Ngày 11 tháng 10 vừa qua kỷ niệm năm thứ 60 ngày Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII khai mạc Công Đồng Vatican II với niềm xác tín rằng “dưới ánh sáng Công Đồng này” Giáo Hội sẽ nhận được những của cải thiêng liêng “để đối diện với tương lai không chút sợ hãi”.

Để đánh dấu biến cố trọng đại này, Đức Phanxicô đã chủ tọa Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Trong bài giảng lễ, ngài khuyến khích tín hữu gạt qua một bên chỉ trích, giận dữ, để sống đức tin một cách hân hoan. Vì theo ngài, “một Giáo Hội yêu thương Chúa Giêsu không có thì giờ nào để cãi cọ, tán dóc và tranh luận”. Ngài khuyên tín hữu quay về với “các nguồn yêu thương tinh tuyền của Công Đồng”, đừng để mình rơi vào chia rẽ, phân cực, vì làm thế là “xé nát trái tim Mẹ Giáo Hội”. Đừng để mình rơi vào nhóm này nhóm nọ hơn là phục vụ mọi người. Ngài lên tiếng đả kích “cấp tiến bảo thủ hơn là anh chị em, tả hữu thay vì Chúa Giêsu; ta đây như ‘những người bảo vệ chân lý’ hay ‘độc mã của sự mới mẻ’ hơn là thừa nhận mình như con cái khiêm hạ và thọ ơn Mẹ Thánh Giáo Hội”. Ngài nhận định rằng luôn có cơn cám dỗ khởi đi từ chính mình và nghị trình của mình thay vì từ Thiên Chúa và Tin Mừng của Người. Ngài nói: “Hãy cẩn thận: cả cấp tiến chuyên xếp hàng theo thế gian lẫn bảo thủ chuyên tiếc nuối thế giới đã qua hẳn đều bất trung. Ta hãy tái khám phá Công Đồng hòng tái lập quyền tối thượng cho Thiên Chúa, cho điều chủ yếu: cho Giáo Hội say mê yêu thương Chúa Kitô và tất cả những ai được Người yêu mến; cho một Giáo Hội giầu Chúa Giêsu và nghèo tài sản; cho một Giáo Hội tự do và đem lại tự do. Đó là nẻo đường mà Công Đồng đã chỉ cho Giáo Hội”.



Nhân dịp này, tạp chí National Catholic Register có một loạt bài của nhiều tác giả viết về biến cố vĩ đại nhất của Giáo Hội Công Giáo thế kỷ 20. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các bài viết này. Trước nhất là bài nhận định của Đức Hồng Y George Pell, tựa là “ ‘Gaudium et spes’ và Con đường Đồng nghị của Đức: Các Suy nghĩ về Giáo Hội trong Thê giới Hiện đại”

Tựa đề Latinh của hiến chế mục vụ của Công đồng Vatican II về Giáo hội trong thế giới hiện đại, Gaudium et Spes (Niềm vui và Hy vọng), không gây hiểu lầm, khi nó mang ý nghĩa vui tươi và hy vọng, không mưu tìm xung đột hay đối đầu, hoàn toàn tránh việc sử dụng bất cứ hình thức vạ tuyệt thông nào. Nó được mô tả như một hiến chế mục vụ và là một điều mới lạ trong lịch sử công đồng. Tôi không chắc sẽ bao giờ nó được cố gắng một lần nữa bởi một công đồng đầy đủ, bất kể nó có thể diễn ra với hơn 5,000 giám mục.

Mặc dù, về lý thuyết, dựa trên các văn kiện công đồng về Giáo hội, Lumen Gentium, và Mạc khải, Dei Verbum, nhưng hiến chế này chủ yếu không mang tính chất tín lý, nhưng đặt ra một chủ nghĩa nhân bản qui Kitô một cách mạnh mẽ, các hướng dẫn về việc cộng đồng Công Giáo nên liên hệ với thế giới hiện đại ra sao, trong sự đa dạng đến ngỡ ngàng của nó. Nó là một điều vừa bình luận, vừa huấn giáo và có thể được mô tả như có tính xã hội học hoặc khôn ngoan, chứ không hẳn tín điều.

