Trong một cuộc phỏng vấn ngày 13 tháng 1, 2023 của tờ The Pillar, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput phát biểu quan điểm về một số vấn đề trọng tâm trong đời sống Giáo hội. Mời qúy độc giả theo dõi nội dung cuộc phỏng vấn ( https://www.pillarcatholic.com/chaput-speaking-the-truth-is-polarizing/?ref=the-pillar-post-newsletter).



Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, OFM Cap., là tổng giám mục hưu trí của Philadelphia, và là người lãnh đạo lâu năm trong số các giám mục Hoa Kỳ.

Vị tổng giám mục, 78 tuổi, trở thành linh mục thứ hai có tổ tiên là người Mỹ bản địa được tấn phong giám mục giáo phận vào năm 1988. Sau chín năm phục vụ với tư cách là Giám mục Thành phố Rapid, Nam Dakota, ngài trở thành Tổng Giám mục Denver vào năm 1997, và được bổ nhiệm vào tháng 7 năm 2011 làm Tổng Giám Mục Philadelphia.

Đức Tổng Giám Mục Chaput và tổng giáo phận Philadelphia đã tổ chức Đại hội Gia đình Thế giới vào năm 2015. Cùng năm, ngài là đại biểu của Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình, và được bầu vào một nhiệm kỳ trong Hội đồng Thường trực của Thượng Hội đồng Giám mục tại Vatican.

Đức Tổng Giám Mục, tác giả của bốn cuốn sách, đã nói chuyện với The Pillar tuần này về cái chết của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y George Pell, Thượng hội đồng về tính đồng nghị và Công đồng Vatican II.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, với cái chết của cả Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Đức Hồng Y George Pell trong tháng này, có vẻ như hai ngôi sao dẫn đường cho nhiều người trong Giáo Hội đã mất đi. Điều gì sẽ tác động đến Giáo hội về cái chết của các ngài?

Giáo hội sẽ tiếp tục công việc và chứng tá của mình bởi vì Giáo hội không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào ngoại trừ Chúa Giêsu Kitô. Nhưng sự vắng mặt của các ngài là một tổn thất rất nặng nề bởi vì cả hai con người này đều thể hiện trí thông minh Kitô giáo rõ ràng, trung thành một cách đáng lưu ý. Không ai trong ban lãnh đạo Giáo hội hiện tại có khả năng thay thế các ngài. Điều này, với thời gian, sẽ xảy ra thôi, nhưng băng ghế tài năng lúc này xem ra có vẻ khá mỏng.

Công bằng hay không, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Pell được miêu tả là những nhân vật phân cực. Có lẽ sự phân cực trong Giáo hội không phải là một thực tế mới, nhưng có vẻ như nhiều “phe” khác nhau trong Giáo hội đã trở nên thù địch với nhau hơn trong những năm gần đây. Tại sao vậy?

Nói sự thật là phân cực. Nó đã giết Chúa Giêsu. Người xấu với ý tưởng xấu không thích người tốt cố gắng làm điều tốt. Và điều đó giải thích cho sự khinh miệt, oán giận và dối trá thẳng thừng nhắm vào cả hai con người này trong nhiều năm, kể cả từ những người tự nhận mình là Kitô hữu; những người trong chính Giáo hội.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, việc giải thích và hiểu Công đồng Vatican II dường như là tâm điểm của nhiều bất đồng hiện nay trong Giáo hội. Sáu mươi năm sau khi công đồng kết thúc, tại sao cách đọc có thẩm quyền về Vatican II vẫn còn bị nghi ngờ?

Công đồng Vatican II có phải là một sự phát triển và cải tổ hữu cơ đời sống Giáo hội, hay là một sự đoạn tuyệt với quá khứ và một khởi đầu mới? Đó là câu hỏi trọng tâm và câu trả lời cho nó dẫn đến những con đường rất khác nhau. Đoạn tuyệt với quá khứ dường như coi thường bất cứ khái niệm nào về sự phát triển thực sự của tín lý. Cả Ratzinger và Pell đều coi công đồng là một kinh nghiệm về sự liên tục và cải cách. Các ngài rất đúng. Nhưng sự chia rẽ và xung đột đã trở nên phổ biến sau nhiều hội đồng. Ta cần phải chịu đựng và tìm cách vượt qua.

