Trên Denver Catholic (https://denvercatholic.org/why-vatican-ii-was-necessary), George Weigel đặt câu hỏi: Tại sao Vatican II lại cần thiết" và sau đó, ông trình bầy khá nhiều lý do nhưng lý do chính vẫn là sự thánh thiện lấy Chúa Kitô làm tâm điểm để hoán cải thế giới.



Viết cuốn sách mới của tôi, To Sanctify the World: The Vital Legacy of Vatican II (Basic Books), mang lại cho tôi cơ hội đáng hoan nghênh để tìm hiểu 16 bản văn của Công đồng và nhiều bài bình luận hay về chúng. Nó cũng giúp tôi suy gẫm tại sao Công đồng lại cần thiết. Câu hỏi đó ngày nay thường được đặt ra bởi những người Công Giáo trẻ tuổi, những người vì bất an bởi không khí hỗn loạn quá mức của Giáo hội trong thập niên qua và nói chung là thiếu thông tin về Giáo hội trước Công đồng, đã tưởng tượng rằng mọi thứ trong đạo Công Giáo đều làm cho người ta hết sức hài lòng cho đến khi Đức Gioan XXIII mắc sai lầm chết người là triệu tập một công đồng chung. Tuy nhiên, đó không phải là quan điểm của một số nhà lãnh đạo Công Giáo khá chính thống trong thập niên trước Công đồng Vatican II.

Đức Cha Giuseppe De Luca là một giáo phẩm có uy tín, người đã soạn thảo sắc lệnh của Văn phòng Tòa thánh về việc xếp các cuốn sách của André Gide đoạt giải Nobel năm 1947 vào Danh mục Sách Cấm. Tuy nhiên, vào năm 1953, ngài nhận thấy bầu không khí trong Văn phòng Thánh, cơ quan Tối Cao (Suprema) giữa các văn phòng giáo triều, không thể chịu đựng được. Vì vậy, ngài đã trút sự bực bội của mình cho Đức Cha Giovanni Battista Montini (Đức Giáo Hoàng tương lai Phaolô VI) dùng những thuật ngữ không hề vô nghĩa này: “Trong bầu không khí ngột ngạt của sự ngu đần giả dối và kiêu căng này, có lẽ một tiếng la hét - hỗn loạn nhưng có tính Kitô giáo - sẽ có đôi chút ích lợi nào đó”.

Sau đó là nhà thần học thông thái người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar. Năm 1952, ngài xuất bản một cuốn sách nhỏ bằng tiếng Đức, Razing the Bastions: On the Church in This Age, trong đó ngài tỏ ý lo lắng rằng truyền thống Công Giáo vĩ đại đã hóa đá và “trượt ra khỏi trung tâm sống thánh thiện của [Giáo hội].” Balthasar lập luận rằng “chiến dịch cứu vãn vĩ đại” của Phong trào Phản Cải Cách là điều cần thiết, nhưng nó đã qua đi, và Giáo hội phải thoát ra khỏi vòng vây phòng thủ của mình và tiếp tục cung cấp cho nhân loại chân lý của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.

Trong những năm ngay sau Công đồng, Joseph Ratzinger (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tương lai), một trong ba nhà thần học có ảnh hưởng nhất tại Vatican II, biết rằng sự tiếp nhận của Công đồng là không hoàn hảo và việc thực hiện nó thậm chí còn thiếu hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, ngài xác định thêm các lý do tại sao Công đồng Vatican II lại cần thiết và tại sao giáo huấn của Công đồng này lại cần thiết cho bước tiến của Giáo hội từ nay về sau:

“[Công Đồng] đưa trở lại Giáo hội toàn bộ một học thuyết về quyền tối cao của [Đức Giáo Hoàng] vốn bị cô lập một cách nguy hiểm; nó hội nhập vào mầu nhiệm duy nhất của Thân thể Chúa Kitô, một quan niệm quá bị tách biệt về phẩm trật; nó khôi phục lại sự thống nhất có trật tự của đức tin một Thánh mẫu học biệt lập; nó đã đem lại cho lời Kinh thánh giá trị đầy đủ của nó; nó làm cho phụng vụ một lần nữa dễ tiếp cận hơn; và, ngoài ra, nó đã thực hiện một bước tiến can đảm hướng tới sự hợp nhất của tất cả các Kitô hữu".

Vì vậy, Công đồng đã có nhiều thành tựu thần học và tín lý cho tính khả tín của nó. Những điều này rất quan trọng để khơi lại đức tin triệt để, lấy Chúa Kitô làm trung tâm, vốn sẽ là nguồn gốc của một sứ mệnh Công Giáo hồi sinh để hoán cải thế giới hiện đại. Tương tự, việc Công đồng từ chối chủ nghĩa đắc thắng của Công Giáo tự nó là điều tốt và cần thiết cho sứ mệnh của nó: “Công đồng vừa cần thiết vừa tốt đẹp để chấm dứt những hình thức sai lầm về việc Giáo hội tự tôn vinh mình trên thế gian, và loại bỏ sự biện minh sai lầm về mình, bằng cách dẹp bỏ xu hướng cưỡng bách trong việc bảo vệ lịch sử quá khứ của mình".

Tuy nhiên, sau khi thực hiện điều đó, Ratzinger tin rằng việc tự đánh mình một cách liên tục, ám ảnh, sẽ gây ra một trở ngại khác trên con đường truyền giảng Tin Mừng và truyền giáo. Mở khóa hứa hẹn của Công đồng Vaticanô II có nghĩa là làm mới lại đức tin của chúng ta vào lời cam kết của Chúa “luôn ở cùng anh em” (Mt 28:20). Vì vậy, vị giáo hoàng tương lai kết luận, “đã đến lúc… đánh thức lại niềm vui của chúng ta trong thực tại của một cộng đồng đức tin không bị gián đoạn vào Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải khám phá lại tia sáng đó vốn là lịch sử của các thánh và của cái đẹp - một lịch sử trong đó niềm vui Tin Mừng đã được thể hiện một cách không thể chối cãi trong suốt nhiều thế kỷ.”

Việc đề cập đến “các thánh và cái đẹp” giúp chúng ta hiểu một lý do khác tại sao Công đồng Vatican II lại cần thiết. Việc công bố và nền hộ giáo trước Công đồng của Giáo hội rất mạnh về luận lý. Nhưng một thế giới trở nên phi tôn giáo - không phải ngoại giáo, vì chủ nghĩa ngoại giáo có ý thức về việc bao hàm thế giới này vào một thực tại lớn hơn, nhưng phi tôn giáo, không nghe lời đồn đại về các thiên thần – trong căn bản, sẽ không chịu hoán cải bằng các chứng minh hợp luận lý. Nó sẽ chịu hoán cải bởi sự thánh thiện, tỏ hiện trong cuộc sống của những người đã trở thành bạn của Chúa Giêsu Kitô và tham gia vào chính nghĩa của Người. Nó sẽ chịu hoán cải bởi một Giáo Hội biết cung cấp nhiều vẻ đẹp hơn là thế giới có thể tạo ra.

Nơi mà Đạo Công Giáo sống động ngày nay, và Công đồng Vatican II được đón nhận và thực hiện một cách tốt đẹp, đó là vì các Giáo hội địa phương đã coi sự thánh thiện và vẻ đẹp như những con đường truyền giảng Tin Mừng và dạy Giáo lý hướng tới một tương lai lấy Chúa Kitô làm trung tâm.