TÔN GIÁO ĐỐI DIỆN VỚI TOÀN CẦU HOÁ

LM. Trần Thái Hợp
LTS: Cha Phaolô Trần Thái Hợp là linh mục dòng Đa-minh, cử nhân Triết Đông (Đại học Văn Khoa Sài Gòn), tiến sĩ Triết học (Đại học Fribourg, Thuỵ Sĩ) và tiến sĩ Thần học luân lí (São Paolo, Brasil). Cha cư ngụ chủ yếu tại Việt Nam nhưng thường xuyên xuất ngoại để giảng dạy trong các đại học Công giáo. Cha là giáo sư triết thần học tại Đại học Thánh Tôma, Roma, và nhiều Học viện ở Châu Mỹ Latinh và Việt Nam. Chiều 3.1.2006, cha có buổi thuyết trình với chủng sinh Đại Chủng viện Hà Nội về đề tài trên. Sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nội dung bài thuyết trình của ngài.

Các thày thân mến,

Người ta nói nhiều đến tôn giáo, nhưng không dễ dàng đưa ra một định nghĩa có tính thuyết phục về hiện tượng này. Để giản lược, chúng tôi xin nhận diện tôn giáo dưới mấy chiều kích và góc cạnh chính sau:

Tôn giáo ở góc độ hệ thống tín lí, giáo điều, nghi thức tế tự, cơ cấu tổ chức, phẩm trật.

Đối tượng nền tảng của mọi tôn giáo là sự giải thoát hay con đường cứu độ và những phương tiện để đạt tới mục đích đó.

Tôn giáo là một sự ràng buộc và nối kết con người với Đấng Tuyệt Đối, với Thực Tại Siêu Việt.

Tôn giáo như là một con đường tâm linh, một định hướng tinh thần, một thái độ sống đặt căn bản trên niềm tin và những giá trị tinh thần. Đời sống tâm linh thường gồm ba tương quan căn bản: chiều thẳng với Thượng Đế; chiều ngang với tha nhân và vũ trụ vạn vật; chiều sâu với chính bản thân.

1. Thế kỉ XXI là "Thế kỉ tôn giáo"?

Người ta vẫn gán cho văn hào André Malraux một câu nói thời danh: "Thế kỉ XXI sẽ là tâm linh hoặc chẳng là gì cả". Và trong những thập niên vừa qua người ta nhận thấy hiện tượng khởi sắc về tôn giáo dưới mọi hình thức và ở mọi nơi. Hiện tượng tái xác quyết căn tính tôn giáo xuất hiện dưới nhiều hình thức, muôn hình vạn trạng ở khắp nơi trên thế giới.

Thế kỉ XIX, người ta nói nhiều đến sức mạnh vạn năng của lí trí, của khoa học. Nhiều người nghĩ rằng khoa học kĩ thuật sẽ giải quyết mọi vấn đề, không cần đến tôn giáo nữa. Thế nhưng, hai cuộc Thế chiến và những biến cố dồn dập xảy ra ở cuối thế kỉ XX như một gáo nước lạnh dội vào niềm tin và hi vọng mà nhân loại đã từng đặt nơi khoa học chủ nghĩa, nơi tiến trình hiện đại hoá. Toàn cầu hoá đã góp phần tích cực trong việc phát triển kĩ thuật, tăng trưởng kinh tế, xoá mờ ranh giới giữa các quốc gia. Tuy nhiên, toàn cầu hoá không phải là một hiện tượng trung tính vô hại, trái lại, nó đang gây nhiều căng thẳng, thiệt thòi và nguy hại cho những người nghèo. Đối với nhiều người, đây là một hệ thống xem ra hoạt động tốt trong lãnh vực sản xuất, công nghệ thông tin và dịch vụ, nhưng lại quá nghiệt ngã, vô tâm và tàn nhẫn đối với con người. Chưa bao giờ nhân loại giàu có, tiến bộ và nắm trong tay sức mạnh kĩ thuật lớn lao như hôm nay, nhưng cũng chưa bao giờ khoảng cách giàu nghèo trong nhân loại sâu thẳm như hôm nay. Thêm vào đó, toàn cầu hoá còn tạo ra một cuộc chiến thương trường cực kì gay gắt, đẩy con người vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Chưa bao giờ nhân loại tiến bộ và nhiều tiền bạc như hôm nay, nhưng xem ra chưa bao giờ con người khốn khổ, lo âu như hôm nay.

