Washington: Đức Tổng Giám Mục Paul C. Marcinkus, thường được coi là giáo sĩ Hoa Kỳ có thế lực nhất tại Vatican trong suốt 18 năm với cương vị Giám Đốc Ngân Hàng Vatican, đã được Chúa gọi về nhà Cha vào hôm Thứ Hai 20/2/2006 tại nhà hưu dưỡng ở Sun City, Arizona, hưởng thọ 84 tuổi.

Lễ an táng cho Đức Tổng Giám Mục Marcinkus sẽ được cử hành vào ngày thứ Năm tuần tới 2/3 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Holy Name ở Chicago, nơi Ngài chịu chức Linh Mục, dưới sự chủ tế của Đức Hồng Y Francis E. George. Ngài sẽ được chôn cất tại Nghĩa Trang St Casimir ở Chicago.

Là vị Tổng Giám Mục tại Hoa Kỳ, Ngài đã dành gần nửa cuộc đời 38 năm phục vụ tại Tòa Thánh Vatican trước khi xin từ nhiệm vào năm 1990, làm giám đốc Ngân Hàng Vatican từ năm 1971 đến năm 1989 và Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Hoàng quản trị Thành Vatican từ năm 1981 đến năm 1990. Dưới quyền của Ngài, mặc dầu không chủ tâm thế nhưng Ngài cũng như Tòa Thánh Vatican đã thừa nhận đến 2 sự cố lớn xảy đến cho ngân hàng Italia vào thập niên 1980. Tại Italia khi có liên quan đến sự gian tham hối lộ số tiền lên đến bạc tỉ hay những vụ chết người của các nhân vật hàng đầu thì người ta lại càng chú ý đồn thổi phanh phui cho là có liên hệ đến tài phiệt Mafia.

Đức Tổng Giám Mục Marcinkus cũng là người làm việc rất gần gũi với các triều Giáo Hoàng Phalô VI và Đức Gioan Phaolô II, là người chuẩn bị cho các chuyến tông du giáo hoàng từ năm 1964 đến năm 1982, và ngài chú ý một cách đặc biệt đến tình trạng an ninh tại các nơi mà các Đức Giáo Hoàng đặt chân tới nước ngoài.

TGM Marcinkus, GH Phaolô VI, Mục Sư Luther King
Với một thân hình vạm vỡ cao lớn gần 2 thước tây, Đức Tổng Giám Mục thường đi kề cạnh Đức Thánh Cha như những người cận vệ trong các chuyến tông du. Tại Manila, Phi Luật Tân trong chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ngài đã vật ngã một tên người Bolivia khi hắn định cầm dao đâm Đức Thánh Cha.

Năm 1987, Đức Tổng Giám Mục Marcinkus phải lẩn trốn vào thành Vatican vì cảnh sát Italia chiếu theo trát tòa đang định lùng bắt ngài, gán cho Ngài tội đồng lõa trong vụ ngân hàng Italia Banco Ambrosiano phá sản vì gian lận 1.2 tỷ Mỹ Kim vào năm 1982, là một ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Italia. Một năm sau vào năm 1988, theo Hiến Pháp Italia, Tòa đã phán quyết trát tòa ra lệnh bắt Tổng Giám Mục Marcinkus không có giá trị và hiệu lực vì tình chất pháp lý của Thành Vatican là một quốc gia độc lập, chính vì thế mà đã hủy bỏ trát tòa ra lệnh bắt giam Ngài.

Đến năm 1990, Ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho phép từ nhiệm khi mới 68 tuổi và trở về lại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Marcinkus về sinh sống tại Sun City nơi một cộng đoàn hưu dưỡng gần Phoenix. Phát ngôn viên của Giáo Phận Phoenix, bà Mary Jo West cho biết Đức Tổng Giám Mục từ nhiệm đã giúp Giáo Xứ St Clement thành Roma tại Sun City, cử hành thánh lễ tại đây vào mỗi ngày Thứ Tư và Thứ Bảy và mang Bánh Thánh tới tư gia, tới các bệnh viện hay tới các nhà hưu dưỡng cho các bịnh nhân hay người già rước lễ.

Là dòng dõi người Lithuania, Đức Tổng Giám Mục cũng cử hành Thánh Lễ một đôi lần trong tháng cho Cộng Đoàn Truyền Giáo Lithuania tại Sun City và Ngài cũng đi ban Bí Tích Thêm Sức trong giáo phận.

Phát ngôn viên giáo phận, bà West cho biết Đức Giám Mục Thomas J. O'Brien tại giáo phận Phoenix tỏ ra quan tâm khi Đức Tổng Giám Mục Marcinkus đã không đến dùng bữa ăn tối được mời vào ngày thứ Hai 20/2 và cũng không liên lạc được, cho nên Đức Cha O'Brien đã liên lạc với một người bạn đến đến nhà Đức Tổng Giám Mục Marcinkus xem sự thể thế nào. Người bạn cùng đi với một viên cảnh sát đã đến nhà và thấy Đức Tổng Giám Mục đã qua đời. Bác sĩ đã khám nghiệm và tuyên bố Đức Tổng Giám Mục Marcinkus đã qua đời vào lúc 7 giờ 51 tối, và cái chết của ngài được coi là một cái chết bình thường trong tuổi già không có nguyên do gì khác.

