Hành trình Văn Lang II

Tìm một con đường, Nguyễn Trung Tây


Ngày thứ Ba,

Trống vắng


Sáng thứ Ba kéo đến với bình minh nắng ấm. Một vài tia sáng thập thò kín đáo len qua khe cửa. Người xuất gia nhắm mắt lại. Hãy ngủ yên cho xong một đời người. Bao nhiêu năm dài trôi qua. Là con cháu của biết, nhưng chàng vẫn chưa biết tại sao mình lạc nhà xa ngàn dặm; chàng vẫn chưa hiểu tại sao mình lại xuất hiện trong cuộc đời này, mà xuất hiện để làm chi?

Giờ linh hướng tới, người xuất gia gõ nhẹ cánh cửa căn phòng có cố đạo Bắc Mỹ đang ngồi yên lặng chờ đợi,

- Have you ever thought about the meaning of your life?

- Yes.

- Vậy rồi cha đã kiếm ra được “nó” hay chưa?

- Hiện giờ thì chưa.

- Cha có nghĩ…cuối cùng cha cũng sẽ kiếm ra được “nó” hay không?

- Cha không biết. Nhưng có thể vào giờ phút cuối cùng của cuộc đời, nếu còn tỉnh táo, còn suy nghĩ được, cha hy vọng sẽ kiếm được “nó”.

- Con… Con nhớ tới câu chuyện của một chú tiểu. Đêm đêm trốn sư phụ, với cây tre dài, chú trèo lên mái chùa chọc rụng những ngôi sao bạc.

- ???

- Đã có vài lần, con mơ thấy mình hóa thành chú tiểu…

- Con muốn nói chi qua câu chuyện này?

- Con cũng không biết. Có lẽ… Con nghĩ…có lẽ con đang muốn đi tìm tiên, tìm chân lý.

Người xuất gia Tây Phương vẫn hiền hòa, khuôn mặt điểm thoáng nụ cười chờ đợi. Người xuất gia Đông Phương tiếp tục lúng túng,

- Con nghĩ chắc con đi tìm một-cái-chi-đó để lấp vào một khoảng trống vắng trong tâm hồn Văn Lang lạc nhà xa ngàn dặm.

Yên lặng.

Tây Phương ngó mặt Đông Phương. Tây Phương lắc đầu cười nhẹ. Đông Phương nhìn ra cửa sổ.

Yên lặng. Tiếp tục yên lặng.

- Rồi con đã hái được những chi mà con muốn chưa?

- Hiện giờ thì chưa.

- Cha không hiểu tại sao con lại phải leo lên nóc chùa để hái sao? Đứng dưới sân, với cây tre dài hơn con cũng sẽ hái được những chi con tìm kiếm.

- Con cảm thấy lao xao xiêu té khi đứng trên mặt đất.

- Thiên Chúa của người Do Thái hoặc Ông Trời của người Việt Nam sinh ra con người với hai chân để đi đứng trên mặt đất. Ông Trời không sinh ra con người với hai chân để sống dưới nước hoặc đi trên mây.

Yên lặng, hoàn toàn yên lặng giữa hai người trong căn phòng nhỏ bé của trung tâm cấm phòng nằm sâu trong rặng núi Santa Cruz. Người xuất gia Tây Phương tiếp tục hỏi,

- Tại sao con lại muốn đi tìm tiên?

Người xuất gia Đông Phương nhớ lại,

Chiều tối ngày hôm đó, trong góc quán café vắng vẻ đối diện sân trường Nguyễn Thượng Hiền, thằng nhỏ đang nói chuyện với người bạn. Mặc dù ánh đèn màu tím hắt hiu không soi rõ khuôn mặt cả hai, tà áo dài trắng toát con gái và chiếc áo ngắn tay con trai bắt ánh đèn màu tím sáng lung linh trong đêm tối. Bên ngoài, lá khô vật vã, trăn trở, lăn lộn với đêm đông phố thị. Bên trong, người nữ sinh cất tiếng, “Má nói với em là xe của phi trường sẽ đến đón cả nhà vào khoảng bốn giờ sáng”. Ngày mai, sáng ngày mai, có người ở lại, có người đi xa. Ngày mai, sáng sớm ngày mai, có hai người bị tách xa nhau. Ngày mai, buổi sáng sớm ngày mai, thế giới chấm dứt không còn hẹn hò, vũ trụ ngưng thôi gặp gỡ. Ngày mai sẽ tới, ai sẽ là người có khả năng điền vào chỗ trống vắng trong tâm hồn? Ngài mai sẽ tới, sẽ có người một mình một bóng đi lại với nhân gian. Ngày mai sẽ tới, ai sẽ có đủ khả năng để chia xẻ, để xoa dịu, để lấp đầy được khoảng trống vắng trong tâm hồn?

Người xuất gia phương Đông nhìn ra ngoài khung cửa sổ. Chàng trả lời cố đạo Bắc Mỹ, âm giọng nho nhỏ, vừa đủ mình nghe.

- I’m incomplete! (Trống vắng!)

“Một buổi chiều và một buổi tối. Ngày thứ Ba” (Sáng Thế Ký 1-2:4a).



