1. Ngày đầu mùa xuân, quân Nga mất 7 xe tăng và 8 xe thiết giáp cùng 650 quân

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư mùng 1 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết, ngày 1 tháng Ba là ngày đầu tiên của mùa xuân tại Ukraine. Điều đó có nghĩa là tuyết tan ra, mặt đất mềm đi, bùn lầy khắp nơi.

Tại thành phố Bakhmut, Trung Đoàn 254 Súng Trường Cơ Giới của Nga, 2 Lữ Đoàn Dù 51 và 137 của Sư Đoàn Dù 106 từ thành phố Vuhledar rút về đây, đã cùng với quân Wagner tấn công vào phía Bắc thành phố. Giao tranh trên đường phố trong khu dân cư đã diễn ra. Quân Ukraine đã bắn cháy 7 chiếc xe tăng T90 và 8 xe thiết giáp. Lực lượng tổng hợp của Nga bỏ chạy để lại hàng trăm xác đồng đội. Lữ đoàn tấn công sơn cước số 10 của quân Ukraine truy kích đối phương tịch thu được 10 hệ thống pháo và một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Tưởng cũng nên biết thêm, ngày nay, quân Ukraine được trang bị các loại vũ khí chống tăng cá nhân hiện đại như Javelin cho nên xe tăng Nga dù tiên tiến đến đâu cũng dễ bị tấn công, nếu như không có bộ binh yểm trợ. Đưa xe tăng tấn công trong các cuộc giao tranh trên đường phố không phải là một chiến thuật hay. Đối phương có thể núp đâu đó trong các ngôi nhà phóng ra một cú hỏa tiễn là xong.

T-90, giá khoảng 5 triệu Mỹ Kim, nặng 45 tấn, chở được 3 người với súng 125 ly và có lớp giáp thép tổng hợp là xe tăng tốt nhất của Nga. Việc quân đội Nga tung một lực lượng xe tăng hiện đại nhất của họ vào thành phố Bakhmut nói lên khát vọng của Điện Cẩm Linh muốn chiếm được thành phố này để tạo ra một hào quang chính trị cho quân đội Nga. Thành phố có rất ít giá trị về mặt quân sự cả chiến lược và chiến thuật.

Các xe tăng T-90 này có thể nhanh chóng tan như xác pháo. Xe tăng rất dễ bị tổn thương trước các nhóm bộ binh nhỏ trang bị hỏa tiễn chống tăng dẫn đường chính xác.

Cách phòng thủ tốt nhất của xe tăng trước bộ binh địch là phải có một lực lượng bộ binh thiện chiến. Nhưng quân đội Nga không bao giờ có đủ bộ binh được huấn luyện để bảo vệ xe tăng của mình. Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn khi Putin đã mất gần 150.000 quân ở Ukraine.

Tại chiến trường thành phố Bakhmut, không thiếu trường hợp các tổ lái xe tăng bỏ xe chạy, để lại cho quân Ukraine những chiếc xe tăng còn mới tinh trong tình trạng hoàn hảo. Một số thực sự hết nhiên liệu phải bỏ lại. Một số phải bỏ lại vì tổ lái 3 người đã chết trong xe trong điều kiện lạnh giá. Trong điều kiện còn ít nhiên liệu họ không dám nổ máy. Cũng có khả năng họ không dám nổ máy vì sợ khiến quân Ukraine phát hiện ra vị trí của họ. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng, trong điều kiện của thành phố Bakhmut nơi nhiệt độ âm dưới 10 độ C trong những ngày mùa Đông vừa qua, xe tăng thực sự biến thành một cái tủ lạnh.

