DI THẢO SỐ 22: BÁO CÁO VỀ VIỆC GẶP VIÊN LÃNH SỰ TÂY BAN NHA… (*)



(26 tháng 9 năm Tự Đức 19, tức 3 tháng 11 năm 1866)

Tôi Nguyễn Trường Tộ kính bẩm.

Tôi và Nguyễn Hoằng được Hiệp biện đại nhân bí mật dặn dò đã cùng phái viên lẻn đến gặp viên lãnh sự Y Pha Nho. Lúc đầu, chúng tôi chỉ nói chuyện tình thế hiện nay. Thấy ông tỏ ra bất bình về việc người Tây mượn cớ phá điều ước cũ, chúng tôi khi ấy mới đem những mật ý của đại nhân nói rõ với ông ta. Chúng tôi nói: “Triều đình chúng tôi trước đây có chỗ thiếu sót với quý quốc, đó chẳng qua là do tình thế khác gây nên, chứ không phải bản ý của Triều đình chúng tôi. Hiên nay Triều đình chúng tôi vô cớ bị quan Tây đòi hỏi quá đáng, không biết lấy gì đáp ứng nổi. Lại nghĩ đến hòa ước trước kia vốn do nước Tây và quý triều lập nên, nhưng đại tướng của quý triều Triều đình đã không đòi chia đất, mà còn có thư nói “Được đất thì mất anh em”, mới thấy ý kiến của quý triều và người Tây ngược nhau như thế nào. Nay quan Tây lại muốn sinh sự nữa rõ ràng là khinh nhờn quý triều, tựa như coi điều ước của đồng minh trước đây là không đủ căn cứ. Vì thế Triều đình chúng tôi lấy làm lạ dám đem việc bí mật này đến hưa hỏi chứ không như thói thường là có chuyện mới đến cầu cứu, xong chuyện thì thôi”. (1)

Ông ta liền nói: “Tây soái việc gì cũng tự ý chuyên quyền, mà Tây triều thì chỉ bằng vào một phía ý kiến của Tây soái mà thôi chứ không đối chất gì, không có ai bên cạnh để giúp Nam triều cả. Đại phàm con người ta giữa đường thấy sự bất bình lòng còn căm tức rút gươm thay. Nay bản chức tuy hèn mọn chưa đủ quyền sức để giúp đỡ Nam triều, mà bản triều với Tây triều thì sức lực ngang nhau lại là nước thông gia với nhau, nếu Nam triều tin tưởng thì hãy viết một bức mật thư giao cho bản chức, bản chức sẽ chuyển đệ về bản triều nhờ tìm giải pháp. Bản chức cũng sẽ viết một bức thư riêng nói rõ Nam triều khiêm cẩn như thế nào, ba tỉnh ngoài sinh loạn như thế nào, cũng những lý lẽ mà Tây soái vịn vào đều chưa chân xác. Ta đồng minh với Nam triều, mà nay có thư đến trình bày sự việc như vậy lẽ nào ngồi nhìn mà không nói một lời? Dù có nói mà Tây triều nghe hay không nghe mặc họ ta cũng tránh được tiếng xấu. Nhưng nếu Nam triều không nói một lời để làm chứng thì tựa hồ đặt bản triều ra ngoài cuộc, mà bản triều lại vội lắm lời đến việc không liên can gì mình thế cũng không hay. Nay nếu Nam triều thấy có thể nói được điều đó với bản chức thì nên bí mật gửi gấp cho bản chức một bức thư. Một mặt bản chức lấy bức thư của quý triều kèm theo bức thư của bản chức nữa đệ về, một mặt tin cho lãnh sự ở Tích Lan (ở Đông Nam Ấn Độ, nay đã có đường dây điện tín đặt tới nước Anh) nhờ đánh điện tín cho bản triều biết trước. Vả lại năm ngoái có một số người ngoài Tây triều cũng tỏ ý muốn theo lời Hà Ba Lý, nay tuy đã muộn rồi, nhưng nếu có bản triều bàn vào tưởng họ cũng sẽ hồi tâm. Như thế không những có thể duy trì ba tỉnh trong mà còn thuận tiện cho việc đề cập đến ba tỉnh ngoài”.