Với 60 năm nhìn lại, Đức Tổng Giám Mục có đánh giá Vatican II như một điều gì đó tốt cho Giáo hội không?

Có, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng giá trị của mọi công đồng đều có những giới hạn do thời đại và những vấn đề mà nó phải đối đầu. Đó là lý do tại sao cần có nhiều công đồng. Chẳng hạn, Vatican II không bác bỏ Trent hay Vatican I, nhưng Giáo hội cần điều chỉnh cách tiếp cận của mình với thế giới và nói về những điều kiện mới lên khuôn khổ cho sứ mệnh của mình. Đó là ý định của Đức Gioan XXIII khi triệu tập nó; của Đức Phaolô VI khi kết thúc nó; và của Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI trong việc áp dụng các giáo huấn của nó.

Dù Giáo hội nói về việc giải thích Công đồng Vatican II, ngày nay cũng có một cuộc tranh luận mới nổi lên về một số câu hỏi căn bản của thần học luân lý. Thí dụ, Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống, dưới sự lãnh đạo của Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, đang thách thức các nguyên tắc đạo đức được nêu rõ trong Humanae vitae, Veritatis splendor Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Các câu hỏi dường như đã được giải quyết hiện đang bị mở lại. Người trung thành phải làm gì về điều đó?

Tôi cho rằng nó phụ thuộc vào cách ông định nghĩa chữ “trung thành”. Tôi nghĩ rằng một số thay đổi trong vài năm qua tại Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống và Học viện Gioan Phaolô II là thiếu thận trọng và mang tính phá hoại. Trên thực tế, toàn bộ mục đích của học viện mà Thánh Gioan Phaolô thành lập đã bị đảo lộn; một sự xúc phạm rõ ràng đối với thẩm quyền và di sản của ngài. Không có sự trung thực nào trong việc giảm bớt hoặc phá vỡ nội dung của các văn kiện mà ông đề cập.

Đối với một số người Công Giáo, việc tái tranh cãi các giáo huấn luân lý Công Giáo này được coi như một khía cạnh xác định ra triều giáo hoàng Phanxicô. Đức Tổng Giám Mục có nghĩ rằng đây là điều mà các Hồng Y bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong đợi khi họ bầu chọn ngài không?

Triều giáo hoàng này đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều người.

Đức Tổng Giám Mục nghĩ các Hồng Y cử tri mong đợi loại cải cách nào từ Đức Hồng Y Bergoglio lúc bấy giờ?

Chính các vị Hồng Y cử tri phải lên tiếng. Nhưng tôi nhớ Đức Hồng Y Francis George, một người bạn, đã nói với tôi không lâu trước khi ngài qua đời rằng các Hồng Y tại mật nghị kêu gọi Đức Giáo Hoàng cải cách Giáo triều Rôma, chứ không phải “cải cách” Giáo hội.

Đối với chúng ta, những người Công Giáo nghiêm túc với đức tin của họ tự động tôn trọng và ủng hộ Đức Giáo Hoàng - bất cứ Đức Giáo Hoàng nào. Nhưng họ mong đợi một sự liên tục căn bản trong vai trò lãnh đạo và họ cảm thấy bối rối khi có sự mơ hồ ở cấp lãnh đạo.

Dù không phải là một viên chức của Vatican, Đức Tổng Giám Mục cảm thấy thế nào về những điều diễn ra ở Rome? Đức Tổng Giám Mục có ủng hộ những cải cách của Đức Thánh Cha không?

Tôi không ở vị trí để biết. Tôi thực sự nghĩ rằng những bài phát biểu hàng năm của Đức Thánh Cha trước giáo triều, vốn là vấn đề được ghi nhận công khai, đã quá u tối. Tôi không chắc chúng truyền cảm hứng hay thúc đẩy bất cứ ai.

Nhưng đó có phải cũng đúng như thế dưới thời các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI không? Nếu không, khác nhau ra sao?

Dù cố ý hay không, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như có một cách tiếp cận khắc nghiệt hơn trong các bình luận của mình so với hai vị giáo hoàng trước đây. Tùy thuộc vào chủ trương của ông trên quang phổ thần học, ông có thể sợ hãi trong bất cứ triều giáo hoàng nào. Những người cấp tiến thường viết về mức độ sợ hãi trong các triều giáo hoàng của cả Chân phước Piô IX và Thánh Piô X. Thần học tạo ra một sự khác biệt lớn. Rất nhiều thứ đang bị đe dọa.