Trong 24 giờ qua, quân Nga mất 650 binh sĩ, 7 xe tăng, 8 xe thiết giáp, 5 xe chuyển quân và nhiên liệu, chủ yếu tại thành phố Bakhmut.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 1 Tháng Ba, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 149.890 binh sĩ Nga. Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương cũng bao gồm 3.395 xe tăng, 6.638 xe thiết giáp, 2.393 hệ thống pháo, 479 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 247 hệ thống phòng không, 300 máy bay chiến đấu, 288 máy bay trực thăng, 5.257 xe chuyển quân và nhiên liệu, 18 tàu chiến, 2.055 máy bay không người lái, 873 hỏa tiễn hành trình, và 230 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Các xe tải chở đạn của Nga nổ tung ở Kadiivka bị tạm chiếm

Một vụ nổ đã làm rung chuyển khu vực tạm chiếm Kadiivka, Luhansk, nơi một số xe tải chở đầy đạn đã nổ tung.

Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai đã cho biết như trên trong cuộc họp báo qua cầu truyền hình tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư mùng 1 tháng Ba.

Theo ông Haidai, “Ở Kadiivka, nơi người Nga cố giấu xe tải chở đạn của họ tại cơ sở của nhà máy địa phương, pháo binh Ukraine đã bắn trúng.”

Theo các báo cáo trên mạng xã hội, vụ nổ xảy ra tại Nhà máy vận chuyển Kadiivka, một trong những doanh nghiệp phát triển nhất ở vùng Luhansk mà quân xâm lược đã biến thành căn cứ quân sự.

Người đứng đầu vùng Luhansk cũng lưu ý rằng đối phương đã cố gắng tấn công ở Bilohorivka và gần Kreminna, đặc biệt là ở khu vực Makiivka và Nevske. Lực lượng Nga tấn công chủ yếu vào ban đêm.

Mỗi ngày, người Nga bắn vũ khí hạng nặng vào các khu định cư đã bị xâm lược, nơi vẫn còn thường dân. Theo Haidai, họ có sẵn rất nhiều máy bay không người lái kamikaze, và đang tích cực triển khai chúng theo hướng Luhansk.

Haidai nói thêm: “Chúng ta đang chờ khả năng chống lại những chiếc máy bay không người lái này xuất hiện.”

Nga bắt đầu phóng máy bay không người lái kamikaze Shahed do Iran sản xuất từ vùng Briansk với hy vọng rút ngắn khoảng cách bay tới Kyiv và kéo giãn lực lượng phòng không Ukraine.

3. Trung Quốc đã 'rất rõ ràng' đứng về phía Nga trong cuộc chiến Ukraine: Mỹ

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đến Bắc Kinh hôm thứ Ba 28 tháng Hai trong chuyến thăm ba ngày để gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Các nhà lãnh đạo Belarus cho rằng chuyến thăm Bắc Kinh bất ngờ của Lukashenko là theo lệnh của Putin và có liên quan đến việc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga.

Trong bối cảnh này, tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China Has 'Very Clearly' Taken Russia's Side in Ukraine War: U.S.”, nghĩa là “Hoa Kỳ cho rằng: Trung Quốc đã 'rất rõ ràng' đứng về phía Nga trong cuộc chiến Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Hôm thứ Hai, Hoa Kỳ đã dội một gáo nước lạnh vào thành tích kiến tạo hòa bình của Trung Quốc và thách thức Bắc Kinh sử dụng đòn bẩy của mình đối với Mạc Tư Khoa để nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Vào ngày 24 tháng 2, trùng với ngày kỷ niệm cuộc xung đột kéo dài một năm, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã công bố giải pháp 12 điểm cho cái mà họ gọi là “khủng hoảng Ukraine”. Để tôn trọng Nga, Trung Quốc đã không sử dụng từ “xâm lược”.

Bản báo cáo lập trường dài dòng đã không được Kyiv hoặc Mạc Tư Khoa chấp nhận hoàn toàn, và nó được công bố trong bối cảnh phương Tây ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc đang cân nhắc gửi viện trợ cho Nga. Độ tin cậy của các phủ nhận công khai và riêng tư của Bắc Kinh về việc cung cấp vũ khí cho Nga vẫn còn là một câu hỏi.

