Theo tin Tòa Thánh, sáng ngày 6 tháng 11, ngày cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bahrain, ngài đã có buổi cầu nguyện với các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và nhân viên mục vụ tại nhà Nhà thờ Thánh Tâm ở Manama. Nhân buổi cầu nguyện này, ngài đã ngỏ lời với cử tọa. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh:



Các Giám mục, Linh mục, Nam nữ Tu sĩ, các chủng sinh và nhân viên Mục vụ thân mến, xin chào anh chị em buổi sáng!

Tôi vui mừng được có mặt ở đây, giữa cộng đồng Kitô hữu đang biểu lộ rõ ràng bộ mặt “Công Giáo” của mình: bộ mặt phổ quát, một Giáo hội gồm những người từ nhiều nơi trên thế giới cùng nhau tuyên xưng một đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô. Hôm qua, Đức Giám Mục Hinder - người mà tôi cảm ơn vì sự phục vụ của ngài và những lời giới thiệu của ngài - đã nói về “một bầy chiên nhỏ gồm những người di cư”. Như thế, khi chào thăm anh chị em, suy nghĩ của tôi cũng hướng đến những dân tộc mà từ đó anh chị em đã xuất thân, đến những gia đình thân yêu của anh chị em, những người mà anh chị em nhớ đến với một chút nhớ mong, và đến đất nước cội nguồn của anh chị em. Đặc biệt, vì tôi thấy một số anh chị em đến từ Lebanon, tôi xin cam đoan về những lời cầu nguyện và sự gần gũi của tôi đối với đất nước thân yêu của anh chị em, vốn rất mệt mỏi và chịu thử thách một cách đau khổ, cũng như đến tất cả các dân tộc đang đau khổ ở Trung Đông. Thật tuyệt vời khi được là một phần của một Giáo hội bao gồm các lịch sử khác nhau và các khuôn mặt khác nhau tìm được sự hòa hợp của họ trong khuôn mặt duy nhất của Chúa Giêsu. Và sự đa dạng này - như tôi đã thấy trong những ngày này - là tấm gương phản chiếu của đất nước này, của những con người sống ở đây, cũng như cảnh quan của nó, mặc dù hầu hết là sa mạc, tự hào với nhiều loại thực vật và sinh vật sống động phong phú.

Những lời của Chúa Giêsu mà chúng ta đã nghe nói về nước hằng sống chảy ra từ Chúa Kitô và các môn đệ của Người (x. Ga 7:37-39). Chúng khiến tôi nghĩ về chính mảnh đất này. Mặc dù đúng là có một vùng sa mạc rộng lớn, nhưng lại có những suối nước ngọt chảy ngầm tưới tiêu cho nó. Đó là một hình ảnh đẹp đẽ về con người của anh chị em và trên hết, về cách đức tin vận hành trong cuộc sống của chúng ta: xét ở bề ngoài, nhân loại của chúng ta dường như khô héo bởi vô số điểm yếu, nỗi sợ hãi, thách thức và các vấn đề bản thân hoặc xã hội thuộc nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, thực sự trong sâu thẳm linh hồn, trong thẩm cung trái tim, có dòng nước trong lành êm đềm và âm thầm của Chúa Thánh Thần, Đấng làm tươi mát sa mạc của chúng ta và phục hồi sự sống cho những gì khô cằn, Đấng rửa sạch tất cả những gì làm vấy bẩn chúng ta, và làm đã cơn khát hạnh phúc của chúng ta. Chúa Thánh Thần luôn phục hồi sự sống. Đây là nước được Chúa Giêsu nói tới. Đây là mầm sống mới được Người hứa với chúng ta. Đây là ơn phúc của Chúa Thánh Thần, sự hiện diện dịu dàng, yêu thương và làm tươi trẻ lại sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta.

