Hành trình Văn Lang I

Cuộc sống nào

cũng là một cuộc hành trình

hoặc ngắn hoặc dài của đi tìm kiếm.


Ngày thứ nhất,

Lạc nhà xa ngàn dặm


Hoàng hạc phương Nam, Nguyễn Trung Tây


Chiều tháng Một người xuất gia lái xe số tay đến trung tâm Presentation Center nằm sâu trong rặng núi Santa Cruz cấm phòng. Trời mùa đông, gió lạnh tái tê lười biếng người xuất gia. Chiều tháng Một, địa danh xa lạ ngần ngại cuộc hành trình. Lười biếng này đong đầy ngần ngại kia bởi con đường trước mặt mịt mờ trắng xóa dưới cơn mưa bão bất ngờ kéo về vùng thung lũng. Gió lạnh cuồn cuộn thổi xám đen bầu trời trong xanh. Gió trời quẳng ném cát bụi đá sỏi. Mưa trời tung tóe nhạt nhòe hơi nước. Lờ mờ trước mặt vài đốm sáng đỏ thoáng hiện thoáng mất. Đường đi tới hiểm trở với dốc và đồi. Một thoáng lơ đãng, một phút sẩy tay, xe hơi cũ rỉ sẽ tạm biệt cõi đời chúi đầu đâm xuống vực sâu dốc thẳm. Màn đêm buông rơi ươm mầm lo lắng. Người xuất gia tiếp tục hoang mang hụt hẫng với đoạn đường quanh co uốn khúc từ từ thu hẹp. Trước mặt, không một bóng người. Sau lưng, màn đêm dầy đặc. Nhìn lên, trời cao đen thẫm. Nhìn xuống, bóng tối buông rơi. Người xuất gia thở dài mơ ước mặt trời vung vãi tung tóe bình minh. Chàng ước chi ánh sáng vàng bạc ngập tràn. Và chàng nhớ lại,

Sáng nay bước chân ra khỏi quán café,

Lòng bồi hồi xao xuyến.

Bởi hương vị café,

hay bởi những tia nắng sớm?


Sáng nay sau khi bước chân ra khỏi quán café vùng thung lũng, bước đi dưới tia nắng bình minh chiếu xiên xiên, bỗng dưng chàng thấy lại café Củ Chi. Người xuất gia thấy lại quán café nằm lẻ loi trước cửa nông trường Phạm Văn Cội 2 xanh tươi màu xanh trúc non. Chàng thấy lại đàn bò hiền lành chậm chạp nhịp nhàng nối đuôi đi tới dưới nhịp roi rung của những chú mục đồng da đen cháy. Chàng thấy lại vùng đất hoen ố mảnh bom rỉ sét; vùng đất cỏ dại gai góc xé rách da người; vùng đất điểm chấm hố bom rộng miệng, hang động rắn rết. Chàng thấy lại cô hàng café quấn khăn rằn ri đang len lén nhìn. Chàng nhìn ra khung cửa. Trời Củ Chi xanh lơ, mây trắng hạnh phúc. Chàng nhìn xuống đất đen. Đất Củ Chi lởm chởm, sỏi đá cằn cỗi. Người xuất gia cúi xuống vân vê cỏ xanh điểm chấm lưa thưa trên nền quán café độc nhất nằm giữa trung tâm chợ làng đìu hiu vắng vẻ. Chàng hít sâu vào buồng ngực, đẩy ra nơi cửa miệng tia sáng trong lành bình minh quê hương. Nắng bình minh loang loáng chui xuyên qua lỗ hổng mái nhà lợp tre cũ kỹ. Nắng bình minh đọng lại trên đầu chàng, trên ly café, và trên cả đôi má rám nắng của cô chủ quán. Bi ai lạc đàn từ bụi tre mọc um tùm trước cửa quán, nỉ non rên rỉ từ bụi cỏ gai góc không gieo vào tâm hồn người xuất gia cảm giác vắng vẻ và cô độc giữa ngôi chợ làng đìu hiu, bởi vì nắng đẹp quê hương đang lung linh nhảy múa trên mảnh đất một thời hoang dại, một thời hận thù, một thời chết chóc cho người bản xứ và người ngoại quốc. Nhìn lên bầu trời trong xanh, người xuất gia lan man nghĩ ngợi về bình minh quay cuồng nhảy múa của Đống Đa 1789; bình minh Mồng 4 Tết Kỷ Dậu thúc dục kinh thành Thăng Long vươn vai đứng dậy bước vào vận hội mới. Người xuất gia thả hồn trôi xa về bình minh Việt Nam. Khi bình minh Việt Nam tới, người người từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mâu đều tỉnh giấc cùng một lúc; người người vỗ trán đấm ngực ăn năn; người người nhận ra chân lý Việt Nam đã bị màng nhện từ lâu bám che phủ mờ: “Từ trong bụng Mẹ Âu Cơ, chúng mình là những anh chị em ruột thịt, thân thiết của nhau”.