Các chủng sinh Đại Chủng Viện Hà Nội
Chính trong bối cảnh ấy, tôn giáo đã trở lại để lấp đầy sự trống rỗng và thất vọng của con người hôm nay. Adgar Morin nhận định: "Thế giới kĩ thuật hoá, duy vật hoá, kinh tế hoá, ích kỉ hoá của Tây phương làm cho con người phải đau khổ trong phần sâu thẳm của mình, nơi tận linh hồn và tâm trí chúng ta". Ở những vùng khác trên thế giới, sự đánh mất niềm tin nơi tương lai của tiến bộ đã dẫn đến quyết định trở về với các nguồn gốc có căn tính tôn giáo, đạo đức, quốc gia. Cuộc thăm dò do tạp chí Thế giới tôn giáo tổ chức cho biết 78% người Pháp được hỏi ý kiến nghĩ rằng tôn giáo thuộc về nhu cầu thiết yếu của con người và sẽ không biến mất, nhưng nó có thể bị biến đổi. Có điều, sự thể hiện cụ thể bản chất tôn giáo trong thế giới hôm nay lại đang gây ra nhiều vấn đề.

2. Bên ngoài Giáo hội cơ chế

Khát vọng tâm linh trong lòng nhiều người ở thời đại hôm nay không đồng nghĩa với việc phát triển lớn mạnh của các Giáo hội cơ cấu. Trái lại, toàn cầu hoá, xu hướng hiện đại và dân chủ hoá đang đặt ra cho các cơ chế tôn giáo truyền thống nhiều vấn đề. Thật vậy, Internet với tương quan chiều ngang và phi tập trung được coi là biểu hiệu của toàn cầu hoá, trong khi đó mô hình quyền bính của các Giáo hội vẫn theo mô hình kim tự tháp.

Toàn cầu hoá đã tạo nên những biến đổi lớn nơi các tôn giáo. Nhìn chung, do tính phi tập trung trung ương, sáng tạo và năng động, các "Giáo hội điện tử" đã vận dụng tối đa thông tin đại chúng vào việc truyền giáo. Tính ngẫu hứng, đa phương cũng giúp họ đáp ứng đòi hỏi của quần chúng và nỗi khát vọng của con người cô đơn hiện đại. Trái lại, các Giáo hội cơ chế truyền thống đang gặp nhiều khó khăn với hiện tượng trần tục hoá và dân chủ hoá. Việc các tín đồ rời bỏ Giáo hội cơ cấu đã và đang xảy ra ở nhiều nước Tây phương. Nhiều nhà thờ phải đóng cửa. Tuy nhiên, nó cũng giúp tôn giáo ngày càng cá nhân hoá và đi sâu vào lãnh vực riêng tư. Phong trào thức tỉnh tôn giáo hiện nay đã giúp tâm linh hoá tôn giáo hơn nữa và nhiều người trẻ khao khát tìm một cách thế sống tâm linh tôn giáo bên ngoài cơ cấu tôn giáo truyền thống. Họ không thoả mãn những gì Giáo hội cơ cấu truyền thống cung cấp và muốn đi tìm những cảm nghiệm tâm linh mới hay đào sâu những cảm nghiệm tâm linh truyền thống bằng những con đường khác. Những nhóm "tâm linh ngoài cơ cấu" rất đa dạng trong sinh hoạt: từ việc cầu nguyện, chiêm niệm, tập yoga hay thiền...

