SAN JOSE 5/06/06 -“Thánh Thần Khấn Xin Ngự Đến” Tiếng hát bài ca nhập lễ của ca đoàn Thánh Linh đã làm cả ngàn con tim rạo rực trong thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống ngày 4 tháng 6 năm 2006 tại nhà thờ St. Victor ở San Jose, California.

Trên cung thánh LM.Nguyễn Duy Tường, LM. Nhạc sĩ Nguyễn Duy, Linh Mục Vũ Liễu đồng tế thánh lễ mừng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Lòng nhà thờ chật ních giáo dân. Hàng nghìn con mắt hướng về phía ca đoàn, vừa ngạc nhiên, vừa thán phục. Ðó là những giây phút mở đầu cho thánh lễ mừng Bổn Mạng Ca Đoàn Thánh Linh ở Cộng Đoàn St. Victor, trực thuộc Giáo Xứ Việt Nam St. Patrick, San Jose, California. Suốt buổi lễ ca đoàn đóng góp nhiều bài thánh ca tuyệt vời đưa tâm hồn người dự lễ chìm đắm vào tâm tình thánh thiêng, gợi lên những cảm nghiệm chứng tá đức tin của người Công Giáo Việt Nam

Ca đoàn Thánh Linh là một trong những ca đoàn xuất sắt nhất tại San Jose. Linh Mục nhạc sĩ Nguyễn Duy một lần đã nói với tôi :“ Mình đã sinh hoạt với nhiều ca đoàn, ở Việt Nam cũng như ở Hoa Kỳ, mình thấy ca đoàn Thánh Linh có tinh thần cầu tiến. Cứ nỗ lực này, rồi ra, họ sẽ là ca đoàn gương mẫu”

Qua lời đánh giá tích cực của một linh mục nhạc sĩ nổi tiếng, tôi đã chú ý đến ca đoàn này và nay được ông Nguyễn Kim Ngân, trong Ban Phụng Vụ Thánh Lễ và ông Nguyễn Trường, Đoàn Trưởng Ca Đoàn Thánh Linh cho phép tôi đến sinh hoạt với Ca Đoàn trong một tuần trước lễ bổn mạng để nghe họ nói, xem họ làm, tìm hiểu những động lực nào đã thôi thúc họ tham gia vào công tác phụng vụ? Làm sao họ duy trì được tinh thần đoàn kết? Hoạt động của họ có ảnh hưởng gì đến công việc truyền giáo? Và lời ca tiếng hát của họ có nâng cao được tâm tình đạo đức của giáo dân không? Đó là những câu hỏi cứ mãi gây thắc mắc trong đầu óc tôi.

Mục Tiêu Lý Tưởng Của Ca Đoàn Thánh Linh

Ca đoàn Thánh Linh trong ngày lễ bổn mạng
Ca Đoàn Thánh Linh được thành lập vào năm 1997 phụ trách thánh lễ lúc 7 giờ tối Chúa Nhật tại nhà thờ St. Victor tại San Jose, California. Đây là một cộng đoàn trực thuộc Giáo Xứ Việt Nam St. Patrick ở San Jose do LM. Phan Thế Lực làm chánh xứ. Cộng đoàn St. Victor toạ lạc tại một khu vực có những căn nhà đắt tiền. Và nếu có ai đến với cộng đoàn này, thì có lẽ họ cũng sẽ như tôi, có ngay một nhận xét là từ giáo dân đến các anh chị trong ca đoàn, và ban phụng vụ có một phong thái gì khác với cộng đoàn khác. Tại đây, người ta thấy cái vẻ trật tự, qúy phái, chững chạc mà tôi cảm nghiệm được bằng trực giác. Đi sâu vào việc tìm hiểu ca đoàn, tôi hỏi anh đoàn trưởng Nguyễn Trường về mục đích lý tưởng của ca đoàn. Anh nói:

“Mục đích của ca đoàn trước hết là thánh hóa bản thân, giúp nhau nên thánh, sau đó đem tài năng ra phục vụ Chúa và cộng đoàn qua lời ca tiếng hát, để giúp mọi người khi tham dự nghi thức phụng vụ, có tâm tình thánh thiêng, thành khẩn cầu nguyện”.