Người ta có thể hiểu Công đồng đã làm gì và cần phải làm gì. Có niên đại từ Công đồng Elvira vào năm 306, khi những người phạm tội bị tách ra khỏi toàn bộ các tín hữu, Giáo hội đã bảo vệ đức tin và cổ vũ ích chung qua việc ban hành các vạ tuyệt thông và các biện pháp tương tự khác, chẳng hạn như “Danh mục Sách Cấm” được công bố lần đầu vào năm 1557. Những nỗ lực của giáo hội này thường được hỗ trợ bởi sự liên minh giữa bàn thờ và ngai vàng, được bắt đầu bởi Constantine ở thế kỷ thứ tư, và bắt đầu lại ở Đế quốc Thần thánh Rôma và Đức với việc phong vương cho Charlemagne ở Nhà thờ Thánh Phêrô năm 800 sau Công nguyên.

Nhưng các động lực bắt đầu thay đổi vào đầu thời kỳ hiện đại. Phong trào Cải cách lần đầu tiên phân chia Kitô giáo (Phương Tây), trong khi công thức Augsburg về Hòa bình ở Westphalia vào năm 1648, cuius regio, eius religio [vua nào, tôn giáo nấy], chính thức công nhận rằng mỗi nước sẽ theo Công Giáo hoặc Thệ phản. Cách mạng Pháp đã tạo ra khả thể thực sự này: một số nước ở châu Âu thậm chí có thể tích cực thù địch với đức tin Kitô giáo. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, đặc biệt trong thông điệp Rerum Novarum năm 1891, đã bắt đầu diễn trình trong đó, ngôi vị giáo hoàng hòa hoãn với nền dân chủ kỹ nghệ, vốn đã được nâng cao hơn nữa trong thế giới nói tiếng Anh, không bị cản trở bởi những ký ức về một liên minh Công Giáo giữa ngai vàng và bàn thờ. Đối với những người Công Giáo ở những nơi đó, vương miện đã là một kẻ bách hại.

Với tư cách là đại diện của Đức Giáo Hoàng tại Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp thời hậu Thế chiến II, Đức Tổng Giám Mục Angelo Giuseppe Roncalli, Đức Gioan XXIII trong tương lai, nhận thấy “chế độ cổ đại” đã vĩnh viễn ra đi, và Gaudium et Spes đã phản ảnh điều này. Mặc dù chưa đầy 20 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai đầy khủng khiếp, hiến chế mục vụ đã phản ảnh sự lạc quan về một Tây Âu được tái thiết, được tập hợp lại với nhau bởi các chính khách Kitô giáo, chẳng hạn như Alcide de Gasperi, Konrad Adenauer và Robert Schuman, được bảo vệ bởi sức mạnh quân sự Mỹ và lấy lại sự thịnh vượng của nó.

Phần đầu tiên của hiến chế có tính thần học, đề cập đến phẩm giá của con người, cộng đồng nhân loại và hoạt động của con người trong vũ trụ. Chúng ta tìm thấy các phần hữu ích về lương tâm và tự do, công ích, tầm quan trọng của việc dung hòa giữa khoa học và tôn giáo, những điều tốt đẹp mà Giáo hội cung cấp và nhận được từ thế giới, và phần Teilhard nói về Chúa Kitô như là Alpha và Omega.

Một phần dài về chủ nghĩa vô thần là phần duy nhất đề cập đến chủ nghĩa cộng sản trong các văn kiện của Công đồng, mặc dù Liên Xô không được nêu tên; thay vào đó, tài liệu không tán thành việc một số người vô thần “tấn công tôn giáo một cách thô bạo” và nhồi sọ giới trẻ trong trường học của họ khi họ đạt được sự kiểm soát chính trị (GS, 20). Quan điểm chung cho rằng sự im lặng của Công đồng đối với chủ nghĩa cộng sản, không lên án nó, là một cái giá thỏa thuận để mua sự hiện diện của các giám mục tại châu Âu cộng sản và sự hiện diện của các quan sát viên từ Giáo hội Chính thống Nga. Ít nhất việc đầu trong hai việc này đã mang lại những phước lành quan trọng.