- Chào bác Năm. Bác Năm khỏe không?

- Hê! Ông đạo. Mần chi mà mò ra đây sớm rứa?

Vừa đáp lại lời thăm hỏi của người quen, người xuất gia vừa tiến ra ngoài cửa quán café. Nắng quê hương chan hòa mời gọi bầu nhiệt huyết tuổi hai mươi. Nắng quê hương nhắc nhở về bình minh Việt Nam của thời Bố Lộc Tục Kinh Dương Vương truyền ngôi lại cho con trai Sùng Lãm Lạc Long Quân; Sùng Lãm của tóc đen nhánh, mắt nâu đậm; Lạc Long Quân của một thời tự hào làm người Việt gốc Văn Lang.


Cuối cùng trung tâm cấm phòng cũng lờ mờ xuất hiện dưới bóng đèn đêm. Người xuất gia lái vào bãi đậu xe vàng đục không một bóng người. Liếc nhìn tấm bảng nhỏ đề chữ “Welcome…” mập mờ sáng tỏ, người xuất gia bước vào căn phòng thăm hỏi thủ tục ghi danh. Người đàn bà với mái tóc hung hung đỏ, tàn nhang điểm mặt đang lui cui lau chùi những bộ bàn ghế trắng toát ngước đầu nhìn lên. Ánh mắt người đàn bà xa lạ. Giọng nói người phụ nữ hững hờ,

- Sáu giờ mới ăn tối!

- Không, tôi chỉ hỏi thăm thủ tục ghi danh.

- Đi sâu vào trong khoảng nửa dặm. Chỗ này là phòng ăn.

Người xuất gia lái xe vào sâu hơn. Thấp thoáng xa xa trong làn sương trắng mờ ảo đồi núi, người xuất gia nhận ra những bóng dáng xuất gia thân quen. Chàng vui mừng hân hoan bởi vừa vượt qua được đoạn đường dài chông gai. Nhìn lên bầu trời mênh mông, chàng nghĩ đến những con người đang lạc loài tiến lên đoạn đường vừa bỏ lại sau lưng.

“Một buổi chiều, và một buổi sáng. Ngày thứ Nhất” (Sáng Thế Ký 1-2:4a).

Ngày thứ hai,

Bình an và Công lý


Mùa Ánh Sáng vừa chìm vào quá khứ. Những tấp nập nhộn nhịp chờ đón mùa bình an dưới thế dần dần tan biến theo xác thông đang nằm ngơ ngác dọc theo hai bên đường. Những bản thánh ca vang vang trong đêm thánh rồi cũng mất dạng. Dòng thời gian hăm hở tiến tới. Thêm một ngày, thêm một khoảng kèn cựa, bóp chết, chém giết, lừa gạt, gian dối, và hận thù lẫn nhau. Bởi thế, cách đây gần hai ngàn năm, Ông Trời đã nhập thể dưới thân xác trẻ thơ để hồi sinh và để cứu rỗi.