Như thế, điều hữu ích là tập chú vào cảnh được mô tả trong Tin Mừng. Chúa Giêsu đang ở trong Đền thờ ở Giêrusalem, nơi người ta đang cử hành một trong những lễ quan trọng nhất, khi dân chúng chúc tụng Chúa về các hồng phúc đất đai và mùa màng, để tưởng nhớ đến Giao ước. Vào ngày lễ hội ấy, một nghi thức quan trọng đã diễn ra: thầy thượng phẩm xuống hồ Silô để múc nước trong khi dân chúng ca hát vui mừng; sau đó, ông đổ nước bên ngoài các bức tường của thành phố để biểu thị rằng từ Giêrusalem phước lành lớn sẽ chẩy tới mọi người. Thật vậy, người viết Thánh vịnh đã hát về Giêrusalem: “Mọi nguồn suối của ta đều ở trong ngươi” (Tv 87: 7), và tiên tri Êdêkien đã nói về một mạch nước chảy như sông từ Đền thờ, để tưới đất và làm nó sinh hoa kết trái (xem Edk 47: 1-12).

Trong bối cảnh này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn những gì Tin Mừng Gioan muốn nói với chúng ta qua cảnh này. Đó là ngày cuối cùng của ngày lễ, và Chúa Giêsu “đứng lên và tuyên bố: ‘Ai khát, hãy đến với tôi và uống’” (Ga 7:37), vì “sông nước hằng sống” sẽ tuôn chẩy từ trái tim Người (câu 38). Thật là một lời mời đẹp đẽ! Thánh sử giải thích: “Bây giờ Người nói điều này về Chúa Thánh Thần, Đấng mà những người tin vào Người sẽ nhận được; thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (câu 39). Ở đây có ý nói đến khoảnh khắc Chúa Giêsu chết trên thập giá: lúc đó, không còn từ đền thờ bằng đá nữa, nhưng từ cạnh sườn bị đâm của Chúa Giêsu Kitô, nước của sự sống mới sẽ tuôn ra, nước ban sự sống của Chúa Thánh Thần, nhằm cuộc tái sinh mới cho toàn thể nhân loại, giúp họ thoát khỏi tội lỗi và sự chết.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy luôn ghi nhớ điều này: Giáo Hội đã được sinh ra từ đó, được sinh ra từ cạnh sườn đâm thủng của Chúa Kitô, từ nước tái sinh trong Chúa Thánh Thần (x. Tt 3: 5). Chúng ta không phải là Kitô hữu bởi công đức của chúng ta hay đơn giản chỉ vì chúng ta tuyên xưng một tín điều, nhưng vì nước hằng sống của Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta trong phép rửa, khiến chúng ta trở thành con cái yêu dấu của Thiên Chúa, anh chị em của nhau và là một sáng thế mới. Mọi sự đều chảy ra từ ân sủng - mọi thứ đều là ân sủng! Mọi thứ đều phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Như thế, xin cho phép tôi tập chú ngắn gọn vào ba ơn phúc lớn lao mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta và yêu cầu chúng ta đón nhận và phản ảnh trong cuộc sống của chúng ta: Niềm vui, sự hợp nhất và nói tiên tri. Niềm vui, sự hợp nhất và nói tiên tri.

Thứ nhất, Chúa Thánh Thần là nguồn suối niềm vui. Nước ngọt mà Chúa muốn làm cho lưu chảy trong “sa mạc” của nhân loại chúng ta, trần thế và yếu đuối, là điều khiến chúng ta tin chắc rằng chúng ta không bao giờ đơn độc trên hành trình cuộc đời. Chúa Thánh Thần là Đấng không bỏ chúng ta một mình. Người là Đấng An ủi, Người an ủi chúng ta bằng sự hiện diện yên tĩnh và êm dịu của Người, đồng hành với chúng ta bằng tình yêu thương, hỗ trợ chúng ta trong những khó khăn và vất vả, khuyến khích những ước mơ đẹp nhất và những khát vọng sâu sắc nhất của chúng ta, và mở mắt để chúng ta thấy những điều kỳ diệu và vẻ đẹp của cuộc sống. Tuy nhiên, niềm vui của Chúa Thánh Thần không phải là một cảm giác xuân thu nhị kỳ hay một cảm xúc nhất thời; càng không phải là loại “niềm vui được cung cấp bởi nền văn hóa của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tiêu dùng ngày nay” (Gaudete et Exsultate, 128). Thay vào đó, niềm vui của Chúa Thánh Thần là niềm vui được sinh ra từ mối liên hệ với Thiên Chúa, từ việc biết rằng bất chấp những vất vả và đêm đen mà đôi khi chúng ta phải chịu đựng, chúng ta không đơn độc, lạc lõng hay thất bại, vì Người ở cùng chúng ta. Với Thiên Chúa, chúng ta có thể đương đầu và vượt qua mọi sự, ngay cả vực thẳm của nỗi đau và cái chết.