Nhưng sự im lặng đối với chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa đang tích cực đàn áp các Kitô hữu khắp Đông Âu, Nga và Trung Quốc đã làm thiên lệch quan điểm của Công đồng. Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, vốn là trọng tâm của Tin Mừng được phản ảnh trong việc giết hại Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, sự đe dọa và mưu đồ liên tục của Kẻ Ác, cuộc đấu tranh giữa Ánh sáng và bóng tối (Ga 1: 4-5) và lòng căm thù của thế giới đối với Chúa Kitô và những người theo Người (được viết rõ hơn trong Phúc âm Gioan, 15: 18-19) - chiều kích này phần nào thiếu vắng, đặc biệt là trong văn kiện này. Sự xung đột giữa hai tiêu chuẩn trong Linh thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola bị tắt tiếng ở đây.

Khi mối đe dọa của cái ác không được nói rõ hoặc được cho là bị đánh giá thấp, chúng ta càng gặp bất lợi trong cuộc đấu tranh “để biện phân các dấu chỉ của thời đại”, một chủ đề từ Gaudium et Spes thường bị tách ra khỏi bối cảnh thần học sâu sắc hơn của nó, đóng vai trò như một lý do làm cho sự thật của Kitô giáo phù hợp với các giới luật sai lầm của thời đại chúng ta hiện nay. Bắt tay với thời hiện đại là một sự khởi đầu, nhưng các dấu hiệu thường là xấu xa, chứ không phải là bằng chứng sự quan phòng của Thiên Chúa. Không thể tách rời lời nhắc nhở của Gaudium et Spes về nhiệm vụ của chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng những dấu hiệu này khỏi sự nhấn mạnh cho rằng điều này chỉ có thể diễn ra “dưới ánh sáng của Tin Mừng” (GS, 4). Nhiệm vụ khó khăn hơn nhưng cực kỳ quan trọng là nhận biết sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần và sau đó cầu nguyện cho sự khôn ngoan để xây dựng một cách tích cực trong bối cảnh rối ren.

Phần thứ hai kết thúc văn kiện với những luận bàn về hôn nhân và gia đình, sự phát triển đúng đắn nền văn hóa, đời sống kinh tế và xã hội, cộng đồng chính trị, cổ vũ hòa bình và việc thiết lập cộng đồng các quốc gia. Có một phần nói về chiến tranh, khả thể xảy ra chiến tranh hạt nhân và chạy đua vũ trang. Tất cả những điều này đều là những đóng góp có phẩm chất cao vào cuộc đối thoại giữa những người thiện chí, nhưng theo suy nghĩ của tôi, đã đánh giá quá cao năng lực của chúng ta trong việc tham gia như những người bình đẳng với các thế lực thù địch mạnh hơn xung quanh chúng ta, hiện diện trong mọi xã hội và chắc chắn ở phương Tây đương thời. Chúng không đưa ra một sự chuẩn bị lý tưởng nào cho các cuộc chiến tranh văn hóa, vốn đã chứng kiến sự phá hủy các cơ sở pháp lý Do thái – Kitô giáo về hôn nhân, sự sống và gia đình ở nhiều quốc gia. Humanae Vitae năm 1968 của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI mang tính tiên tri hơn, với những hiểu biết chính xác hơn về những gì đang chờ đợi ta ở phía trước. Sứ mệnh và đấu tranh quan trọng hơn đối thoại, nhưng mỗi thứ đều có thời gian và địa điểm thích hợp.