Đó là lời nói của viên lãnh sự. Xem sắc mặt và khẩu khí của ông ta thấy tỏ ra thành thật chứ không có gì xảo trá. Ông ta lại nói: “Những việc làm của người Tây thấy cũng đáng hoan nghênh, chỉ vì Triều đình không biết đường lối nên Tây soái mới có những manh tâm khác lạ”. Ông ta cũng đã từng nói chuyện với giám mục. Xem lời nói của ông ta thì quả thật là nghĩ sao nói vậy chứ không có ẩn ý muốn thử lòng ta. Tôi thiết nghĩ, hiện nay tình hình ba tỉnh rất khẩn cấp, mà các lý lẽ viên lãnh sự trình bày cũng rất đúng. Vậy chi bằng nhân đây khéo đãi ngộ hắn để mượn hắn dùng vào việc của ta. Xét sự thế trước sau, thì việc ấy kể cũng nên làm, chẳng can ngại gì. Bởi vì: Một là vì trước kia nước Y Pha Nho cũng dự vào việc ký điều ước. Nay người Tây tự ý một mình bội ước, nếu Y triều không có một lời với thiên hạ thì rõ ràng là họ cũng đồng lòng. Hai là, theo cái thế tung hoành của họ, như trong Lục lợi từ trước kia tôi đã nói, thì nước Y với nước Tây vốn ở gần sát nhau, mà nước này dần dần lớn mạnh lên thì cũng chẳng lợi gì cho nước kia. Nếu một khi xảy ra việc đánh chắc với ai thì nước Y là nước đầu tiên bị họ kéo quân qua. Nay đã có cơ hội có thể dùng để chế ngự nhau thì dù được hay chưa được cũng phải làm để khỏi hối hận đã bỏ mất cơ hội. Ba là, viên lãnh sự này có chỗ không ưng Tây soái mà lại muốn thông tình với ta để được tiếng với Triều đình rằng ông ta là một người khéo ngoại giao. Nếu việc thành thì cũng đủ rạng danh là người có sức làm được việc khó. Với ba lý lẽ đó, nếu nay ta đem ra làm thì đó cũng chính là điều mong muốn thiết tha của ông ta.

Nay ba tỉnh trong của ta đã bức bách như thế, mà muốn tìm đường giải tỏa thì phải nói cho nước Y biết. Đó cũng là lý đương nhiênmà còn hợp với thế tung hoành nữa. Dù sau này Tây soái biết được cũng khó tranh chấp với ta. Nếu lấy việc đó mà trách ta, thì rõ ràng là giận cá chém thớt, khinh miệt nước Y Pha Nho, ngăn cả không muốn họ thân thiết giao hảo với ta. Nước Y tuy hơi yếu nhưng là một nước lớn ở phương Tây, vốn có cái thế tung hoành liên hợp, mà lại không biện bác nổi với một quan Tây thì còn gì là quốc thể nữa? Nay nếu ta dùng lời khéo léo gởi đến họ, đợi đến khi sự việc đã tỏ rõ thì dùng cách khích họ để mời họ. Đó là cái kế của Triệu xu Nguỵ, không biết như thế có được không?

Lại có một kế nữa là, nước Ý rất trọng đạo giáo. Giám mục của họ cũng có quyền lớn. Năm trước họ hưởng ứng chính sách của người Tây là vì ta giết hại giáo sĩ của họ. Nay nếu một mặt viết thư cho các giám mục người Y ở miền Bắc nói rõ nước Y với ta có tình giao hảo với nhau. Nay người Tây khinh thị nước Y, đem lòng bội ước. Trước đây nước Y đã giao hẹn với bản quốc là chuyện lấy đạo giáo làm trọng, không làm điều chia cắt chiếm cứ. Đó chính là điều nước Y mong muốn. Còn người Tây thì lại muốn ngấm ngầm pảhn bội. Nay Triều đình nghe được các giám mục cùng với nước họ có thể đương đầu được. Vậy nếu được thì gửi thư cho tổng đốc Lữ Tống nói rõ lý do tại sao lại như thế để xem có cách gì có thể giúp đỡ cho một vài phần không, như thế thì đạo giáo lại được cái lợi lớn mà sau này tấm tình kiêm ái của Triều đình cũng tăng thêm. Nay theo cái kế ấy một mặt thì dọa dẫm họ, một mặt câu nhử họ tưởng cũng có thể giúp được ít nhiều.