Anh nói tiếp: “Ngoài mục tiêu chính đó ra, ca đoàn còn tích cực tham gia vào các công tác xã hội, hỗ trợ sinh hoạt cộng đồng, đóng góp vào các chương trình chung của giáo xứ. Ca đoàn cũng có những sinh hoạt riêng nhằm tăng thêm tình thân hữu như picnic, cắm trại hàng năm, họp chung vui tại tư gia vào các dịp lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh, Tết, v.v...”

Tôi đang chú ý về những mục tiêu lý tưởng trên thì chị Đinh Ngọc Lan trong ban chấp hành góp ý:

“Bác biết không, sự đoàn kết, thương yêu, và tương trợ lẫn nhau vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ca đoàn. Ngay từ lúc thành lập, ca đoàn đã triệt để áp dụng tinh thần dân chủ, tinh thần phục vụ và đoàn kết trong mọi sinh hoạt. Cụ thể là ca đoàn đã tổ chức nhiều cuộc họp mặt tại tư gia, các buổi văn nghệ vui nhộn trong các dịp lễ Halloween, những buổi ăn tối ấm cúng mà nhân viên “phục vụ hầu bàn” bao giờ cũng là các anh chị trong ban chấp hành, các ca trưởng. Rồi trong các dịp lễ Giáng Sinh, dịp Tết Âm Lịch, ca đoàn xum vầy với phần trao đổi quà tặng, trao đổi bao thư lì xì. Rồi những vần thơ Sớ Táo Quân đã làm các ca viên cười nghiêng ngả khi nhắc đến những kỉ niệm thân thương của ca đoàn trong năm qua. Nhưng đặc biệt nhất là ngày lễ Tình Yêu, ca đoàn đã xuất qũy mua hoa hồng tặng các nữ ca viên. Thành công tốt đẹp của ca đoàn là nhiều ca viên đã nên duyên vợ chồng.Và ngày nay, dù con bồng con bế, dù tay xách nách mang, các anh chị đó vẫn sinh hoạt đều đặn với ca đoàn.”

Anh Quỳnh, người đẹp trai nhất ca đoàn góp ý vui: “ Ca đoàn Thánh Linh nhất định sẽ không thiếu người thừa kế, cả một đại đội ca viên “nhóc con” đã sẵn sàng lên đường, tiếp nối truyền thống cha mẹ và anh chị chúng.”

Tôi đang muốn nghe thêm chị Lan, anh Quỳnh kể về các sinh hoạt của ca đoàn thì anh Nguyễn Luận, một ca trưởng mà qua anh, tôi nhớ lại dáng dấp của nhạc sư Hải Linh ngày nào, nói với tôi.

Ca trưởng ca đoàn Thánh Linh
“Ca đoàn Thánh Linh còn non trẻ lắm, nhưng ca đoàn ý thức sâu sắc việc phải trau dồi thêm kiến thức và phát huy kỹ năng thánh nhạc. Ca đoàn đã lợi dụng mọi cơ hội để các ca viên được trau dồi thêm kiến thức thánh nhạc. Ca đoàn đã tham dự mọi khoá huấn luyện về thánh nhạc được tổ chức ở San Jose. Ví dụ mới đây ca đoàn đã tham dự khoá học về thánh nhạc kéo dài nhiều tuần tại Giáo Xứ St. Patrick mà trong đó giảng viên là các nhạc sĩ nổi tiếng, đang có trách nhiệm với Ủy Ban Phụng Vụ Thánh Nhạc tại Viêt Nam, như Linh Mục Kim Long, Linh Mục Nguyễn Duy, và Linh Mục Tiến Lộc. Ca đoàn cũng được sự yêu thương của các nhạc sĩ nổi tiếng như LM. Văn Chi, LM. Kim Long, LM. Nguyễn Duy đến sinh hoạt. Nhờ những buổi sinh hoạt này mà mỗi người ý thức việc muốn hát một bản thánh ca cho hay, cho có nghệ thuật, trước hết chính mình phải có tâm tình cầu nguyện. Nhờ đó mà cả cộng đoàn khi nghe một bản thánh ca, tâm hồn của họ cũng được chìm đắm trong tâm tình sốt sắng cầu nguyện”.