Tôi nghĩ rằng Hans Urs von Balthasar, vào năm 1952, đã khá sai lầm khi coi việc phá hủy các pháo đài của đạo Công Giáo - những cấu trúc và khuôn mẫu thứ yếu mà Giáo hội đã xây dựng trong suốt nhiều thời đại - là một nhiệm vụ đã trễ hạn từ lâu. Một số pháo đài, có lẽ khá nhiều, đã biến mất vĩnh viễn, nhưng chúng ta cần mọi sự hỗ trợ xã hội học mà chúng ta có thể tìm thấy hoặc xây dựng. Những đóng góp của Trump, hoặc Orban, của Fratelli d'Italia không thể bị bác bỏ, dù nhỏ nhoi bao nhiêu, cũng như một số người trong chúng ta vẫn biết ơn Constantine và Charles V. Không phải là tội trọng khi mơ về một Constantine Trung Quốc hoặc dung thứ trạng thái của người Anh giáo ở Anh.

21 công đồng trong lịch sử Công Giáo là những điển hình về việc Chúa Thánh Thần đang hoạt động, về sự Quan phòng của Thiên Chúa, bất chấp và thông qua những bất cập của chúng cũng như qua những lợi ích rõ ràng mà chúng tạo ra. Nhưng chúng không được tổ chức quá thường xuyên. Các thượng hội đồng cũng không nên trở thành quá thường xuyên, trở thành một đối thủ cạnh tranh bằng cầu nguyện, thờ phượng và phục vụ. Và lịch sử nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận, không xây dựng những kỳ vọng sai lầm, không buông thả những sức mạnh vượt khỏi quyền kiểm soát của chúng ta.

Tiến trình đồng nghị đã bắt đầu một cách thảm hại ở Đức, và vấn đề chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn trừ khi chúng ta sớm có những sửa chữa hữu hiệu của Đức Giáo Hoàng về đạo đức tình dục, nữ linh mục, v.v. Chúng ta không thấy các tiền lệ trong lịch sử Công Giáo về việc tham gia tích cực của những người cựu Công Giáo và những người chống Công Giáo trong những cơ quan như vậy. Chỉ có các Nghị phụ Công đồng, gần như hoàn toàn là các giám mục, mới có thể bỏ phiếu tại Công đồng Vatican II, và các quan sát viên đều là các Kitô hữu. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tôn trọng thẩm quyền và tính độc lập của các Nghị Phụ Công Đồng, hiếm khi can thiệp khi họ làm việc vất vả để soạn thảo các văn kiện, thiết lập sự đồng thuận, trong khi vẫn hoàn toàn tôn trọng huấn quyền và Truyền thống. Bất chấp mọi quan tâm và tính bác học này, và phần lớn vì những lý do nằm ngoài sự kiểm soát của Giáo hội, câu chuyện hậu công đồng không phải là một trong những thành công vẻ vang.

Mọi Thượng hội đồng phải là một Thượng hội đồng Công Giáo, bị ràng buộc bởi Truyền thống tông đồ, cũng như các Công đồng bị ràng buộc như vậy. Để các lạc giáo nghiêm trọng tiếp tục không bị xáo trộn là phá hoại và làm tổn hại đến sự hợp nhất của Giáo hội Duy nhất, Chân thật, và một lần nữa, không phù hợp với lời kêu gọi của Gaudium et Spes về việc bắt tay với thế giới hiện đại trong “ánh sáng của Tin Mừng”, nhưng ngược lại với nó. Không thể có tính đa nguyên trong các tín lý quan trọng về đức tin hoặc luân lý. Sự hợp nhất của chúng ta không giống như một liên minh Anh giáo lỏng lẻo hay của nhiều Giáo hội Chính thống quốc gia.

Một số người Công Giáo Đức trung thành đang lên tiếng, không phải theo cách đồng nghị mà là theo cách tự sát. Chúng ta phải làm việc và cầu nguyện để không có thảm họa nào như vậy xảy ra ở bất cứ nơi nào trong Giáo hội trong thế giới hiện đại. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã rất công bằng và công tâm và đã hướng dẫn Công đồng rất tốt, tạo ra một mô hình tốt và đáng khích lệ; nhưng thời kỳ sau đó là một lời cảnh báo về những thế lực thù địch hùng mạnh đang bao vây chúng ta.