Lại có một kế nữa, nguyên trước đây Tây soái thâm tâm muốn lấy miền Nam lắm, nhưng chưa có chứng cứ rõ ràng. Nay họ đã cho thuyền lên Kinh dùng các lý lẽ yêu sách như vậy là có chứng thực rõ ràng rồi. Nay hoặc Triều đình nhân lúc bên Tây có lệ đấu xảo, sai một viên sứ mang nhềiu mặt hàng hiếm lạ sang giả nói rằng: Nay Tây Nam đã hòa hảo rồi thì Nam triều có gì Tây triều cũng thơm lây, do đó sai sứ sang Tây dự đấu xảo và vấn an Tây triều luôn, để tỏ tình tương hợp với nhau. Lại viết một bức quốc thư giấu kỹ, đợi sang bên đó dò được rõ ràng ý lừng chừng của Triều đình họ như trước đây tôi đã bẩm, cũng như Di Minh đã nói và Hà Ba Lý nói, cũng như những nghị luận của quan Tây dân Tây, cùng là những lời bàn của giám mục, lại thêm sự biện giải của Y triều, khi ấy mới đem thư ra trình bày như thế, như thế. Viên sứ của ta một mặt lại đem thư cho Y triều, và cũng nhân trên đường đi mà thăm hỏi Y triều luôn. Lại cũng nên đi qua nước Anh, nước Nga du lịch để mở rộng kiến văn. Triều đình họ thấy ta biết được cái kế của họ như thế và những việc làm của họ đều là vô cớ hiếp đáp khinh thị ta thì tất cả sẽ hồi tâm suy nghĩ. Hơn nữa, năm trước Triều đình họ tuy có bí mật bàn việc muốn thông con đường phía sau sông Cửu Long, nhưng họ đã sai người sang thám hiểm hai lần thì thấy ở đấy hiểm trở khó thông mà dân Cao Miên thì lại mọi rợ ngu đần khó chiêu mộ sai khiến. Cho nên họ muốn lấy sáu tỉnh của ta để làm cửa trước mở “ba hang” như tôi đã bẩm ở đoạn cuối bài Khai hoang từ. Tôi nghĩ rằng Triều đình họ ngày nay cũng đã chán nản phần nào, lại thêm hiện nay họ đứng chưa vững, nếu cứ tham đi theo con đường khó đi, để nửa đường hỏng mất cái công sắp thành, hoặc giả sau này Nam triều thấy được nhân tâm mà dùng cái thuật tung hoành thì sẽ xử trí như thế nào? Hơn nữa, mấy lâu họ đã lo sợ thế lực lớn mạnh của người Anh ở phương Đông, khó mà giữ được người Anh không tìm cách mưu lật mình, tất họ phải sợ già néo thì đứt dây mà xảy đến những việc không ngờ. Đại phàm càng lão luyện trong chiến trận thì càng rõ cái lý thế đó. Đừng bảo Triều đình họ không có người nghĩ đến điều đó. Hơn nữa con đường Vân Nam Tây Tạng họ vẫn chưa quân, nay vì đường phía Tây hiểm trở khó qua, nên cũng có thể họ sẽ thuận tình với Nam triều để mong có thể thực hiện cái kế mượn đường phía Đông. Dù họ chưa cam tâm, nhưng ta chỉ cần được thư giãn phen này để mưu đồ kế sau. Vậy thì nhân lúc hiện nay họ còn ở tâm trạng do dự chưa dứt khoát nhất định, mà làm cái kế hoãn binh chắc cũng dễ. Tuy Tây soái nghi ta sang dự đấu xảo không thể không có ý đồ gì khác, nhưng làm sao ngăn cản được việc ta đi vấn an nước bạn? Tự hắn sẽ nghĩ bụng: “Nếu không thong thả chờ xem nên chăng thế nào vạn nhất Triều đình ta có ý kiến gì mới hoặc Nam triều tìm được một thế lực nào khác, thì khó mà chạy chối cái tội giả dối để cầu công và ngăn cản những ý kiến chính đáng, khiến bao nhiêu công lao của ta ngày trước chẳng hóa ra công dã tràng sao?”

Lại có một kế nữa là, nay những sự việc họ yêu sách đã rõ ràng rồi, nên ta có thể gửi trát cho các gia đình có danh vọng cùng lập một tờ ký tên tất cả vào nói rằng: “Nghe tin Tây soái tìm cớ bức hiếp bắt nhường ba tỉnh trong, tuy Triều đình bị đại thế bức không dám nói ra, nhưng dân tình không thể nào chịu được. Năm trước nhân dân ba tỉnh ngoài đã có ý góp tiền xin chuộc lại, không phải vì họ không ưa đường lối chính trị nhân đức của Tây, nhưng vì bị Tây soái ỷ thế làm điều phi pháp như thế. Cho nên nhân dân thất nghiệp không biết nương nàu vào đâu, phải tụ tập mà sinh ra trộm đạo. Thế mà Tây soái đã không biết lỗi mình lại đổ điều oán cho Triều đình để bắt ép lấy ba tỉnh. Nếu quả như thế thì dù Triều đình không có cách gì chống đỡ nhưng chúng tôi sẽ tìm cách cầu cứu. Chẳng nghe chuyện Hòa Tri Lan người Hà Lan đã trục xuất người Y Pha Nho đó sao? Nhân dân chẳng ai phục thì làm sao có thể giết hết tất cả được? Nếu không được thì chúng tôi thà nhảy xuống biển Đông làm thần sóng cho rồi chứ không nỡ nhìn thấy cảnh lũ chuột hại người như vậy”.