Đức Tổng Giám Mục nghĩ di sản của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là gì?

Di sản chỉ rõ ràng khi nhìn lại. Tôi nghĩ ngài sẽ được nhớ đến, ít nhất là một phần, vì sự quan tâm của ngài đối với người nhập cư và người nghèo; sự nhấn mạnh của ngài về sự đơn giản, lắng nghe và đồng hành, và vươn tới các khu ngoại biên của Giáo hội và thế giới. Đây đều là những điều tốt đẹp, hiểu một cách đúng đắn. Những ký ức khác có thể có vấn đề hơn.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, khái niệm về tính đồng nghị dường như là một chủ đề chính trong triều giáo hoàng của Đức Thánh Cha. Kết quả của nỗ lực ba năm ‘thượng hội đồng về tính đồng nghị’ sẽ là gì?

Về kết quả, tôi không có ý kiến. Về diễn trình, tôi nghĩ nó thiếu thận trọng và dễ bị thao túng, và thao túng luôn liên quan đến sự không trung thực. Cho rằng Công đồng Vatican II phần nào ngụ ý nhu cầu đồng nghị như một đặc điểm lâu dài của đời sống Giáo hội đơn giản chỉ là sai lầm. Công đồng chưa bao giờ đề xuất điều đó. Hơn nữa, tôi là một đại biểu của thượng hội đồng năm 2018, và cách mà “tính đồng nghị” được đưa vào chương trình nghị sự là một hành động thao túng và xúc phạm. Nó không liên quan gì đến chủ đề của thượng hội đồng về giới trẻ và đức tin. Tính đồng nghị có nguy cơ trở thành một loại Vatican III Nhẹ ký; một công đồng tròng trành trên quy mô dễ kiểm soát hơn, dễ bảo hơn nhiều. Điều đó sẽ không phục vụ nhu cầu của Giáo hội hoặc của giáo dân.

Tôi đã phục vụ một nhiệm kỳ trong Hội đồng Thường trực của Thượng Hội đồng Giám mục bắt đầu từ năm 2015. Và tôi nhớ một số cuộc thảo luận ngắn về khó khăn trong việc tổ chức một công đồng đại kết khác vì số lượng lớn các giám mục ngày nay. Nhưng tôi rất cảnh giác đối với ý tưởng cho rằng tính đồng nghị, cách nào đó, có thể thay thế một công đồng đại kết trong đời sống của Giáo hội. Không có truyền thống về việc các giám mục ủy thác trách nhiệm bản thân của các ngài đối với Giáo hội hoàn vũ cho một số ít giám mục hơn, vì vậy bất cứ sự phát triển nào như vậy sẽ cần phải được xem xét và thảo luận rất cẩn thận trước khi thực hiện bất cứ nỗ lực nào. Đó không phải là tinh thần hay thực tại hiện tại của những gì đang xảy ra.

Một khía cạnh khác của triều giáo hoàng Phanxicô là sự nổi bật của các tu sĩ Dòng Tên trong các vị trí lãnh đạo Giáo hội. Ta có thể hiểu gì về mối liên hệ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Dòng Tên?

Vâng, tôi là một tu sĩ Dòng Phanxicô Cải cách, và điều đó đã định hình cuộc đời tôi một cách sâu sắc. Việc đào tạo Dòng Tên mà Đức Phanxicô nhận được đương nhiên sẽ có tác dụng tương tự. Nhưng khi một tu sĩ trở thành giám mục, ngài thuộc về giáo phận, linh mục đoàn và giáo dân của mình. Tôi yêu các anh em Dòng Phanxicô Cải cách của tôi, nhưng tôi là một linh mục của Tổng giáo phận Philadelphia. Đó là lòng trung thành chính của tôi. Đức Phanxicô là giám mục của Rome; vai trò đó và các nghĩa vụ của nó, đối với cả giáo phận địa phương và Giáo hội hoàn vũ, là lòng trung thành chính của ngài - không phải Dòng Tên. Quá phụ thuộc vào cộng đồng tu trì của ông và các thành viên của nó, trừ khi ông là một giám mục đang phục vụ trong các cơ sở truyền giáo, không phải là một ý kiến hay. Và tôi nghĩ rõ ràng là Đức Phanxicô cai trị giống như một bề trên tổng quyền của Dòng Tên, từ trên xuống dưới với rất ít ý kiến hợp tác. Ngài dường như cũng nhấn mạnh nhiều hơn vào sự biện phân cá nhân của mình hơn là sự biện phân của các giáo hoàng trong quá khứ và sự biện phân chung của Giáo hội qua nhiều thế kỷ.