“Trung quốc đã nói với thế giới rằng, về cơ bản, họ không đảm nhận một vị trí nào, mà thay vào đó, họ đã cố gắng thể hiện mình là một nhà môi giới trung thực. Tuy nhiên, trong lời nói và hành động, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Trung Hoa không phải là một nhà môi giới trung thực,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Price, người đã lập luận rằng nguyên lý đầu tiên trong đề xuất hòa bình của Trung Quốc - tôn trọng “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia” - Bắc Kinh đã cung cấp cho Điện Cẩm Linh một vỏ bọc quan trọng về ngoại giao, chính trị, kinh tế và lập luận để chống lại “mưu đồ chiếm đất của Nga ở Ukraine.”

“Có những quốc gia trên thế giới, nếu họ tìm cách chấm dứt cuộc chiến này, sẽ có một lượng đòn bẩy đáng kể với Liên bang Nga,” Price nói. “Trung quốc chắc chắn nằm trong danh mục đó. Nhưng cho đến nay, ít nhất, bất chấp sự phủ nhận của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chúng ta đã thấy họ đứng về một phía rất rõ ràng trong cuộc chiến này.”

Quan chức Bộ Ngoại giao, giống như những người khác ở Washington, từ chối đi vào chi tiết về loại vũ khí mà Bắc Kinh được cho là đang dự tính cung cấp cho Mạc Tư Khoa, ngoại trừ việc nói rằng vũ khí của Trung Quốc trên chiến trường sẽ có “những hệ lụy nghiêm trọng và thảm khốc” đối với người dân Ukraine.

Cuối tuần qua, Dân biểu Michael McCaul của tiểu bang Texas, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thuộc Đảng Cộng hòa, dường như đã xác nhận những lo ngại cụ thể về một loại máy bay không người lái tấn công do Trung Quốc sản xuất, mặc dù bản thân nhà sản xuất đã phủ nhận mọi liên hệ thương mại với Nga.

Các quan chức của Bắc Kinh đã cáo buộc những người đồng cấp Mỹ của họ cố gắng điều khiển mối quan hệ Trung Quốc-Nga thông qua sự ép buộc và áp lực. Tuy nhiên, ít nhất một lời phủ nhận công khai đã bị xóa khỏi hồ sơ công khai của chính phủ Trung Quốc.

Đầu ngày thứ Hai, Mao Ninh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết quan điểm của Bắc Kinh về cuộc chiến Ukraine vẫn “khách quan và công bằng”.

Bà ta nói: “Chúng ta đã tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và tìm kiếm một giải pháp chính trị.”

Mao Ninh đã không trả lời trực tiếp các câu hỏi về khả năng Trung Quốc chuyển giao vũ khí cho Nga nhưng tìm cách tạo ra sự tương đương với viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine - hiện lên tới hàng chục tỷ đô la - mặc dù Mỹ chưa bao giờ tuyên bố là một bên trung lập.

Mao Ninh nói: “Mỹ đã đổ vũ khí vào một bên của cuộc xung đột, do đó kéo dài cuộc chiến và khiến hòa bình trở nên khó nắm bắt, đồng thời lan truyền thông tin sai lệch rằng Trung Quốc sẽ cung cấp vũ khí cho Nga và trừng phạt các công ty Trung Quốc với lý do đó”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có vẻ tự tin rằng đất nước của họ có thể chịu được sức ép ngoại giao từ Washington và Brussels, và họ không có ý định giảm thiểu sự liên kết chiến lược của Bắc Kinh với Mạc Tư Khoa hoặc các đồng minh của họ. Vào mùa xuân, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ tiếp đón nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Cẩm Linh.

Sự ủng hộ chính trị cũng được thể hiện vào cuối tuần qua, khi hội nghị thượng đỉnh của các bộ trưởng tài chính G20 ở Bengaluru, Ấn Độ, kết thúc mà không có sự đồng thuận về cuộc chiến ở Ukraine. Hầu hết các chính phủ tham gia đã đồng ý tiếp tục sử dụng ngôn ngữ được sử dụng trong thông cáo của các nhà lãnh đạo được công bố chỉ ba tháng trước đó, nhưng một chú thích trong bản tóm tắt mới nhất đã lưu ý các đoạn liên quan về cuộc xung đột “đã được tất cả các nước thành viên, ngoại trừ Nga và Trung Quốc, đồng ý”.