Đối với tất cả anh chị em, những người đã khám phá ra niềm vui này và trải nghiệm nó trong cộng đồng, tôi xin nói: hãy giữ gìn niềm vui này, đúng hơn, hãy để nó lớn lên hơn bao giờ hết. Anh chị em có biết cách tốt nhất để làm điều đó không? Bằng cách cho đi. Đúng vậy, niềm vui của Kitô hữu có tính lây lan tự nhiên, vì Tin Mừng khiến chúng ta vượt quá chính mình để chia sẻ vẻ đẹp của tình Thiên Chúa yêu thương. Do đó, điều thiết yếu là niềm vui này không bị lu mờ hoặc không được chia sẻ trong các cộng đồng Kitô hữu, chúng ta không hạn chế mình vào việc chỉ làm những việc vì bị bắt buộc hay theo thói quen, không có lòng nhiệt thành hoặc óc sáng tạo. Nếu không, chúng ta sẽ mất niềm tin và trở thành một cộng đồng buồn tẻ, và điều này thật tồi tệ! Ngoài phụng vụ, và nhất là cử hành Thánh lễ, nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu (x. Sacrosanctum Concilium, 10), điều quan trọng là chúng ta phải truyền bá niềm vui Tin Mừng qua một cuộc nối vòng tay mục vụ sống động, đặc biệt là cho những người trẻ và các gia đình, và qua việc cổ vũ các ơn gọi linh mục và đời sống tu trì. Chúng ta không thể giữ niềm vui Kitô giáo cho riêng mình. Nó sẽ nhân lên khi chúng ta bắt đầu truyền bá nó ra xung quanh.

Thứ hai, Chúa Thánh Thần là nguồn suối hợp nhất. Tất cả những ai đón nhận Người đều nhận được tình yêu của Chúa Cha và được trở thành con trai và con gái của Người (x. Rm 8:15-16), và nếu là con cái Thiên Chúa, thì cũng là anh chị em của nhau. Không còn chỗ cho những việc làm của xác thịt, những hành động ích kỷ, chẳng hạn như bè phái, cãi vã, vu khống và tán láo. Anh chị em hãy vui lòng thận trọng đối với việc tán láo: tán láo phá hủy cộng đồng. Các chia rẽ của thế gian, và cả các khác biệt về sắc tộc, văn hóa và nghi lễ, không thể làm tổn thương hoặc làm tổn hại đến sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Trái lại, ngọn lửa của Người đốt cháy những ham muốn trần tục và làm cho cuộc sống của chúng ta cháy bỏng tình yêu ấm áp và nhân ái, thứ tình yêu Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, để đến lượt mình, chúng ta có thể yêu thương nhau. Vì lý do này, khi Thần Khí của Chúa Giêsu Phục Sinh ngự xuống trên các môn đệ, Người trở thành nguồn mạch của sự hợp nhất và tình huynh đệ, đối lập với mọi hình thức ích kỷ. Người khai mở ngôn ngữ duy nhất của tình yêu, để các ngôn ngữ khác nhau của con người không còn xa cách và khó hiểu nữa. Người phá bỏ các rào cản ngờ vực và căm ghét, để tạo ra không gian cho việc chấp nhận và đối thoại. Người giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và khơi dậy lòng can đảm để đi ra ngoài gặp gỡ những người khác với sức mạnh không vũ trang và hạ vũ trang của lòng thương xót.