Chị Nguyễn Thụy Khanh có mặt trong buổi nói chuyện góp ý: “ Anh Luận nói rất đúng, mình hát một bài mang tâm tình sám hối, mà chính mình không sám hối thì làm sao bài hát mang tâm tình sám hối được? Và cả cộng đoàn người ta làm sao có tâm tình ăn năn? Nên, trong nghi thức phụng vụ, vai trò của ca đoàn quan trọng lắm.”

Tôi thấy ca đoàn có sự hiểu biết vững vàng về nhiệm vụ thánh ca nên tôi đặt thêm câu hỏi: “Vậy thưa qúy anh chị làm thế nào để phần tâm linh của anh chị được nâng cao nhằm đạt mục tiêu như chị Thụy Khanh vừa nói:”

Anh Đoàn Xuân Hưng trong ban chấp hành phát biểu: “Vâng, để trang bị cho tâm hồn các ca viên có tâm hồn đạo đức, hàng năm đoàn tổ chức cuộc tĩnh tâm trước ngày lễ bổn mạng để “hâm nóng” tâm hồn ca viên, để các ca viên nhận thức rõ ràng về vai trò của mình và của ca đoàn trong việc phụng vụ. Rồi mỗi khi tập hát, hoặc trước khi ra nhà thờ hát lễ, anh chị em trong ca đoàn đều nắm tay nhau, sốt sắng cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh ban thêm sức mạnh cho ca đoàn được chu toàn nhiệm vụ.

Một điều khác cũng cần nói tới là ca đoàn Thánh Linh còn chú ý tới khía cạnh giúp các ca viên hiểu biết và gìn giữ nét tinh hoa văn hóa dân tộc. Ví dụ mỗi khi đi trại hè, ban tổ chức lồng vào đó những đề tài học hỏi về lịch sử và văn hóa Việt Nam, hoặc các hình ảnh gợi lên lịch sử, điạ danh Việt Nam”.

Nghe các anh chị trình bày, tôi thấy đó là đường lối đúng đắn mà Giáo Hội mong muốn nơi mỗi ca đoàn. Tôi quay sang hỏi chị Đinh Ngọc Lan trong ban chấp hành:

Ban nhạc ca đoàn Thánh Linh
“Chị Lan ơi! Nghe các anh các chị nói về mục đích và kể về sinh hoạt ca đoàn, tôi thấy, mai mốt mà các anh chị có lên Thiên Đàng, thì chắc lên“cả giường lẫn chiếu quá”. Thôi, đùa tí cho vui, nhưng không biết, ngoài các sinh hoạt trên các anh chị còn có những sinh hoạt nào khác dành cho những người thiếu may mắn không?

Câu hỏi đặt ra đúng người đúng việc, Chị Lan với vẻ thật bình tĩnh, duyên dáng trả lời:

“Yêu tha nhân là một yếu tố quan trọng trong việc sống đạo của ca đoàn nên anh chị em ca viên đã liên tục hăng hái gây qũy bằng cách này hay cách khác để giúp các thiếu nhi thiếu may mắn. Dù ca đoàn chỉ là một tập thể nhỏ, 50, 60 người, nhưng không một biến cố tai ương nào mà ca đoàn không chú ý đến những nạn nhân. Đúng là “nón rách che khắp thiên hạ”. Ví dụ ca đoàn đã giúp đỡ nạn nhân sóng thần Nam Dương, nạn nhân bão lụt Katrina, và nhất là chương trình Mái Âm Thiên Ân của các Nữ Tu ở Việt Nam. Chương trình này nhằm giúp các em khiếm thị, tàn tật. Chị kể một chuyện cụ thể: một lần một ca viên góp tiền cho quỹ giúp trẻ em khuyết tật, chị ấy nói: “Chúa ban cho em nhiều hồng ân quá, mà em thì tài hèn sức mọn, vòng tay em không rộng đủ để ôm lấy những thiếu nhi mù loà què quặt. Nói rồi, chi quay đi, không để tôi nhìn thấy những giọt nước mắt nóng hổi chảy dài trên gò má ”.