Ngày thứ Tư,

Đoạn trường và Hạnh phúc


Một buổi sáng người xuất gia bước chân đến lớp Triết trong ngây ngô, khờ dại, và gật gù chỉ vì đêm qua thức trắng. Người xuất gia lo sợ bài thi cuối khóa sẽ được đền bù lại bằng con D to tướng chỉ vì lỡ dại ham chơi. Cả hơn bốn tháng vừa qua, có bao giờ chàng để dành cho riêng mình và Lớp Đạo Đức Học những tiếng đồng hồ trọn vẹn. Bài vở Đạo Đức, người xuất gia quẳng vào một xó. Từ lớp học về tới căn phòng cư xá, người xuất gia ăn, ngủ, và uống café tại quán café đông đảo của thị trấn Chợ Phiên. Cho nên bây giờ nhọc nhằn. Giờ này lo sợ. Chân trước nối chân sau, người xuất gia mệt nhọc buông mình xuống ghế sắt nằm lăn lóc ngay cửa lớp. Với một chút nghiêm nghị trong ánh mắt, vị linh mục giáo sư tiến lại gần người sinh viên xuất hiện trễ nhất. Những ngón tay to hồng hào phương Tây thò ra đặt xuống trước khuôn mặt nhỏ xanh lét phương Đông đề thi Triết.

Tại sao bạn buồn và tại sao bạn vui? Giải thích bằng những liên hệ trong cuộc sống?

Người xuất gia nhìn linh mục giáo sư. Ngài giả tảng lơ. Có lẽ phương Tây chán phương Đông rồi. Cả bốn tháng trời, có bao giờ phương Đông từ trong xó kẹt cất tiếng. Họa hoằn đôi khi phương Đông ghé vào văn phòng than phiền với phương Tây về điểm C- và D+ của bài thi Triết.

Phương Đông ngẩng mặt nhìn lên. Bây giờ phương Đông mới nhận ra phương Tây xanh biếc và hung đỏ. Phương Đông nhìn lại chính mình, thằng tuổi trẻ Văn Lang lạc nhà xa ngàn dặm.

Người xuất gia tiếp tục nắn nón viết bài luận triết, bài luận đoạn trường tân thanh. Bầu trời ba mươi tháng tư tối xầm vào lúc nó với quần đùi áo ngắn chạy lon ton ra ngoài đầu đường Lê Văn Duyệt xem mặt người chủ mới nửa mảnh đất còn lại. Thấp thoáng trong dòng người trước mặt, nó nhìn thấy một người,

- Chị Thảo!

Cô gái quay đầu lại. Người thiếu nữ nhận ra thằng nhỏ. Nó thở. Nó xanh mét vì mệt. Nó tiếp tục chạy tới. Người con gái dừng lại. Nàng nghiêm nghị. Nàng hét lên,

- Mày theo tao làm chi? Về nhà ngay!

Nó đứng lại. Miệng phụng phịu. Mặt chảy dài,

- Cho em đi theo với!

Nó vừa dứt lời, sấm nổ vang rền bầu trời tháng tư. Đại bác bay ngang. Khói trắng mịt mù. Cỏ cây ngã rạp. Nó té lăn xuống mặt đường nhựa.

Nó ngẩng mặt lên, chị Thảo đã hoàn toàn biến mất nơi làn nước xanh đậm đặc của vịnh Thái Lan. Nó vươn vai đứng dậy biến thành người phương Đông lạc loài. Chiều về, hoàng hạc phương Nam tiếp tục gọi đàn giữa tiếng khàn khan đối chọi xa lạ của thiên nga phương Bắc.


Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.


(Ca Dao)

Người xuất gia tiếp tục viết bài luận triết, bài luận hạnh phúc đơn sơ với cuộc sống vẫn là tổng hợp của buồn và vui, khóc và cười, mất và được. Cuối tuần, người xuất gia đi dạy học với những người bạn, thầy cô trường Việt Ngữ. Tuy rằng những người bạn này đều là sinh viên nghèo, nghèo xác xơ, họ vẫn dám bỏ hết ngày thứ Bẩy cuối tuần cho công việc “chùa”.

Bước chân vào Lớp Mẫu Giáo, nhìn những cái miệng o tròn của học sinh đang nhịp nhàng lên xuống theo vần vỡ lòng với cô giáo trẻ măng, người xuất gia nhớ lại tâm trạng xôn xao vào những sáng sớm bình minh. Người xuất gia thấy lại thằng nhỏ đen như cột nhà cháy đang mặc quần đùi, áo ngắn, ngồi ê a những vần quốc ngữ dưới nhịp roi rung của cô giáo tỉnh lẻ. Mới ngày nào đó, sau khi bóng dáng của mẹ đang dần dần khuất dạng sau khung cửa sổ, người xuất gia ngồi mếu máo trong lớp Mẫu Giáo. Mặc dù cái roi của cô giáo vẫn nhịp nhàng lên xuống đe dọa, chàng vẫn không hề bớt đi những giọt ngắn giọt dài trên hai gò má cháy đen. Thế đó, hơn hai mươi năm trời đã trôi qua. Đâu mất rồi thằng bé xa lạ ngồi cạnh trong lớp học, trong khi thấy người xuất gia đang ngồi khóc, đã móc ra trong túi áo mốc đen bao nhiêu kẹo dừa, trao hết cho chàng? Đâu rồi cô bé tóc ngắn tới vai, hai mắt tròn xoe, lặng ngắm nhìn chàng, thằng bé nức nở giọt ngắn giọt dài? Đâu mất rồi cành lá xanh, ngọn gió mát đong đưa thổi ngang qua khung cửa sổ lớp học ru người xuất gia chìm sâu vào giấc ngủ trưa hè trên bàn học loang lổ mực tím?

Thời gian tiếp tục lăn tới, chuyện buồn chuyện vui luân phiên đuổi bắt. Và người xuất gia tiếp tục bước tới tìm kiếm.

“Một buổi chiều, và một buổi sáng. Ngày thứ Tư” (Sáng Thế Ký 1-2:4a).

(Còn tiếp)

www.nguyentrungtay.com