4. Tình báo Anh cảnh báo: Nga hiện đang phóng máy bay không người lái của Iran từ khu vực Briansk, gần Kyiv hơn -

Nga bắt đầu phóng máy bay không người lái kamikaze Shahed do Iran sản xuất từ vùng Briansk với hy vọng rút ngắn khoảng cách tới Kyiv và kéo căng lực lượng phòng không Ukraine, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã cho biết như trên trong bản tin tình báo mới nhất.

Ngày 27 tháng 2, Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận đã bắn hạ 11 máy bay không người lái Shahed trong tổng số 14 chiếc được phóng trong đêm.

Đại Tướng Serhiy Popko, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô Kyiv, cho biết 9 chiếc trong số đó đã bị bắn hạ trên không phận Kyiv. Được biết, có thêm 3 chiếc máy bay không người lái Shahed nữa bị bắn rơi ở khu vực Chernihiv, miền bắc Ukraine.

Trước cuộc tấn công mới nhất, vào ngày 26 tháng 2, không có báo cáo nào về việc máy bay không người lái của Nga bay vào Ukraine kể từ khoảng ngày 15 tháng 2. Việc sử dụng máy bay không người lái tấn công giảm như vậy có thể cho thấy rằng Nga đã cạn kiệt kho dự trữ hiện tại và có thể sẽ tìm cách bổ sung chúng..

Với hướng tấn công, những chiếc máy bay không người lái Shahed này rất có thể được phóng từ vùng Briansk của Nga. Trước đây, điểm phóng duy nhất được quan sát thấy từ giữa tháng 12 năm 2022 là từ Lãnh thổ Krasnodar, bên kia Biển Azov.

“Một bãi phóng thứ hai sẽ giúp người Nga có một trục tấn công khác, gần Kyiv hơn. Điều này có khả năng làm giảm thời gian bay trên bầu trời Ukraine và làm căng thẳng hơn nữa hệ thống phòng không của Ukraine”, báo cáo viết.

Như đã đưa tin trước đó, trong bản cập nhật trước đó, tình báo Anh cho biết khả năng tấn công bằng hỏa tiễn của Nga bị ảnh hưởng đáng kể do việc mất máy bay trinh sát tầm xa A-50U, vốn bị hư hại cách đây vài ngày do một vụ nổ tại sân bay Machulyshchi ở Belarus..

5. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: Chúng ta phải tạo ra các cam kết lâu dài cho an ninh Ukraine

Sau chiến thắng của Ukraine trong cuộc chiến do Nga gây ra, các quốc gia dân chủ phải ngăn chặn những sự kiện như vậy lặp lại, phá vỡ vòng vây xâm lược của Nga và củng cố an ninh của Ukraine.

Điều này đã được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố hôm thứ Tư 1 tháng Ba tại Helsinki trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh phía Bắc của các Đảng Dân chủ Xã hội và Phong trào Công đoàn ở các Quốc gia Bắc Âu,, gọi tắt là SAMAK.

“Chúng ta không biết khi nào cuộc chiến này sẽ kết thúc. Nhưng khi nó xảy ra, chúng ta phải bảo đảm rằng lịch sử không lặp lại. Tổng thống Putin không thể tiếp tục làm sứt mẻ an ninh Âu Châu. Chúng ta phải phá vỡ chu kỳ xâm lược của Nga. Có nghĩa là, chúng ta phải giúp Ukraine có khả năng ngăn chặn và bảo vệ chống lại sự xâm lược trong tương lai. Chúng ta phải sắp xếp lâu dài cho an ninh của Ukraine. Vì tương lai của Ukraine nằm trong đại gia đình Euro-Atlantic”.