Đây là những gì Chúa Thánh Thần làm, và bằng cách này, Người đã lên khuôn Giáo hội ngay từ thuở ban đầu: bắt đầu từ Lễ Hiện Xuống, khi nhiều hậu cảnh, mẫn cảm và viễn kiến được hòa hợp trong hiệp thông, được rèn luyện trong hợp nhất vốn không phải là độc dạng; nó là hòa hợp vì Chúa Thánh Thần là hòa hợp. Nếu chúng ta đã lãnh nhận được Thần Khí, thì ơn gọi Giáo Hội của chúng ta trước hết là giữ gìn sự hợp nhất và cùng nhau vun đắp - hay như Thánh Phaolô nói - “duy trì sự hợp nhất của Thần Khí trong mối dây liên kết hòa bình. Chỉ có một thân thể và một Thần Khí, giống như anh em đã được kêu gọi tới một niềm hy vọng ”(Ep 4:3-4).

Trong chứng từ của cô, Chris nói rằng khi cô còn rất trẻ, điều khiến cô thích thú về Giáo Hội Công Giáo là “lòng sùng kính chung của tất cả các tín hữu”, hoàn toàn không phân biệt màu da, nước xuất thân và ngôn ngữ của họ: mọi người nhóm họp như một gia đình duy nhất, ca hát ngợi khen Chúa. Đó là thế mạnh của cộng đồng Kitô hữu; đó là chứng từ đầu tiên chúng ta có thể cung cấp cho thế giới. Chúng ta hãy tìm cách trở thành người bảo vệ và xây dựng sự hợp nhất! Để trở nên đáng tin khi đối thoại với người khác, chúng ta hãy sống trong tình huynh đệ với nhau. Chúng ta hãy làm như vậy trong cộng đồng của mình, đánh giá cao các đặc sủng của mỗi người mà không làm nhục bất cứ ai. Chúng ta hãy làm như vậy trong các nhà tu trì của chúng ta, như những dấu hiệu sống của sự hòa hợp và hòa bình. Chúng ta hãy làm như vậy trong gia đình của chúng ta, để mối dây tình yêu bí tích được nhìn thấy hàng ngày trong phục vụ và tha thứ. Chúng ta hãy làm như vậy trong các xã hội đa tôn giáo và đa văn hóa, trong đó chúng ta tự trở thành những người cổ vũ đối thoại không mệt mỏi và dệt nên mối tương giao với anh chị em của chúng ta thuộc các tín ngưỡng và tuyên tín khác. Tôi biết rằng anh chị em đã nêu một điển hình tốt về việc bước đi trên nẻo đường này, nhưng tình huynh đệ và sự hiệp thông là những ơn phúc mà chúng ta không bao giờ nên ngưng nài xin Chúa Thánh Thần. Bằng cách này, chúng ta có thể đẩy lui kẻ thù luôn gieo rắc cỏ dại.

Cuối cùng, Chúa Thánh Thần là một nguồn suối nói tiên tri. Như chúng ta biết, lịch sử cứu độ đầy dẫy những tiên tri được Thiên Chúa kêu gọi, thánh hiến và sai đến giữa dân chúng để lên tiếng nhân danh Người. Các tiên tri nhận được ánh sáng bên trong từ Chúa Thánh Thần, giúp họ trở thành những nhà giải thích thực tại cách chu đáo, có khả năng tri nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dòng lịch sử thường mờ mịt, và làm cho dân chúng biết điều đó. Lời của các tiên tri thường có tính nghiêm khắc: họ gọi đích danh những mưu kế xấu xa ẩn nấp trong lòng dân chúng; họ nghi vấn những chắc mẩm giả tạo của con người và tôn giáo, và họ mời gọi mọi người hoán cải.