Những Điều Tai Nghe Mắt Thấy Về Ca Đoàn Thánh Linh:

Ca đoàn Thánh Linh gồm một nhóm khoảng trên 50 anh chị, tuổi đời lẫn lộn trong khoảng từ 16 đến 40, được đặt dưới tay nhịp của các ca trưởng giầu kinh nghiệm: chị Đào Băng Tâm; anh Nguyễn Luận, anh Nguyễn Hồng Phước. Và ban chấp hành ca đoàn gồm các anh Nguyễn Trường, chị Đinh Ngọc Lan, chị Nguyễn Thụy Khanh và anh Đoàn Xuân Hùng. Các nữ ca viên là những thiếu nữ duyên dáng, học thức, nét đẹp dịu hiền hiện rõ trên khuôn mặt rạng rỡ vui tươi. Các nam ca viên là những thanh niên tuấn tú, vừa trí thức vừa có tinh thần dấn thân sống đạo.Tôi không biết nhiều về anh đoàn trưởng Nguyễn Trường. Nhưng anh ca trưởng Nguyễn Hồng Phước nói với tôi:

- Anh Trường, cả đạo lẫn đời, cái gì cũng được cả, không chê vào đâu được, đúng là mười phân vẹn mười. Con người năng nổ hoạt bát như thế mà hoạt động cho Chúa thì “hết sẩy”.

Rồi thành thực hơn, anh Phước nói thêm:

- Học hành thành tài, sự nghiệp đầy đủ, trẻ trung, vợ đẹp con khôn mà Chúa nhật nào cũng dành ít nhất 3, 4 tiếng đồng hồ cho nhà thờ, cho ca đoàn, thì hỏi cha mẹ nào, người vợ nào mà chả “mát lòng mát ruột” chứ?

Nghe câu chuyện anh Trường dấn thân vì ca đoàn, tôi cảm phục lắm, nhưng không làm tôi ngạc nhiên, mà chỉ làm tôi xác tín thêm một điều là nhiều vị Giám Mục Hoa Kỳ thường nói với các đức Giám Mục Việt Nam rằng giáo dân Việt Nam là hồng ân của Chúa ban cho Giáo Hội Mỹ và là nguồn cung cấp ơn kêu gọi cho Giáo Hội Hoa Kỳ.

Ca trưởng ca đoàn Thánh Linh
Về ca trưởng, lần đầu tiên tôi thấy chị Đào Băng Tâm điều khiển ca đoàn. Tôi không dám “điều tra lý lịch ”, nhưng “cứ mặt mà bắt hình dung” thì chị có dáng dấp qúy phái và trí thức lắm, nhất là khi đeo cặp kính trắng lên. Một ca viên ghé vào tai tôi, lẩy một câu thơ trong truyện Kiều

“Băng Tâm sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn”

Cái nét “mặn mà” của chị Băng Tâm thế nào thì tôi không biết, tôi tối tăm vô cùng về vấn đề này, hơn nữa hình như xấu đẹp tùy người đối diện, và hình như thiên hạ vẫn bảo: “Cao thì sang; Gầy thì đẹp; Béo: dễ thương, Lùn: qúy phái”. Tuy nhiên, nếu nhìn cung cách chị điều khiển ca đoàn với cả tâm hồn nghệ thuật, thì mới cảm phục con người tài hoa ấy đã biết đem tài năng ra phục vụ Chúa và Giáo Hội. Tài năng hiếm qúy của chị đã không phí phạm vào những trò vui điên cuồng của thời đại vật chất.