Ông nhắc lại rằng diễn đàn SAMAK hôm nay đang diễn ra tại Helsinki, thành phố đặt nền móng cho an ninh Âu Châu. Đạo luật cuối cùng Helsinki giúp giảm căng thẳng của “Chiến tranh Lạnh”, mở ra cơ hội phát triển hợp tác và tuân thủ các nguyên tắc tự do và nhân quyền. Ba mươi lăm quốc gia, từ Bắc Mỹ và Âu Châu, đã ký vào văn bản này, bao gồm cả Liên Xô. Thỏa thuận cho phép giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng các biên giới có chủ quyền và buộc các quốc gia tham gia phải kiềm chế việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

“Tổng thống Putin hiện đã phá vỡ những nguyên tắc này. Chúng ta có thể bị sốc bởi sự tàn khốc của cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng chúng ta không nên ngạc nhiên. Đây là một phần trong khuôn mẫu xâm lược của Nga trong nhiều năm. Ở Grozny. Tại Georgia. Ở Aleppo. Ở Crimea và Donbas. Và bây giờ, một cuộc xâm lược chính thức vào Ukraine,” tổng thư ký NATO nói.

Ông lưu ý rằng các đồng minh phương Tây đã trao đổi thông tin tình báo về khả năng xâm lược của Nga vài tháng trước khi nó bắt đầu, đồng thời thực hiện các nỗ lực chính trị và ngoại giao tích cực để thuyết phục Nga không bắt đầu chiến tranh. Bất chấp mọi lời kêu gọi, Putin chọn cách tấn công. Một năm sau cuộc chiến này, theo kết luận của Stoltenberg, Putin không chuẩn bị cho hòa bình, ông ta chỉ chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn hơn.

“Tôi nghe thấy những lo ngại rằng sự hỗ trợ của chúng ta làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng. Nhưng chừng nào nước láng giềng lớn nhất của chúng ta vẫn sẵn sàng xâm chiếm một quốc gia khác, thì không có lựa chọn nào mà không có rủi ro. Vì vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, rủi ro lớn nhất là nếu Tổng thống Putin giành chiến thắng ở Ukraine. Nếu ông ta thắng, điều đó sẽ cho các nhà lãnh đạo độc tài thấy rằng sự gây hấn có hiệu quả. Và lực lượng xâm lược giành được phần thưởng. Điều đó sẽ khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn. Và chúng ta dễ bị tổn thương hơn. Vì vậy, hỗ trợ Ukraine không chỉ là điều đúng đắn về mặt đạo đức. Đó cũng là vì lợi ích an ninh của chính chúng ta,” Tổng Thư Ký Stoltenberg nhấn mạnh.

Như đã đưa tin, kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược quân sự vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, NATO và các đồng minh riêng lẻ đã hỗ trợ Ukraine cung cấp vũ khí hiện đại và huấn luyện quân đội Ukraine. Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine theo định dạng Ramstein, được thành lập dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ, đã thống nhất 54 nền dân chủ, bao gồm cả các đồng minh NATO, cung cấp cho Ukraine vũ khí và thiết bị quân sự phối hợp chặt chẽ để giúp quốc gia này thực hiện quyền tự trị của mình được bảo vệ theo quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

6. Phó Tổng Thư Ký NATO nhận định về cách Liên minh sẽ phản ứng nếu Moldova bị Nga tấn công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Deputy on How Alliance Would React If Moldova Is Attacked by Russia”, nghĩa là “Phó Tổng Thư Ký NATO nhận định về cách Liên minh sẽ phản ứng nếu Moldova bị Nga tấn công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ..