Một mặt viết thư cho Đại học sĩ Triều đình họ nói rõ việc sáu tỉnh của Triều đình ta là chỗ nương tựa của Bắc kỳ. Từ khi thuận nhượng, dân ở Bắc mất chỗ nương tựa oán trách Triều đình. Cho nên mấy lâu dân tình sôi sục không yên. Họ muốn quyết một phen thắng phụ với quý quốc (nhân họ có bụng sợ dân Bắc kỳ một vài phần) dầu họ không biết lượng sức cũng cứ đưa tay không ra mà chống xe. Bốn năm năm nay bản triều đã tốn nhiều công sức vẫn chưa giải dụ xong, xếp đặt chưa ổn. Đó là do lòng oán giận của mọi người mà gây tai họa cả, chứ bản triều rất tha thiết ở sự thành thật giao thiệp, sợ mất tình thân đối với quý quốc. Thế mà người ta cứ trách móc thật lấy là khổ tâm lắm! Nay quý soái lại có ý định khác, dân miền Bắc nghe tin ai nấy đều xôn xao bàn tán. Nếu họ lại trái mệnh làm nghịch như quản đội trong Nam sẽ tổn thương đến thể diện quý quốc. Nếu quý soái không soi xét rõ ràng thì bản triều đã khổ lại càng khổ thêm. Vả lại, bản ý của quý quốc là muốn thông thương giao hảo với bản quốc. Nếu cứ để kéo dài sự xôn xao như thế, chẳng những khó xử cho bản triều mà cũng chẳng có lợi gì cho quý quốc cả.

Thư này kèm với thư của dân tỉnh trong gửi sang Tây triều. Có chừng ấy cách may ra có thể cứu vãn được sự thế.

Tóm lại, hiện nay sự thế ba tỉnh trong đã khá bức bách. Sự thế ba tỉnh ngoài cũng gần có cơ rồi, mà Tây triều thì còn đang ở cái thế lưỡng lự. Nay Triều đình ta phải nhanh chóng kiếm kế duy trì, nếu đem hết sức người ra mà yên được ít nhiều cũng là phúc cho sinh linh, nhưng nếu hết sức rồi mà không đựơc là do trời thôi. Như thế cũng có thể đem tấm tình này mà tạ cùng thiên hạ và lưu lại ngày sau lòng luyến nhớ việc cũ, để ngõ hầu thu phục giang sơn sau này. Nếu nói sợ việc không thành mà vội hiềm nghi, thì ta nay có điều gì đáng hiềm nghi mà chịu để cho họ yêu sách ta sao? Chẳng qua là do lòng tham xui khiến họ mà thôi. Nếu cứ theo cái lòng tham ấy thì dù có cớ hay không có cớ, chỉ cần có cái thế có thể lấy được nứơc ta là kiếm cớ trách ta thôi. Như thế việc gì ta cũng làm vui lòng họ được sao?

Nay ta đã đem hết sức làm để thực hiện kế duy trì thì không kể gì tốn kém, tất cả la vì lòng yêu dân mà thôi. Nhưng họ lại lấy cái việc ta mưu tính vì dân, cho đó là cái cớ để gây sự thì đạo trời lẽ đâu không có ngày soi sáng cho cái án này? thế thì nếu vì tỵ hiềm mà cuối cùng để cho mất thì chi bằng cứ mặc cho hiềm nghi mà làm được việc có hơn không? Vì rằng nếu không có một lần làm cho minh bạch thì cái kế tâng công của Tây soái sẽ ngày càng sâu đến nỗi ta không hơi sức đâu mà đối phó nhiều rắc rối nữa chứ không chỉ có thế mà thôi đâu.

Tôi có mấy ý kiến thô thiển như vậy, không biết có được hay không. Nếu cần thương thuyết với lãnh sự thì xin tin cho biết gấp (khoảng trong vòng 20 ngày) sợ chậm sẽ không kịp.

Xin kính bẩm.

Lục bộ liệt vị đại nhân soi xét.

Nguyễn Trường Tộ ký

Châu phê:

Bài này sự lý uẩn khúc rắc rối, nếu không hiểu sâu những lý sự từ trước đến nay giữa hai bên Tây và Nam thì không thể hiểu được mạch lạc.

Chú thích

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/1 tờ 139-144; Hv 634/4 tờ 37-51.

Tờ này được viết lúc Nguyễn Trường Tộ ở Sài Gòn chờ tàu đi Pháp.

(1) Nguyên văn dùng câu tục ngữ “cấp lai bão Phật”, nghĩa là khi có việc gấp rút ngặt nghèo không biết làm sao thì đến ôm Phật mà cầu cứu.