Nhìn sang mấy anh chơi đàn, tôi thấy Nguyễn Hùng Việt dễ thương lạ lùng, dáng dấp cao, hào hoa, năng nổ, anh chơi Piano nhuần nhuyễn. Không biết anh có vợ chưa, chứ theo tôi, con người như thế này chắc hẳn “đắt hàng lắm”. Tôi nói với anh:

- Thật là mê khi nhìn ngón tay cậu chạy trên phím đàn, tiếng đàn cậu nghe sao thấm quá. Chả trách ca đoàn hát hay?.

-“Ấy chết, bác ơi! Vì ca đoàn hát hay nên tiếng đàn cháu mới hay đó chứ. Người yêu của cháu cứ “chê” cháu là “đàn gẩy tai trâu”. Chỉ có bác là khen cháu mà thôi.

Ca trưởng ca đoàn Thánh Linh
Thấy Việt khiêm tốn, tôi quay sang Nguyễn Trung Liên, người chơi keyboard. Liên có vẻ trầm lặng, dáng dấp hiền từ, trí thức, anh rất trẻ, chơi Keyboard và sinh hoạt đều đặn với ca đoàn từ lâu lắm mà chính anh cũng chẳng còn nhớ ngày vào ca đoàn. Bên cạnh anh Liên là anh Nguyên chơi vĩ cầm. Nghe tiếng vĩ cầm của anh, tôi bụng bảo dạ: “Ca đoàn này rõ khéo, không biết họ “đào” đâu ra những nhạc sĩ tài ba như anh Nguyên thế này? Rồi Nguyễn Văn Gia, người nhỏ nhắn, nước da trắng trẻo, cởi mở chơi guitar Bass. Nhìn Gia chơi đàn, tôi có cảm tưởng như Gia gởi hết tâm tư mình vào dòng nhạc. Tôi nói với Gia.

-Đúng là tuổi trẻ tài cao thật. Thiếu cậu là ca đoàn mất một người quan trọng đấy nhé.

Gia phân bua:

- Bác không biết chứ ca đoàn có đến 4 người chơi Bass như cháu đây

Tôi hơi “quê” và không biết nói gì để chống chế, chỉ thầm nghĩ tuổi trẻ bây giờ giỏi thật. Trong lúc nói chuyện với các ca viên thì chị Hà người nữ ca viên có giọng sô lô số một của ca đoàn, chỉ một chị ca viên khác nói:

- Bác ơi, bác biết chị Quyên đang ôm con đàng kia không, và cả chị Trúc nữa. Các chị ấy đã sinh hoạt với ca đoàn chúng con từ mấy năm nay. Ấy vậy! mà điều đặc biệt là...

Hà đang nói bỗng ấp úng gượng gạo, tôi điền vào chỗ trống:

- Ý Hà nói là các chị ấy “hát hay nhất chứ gì ? Ai mà chả biết điều đó”

- Bác hiểu sai ý cháu rồi, cả ca đoàn cảm phục các chị ấy lắm, các chị ấy ngày xưa không phải là người Công Giáo như cháu với bác đâu. Vất vả trăm chiều, mà các chị vẫn cố gắng gia nhập ca đoàn, dự lễ và tập hát mỗi Chúa Nhật. Chẳng đặng đừng mới phải vắng mặt. Mà nếu có những sinh hoạt lớn của ca đoàn thì các chị ấy đều có mặt hết.

Được Hà cho biết câu chuyện của chị Quyên, chị Trúc, tôi đến gặp chị Quyên.

Chào Chị Quyên. “Tay xách nách mang mà còn đi hát, người ta đang khen nức nở về chị kia kìa. Anh ấy đâu mà không bế con cho chị?

- Cám ơn Bác, thì anh ấy cũng đang hát trong ca đoàn kia kìa

Chị Quyên không nói gì thêm về lời nhận xét của tôi. Chị bắt sang chuyện ca đoàn. Chị tâm sự:

- Ca đoàn này nhiều cái đặc biệt lắm bác ạ. Ca viên giao tiếp với nhau y như anh chị em ruột thịt trong gia đình, mọi người yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Gặp nhau là thấy vui. Ca đoàn này có trình độ học vấn rất cao. Kià anh Trần Đức là Bác Sĩ Nha Khoa, chị Khánh Linh là Dược Sĩ, rồi nhiều anh chị khác nữa là Kỹ Sư, là Giám Đốc của các hãng xưởng. Các anh chị ấy thành công trong nghề nghiệp, học vấn, vậy mà họ rất mực khiêm tốn, ai cũng ăn nói ngọt nhạt, dễ thương vô cùng.