Trước xu hướng này, chúng ta có thể và phải làm gì để đồng hành với họ? Một số người tự hỏi: Phải chăng như Đức Ki-tô đã hé mở cho người thiếu phụ Samaria, với thiên niên kỉ thức ba này, đã bắt đầu khai mở một giai đoạn mới trong tiến trình cứu độ: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem... những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí và sự thật và những ai thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật" (Ga 4,21-24).

3. Những cách thế sống đạo thời @ ?

Một số người trẻ Việt Nam cũng đang phải trải qua những căng thẳng, xung đột tâm linh - thế tục, đạo - đời, cơ cấu - phi cơ cấu. Nhiều người khổ tâm vì hố cách biệt quá sâu rộng giữa những gì tiếp thu ở nhà trường, nơi sở làm hay ngoài xã hội với nếp sống trong gia đình và xứ đạo. Làm sao dung hoà những giá trị cổ truyền với những biến đổi của xã hội ? Làm sao gạn đục khơi trong? Môi trường xã hội ngày nay khác xa ngày xưa. Vì thế, chúng ta đừng nghĩ rằng giới trẻ bỏ đọc kinh là bỏ đạo. Đúng hơn, họ đang bỏ một số hình thức hay thói quen "giữ đạo", gắn chặt với một bối cảnh lịch sử và môi trường văn hoá cũ. Phải chăng đây là lôgích "rượu mới - bình mới" mà chính Đức Giê-su đã yêu cầu? Tôi đã chứng kiến một cảnh cầu nguyện thành tâm mà hết sức hiện đại: Một chàng thanh niên có anh bạn bị tai nạn nằm liệt giường nên không thể đến tận nơi đền Đức Mẹ để cầu nguyện được. Một sáng kiến nảy ra: chàng thanh niên đến đứng dưới chân Đức Mẹ và rút điện thoại di động gọi về cho bạn người bạn đang nằm liệt giường ở nhà để cùng cầu nguyện. Anh giơ điện thoại về phía Đức Mẹ để người bạn liệt của anh có thể tâm sự với Đức Mẹ. Câu chuyện cầu nguyện thời A-còng này vẫn còn tiếp diễn.

Nhiều người trẻ tỏ ra ít thiện cảm với thứ tôn giáo hình thức, khép kín, giáo điều, cứng nhắc dập khuôn chỉ mải mê với các lễ nghi rước xách mà quên chiều kích tâm linh và những giá trị đích thực của Tin Mừng. Một số người xem ra đang xa dần những lề lối cũ của Giáo hội, nhưng họ lại say mê vẻ phong phú của kinh nghiệm tôn giáo, niềm an vui nội tâm vì được cứu độ và chiều kích tâm linh của nền luân lí tâm giao, căn cứ trên ân sủng và tình yêu. Thay vì giữ đạo theo kiểu đọc kinh thật to, thật nhiều, họ đề cao những hình thức sống đạo theo tinh thần Tin Mừng tin yêu sâu sắc.

Nếu đạo Chúa, tự bản chất, không cần một mảnh đất riêng nào để sống và cũng chẳng hề đồng hoá với bất cứ thể chế chính trị nào, thì nhiệm vụ của mỗi người tín hữu là phải sống Đạo và trình bày Đạo trong mọi môi trường văn hoá và mọi cảnh ngộ của cuộc đời. Như vậy, phải chăng từ thần học, tu đức, giáo lí cho đến lễ nghi phụng vụ cũng cần thích nghi với điều kiện văn hoá, tâm lí, xã hội, khoa học kĩ thuật ở giai đoạn toàn cầu hoá này? Tin rằng, một truyền thống chân chính như Kitô giáo sẽ luôn phá vỡ mọi đê điều thủ cựu để đưa nước nguồn chảy về hiện tại, để soi sáng và dẫn đưa chúng ta trên hành trình tìm về chân lí.