Manila - Một thượng nghị sĩ Philippines đã tuyên dương một đức tổng giám mục và phong trào chống trò đỏ đen mà ngài phát động nhằm tìm kiếm, bảo vệ và ủng hộ các nhân chứng đã làm chứng tại các phiên tòa gần đây của thượng viện về nạn cờ bạc bất hợp pháp.

Thượng nghị sĩ Alfredo Lim là thành viên của ủy ban trật tự công cộng và thuốc bất hợp pháp. Ủy ban này và ủy ban thượng viện về các trò chơi, giải trí và thể thao đã tổ chức các phiên tòa từ 31/5-10/8 về trò quay số bất hợp pháp được gọi là "jueteng."

Sau khi nghe các nhân chứng nói jueteng có dính líu đến số tiền vận động tranh cử, hôm 10-8 ông Lim đã trình một dự luật trừng phạt các ứng cử viên, đảng phái chính trị và các nhóm nhận tiền của jueteng hay từ các nguồn bất hợp pháp khác để sử dụng trong các cuộc vận động tranh cử hay cho các mục đích khác.

Tổng Giám mục Oscar Cruz của Lingayen-Dagupan đi đầu phong trào "Krusadang Bayan Laban sa Jueteng" (Krusada, phong trào toàn quốc chống jueteng), phong trào này đã giới thiệu năm trong số các nhân chứng tại các phiên tòa của thượng viện.

Lim nói, chính phủ "miễn cưỡng" thi hành chống trò cờ bạc bất hợp pháp và Đức Tổng Giám mục Cruz "đáng được tuyên dương vì đã phát động phong trào này."

Theo thượng nghị sĩ, những cáo buộc của các nhân chứng về các ứng viên kể cả Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo đã dùng tiền hối lộ của những người tổ chức jueteng để đút lót cho các viên chức trong ban bầu cử và gian lận kết quả bầu cử đã thôi thúc ông soạn thảo dự luật này.

"Chúng ta cần một đạo luật ngăn chặn những đồng tiền từ cờ bạc và những đồng tiền có nguồn gốc bất hợp pháp được dùng để tài trợ cuộc bầu cử của các ứng cử viên dưới hình thức hối lộ cho các viên chức trong ban bầu cử hay để mua phiếu bầu," dự luật này nêu rõ trong phần chú giải.

Theo Bộ luật Bầu cử hiện hành của Philippines, "mua bán phiếu bầu cử" và "âm mưu hối lộ cử tri" sẽ bị phạt tù từ 1-6 năm, không cho nắm các chức vụ trong chính phủ, và bị tước quyền bầu cử. Dự luật mà ông Lim đề xuất đề nghị phạt tù từ 6-12 năm đối với các ứng viên, chính đảng, hay các nhóm đảng phái bị phát hiện phạm tội chấp nhận, lấy, sử dụng, hay phân phối tiền bất hợp pháp để chi phối kết quả bầu cử.

Năm 2004, Quốc hội đã thông qua một đạo luật tăng hình phạt đối với các trò quay số bất hợp pháp, nhưng chưa đưa ra khung hình phạt cho "các quan chức cấp cao dính líu đến cờ bạc và các ứng viên sử dụng thành quả của các tội phạm cờ bạc để gian lận bầu cử," theo lý giải đính kèm trong dự luật của Lim. Luật Bầu cử Trọn bộ không cấm các hành vi vi phạm bầu cử này và không có những biện pháp trừng phạt đối với các vi phạm này.

Chủ tịch Thượng viện Manuel Villar nói với các phóng viên hôm 11-8, thượng viện đã tạm ngưng điều tra về jueteng sau phiên tòa thứ tám do "thiếu nhân chứng" và "sự chia rẽ" nơi các thượng nghị sĩ. Ông cho biết các phiên tòa "đã bắt đầu bị cáo buộc về mặt chính trị do có dính líu của gia đình bà tổng thống" nhưng có thể sẽ bắt đầu lại nếu "có một nhân chứng thật quan trọng xuất hiện."

Đức Tổng Giám mục Cruz nói với UCA News rằng nếu cần, ngài có thể giới thiệu thêm một người nữa để chứng thực cho lời chứng của Michaelangelo Zuce, trợ lý kỹ thuật cho trợ lý về các vấn đề chính trị của bà Arroyo từ năm 2001 đến cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5-2004. Bà Arroyo với tư cách là đương kim tổng thống đã giành thắng lợi nhưng gây nhiều tranh cãi.

Zuce, người không nằm trong số các nhân chứng được Krusada bảo vệ, nói với phiên tòa của thượng viện hôm 3-8 rằng cựu thị trưởng Lilia Pineda của thị xã Lubao ở tỉnh Pampanga, cách Manila 60 kilômét về phía tây bắc, đã hối lộ 30.000 peso (536 Mỹ kim) cho các viên chức trong ban bầu cử khu vực tại nơi ở của bà Arroyo trong thành phố Quezon, đông bắc Manila, hồi tháng 1-2004, bốn tháng trước cuộc bầu cử toàn quốc.

Sau đó, hai trong năm nhân chứng mà Krusada giới thiệu đã khẳng định hồi đầu tháng 8 rằng một thượng nghị sĩ phe đối lập đã ép buộc họ tố cáo bà Arroyo và gia đình bà nhận tiền hối lộ từ jueteng.

Đức Tổng Giám mục Cruz nói với UCA News rằng ngài "không ngạc nhiên" về những lời nói ngược lại hoàn toàn của một số nhân chứng, mà ngài gọi là những người "hết sức cần" tiền. Ngài nói chín trong số 14 nhân chứng mà Krusada bảo vệ cũng đã không làm chứng bởi vì họ đã rút lui không xuất hiện tại các phiên tòa hay đưa ra bằng chứng giống với lời chứng của các nhân chứng khác.

Ngài nói với UCA News gần đây: "Tôi cảm thấy bị căng thẳng và áp lực khi tôi phải ở cùng các nhân chứng, bởi vì tôi là người ủng hộ duy nhất của họ." Tuy nhiên, ngài tin rằng qua các phiên tòa này, một số thượng nghị sĩ "tin chắc rằng các hoạt động jueteng không nên được hợp pháp hóa." Ngài đề nghị soạn thảo các đạo luật mới cho phép "kiểm tra tài sản của những quan chức cấp cao bị tình nghi dính líu đến cờ bạc."

Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines và những người chỉ trích jueteng khác muốn trò chơi quay số bị tiệt trừ, vì nó bóc lột người nghèo khổ và thúc đẩy văn hóa tham nhũng và sai lầm khi mong muốn nhanh chóng kiếm tiền.

Một số người cho rằng hợp pháp hóa jueteng sẽ giúp cho cảnh sát có thời gian chống các tội phạm khác hơn là trò cờ bạc bất hợp pháp, nhưng Jorge Sibal, hiệu trưởng Trường Quan hệ Lao động và Công nghiệp thuộc Đại học Philippines, không đồng tình với họ. Ông nói với UCA News rằng ngay cả một trò xổ số hợp pháp cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy nền văn hóa "biếng nhác" nơi người nghèo.

Theo tin đã đưa, Tập đoàn Đánh bạc và Giải trí Philippines ước tính có thể đóng tới 8 tỷ peso trong tổng thu nhập hàng năm của chính phủ khi hợp pháp hóa jueteng.