Trong điện văn chia buồn đến Giám Mục Thomas J. Olmsted cai quản giáo phận Phoenix, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nhắc lại "với lòng biết ơn đến lòng nhiệt tâm cuộc đời linh mục của cố Tổng Giám Mục trong những năm phục vụ trung thành cho Tòa Thánh, và với những công việc giá trị của Ngài cho Thành Vatican".

Trong một phần tư thế kỷ qua, nhiều cuốn sách cũng như hành trăm các cuộc điều tra thăm dò của các ký giả nhà báo và những bài tham luận trên các tạp chí đã tìm tòi để muốn tiết lộ sự thật liên hệ giữa Đức Tổng Giám Mục Marcinkus và 2 nhân vật ngân hàng được bàn cãi tới là ông Roberto Calvi, Giám Đốc ngân hàng Banco Ambrosio và nhà tư bản quốc tế là ông Michele Sindona.

Ông Roberto Calvi đã được tìm thấy xác treo cổ dưới chân cầu Blackfirars tại London sau khi ngân hàng bị phá sản. Còn phần ông Sindona phải vào tù sau khi tổ chức thuơng mại do ông điều khiển đã có thế lực đi vào trong thương trường vào thập niên 1970 bị cáo tội gian lận, đã chết trong tù vì bị bỏ thuốc độc cyanide và cuộc điều tra sau này đoán chừng là do chính ông gây nên.

Ngân hàng Vatican chỉ bị thua lỗ không đáng kể trong việc sụp đổ của công ty cổ phần Sindona. Ngân hàng Vatican không bao giờ thừa nhận đến những sai lầm trong việc phá sản của nhà băng lớn nhất tại Italia Banco Ambrosio, thế nhưng vào năm 1984 Tòa Thánh đã trả 240 triệu Mỹ Kim được coi là món tiền tỏ lòng "thiện cảm" cho các người cho vay cho ngân hàng phá sản Banco Ambrosio.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Thông Tấn Xã Công Giáo Hoa Kỳ vào năm 1990, Đức Tổng Giám Mục Marcinkus nói rằng: "Tôi luôn luôn phản đối số tiền trả đó, bởi vì chúng tôi không có làm bất cứ điều gì sai trái cả. Tòa Thánh Vatican không cần phải trả một xu. Và khi mà bạn phá tiền vốn của bạn ra, nó làm tổn hại".

Sau khi Calvi được tìm thấy bị treo cổ, bị cho là đã bị giết, người ta tìm thấy rằng ngân hàng Vatican đã viết những lá thư ủng hộ đến các vụ cho Calvi vay mượn tiền mà Calvi đã dùng cho các hoạt động ngấm ngầm của ông. Nhưng các cuộc điều tra nội bộ đến vấn đề này của Vatican tìm thấy rằng các lá thư đó không có mang giá trị pháp lý và như thế ngân hàng Vatican là một nạn nhân vô tội đến các chương trình hoạt động của ông Calvi.

Thế nhưng nội vụ của Banco Ambrosio đã mang đến một điểm xấu cho sự nghiệp của Đức Tổng Giám Mục Marcinkus. Ngài thừa nhận và trả lời trong cuộc phỏng vấn: "Tuyệt nhiên là tôi không thể trốn thoát được. Nó là một chữ A màu đỏ tươi (scarlet letter) mà tôi phải mang theo suốt cuộc đời. (chữ A màu đỏ tươi là chữ A được in trên áo mà người đàn bà phạm tội ngoại tình phải mặc để bêu xấu cho mọi người biết, xảy ra phần lớn tại Hoa Kỳ như được diễn tả trong cuốn tiểu thuyết của Hawthorn vào năm 1850)

Cậu Paul Casimir Marcinkus sinh ra tại Cicero, Illinois., vào ngày 15/1/1922. Được thụ phong Linh Mục cho Tổng Giáo Phận Chicago vào năm 1947. Sau khi phục vụ trong một thời gian ngắn cho giáo xứ và đảm nhậm nhiệm vụ giáo phủ tại Tòa Giám Mục, Cha đã đi tu học tại Roma vào năm 1950 và lấy bằng tiến sĩ Giáo Luật.

Năm 1952, Cha phục vụ trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh. Sau hơn 2 năm tại Roma, Cha được bổ nhiệm làm khâm sứ Tòa Thánh tại Bolivia, rồi trong phái đoàn tông tòa tại Canada. Ngài trở về Roma vào năm 1959 làm việc trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã bổ nhiệm và tấn phong Ngài lên làm Giám Mục vào năm 1969 và 2 năm sau đó Ngài được chỉ thị làm giám đốc ngân hàng.

Trả lời trong cuộc phỏng vấn một ngày trước khi Tòa Thánh công bố chính thức Đức Tổng Giám Mục Marcinkus từ nhiệm, Ngài nói ngài ước mong để làm các công việc mục vụ khi trở về Hoa Kỳ. Trong lúc đó tại Roma Ngài giúp cho một giáo xứ vào những ngày cuối tuần, cử hành Thánh Lễ và đi giải tội, tuy nhiên trong ngày làm việc trong tuần từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối, Đức Tổng đã không còn nhiều giờ để làm chuyện gì khác.

Lúc đó Đức Tổng cho biết Ngài sẽ viết cuốn hồi ký trong khi từ nhiệm, Ngài nói "tôi không ham thú gì để viết bất kỳ cuốn sách nào khai thác chuyện tình yêu, nhưng vì mục đích lịch sử, tôi không thể để cho nó qua đi".