Vậy, thưa chị, đó có phải đó là lý do chị gia nhập ca đoàn Công Giáo không?

- Không hẳn thế bác ạ. Lý do khác nữa là khi còn nhỏ, cháu được học với các dì phước, được nghe thánh ca, được thấy gương sống của các dì. Đúng là các dì “hiền như ma soeurs”. Nếp sống đó đã ảnh hưởng tới tư tưởng cháu, rồi cũng từ đó cháu biết qua về Chúa. Sang đây cháu nhập ca đoàn và cũng giống như chị Trúc, chúng cháu trở thành người Công Giáo.”

Khi chị Quyên nói về Chúa, giọng chị hơi cảm động, ánh mắt long lanh. Còn chị Trúc, tuy chưa hân hạnh được nói chuyện với chị, nhưng tự nghĩ con người học hành giỏi giang như thế thì việc gia nhập ca đoàn, gia nhập đạo, chắc hẳn đã được chị suy nghĩ đắn đo lắm. Sau đó, tôi quay sang anh Tiến, người hát sô lô, có giọng hát ấm, và kỹ thuật trình bày điêu luyện. Tôi hỏi anh:

- Anh Tiến à, theo anh, nhờ yếu tố nào mà ca đoàn có được sự đoàn kết và mời được các bạn bè không phải là Công Giáo vào sinh hoạt ?

Anh đưa ra lời nhận xét: “Ca đoàn có được tinh thần đoàn kết là vì ai cũng thấm nhuần tinh thần hòa thuận, tuyệt đối không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, học ít, học nhiều. Quả thực, đôi khi có xích mích giữa một vài ca viên. Điều đó đúng, nhưng là những xích mích nhỏ, và cả ca đoàn đều hợp lực giải quyết nên mọi người thông cảm lẫn nhau, giữ được tinh thần đoàn kết. Ca đoàn có vạn lần vui, nhưng cũng có một hai lần buồn vì ca đoàn luôn luôn nhắc nhở nhau rằng hát là để vinh danh Chúa, phục vụ Giáo Hội, phục vụ cộng đoàn. Chia rẽ không thực thi được lý tưởng đó. Chính vì vậy mà mà các ca viên lúc nào cũng tận tình hăng say, gắn bó.

Chị Băng Tâm bổ túc thêm ý kiến anh Tiến

Ca đoàn cũng có những em còn ít tuổi- Các em dễ thương lắm, giỏi giang và có tài, mình sinh hoạt với chúng, học được nhiều cái hay, nhất là thấy chúng có lý tưởng nên dù có vất vả mấy đi nữa cũng không sao bỏ các em ấy được.

Thánh lễ mừng lễ bổn mạng ca đoàn chấm dứt lúc 8 giờ tối. Nhớ lại hình ảnh ca đoàn, nhớ lại những lời phát biểu của các ca viên, và nhìn thấy những hy sinh cao vợi của các anh chị trong ca đoàn, tôi chợt nhớ đến lời các vị Giám Mục Hoa Kỳ phát biểu với Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn khi sang thăm Hoa Kỳ vào năm 1999 rằng: “Giáo dân Việt Nam là hồng ân của Chúa ban cho Giáo Hội Hoa Kỳ”. Lời nhận xét này cứ miên man gây thắc mắc trong đầu óc tôi trên đường lái xe về nhà. Tôi tự nghĩ: Cứ quan sát tinh thần các ca đoàn Việt Nam trong các nhà thờ ở Mỹ, cũng như tại quê hương Việt Nam, thì lời phát biểu trên đây của các vị Giám Mục Mỹ, có lẽ, quả có đúng thế thật.