Bụt biết thêm một ngày lại thêm bao nhiêu thanh niên Việt Nam đang nằm chết thối rữa trên hoang vu đổ nát của lân bang xa lạ sau chiến trận giao tranh! Chúa biết thêm một ngày lại thêm vỡ vụn tung tóe trong từng mảnh tâm hồn vỡ nát Việt Nam! Còn chi sót lại khi tương tàn thay phiên cày phá tung tóe từng tấc đất tang thương, từng nắm đất gai góc, từng cục sỏi phiền muộn của mảnh đất nhỏ bé mà Ông Trời dành riêng cho dân tộc chim trắng Lạc Việt gõ nhịp trống đồng từ năm 2879 trước Tây Lịch? Thêm một ngày, lại thêm Việt Nam hai mươi với mơ ước ngập tràn ánh mắt đang chết dập dụi, chết tan nát, chết phi lý tại bờ đê hẻo lánh bởi mưa đạn hận thù. Từng tấc đất tái chiếm, từng miếng thịt Âu Cơ, từng dòng máu Sùng Lãm lại có dịp vung vãi và phí phạm. Còn chi cho người Việt Nam hy vọng và mộng mơ trong khi ngày lại ngày, đêm lại đêm, bóng dáng con thuyền nhỏ bé lại đang vun vút lao ra mặt đại dương đen thẫm, bất chấp tù tội chết chóc, bất chấp đại dương sóng thần, bất chấp hải tặc điên dại? Còn chi cho người Việt Nam hy vọng khi những tràng đạn tuôn vãi từ những bàn tay Việt Nam lên những thân xác Việt Nam trên khoang thuyền nhỏ bé chen chúc những kiếp người? Đêm kỷ niệm Con Trời vào đời năm 1979, bao nhiêu người bạn đồng hành của người xuất gia nằm xuống. Họ chết tức tưởi, chết nghẹn ngào, chết tan nát, chết loang lổ với máu đỏ nóng rực vươn cao vọt thẳng lên bầu trời lung linh sao bạc! Đêm đó là đêm nhiệm mầu. Đêm này là đêm bắn chết! Trên trời cao, ngôi sao lấp lánh vũ khúc thiên đàng chào mừng giây phút vào đời. Dưới trần thế, mưa đạn đỏ rực thù hận ghi dấu giây phút ra đời. Thêm một người, hai người, và rồi ba người đã gục xuống đè nặng lên khoang thuyền mỏng manh, ọp ẹp. Giờ này họ đang ở đâu, những người Việt Nam bầy nhầy máu tươi đã được chôn vùi nông cạn bên bờ biển hoang vắng bóng người? Còn chi cho người Việt Nam hy vọng trong đêm an bình trong khi hải tặc đang nhảy múa điên cuồng trên những khoang thuyền nhỏ bé đã tả tơi vì giông bão, đã tan nát vì sóng thần? Bụt hiểu và Chúa biết, có còn chi cho người Việt Nam hy vọng nữa hay không?

Nếu vào đời để chết lãng phí như vậy, vào đời để làm chi?

Từng ngày rồi lại từng ngày, lại thêm bao nhiêu người nằm xuống và họ vẫn không hiểu con người được mang đến hay bị ném vào trong cuộc đời? Con người từ đâu đến? Con người sẽ đi về đâu? Ai sẽ cứu rỗi chúng ta? Bụt? Phật? Chúa? Ông Trời? Mẹ Đất? Khổng Tử? Lão Tử? Tăng Tử? Mạnh Tử? Lạc Long Quân và Âu Cơ của Văn Lang? Ai sẽ lấp đầy hố bom rộng miệng, xây dựng lại mảnh đất rỉ sét bom đạn Củ Chi? Ai sẽ trả lại trinh tiết cho thiếu nữ Việt Nam chìm sâu lòng biển? Ai sẽ hồi sinh thân xác hai mươi rữa nát bên dòng sông Bến Hải, bên đất Chùa Tháp, dọc theo biên giới Lạng Sơn?

Tại sao lại có quá nhiều cái chết phi lý như vậy? Tại Lạc Long Quân quyết định chia tay Âu Cơ? Tại Ađam và tại Evà nghe lời xúi dại của con rắn?

Lời thuở xưa không phải là lời hoang đường: “Ăn đi! Ăn đi rồi sẽ biết sự lành sự dữ”. Người đàn bà ăn và đưa cho người đàn ông. Cả hai ăn. Cả hai biết. Người đàn bà biết mình phải mang nặng đẻ đau, sinh ra người con Cain và con cháu một đời lang thang mặt đất. Người đàn ông biết mình phải cày sâu cuốc bẫm, vứt bỏ mảnh bom rỉ sét, lấp đầy hố bom rộng miệng để nương đồng lại xanh non mầu mạ mới. Bởi biết, người con trưởng Cain giết chết người con thứ Abel. Cuộc chiến của biết đã xảy ra giữa hai anh em người Á Châu, vàng tươi một mầu da, đỏ thắm một mầu máu, con của một bố, được cưu mang trong cung lòng của một mẹ. Bởi biết, bóng tối đen kịt, dầy đặc, và sâu thẳm buông rơi phủ kín mặt quả địa cầu. Bởi hành động đòi biết của con người, Ông Trời không còn chọn lựa nào khác ngoài vào đời. Ngài vào đời, trời cao hân hoan vui mừng hát vang, “Bình an dưới thế”. Ngài đồng hành, chuyện trò, lắng nghe từng mảnh tâm hồn vỡ vụn để chia xẻ khổ sầu kiếp người; kiếp người trở nên lầm than và đoạn trường bởi hành động đòi biết của cặp vợ chồng anh chàng Cả Đất.

