏi tội. Tờ này dịch từ bản chính của hội ấy, nguyên bản tôi còn giữ.

Các khoản trên đây là những điểm chính do hội đã bàn định như vậy.

Kính mong Triều đình xem xét thế nào và sớm trả lời cho biết.

Chú thích

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/1 tờ 105-107. Không ghi ngày, tháng, năm nhưng chắc chắn là được viết tại Sài Gòn cuối năm 1866, trước lúc Nguyễn Trường Tộ đi Pháp.

Trong bài viết từ Pháp, ngày 12 tháng 5 năm 1869 (di thảo số 27), và trong một tờ viết tại Huế ngày 12 tháng 2 năm Tự Đức 21 (di thảo số 29), Nguyễn Trường Tộ đều có nói tới “tờ bẩm về việc khai mỏ ở Gia Định”.

Kính xin lục bộ đại thần soi xét.

Chú thích

(*) Bản văn chữ Hán: Hv 189/1 tờ 133a-138; Hv 634/4 tờ 27-37.

Viết tại Sài Gòn trước lúc lên tàu đi Pháp.

(1) Mặc Tây Ca tức Mêhicô, ý muốn nói đến cuộc chiến tranh tốn kém và vô ích do Napoléon III chủ trương ở Mêhicô (từ tháng 1-1862 đến tháng 3-1867).

(2) Thuyền hạm: Năm 1859, Napoléon III cho đóng chiếm hạm thiết giáp đầu tiên, trước cả Anh nữa, làm cho hải quân Pháp trở nên hùng mạnh.

(3) Vua bác: tức Napoléon Bonaparte, ý nói chủ trương bành trướng gây chiến tranh khắp nơi như Napoléon Bonaparte. Napoléon III là con cả của Louis Bonaparte, em ruột của Napoléon I.

(4) Chiến tranh Phổ-Áo xảy ra khoảng tháng 7-1866. Nga ủng hộ Phổ, Pháp thì lo ngại Phổ lớn mạnh bao trùm tất cả các dân tộc Đức, không muốn cho Phổ thắng Áo, nhưng Phổ đã đè bẹp Áo ngay trong trận đầu, Pháp muốn ra tay giúp Áo, nhưng bận ở Mêhicô.

(5) Vua Mặc Tây Ca: Pháp đã giúp cho Đại Quận Công (Gard duc) Maximilien, người Áo, lên làm vua ở Mêhicô từ 12-6-1864. Maximilien chỉ giữ được ngai vàng là nhờ sự hiện diện của quân đội Pháp. Tháng 3-1867, Pháp rút hết quân đội khỏi Mêhicô, Maximilien bị bắt và bị hành quyết tháng 6-1867.

(6) Anh vua Cao Miên là Poukombo bắt đầu khởi nghĩa từ tháng 5-1866 và đánh cho Pháp thua nhiều trận liểng xiểng. Tháng 7-1867, Pháp xua đại quân và đẩy lùi được Poukombo. Tháng 12-1867 Poukombo bị bắt và bị hành quyết.

(7) Sông Khung: Khung giang tức sông Cửu Long.