Chúng ta cũng có ơn gọi tiên tri đó. Tất cả những ai chịu phép rửa đều đã nhận được Chúa Thánh Thần và vì thế tất cả đều trở thành tiên tri. Trong tư cách này, chúng ta không thể giả vờ như không nhìn thấy những công việc của kẻ ác, để sống một "cuộc sống yên tĩnh" và không làm bẩn bàn tay của chúng ta. Dù sớm hay muộn, Kitô hữu cũng phải làm bẩn bàn tay của mình để sống đời sống Kitô hữu và làm chứng. Trái lại, chúng ta nhận được Thần Khí tiên tri để loan báo Tin Mừng bằng chứng tá sống động của chúng ta. Về phương diện này, Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Hãy khao khát những ơn phúc thiêng liêng, nhất là ơn nói tiên tri” (1Cr 14, 1). Nói tiên tri làm cho chúng ta có khả năng áp dụng các Mối Phúc trong các tình huống hàng ngày, xây dựng một cách hiền lành nhưng kiên quyết vương quốc của Thiên Chúa, trong đó tình yêu thương, công lý và hòa bình chống lại mọi hình thức ích kỷ, bạo lực và biến thái. Tôi biết ơn vì Sơ Rose đã nói về thừa tác vụ thực hiện cho những người đang ở trong tù, và điều này thật cao thượng! Đây là điều mà chúng ta nên biết ơn. Nói tiên tri nhằm xây dựng và an ủi những tù nhân này là việc chúng ta chia sẻ thời gian với họ, mở lời Chúa và cầu nguyện với họ. Đó là việc chúng ta biểu lộ quan tâm đối với họ, vì ở đâu có anh chị em đang cần giúp đỡ, như những người ở trong tù, ở đó cũng có Chúa Giêsu, chính Người đau khổ trong tất cả những người đau khổ (x. Mt 25:40). Anh chị em có biết tôi nghĩ gì khi vào một nhà tù không? "Tại sao lại là họ mà không phải là tôi?" Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa. Chăm sóc tù nhân là một điều tốt cho tất cả mọi người, trong tư cách một cộng đồng con người, vì cách trong đó những “người thấp bé nhất” này được đối xử là thước đo phẩm giá và niềm hy vọng của một xã hội.

Anh chị em thân mến, trong suốt những tháng này, chúng ta đã cầu nguyện rất nhiều cho hòa bình. Trong bối cảnh đó, thỏa thuận đã được ký kết và liên quan đến tình hình ở Ethiopia nói lên niềm hy vọng. Tôi khuyến khích mọi người ủng hộ cam kết này cho một nền hòa bình lâu dài, để với sự trợ giúp của Thiên Chúa, những người có liên hệ có thể tiếp tục hành trình trên con đường đối thoại và dân chúng có thể sớm tìm lại được một cuộc sống bình yên và xứng đáng. Và tôi cũng không quên cầu nguyện, và nói với anh chị em cầu nguyện, cho Ukraine đang bị tra tấn, cho cuộc chiến đó mau kết thúc.

Bây giờ, anh chị em thân mến, chúng ta đã đến lúc kết thúc. Tôi muốn nói “cảm ơn” vì những ngày sống với nhau này, và hãy nhớ: niềm vui, sự hợp nhất và nói tiên tri - hãy nhớ những điều này! Với trái tim đầy biết ơn, tôi chúc phúc cho tất cả anh chị em, đặc biệt những người đã làm việc để chuẩn bị cho cuộc hành trình này. Vì đây là những lời công khai cuối cùng của tôi, tôi cảm ơn Nhà vua và các cơ quan chức năng của đất nước này, cũng như Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ở đây với chúng ta, vì sự hiếu khách tinh tế của họ. Tôi khuyến khích anh chị em kiên trì trong cuộc hành trình thiêng liêng và giáo hội của anh chị em một cách kiên định và vui vẻ. Giờ đây, chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, người mà tôi vui mừng tôn kính là Đức Mẹ Ả Rập. Xin Mẹ giúp chúng ta luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, gìn giữ chúng ta luôn vui tươi, hợp nhất trong tình âu yếm và yêu thương. Tôi trông đợi nơi anh chị em: đừng quên cầu nguyện cho tôi.