Nhưng tiếc quá! Lời chúc bình an năm vẫn chưa đến với người Việt Nam. Bây giờ là thế kỷ siêu điện toán. Bây giờ người ta đã chán, thôi, không thường xuyên ghé lên Mặt Trăng nữa. Bây giờ người ta hăm hở dẫn nhau đi lên sao Hỏa. Bây giờ người ta dự tính nối những nhịp cầu đi lên đi xuống giữa địa cầu xanh lơ và mặt trăng vàng dịu. Nhưng tiếc quá! Bao nhiêu năm rồi, người Việt Nam tiếp tục với củ khoai, cái sắn. Tiếc quá! Trong khi bao nhiêu người trên thế gian đang cố gắng trút bỏ lớp mỡ dư thừa trên thân xác, thì con cái Văn Lang vẫn tiếp tục gầy gò trơ xương, thấp bé hình hài vì thiếu dinh dưỡng. Tiếc quá! Bao nhiêu năm rồi, người Việt Nam vẫn chưa kiếm ra đủ khoai đủ sắn để mà ăn. Bao nhiêu năm rồi, câu cơm no áo ấm vẫn là giấc mơ hão huyền trong đầu người Việt Nam. Nếu vậy, ăn ngon mặc đẹp là chuyện của thiên đàng. Tiếc quá! Tiếc quá cho người Việt Nam! Người Việt Nam tiếp tục đi lang thang trên khắp mặt đất, giống như người Việt Nam chính là hậu duệ của Cain, người trưởng nam của vợ chồng Cả Đất (Sáng Thế Ký 4). Người Việt Nam tiếp tục bỏ nước ra đi. Người bên ngoài trở thành vô gia cư, không tổ quốc. Người bên trong tiếp tục bán mình cho thương gia Đài Loan, cho hang động thủ đô Băng Cốc. Người bên ngoài tiếp tục nhìn vô ngậm ngùi. Người bên trong tiếp tục nhìn ra, nhấp nhổm chờ ngày lên phi cơ bước đi khỏi.

Người ta tiếp tục bàn thảo về bình an và công lý cho thế giới toàn cầu. Nhưng bình an ở đâu? Công lý ở chỗ nào? Từng ngày tiếp tục trôi qua với tiếp tục dầy đạp lên nhau, lường gạt lẫn nhau. Gần hai ngàn năm trôi qua, những lời hứa hẹn bình an của trời cao năm xưa chưa xuất hiện trên quả địa cầu, bởi vì người ta tiếp tục nhân danh tôn giáo để giết nhau; bởi vì người ta tiếp tục gọi tên công lý để bắn gục nhau trên đường phố què cụt của nghèo nàn Nam Mỹ và nắng cháy Phi Châu; bởi vì người ta tiếp tục giơ cao ngọn đuốc thần bên bờ biển Bắc Mỹ đốt cháy những người chậm chân đến sau. Một ngày chưa qua; mặt trời hoàng hôn lấp ló phương xa; đêm đen nhân loại, đe dọa chết chóc, đã đổ ập xuống. Tà dương biến mất; lại thêm vật vờ còm cõi Đông Âu lục lọi tìm kiếm trong đống tro tàn hình ảnh kỷ niệm. Hoàng hôn nhạt nhòe tàn lụi; lại thêm nghèo đói Nam Phi vươn dài năm ngón tay xám, nằm chết sõng soài trên vũng máu đỏ tươi cạnh hoa cúc vàng dại giữa tiếng cười khoái trá của màu da xa lạ với phụ nữ Phi Châu.

Ngủ đi, nhắm mắt lại ngủ đi hỡi người thiếu phụ. Than van làm chi? Quằn quại đau đớn trong vũng máu đỏ làm gì? Kiếp làm người không phải là đặc quyền ưu tiên cho bà. Quyền được sống và quyền làm người có lẽ chỉ dành riêng cho một số người nào đó mà thôi! Ngủ đi! Ngủ yên cho xong một kiếp đọa đầy. Đừng vươn tay dài ngắt hoa cúc dại! Nhắm mắt lại ngủ say! Thôi quằn quại trong đau đớn. Hãy ngủ yên hỡi người thiếu phụ Nam Phi.

“Một buổi chiều, và một buổi sáng. Ngày thứ Hai” (Sáng Thế Ký 1-2:4a).

(Còn tiếp)

www.nguyentrungtay.com