Phó tổng thư ký NATO cho biết Moldova sẽ không “yếu về mặt quân sự” bất chấp vị thế trung lập của nước này, nếu Mạc Tư Khoa cố gắng tấn công quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Mircea Geoană, phát biểu với một đài truyền hình Rumani, cho biết “điều khoản trung lập” trong hiến pháp của quốc gia Đông Âu “phải được tôn trọng.” Điều khoản này nêu rõ Moldova sẽ duy trì “sự trung lập vĩnh viễn”, điều này chỉ có thể bị đảo ngược thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Nhưng quân đội Nga từ lâu đã đóng quân ở khu vực Transnistria ly khai của Moldova sau một cuộc chiến vào đầu những năm 1990, và cuộc chiến Ukraine đã làm dấy lên đồn đoán về số phận của nước láng giềng thân Âu Châu của Ukraine.

Quốc gia Đông Âu này nhận tư cách ứng cử viên Liên Hiệp Âu Châu cùng lúc với Ukraine, vào tháng 6 năm 2022.

“Chúng ta phải công nhận thực tế rằng Cộng hòa Moldova, sau cuộc chiến ở Transnistria, 30 năm trước, đã có một điều khoản trung lập trong Hiến pháp,” Geoană nói. Vì vậy, điều này phải được tôn trọng.

Tuy nhiên, chính phủ Moldova ở Chisinau, do Tổng thống Maia Sandu lãnh đạo, hiểu rằng “trung lập không có nghĩa là bạn phải yếu về mặt quân sự,” Geoană nhấn mạnh.

“Trở nên trung lập không có nghĩa là bạn không có lực lượng để bảo vệ lãnh thổ và dân cư của mình.”

Tuy nhiên, phó tổng thư ký NATO đã đặt câu hỏi về khả năng của Mạc Tư Khoa trong việc triển khai thêm lực lượng tới Transnistria, điều này “có nghĩa là cố chiếm toàn bộ Ukraine, bao gồm cả Odesa, để tạo ra một đường thông thương với những người ở đó.”

Thành phố cảng Ukraine Odesa là khu định cư lớn gần nhất ở Ukraine gần với Transnistria và thủ đô Tiraspol.

Moldova đã cảm nhận được phần nào hậu quả của cuộc chiến Ukraine, và các hỏa tiễn đã bay vào không phận Moldova vào tháng trước.

Hôm thứ Hai, hãng hàng không Hung Gia Lợi Wizz Air tuyên bố sẽ không khai thác các chuyến bay đến thủ đô Moldova từ ngày 14 tháng 3, với lý do lo ngại về sự an toàn trên không phận đất nước do chiến tranh đang diễn ra.

“Sau những diễn biến gần đây ở Moldova và rủi ro gia tăng, dù không sắp xảy ra trong không phận của Moldova, Wizz Air đã đưa ra quyết định khó khăn nhưng có trách nhiệm là tạm dừng tất cả các chuyến bay đến Chisinau từ ngày 14 tháng 3,” hãng cho biết trong một tuyên bố.

Cơ quan hàng không dân dụng của đất nước cho biết họ sẽ thực hiện “mọi hành động cần thiết” để đưa hãng hàng không trở lại Chisinau càng sớm càng tốt, như Reuters đưa tin.

Vào ngày 23 tháng 2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết chính phủ Ukraine đang lên kế hoạch cho một chiến dịch “cờ giả” chống lại Transnistria “trong tương lai gần”. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết quân đội Ukraine sẽ mặc đồng phục của Nga để tiến vào khu vực ly khai. Điều này đã bị bác bỏ bởi Chisinau.

Ngày hôm sau, Nga cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các lực lượng Nga đóng quân ở Transnistria “được luật pháp quốc tế sẽ được coi là một cuộc tấn công vào Liên bang Nga.”

Một tuần rưỡi trước đó, Sandu đã cáo buộc Điện Cẩm Linh âm mưu gửi “những kẻ phá hoại” trong trang phục dân sự để “lật đổ trật tự hiến pháp” ở Moldova. Mạc Tư Khoa đã phủ nhận điều này.

Hồi đầu tháng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Kyiv đã “ngăn chặn kế hoạch phá hủy Moldova của tình báo Nga”.