Nhiều giám mục mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nâng lên hàng Hồng Y đoàn không xuất thân từ ‘đường Hồng Y’ thông thường trong Giáo hội. Đức Tổng Giám Mục hiểu điều đó như thế nào? Đức Tổng Giám Mục nghĩ nó có ý nghĩa gì đối với tương lai của Giáo hội?

Tôi nghĩ đó là một điều rất tốt, miễn là những con người này có bản chất tinh thần và trí tuệ để thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực và tốt đẹp.

Theo thông lệ, Tổng Giám mục Philadelphia được bổ nhiệm làm Hồng Y. Đức Tổng Giám Mục đã không được. Đức Tổng Giám Mục có thất vọng vì Đức Tổng Giám Mục không phải là một Hồng Y không?

Không, và tôi ngủ ngon hơn rất nhiều nhờ điều đó.

Hiện nay có một câu chuyện kể về hội đồng giám mục Hoa Kỳ rằng một số giám mục, kể cả chủ tịch hội đồng, cách nào đó, chống Đức Phanxicô, hoặc chống lại sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Con nhận ra rằng điều này có nguy cơ biến nhân cách của Đức Thánh Cha thành một loại 'phép thử' Công Giáo, thay vì tập trung vào tính liên tục và trung thành với tín lý Công Giáo. Tại sao trình thuật này vẫn tồn tại?

Kính trọng Đức Thánh Cha là đòi hỏi của đức ái Kitô giáo và lòng trung thành con thảo. Nhưng nó không bao giờ đòi hỏi sự qụy lụy hay nịnh hót. Và tôi không thể tưởng tượng Đức Thánh Cha, với tư cách là một mục tử giàu kinh nghiệm, lại muốn như vậy. Các giám mục Hoa Kỳ luôn trung thành — và nói một cách thành thật, rất quảng đại — đối với Rome, và điều đó vẫn luôn như vậy. Biến những mối quan tâm nghiêm túc về tín lý thành một cuộc tranh luận về nhân cách chỉ là một cách thuận tiện để trốn tránh những vấn đề thực chất cần được giải quyết. Nó cũng cho thấy một sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về lịch sử Giáo hội. Các vị giáo hoàng đến rồi đi, ngay cả những vị vĩ đại, giống như các giám mục và các Kitô hữu hàng ngày. Điều quan trọng, bất kể giá nào, là sự trung thành với giáo huấn Công Giáo - và không cần đưa ra lời tạ lỗi nào khi theo đuổi điều đó.

Thưa Đức Tổng Giám Mục, một số ý kiến của Đức Tổng Giám Mục sẽ bị coi là chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Tổng Giám Mục có nghĩ rằng Đức Tổng Giám Mục không trung thành với ngài bằng cách phát sóng những bình luận này một cách công khai không?

Tôi yêu Đức Thánh Cha. Tôi rất ấn tượng với ngài khi chúng tôi gặp nhau với tư cách là các giám mục trẻ tại Hội nghị Đặc biệt về Châu Mỹ năm 1997 ở Rome. Giáo hội cần ngài thành công trong thừa tác vụ của ngài. Tôi chỉ đưa ra một nhận xét tôn trọng. Tôi có rất nhiều người bạn có những cuộc hôn nhân tốt đẹp đã kéo dài trong một thời gian khá lâu. Có một bài học trong đó. Ông sẽ không có được một cuộc hôn nhân lành mạnh - và chắc chắn không phải là một cuộc hôn nhân lâu dài - trừ khi ông sẵn sàng nói ra sự thật và lắng nghe nó một cách thành thật để đổi lại. Điều tương tự cũng đúng đối với Giáo hội. Bất cứ ai ở bất cứ hình thức lãnh đạo nào không muốn nghe sự thật gây khó chịu đều cần phải thay đổi thái độ của mình đối với thực tại.